5 rào cản ngăn tên lửa Triều Tiên tấn công Mỹ
Triều Tiên phải giải quyết nhiều thách thức như công nghệ tên lửa và lá chắn phòng thủ nếu muốn đe dọa Mỹ bằng vũ khí hạt nhân.
Triều Tiên hôm 29/8 phóng một tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ Nhật Bản, làm dấy lên nỗi quan ngại mới về chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này.
Triều Tiên nhiều lần tuyên bố đủ khả năng tấn công vào các mục tiêu trên lục địa Bắc Mỹ bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ( ICBM), tuy nhiên các chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng cần vượt qua một loạt thách thức nếu muốn thực hiện được kế hoạch này, theo NYTimes.
Triều Tiên dường như đã có khả năng tấn công Bắc Mỹ bằng tên lửa Hwasong-14. Đây là mẫu ICBM đầu tiên được Bình Nhưỡng thử thành công, gây sốc cho giới phân tích Hàn Quốc và Mỹ. Hai quả Hwasong-14 được phóng thử hồi tháng 7, trong đó quả thứ hai có tầm bắn ước tính tới 10.400 km, đủ khả năng bao trùm gần như toàn bộ lãnh thổ Mỹ.
Giới phân tích cho rằng Hwasong-14 là bước ngoặt trong chương trình tên lửa đạn đạo Triều Tiên, nhờ sở hữu động cơ nội địa mới hoàn toàn, mạnh và đáng tin cậy hơn những phiên bản cũ. Tuy nhiên, sở hữu tên lửa tầm bắn xa không đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng có thể giáng được đòn tấn công hạt nhân vào nước Mỹ.
Thiết bị hồi quyển
Việc đưa tên lửa và đầu đạn vào không gian là tương đối dễ dàng, nhưng đưa chúng trở lại khí quyển (hồi quyển) một cách nguyên vẹn là quá trình cực kỳ phức tạp. Thách thức chính của Triều Tiên hiện nay là phát triển đầu đạn chịu được sức nóng khủng khiếp trong quá trình hồi quyển.
Nhiệt lượng khi hồi quyển sinh ra từ quá trình ma sát giữa đầu đạn và các lớp không khí, do ICBM thường có tốc độ tới 23.200 km/h. Để khắc phục vấn đề sức nóng, các nhà thiết kế thường phủ một lớp vật liệu dày, đóng vai trò lá chắn nhiệt trên thiết bị hồi quyển. Tuy nhiên, chỉ một lỗi nhỏ trên lá chắn cũng khiến tên lửa lệch đường bay, hoặc tệ hơn là bị phá hủy trước khi kịp tới mục tiêu.
Tình báo Hàn Quốc nhận định Triều Tiên chưa hoàn thiện được công nghệ hồi quyển đáng tin cậy cho đầu đạn tên lửa đạn đạo của mình. Để hoàn thiện công nghệ này, Triều Tiên có thể phải tiến hành thêm nhiều vụ thử nữa. Nếu giữ tiến độ hiện nay, họ sẽ đủ khả năng sản xuất đầu đạn hồi quyển hoàn thiện vào năm sau.
Thu nhỏ đầu đạn hạt nhân cho ICBM
Video đang HOT
Giới chuyên gia vẫn tranh cãi về khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân cho ICBM của Triều Tiên, nhưng có một số dấu hiệu cho thấy họ đã làm chủ công nghệ này.
Quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới có đường kính 1,5 m. Năm ngoái, Triều Tiên công bố ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một thiết bị hạt nhân với đường kính chỉ 0,6 m, đủ nhỏ để trang bị cho tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bằng chứng đáng tin cậy chứng tỏ Triều Tiên đã đưa được đầu đạn này lên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Ông Kim Jong-un bên cạnh thiết bị hạt nhân có kích thước nhỏ. Ảnh: KNCA.
Để thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, Triều Tiên có thể dựa vào công nghệ Bom hạt nhân sử dụng lõi plutonium có kích thước nhỏ gọn hơn rất nhiều so với lõi uranium. Tuy nhiên, quá trình chiết xuất, tinh lọc và nén plutonium cần tổ hợp nhà máy khổng lồ với chi phí lớn và mức độ ô nhiễm rất cao. Ngay cả những cường quốc như Mỹ và Nga cũng gặp nhiều khó khăn khi muốn xử lý vật liệu plutonium.
Các chuyên gia dự đoán Triều Tiên sẽ phải mất thêm một thời gian và có thể phải tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 để hoàn thiện đầu đạn đủ nhỏ cho ICBM. Đầu đạn cỡ nhỏ sẽ duy trì tầm bắn cho ICBM, đồng thời mở thêm khả năng trang bị nhiều đầu đạn hoặc mồi bẫy để tăng khả năng xuyên thủng lá chắn phòng thủ đối phương.
Khả năng tấn công chính xác
Kho vũ khí Triều Tiên nổi tiếng là lạc hậu, trong khi việc dẫn đường cho tên lửa ở khoảng cách hàng nghìn km đòi hỏi khí tài hiện đại, có độ chính xác cao.
“Các cường quốc đã nghiên cứu vấn đề này trong nhiều thập kỷ. Việc ICBM của họ đánh trúng khu vực mục tiêu rộng khoảng 200 m được coi là một thành tựu công nghệ đáng kinh ngạc”, giáo sư Donald MacKenzie từ đại học Edinburgh cho biết.
