5 tháng Biden đưa Mỹ trở lại vị thế ‘anh cả’ toàn cầu
Chuyên gia nhận định cam kết đưa Mỹ trở lại của Biden không phải là lời nói suông, khi thiện cảm dành cho Washington tăng vọt trong gần nửa năm qua.
“Mỹ đang trở lại vai trò lãnh đạo thế giới cùng với những quốc gia chia sẻ những lợi ích sâu sắc nhất với chúng tôi”, Tổng thống Joe Biden nói tại buổi họp báo kết thúc hội nghị thượng đỉnh G7 hôm 13/6. “Tôi nghĩ chúng tôi đã đạt được một số thành tựu trong việc lấy lại sự tín nhiệm từ những người bạn thân thiết nhất với Mỹ”.
Biden có cơ sở để nói về những thành tích Mỹ đạt được trên con đường trở lại vai trò “anh cả” thế giới. Kết quả thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố hôm 10/6 cho thấy niềm tin của các nước đối với Tổng thống Mỹ đã tăng vọt dưới thời Biden, từ mức thấp kỷ lục trong nhiệm kỳ của cựu tổng thống Donald Trump.
Trong số 12 quốc gia được khảo sát ở châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ năm 2020 và 2021, trung bình 75% người được hỏi bày tỏ tin tưởng Biden “làm điều đúng đắn trong các vấn đề quốc tế”, cao hơn 4 lần so với tỷ lệ 17% dành cho Trump vào năm ngoái. 62% người tham gia cũng cho biết họ có thiện cảm với Mỹ hiện tại, trong khi vào cuối nhiệm kỳ Trump, con số này là 34%.
“Cuộc thăm dò ý kiến mới nhất của Pew cho thấy hình ảnh của Mỹ đã được cải thiện nhiều trong 5 tháng đầu tiên của chính quyền Biden, so với toàn bộ nhiệm kỳ của chính quyền Trump”, Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao của trung tâm nghiên cứu chính sách toàn cầu RAND Corporation của Mỹ, chia sẻ với VnExpress .
Grossman thêm rằng dù khảo sát không nhất thiết phản ánh quan điểm của toàn thế giới về Mỹ, nó vẫn là “điều đáng khích lệ” về sự thay đổi của hình ảnh của Washington trong mắt bạn bè quốc tế.
Video đang HOT
Tổng thống Joe Biden (giữa) và các lãnh đạo G7 tại Cornwall, Anh hôm 11/6. Ảnh: Bloomberg.
Khảo sát của Pew được công bố ngay khi Biden đặt chân tới Anh trong khuôn khổ chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Biden đã gặp lãnh đạo nhóm G7 ở Cornwall, sau đó dự hội nghị thượng đỉnh NATO và hội đàm với lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, trước khi gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chuyến thăm của Biden được cho là đã để lại nhiều ấn tượng với những người ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương.
Charles R Hankla, phó giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học bang Georgia ở Atlanta, nói với VnExpress rằng Tổng thống Biden đã gửi thông điệp tới các nước khác, đặc biệt là tại hội nghị G7 gần đây, cho thấy Mỹ một lần nữa “sẵn sàng tham gia cùng và lãnh đạo thế giới”.
“Hầu hết đồng minh của Mỹ đều rất hài lòng với thông điệp này, vì cách tiếp cận gay gắt của Trump trước đây đã gây ra nhiều bất ổn trong chính trị quốc tế”, ông Hankla nói.
Alexandra de Hoop Scheffer, người đứng đầu Quỹ Marshall Đức ở Paris và là cựu cố vấn ngoại giao Pháp về Mỹ, cho rằng lời tuyên bố “Mỹ trở lại” của Tổng thống Biden thực sự có ý nghĩa đối với châu Âu nói riêng và thế giới nói chung.
Không chỉ nỗ lực cải thiện các mối quan hệ với đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương, ông chủ Nhà Trắng còn cố gắng thể hiện vai trò của Mỹ trong cuộc chiến với đại dịch toàn cầu. Cuối tháng 4, Nhà Trắng thông báo chia sẻ 60 triệu liều vaccine AstraZeneca cho các nước. Chưa đầy một tháng sau, ngày 17/5, Washington tuyên bố tặng thêm 20 triệu liều Moderna, Pfizer và Johnson & Johnson, ba loại được cấp phép sử dụng ở Mỹ.
Ngày 10/6, Tổng thống Biden cho biết Mỹ sẽ tặng thêm 500 triệu liều vaccine Pfizer cho gần 100 quốc gia có thu nhập thấp. Ông nói kế hoạch mới được xem như “bước đi mang tính chất lịch sử” để chung tay với thế giới đẩy lùi đại dịch Covid-19. Cho đến nay, đây là cũng là số lượng vaccine lớn nhất mà một quốc gia chia sẻ cho thế giới.
“Đất nước chúng tôi sẽ trở thành kho vaccine cho phần còn lại của thế giới”, Biden nói tháng trước.
