5 smartphone Trung Quốc hiệu năng cao nhất nửa đầu 2015
Các thiết bị của nhà sản xuất Trung Quốc như Xiaomi, ZTE, LeTV có giá bán tầm trung, cận cao cấp nhưng được trang bị phần cứng mạnh mẽ, áp đảo bảng xếp hạng AnTuTu.
AnTuTu là một trong những phần mềm đo hiệu năng trên smartphone phổ biến nhất thế giới. Theo bảng xếp hạng các thiết bị có điểm số cao nhất nửa đầu năm 2015 mà đơn vị này đưa ra, có một nửa số máy do các nhà sản xuất Trung Quốc phát hành. Các vị trí còn lại thuộc về Samsung, HTC và Motorola.
Smartphone Trung Quốc được biết đến với cấu hình mạnh mẽ nhưng có giá bán cạnh tranh và trở thành một trào lưu tại Việt Nam. Dưới đây là các thiết bị tầm trung, cận cao cấp nhưng có điểm hiệu năng cao hàng đầu, tính đến tháng 7/2015.
Xiaomi Mi Note Pro (57.163 điểm)
Có giá bán khoảng 11 triệu đồng trên thị trường xách tay, Mi Note Pro của Xiaomi được ví là “con quái vật” làng smartphone khi sở hữu cấu hình mạnh mẽ. Phablet này có màn hình 2K rộng 5,7 inch, chip tám nhân Snapdragon 810 và RAM tới 4 GB.
Với phần cứng trên, Mi Note Pro chỉ xếp sau bộ đôi Galaxy S6 và S6 edge về điểm số AnTuTu, nhưng giá cũng rẻ hơn smartphone của Samsung khoảng 5 triệu đồng. Nhiều linh kiện cấu thành nên sản phẩm đến từ các nhà sản xuất danh tiếng, chất lượng hoàn thiện được đánh giá khá sắc sảo. Dù vậy, Mi Note Pro nhận một số phàn nàn rằng máy quá nóng.
LeTV 1 Pro (56.656 điểm)
Sản phẩm này được ví là “con lai” giữ iPhone 6 Plus và HTC One, với các đường nét thiết kế vay mượn từ hai nhà sản xuất tên tuổi. LeTV 1 Pro có màn hình Quad HD 5,5 inch, bộ xử lý 64-bit Snapdragon 810 và RAM 4 GB.
Video đang HOT
Khả năng chụp ảnh trên LeTV 1 Pro được hỗ trợ bởi cảm biến 13 megapixel ở mặt sau, có chống rung quang học, đèn flash kép và máy ảnh 4 “chấm” UltraPixel ở mặt trước. Model này có giá công bố khoảng 400 USD nhưng chưa được bán tại Việt Nam.
ZTE Nubia Z9 Max (53.652 điểm)
Có điểm hiệu năng xếp ngay sau smartphone của Xiaomi và LeTV là mẫu ZTE Nubia Z9 Max. Model này sở hữu màn hình 5,5 inch tương tự LeTV 1 Pro song độ phân giải chỉ là Full HD. Máy cũng dùng chip Snapdragon 810 nhưng RAM 3GB thấp hơn.
Ngoài camera 16 “chấm” ở mặt sau và 8 “chấm” ở mặt trước với cảm biến của Sony, nhà sản xuất Trung Quốc này còn đầu tư mạnh cho âm thanh với hệ thống Hi-Fi surround 7.1, chip AKM AK4375 và amplifier AW8736. ZTE Nubia Z9 Max có giá bán 400 USD.
ZTE Nubia Z9 (52.321 điểm)
Sau thành công của Z9 Max, nhà sản xuất ZTE tiếp tục tung ra Nubia Z9 với màn hình Full HD 5,2 inch gọn gàng hơn. Máy có bộ xử lý Snapdragon 810 tương tự “người anh”, tùy chọn RAM 3 GB hoặc 4 GB.
Camera tiếp tục được ZTE đầu tư với linh kiện “hàng hiệu” từ Sony gồm cảm biến phía sau 16 megapixel, máy ảnh trước 8 “chấm”. Trong khi đó tính năng nghe nhạc được hỗ trợ bởi chip giải mã Hi-Fi chất lượng cao AK4961. Khác biệt trên model này còn là cạnh bên được tích hợp một số thao tác vuốt, chạm thú vị.
ZTE Nubia Z9 có giá bán từ 564 USD.
LeTV 1 (51.542 điểm)
Có giá bán từ 240 USD, LeTV 1 là lựa chọn khá hấp dẫn so với cấu hình. Model này xếp ở vị trí cuối so với các smartphone Trung Quốc trong thứ hạng của AnTuTu, tuy nhiên điểm số vẫn cao hơn Galaxy S5 hay Nexus 6.
LeTV1 dùng màn hình Full HD 5,2 inch, chip xử lý 64-bit tám nhân MediaTek Helio X10 xung nhịp 2,2 GHz, 3 GB RAM với ba lựa chọn bộ nhớ trong 16 GB, 32 GB và 64 GB. Camera sau của máy có độ phân giải 13 megapixel tương tự Le 1 Pro, trong khi đó camera trước dùng loại cảm biến thường 5 megapixel với ống kính góc rộng.
Đình Nam
Theo VNE
Điện thoại nội địa Trung Quốc tràn ngập thị trường
Từ chỗ chỉ có mặt tại một vài cửa hàng chuyên kinh doanh điện thoại nội địa Trung Quốc, đến nay mặt hàng này đã phủ sóng khắp thị trường.
