5 quả bom xịt phòng vé mùa hè 2015
“ Tomorrowland”, “ Fantastic Four”, “ Pixels”, “The Man from U.N.C.L.E.” và “ Aloha” là những bộ phim gây thất vọng lớn nhất về mặt thương mại trong mùa hè 2015.
Tomorrowland - lỗ khoảng 120-150 triệu USD: Có kinh phí sản xuất lên tới 190 triệu USD, nhưng dự án khoa học viễn tưởng của Disney chỉ kiếm được tổng cộng 208,4 triệu USD. Trước giờ ra rạp,Tomorrowland được đặt không ít kỳ vọng bởi phim đến từ đạo diễn Brad Bird, cũng như có sự góp mặt của tài tử George Clooney.
Khoản lỗ khổng lồ chủ yếu đến từ chi phí marketing mà Disney bỏ ra cho Tomorrowland. May mắn cho nhà phát hành là họ có hai cú hit lớn trong mùa hè 2015 là Avengers: Age of Ultron và Inside Outđể bù đắp cho thất bại hồi cuối tháng 5.
Fantastic Four – lỗ khoảng 80-100 triệu USD: Bộ tứ siêu đẳng phiên bản 2015 là “nốt trầm” đối với dòng phim siêu anh hùng sau nhiều thắng lợi suốt gần một thập kỷ qua. So với kinh phí sản xuất 125 triệu USD, phim tới nay mới chỉ kiếm được hơn 155 triệu USD.
Thất bại của Fantastic Four là điều được dự đoán từ trước bởi giữa Josh Trank và các nhà sản xuất xảy ra rất nhiều bất đồng trong quá trình thực hiện bộ phim. Sau khi phim ra rạp đầu tháng 8, nhà làm phim trẻ dùng Twitter chỉ trích hãng Fox rằng họ đã can thiệp quá sâu vào bản phim của anh. Đến giờ, Fox vẫn chưa đưa ra thông báo chính thức nào về dự án Fantastic Four 2 vốn được họ ấn định cho mùa hè 2017 từ trước.
The Man from U.N.C.L.E. – lỗ khoảng 80 triệu USD: Ra mắt ở thời điểm cuối mùa hè, bộ phim thuộc dòng điệp viên của Guy Ritchie không để lại bất cứ dấu ấn nào về mặt thương mại. Tới nay, phim mới chỉ thu được 85,3 triệu USD so với kinh phí sản xuất là 75 triệu USD.
Đây không phải là một bộ phim dở. Nhưng The Man from U.N.C.L.E. không có một siêu sao thực thụ, không được Warner Bros. quảng bá rầm rộ, cũng như ra mắt sau Kingsman: The Secret Service – một bộ phim cùng thể loại rất thành công mới ra rạp ngay hồi đầu năm. Nhìn chung, ngoại trừ San Andreas và Mad Max: Fury Road, đây là một mùa hè đáng quên đối với Warner Bros.
Pixels – lỗ khoảng 75 triệu USD: Có kinh phí sản xuất gần 90 triệu USD, Pixels của Sony và danh hài Adam Sandler tới nay mới chỉ thu được 194 triệu USD, chưa thể thu hồi những khoản tiền mà họ bỏ ra cho quá trình quảng bá bộ phim.
Video đang HOT
Còn một tia hy vọng dành cho Pixels khi phim vẫn chưa khởi chiếu tại đất nước tỷ dân Trung Quốc. Song, nhận xét tiêu cực từ giới phê bình khiến bộ phim rất có thể không bao giờ được thực hiện phần hai như ý định ban đầu.
Aloha – lỗ khoảng 65 triệu USD: Sự trở lại của đạo diễn Cameron Crowe với nhiều ngôi sao hàng đầu như Emma Stone, Bradley Cooper hay Rachel McAdams rốt cuộc đem đến cho Fox và Sony một thất bại khó có thể nuốt trôi. Cả giới phê bình lẫn khán giả quay lưng với Aloha, khiến bộ phim hiện phải chịu lỗ một khoản lên tới gần 70 triệu USD.