Giới chuyên gia nhận định những động thái của chính quyền Biden cho thấy Washington nghiêm túc với những cam kết trở lại trung tâm sân khấu quốc tế.
Bên cạnh những nỗ lực cải thiện mối quan hệ với quốc tế, một trong những điều được cho giúp lấy lại niềm tin của thế giới với Mỹ là chính quyền Biden đã kiểm soát tốt đại dịch và tiêm chủng thành công trong nước.
Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 34 triệu ca nhiễm và hơn 600.000 ca tử vong kể từ khi dịch bùng phát. Tuy nhiên, tình hình dịch ở Mỹ đã được cải thiện rất nhiều, từ mức kỷ lục hơn 250.000 ca nhiễm mới, số ca nhiễm trung bình 7 ngày qua chỉ hơn 12.000. Số ca tử vong trung bình cũng ở mức 312, thấp hơn nhiều với đỉnh điểm hơn 3.000 trường hợp hồi tháng 1.
Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng của Mỹ ngày một cao. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho biết 13 bang Mỹ đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 50% dân số, 14 bang đạt mục tiêu tiêm ít nhất một mũi cho 70% người trưởng thành. 44,1% dân số Mỹ (khoảng 146,5 triệu người) đã hoàn thành chương trình tiêm chủng, theo CNN .
“Cho đến nay, Biden ít nhất có thể nói rằng đại dịch ở Mỹ đang giảm dưới sự giám sát của ông và đây là một trong những thành tựu quan trọng”, nhà phân tích Grossman nói.
Tuy nhiên, giới quan sát đều đồng tình rằng con đường đưa Mỹ trở lại của chính quyền Biden còn rất nhiều thách thức ở phía trước, như phục hồi kinh tế sau đại dịch, chống biến đổi khí hậu và đặc biệt là mối quan hệ cạnh tranh với Trung Quốc. Mối quan hệ Mỹ – Trung gần đây tiếp tục căng thẳng về hàng loạt vấn đề, từ điều tra nguồn gốc Covid-19, Hong Kong, Biển Đông, hay Tân Cương.
“Những gì Washington làm trong những năm tới sẽ tác động đáng kể đến việc liệu Mỹ có thể vượt mặt Trung Quốc trong cạnh tranh hay không. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy tình bế tắc mang tính đảng phái ở Washington sẽ khiến Mỹ khó thành công trong mục tiêu này”, Grossman nhận định.
Phó giáo sư Hankla tin rằng Biden đang đạt được nhiều thành công sau gần nửa năm nắm quyền, nhưng Mỹ chưa thể nhanh chóng lấy lại được vị thế như trước. “Sẽ mất thêm một thời gian để thế giới cảm thấy tin tưởng trở lại vào sự ổn định và vai trò lãnh đạo của Mỹ”, ông nói.
Hội nghị thượng đỉnh G7: Khởi động kế hoạch 'Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn'
Trong ngày làm việc thứ hai tại Cornwall (Anh) 12/6, các nhà lãnh đạo Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã ủng hộ kế hoạch toàn cầu mới xây dựng cơ sở hạ tầng ở các quốc gia nghèo hơn, cung cấp quan hệ đối tác "định hướng giá trị, tiêu chuẩn cao và minh bạch".
Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở vịnh Carbis, Cornwall, Anh ngày 11/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Thông báo của Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các nhà lãnh đạo G7 khác đã nhất trí khởi động kế hoạch "Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn" (B3W), đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng to lớn ở các nước thu nhập thấp và trung bình.
Nhà Trắng nêu rõ lãnh đạo các nước G7 đã thảo luận về cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và ước tính rằng các nước đang phát triển cần hơn 40.000 tỷ USD để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng vốn càng trở nên cấp bách hơn do đại dịch COVID-19.
G7 và các đối tác khác sẽ phối hợp huy động vốn của khu vực tư nhân để đầu tư vào các lĩnh vực khí hậu, y tế và an ninh y tế, công nghệ kỹ thuật số, công bằng và bình đẳng giới. Trong những năm tới, B3W sẽ huy động hàng trăm tỷ USD cho đầu tư cơ sở hạ tầng tại các nước thu nhập thấp và trung bình. Các dự án được ưu tiên liên quan tới lĩnh vực môi trường và khí hậu, bảo vệ người lao động, minh bạch và chống tham nhũng.
Thông báo nêu rõ B3W sẽ có phạm vi toàn cầu, từ châu Mỹ Latinh và Caribe đến châu Phi tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các đối tác G7 khác nhau sẽ có các định hướng địa lý khác nhau, nhưng tổng thể của sáng kiến sẽ bao gồm các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trên toàn thế giới.
Cảnh hỗn loạn tại hội nghị thượng đỉnh Biden - Putin Khoảnh khắc mở đầu hội nghị thượng đỉnh Biden - Putin ở Geneva trở nên hỗn loạn khi phóng viên và nhân viên an ninh Nga xô xát trong phòng. Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin chuẩn bị hội đàm thượng đỉnh đầu tiên tại biệt thự Villa la Grange hôm 16/6, các nhà báo xô đẩy,...