Ngày một nhiều các mẫu điện thoại nội địa Trung Quốc được đưa về Việt Nam. Nếu như trước đây, những người muốn mua các mẫu điện thoại của Xiaomi, Meizu phải tìm đến một vài cửa hàng chuyên biệt, đôi khi phải đặt hàng trước mới có máy thì nay, mặt hàng này đang được bán rộng rãi tại nhiều cửa hàng xách tay - vốn mạnh về điện thoại Hàn Quốc hoặc Nhật Bản trước đây.
Xiaomi Mi Note Pro - một trong những smartphone hiếm hoi trên thị trường trang bị RAM 4 GB. Máy cũng dùng chip Snapdragon 810 mới nhất từ Qualcomm. Ảnh: Thành Duy.
Thời điểm tháng 4, một số cửa hàng tại Việt Nam được đối tác Trung Quốc chào bán những chiếc Xiaomi Mi4 qua sử dụng với giá hấp dẫn. Họ nhập máy về bán thử với giá khoảng 6 triệu đồng. Thật bất ngờ là dù không bán chạy như iPhone khoá mạng hay iPhone đã qua sử dụng, độ "hot" của Xiaomi Mi4 không hề thua kém smartphone khoá mạng Nhật.
Sau đó, thị trường ngay lập tức chứng kiến làn sóng smartphone nội địa Trung Quốc được đưa ồ ạt về Việt Nam. Không chỉ các sản phẩm của Xiaomi hay Meizu, các cửa hàng kinh doanh điện thoại xách tay còn nhập về khá nhiều sản phẩm từ Lenovo, ZTE hay Coolpad.
Smartphone nội địa Trung Quốc phủ sóng rộng rãi ở nhiều tầm giá. Chẳng hạn, với số tiền 3-4 triệu đồng, người dùng có thể chọn những sản phẩm như Nomi 3S (3 triệu), Lenovo K3 Note (4 triệu), Xiaomi Mi3 trả bảo hành (4 triệu). Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là các sản phẩm tầm trung với mức giá 5-8 triệu đồng.
Giá rẻ, kiểu dáng đẹp, chất lượng phần nào được kiểm định là nguyên nhân chính khiến các sản phẩm này ngày một hút khách. Chẳng hạn, một chiếc Xiaomi Mi4 mới 100% hiện được bán với giá khoảng gần 6 triệu đồng, thấp hơn đến 2 triệu so với Xperia Z3 khoá mạng Nhật Bản.
Trong khi đó, nếu xét về cấu hình phần cứng đơn thuần, 2 sản phẩm này gần như tương đồng. Mi4 có khung thép không gỉ, cấu hình mạnh với chip Snapdragon 801, RAM 3 GB, camera 13 và 8 megapixel. Xiaomi Mi Note Pro mạnh ngang ngửa Galaxy S6 của Samsung nhưng giá bán ở mức khoảng 10 triệu đồng.
"Giao diện có nhiều điểm độc đáo cũng là điểm khiến nhiều người thích máy Trung Quốc khoá mạng", anh Quốc Bảo - quản lý một cửa hàng di động tại Thái Hà (Hà Nội) chia sẻ. Thông thường, các nhà sản xuất Trung Quốc tuỳ biến sâu giao diện của Android. Những chiếc máy của Xiaomi, Meizu, Lenovo thường có giao diện nhiều màu sắc (phần nào mô phỏng từ iOS), độ mượt cao, nhiều theme để thay đổi và hỗ trợ cập nhật thường xuyên (như trường hợp của Xiaomi). Theo anh Bảo, bản thân người dùng các dòng máy khác cũng thích cài đặt ROM MIUI của Xiaomi.
MX5 - smartphone mới nhất của Meizu vừa về Việt Nam với giá khoảng 7,5 triệu đồng. Ảnh: Talkingmobile
Nếu như trước đây, các smartphone nội địa Trung Quốc thường bị chê thiết kế xấu, rẻ tiền thì hiện nay, thiết kế đang dần trở thành lợi thế của những model này. Xiaomi Mi Note, Lenovo Vibe Shot, thậm chí chiếc máy có giá 3 triệu đồng như Nomi 3S, đều có những nét độc đáo riêng.
Tuy nhiên, các chủ hàng tin điện thoại nội địa Trung Quốc chỉ có thể trở thành lựa chọn bổ sung, giúp phong phú thêm thị trường, chứ không thể thay thế smartphone khoá mạng Nhật hoặc Hàn Quốc.
"Nhìn chung, người dùng vẫn chưa có tâm lý &'mở' với điện thoại nội địa Trung Quốc. Những người chọn mua các dòng máy này đa phần là dân am hiểu công nghệ hoặc xem giá cả là ưu tiên hàng đầu. iPhone hay điện thoại Hàn Quốc, Nhật Bản đều đến từ các thương hiệu lớn, đẳng cấp đã được khẳng định vẫn là ưu tiên hàng đầu trong nhóm điện thoại xách tay", anh Tuấn Anh - quản lý một cửa hàng di động xách tay tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết.
Thành Duy
Theo Zing
Điện thoại Samsung và Xiaomi bị nhái nhiều nhất Tỷ lệ nhái điện thoại Samsung và Xiaomi lên đến hơn 30% tại Trung Quốc, theo trang chấm điểm hiệu năng Antutu. Antutu - nhà phát triển công cụ benchmark tại Trung Quốc - vừa chia sẻ một số thông tin thú vị về thị trường smartphone nước này. Theo đó, có khoảng 10.000 thiết bị mới truy cập server của họ mỗi...