ICBM Triều Tiên hiện nay được cho là có độ chính xác 3-5 km, sai lệch tương đối lớn so với các mẫu ICBM hiện đại của Nga và Mỹ. Nó đủ để tấn công một thành phố lớn, nhưng chưa có khả năng đánh trúng và xóa sổ mục tiêu kiên cố như căn cứ quân sự hoặc bãi phóng tên lửa đạn đạo, ông Ian Williams, chuyên gia phòng thủ tên lửa ở Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định.
Một giải pháp khác là tăng uy lực của đầu đạn, nhằm bù trừ cho độ chính xác thấp. Bình Nhưỡng từng tỏ ý quan tâm tới công nghệ đầu đạn nhiệt hạch, với sức công phá lớn gấp nhiều lần vũ khí hạt nhân phân hạch nước này đang sở hữu. Tuy nhiên, Triều Tiên có thể phải mất thêm nhiều năm để sở hữu loại vũ khí này nhằm đe dọa căn cứ quân sự chiến lược trên lãnh thổ Mỹ.
Vượt qua hệ thống phòng thủ Mỹ
Mỹ nhiều lần thử nghiệm lá chắn tên lửa đạn đạo, nhưng các hệ thống phòng thủ đắt đỏ của họ lại có tỷ lệ thành công chỉ ở mức 50%. Dù đã gặt hái một số thành công gần đây, khả năng đánh chặn của chúng chưa từng được kiểm chứng trong điều kiện chiến đấu thực tế.
Bình Nhưỡng đang tìm cách cải tiến khả năng xuyên thủng lá chắn tên lửa Mỹ. Hồi tháng 3, nước này phóng đồng thời 4 tên lửa đạn đạo, chiến thuật nhằm gây quá tải cho hệ thống phòng thủ đối phương.
Lá chắn tên lửa đa tầng của Mỹ chưa chứng tỏ được hiệu quả. Ảnh: Reuters.
Bên cạnh đó, các đầu đạn bay theo quỹ đạo ngẫu nhiên có thể gây khó khăn cho việc ghi nhận tham số đánh chặn. Triều Tiên từng trưng bày một mẫu tên lửa gắn nhiều cánh lái, cho thấy họ chú trọng tới khả năng cơ động đầu đạn sau khi hồi quyển. Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng có thể trang bị thêm mồi bẫy cho ICBM để đánh lừa hệ thống phòng thủ Mỹ.
Nhiều chuyên gia nhận định với các vụ phóng thử tên lửa liên tiếp, Triều Tiên đang tập trung nhiều nguồn lực cho chương trình ICBM và có thể vượt qua các rào cản công nghệ hiện nay trong chưa đầy một năm tới.
Duy Sơn
Theo VNE
Triều Tiên có thể đang chế tạo ICBM bắn được tới Washington
Triều Tiên được cho là đang phát triển một mẫu tên lửa mới có thể tấn công toàn bộ lãnh thổ Mỹ, bao gồm cả New York và Washington.
Biểu đồ mô phỏng tên lửa Hwasong-13 xuất hiện trong bức ảnh do truyền thông Triều Tiên công bố ngày 23/8. Ảnh: KCNA.
Các chuyên gia vũ khí nhận định bằng việc công khai hình ảnh về thiết kế tên lửa mới, Triều Tiên đã truyền đi thông điệp rằng Bình Nhưỡng đang phát triển một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mạnh hơn bất kỳ tên lửa nào nước này từng phóng thử, Reuters hôm nay đưa tin.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 23/8 công bố các bức ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un đứng bên cạnh biểu đồ mô phỏng loại tên lửa ba tầng Hwasong-13. Sau khi xem xét kỹ lưỡng những hình ảnh trên, các chuyên gia tên lửa đánh giá nếu phát triển thành công, tên lửa này có thể vươn tới bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Mỹ, bao gồm cả Washington và New York. Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng cho thấy nó đã hoàn thiện. Do chưa được phóng thử nên phương Tây không thể tính toán tầm bắn của tên lửa.
Theo các chuyên gia, tên lửa ba tầng sẽ mạnh hơn ICBM hai tầng Hwasong-14 từng được Triều Tiên phóng thử hai lần hồi tháng 7. Nhà chức trách cùng các chuyên gia Mỹ và Hàn Quốc nhận định Hwasong-14 có thể đạt tầm bắn khoảng 10.000 km và có khả năng tấn công nhiều khu vực thuộc nước Mỹ, nhưng không thể vươn tới Bờ Đông.
Trong khi đó, một tên lửa với tầm bắn hơn 11.000 km có thể tấn công cả Washington và New York dù được phóng từ bất kỳ đâu ở Triều Tiên.
"Chúng ta nên coi Hwasong-13 là mẫu ICBM có tầm bắn 12.000 km và đủ sức tấn công toàn bộ nước Mỹ", ông Kim Dong-yub, chuyên gia quân sự thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông ở Seoul, nhấn mạnh.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Bình Nhưỡng cáo buộc Washington đẩy bán đảo Triều Tiên đến 'mức bùng nổ' Bình Nhưỡng cho rằng Washington làm gia tăng căng thẳng bán đảo Triều Tiên và nói họ có lý khi phản ứng cứng rắn. Người Hàn Quốc xem bản tin về việc Triều Tiên phóng tên lửa ngày 29/8. Ảnh: AFP. Han Tae Song, đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc hôm nay nói rằng Mỹ "đang đẩy tình hình bán đảo...