Giới truyền thông cho rằng họ không còn nhận ra nhà làm phim từng khiến họ mê đắm qua nhữngJerry Maguire (1996) hay Almost Famous (2000). Ngoài ra, Cameron Crowe còn bị chỉ trích nặng nề khi ông giao vai một nhân vật người bản địa quần đảo Hawaii cho nữ diễn viên da trắng Emma Stone. Sau khi Aloha khởi chiếu, vị đạo diễn đã phải đăng đàn lời xin lỗi cho quyết định ấy của mình.
Theo Zing
10 bom xịt phòng vé nửa đầu 2015
Bên cạnh thành công của "Fast & Furious 7", "Avengers: Age of Ultron" và "Jurassic World", người hâm mộ còn chứng kiến không ít dự án phim thất bại trong 6 tháng đầu năm 2015.
Aloha (23/5) - ước tính lỗ 20 triệu USD: Cameron Crowe là một trong những đạo diễn thành công nhất tại Hollywood trong cuối thế kỷ 20, qua những Jerry Maguire (1996) hay Almost Famous (2000). Song, ông bắt đầu "mất thiêng" từElizabethtown (2005) và Aloha năm nay tiếp tục kéo dài chuỗi thất bại trong một thập kỷ qua của nhà làm phim.
Sở hữu dàn sao hạng A gồm Bradley Cooper, Emma Stone và Rachel McAdams, phim bị giới phê bình ghẻ lạnh. Sau khoảng một tháng ngoài rạp, phim chỉ thu được 23 triệu USD toàn cầu, so với kinh phí sản xuất 37 triệu USD. Chưa kể,Aloha còn gây tranh cãi lớn khi để Emma Stone sắm vai một cô gái bản địa Hawaii, bởi "bạn gái Người Nhện" vốn là người da trắng. Cameron Crowe sau đó phải đăng đàn xin lỗi và mong khán giả thông cảm.
Unfinished Business (6/3) - ước tính lỗ 20-25 triệu USD: Vince Vaughn từng có thời là danh hài ăn khách bậc nhất Hollywood. Nhưng khoảng 5 năm qua, anh liên tiếp gặp thất bại với Couples Retreat (2009), The Dilemma (2011), The Watch (2012), The Internship và Delivery Man (2013). Bộ phim năm 2015 của ngôi sao 45 tuổi, Unfinished Business, không phải là một ngoại lệ.
Ngay cả khi được hỗ trợ bởi Dave Franco, Sienna Miller, Nick Frost..., những màn tấu hài của Vince Vaughn và các cộng sự bị giới phê bình đánh giá là gượng ép đến mức "cười không nổi". Khán giả cũng đồng ý với điều đó, khi phim mở màn tại Bắc Mỹ chỉ với 4,3 triệu USD, rồi mau chóng mất hút dù ban đầu được hơn 2.700 cụm rạp nhận về. Thu tổng cộng 13,6 triệu USD toàn cầu so với kinh phí 35 triệu USD, đây là một phi vụ đáng quên của Regency và 20th Century Fox.
The Gunman (20/3) - ước tính lỗ 35 triệu USD: Sean Penn cộng tác với Pierre Morel, đạo diễn của Taken (2008), trong tác phẩm hành động xoay quanh một tay súng tỉa bị trả thù và săn đuổi bởi gã từng thực hiện thành công một phi vụ bẩn tại đất nước Congo nhiều năm trước. Nhưng cả ngôi sao lẫn Javier Bardem, Idris Elba và Ray Winstone cũng không thể cứu vãn một cốt truyện rập khuôn mang chủ đề báo thù bị Hollywood khai thác cạn kiệt trong những năm gần đây.
Đáng buồn hơn, The Gunman không để lại bất cứ ấn tượng nào qua các pha hành động, điều cốt lõi để thu hút khán giả tới rạp. Phim bị gắn nhãn R và doanh thu mở màn chỉ đạt 5 triệu USD tại quê nhà. Thành tích toàn cầu lúc này củaThe Gunman chỉ là 15,4 triệu USD, so với kinh phí sản xuất 40 triệu USD. Có một điều chắc chắn rằng, nhân vật Terrier của Sean Penn sẽ chẳng bao giờ có cơ hội tái xuất như Bryan Mills của Taken.
Mortdecai (21/1) - ước tính lỗ 40-50 triệu USD: Pirates of the Caribbean có thể vẫn hái ra tiền, nhưng cái tên Johnny Depp lúc này thì không. Bên ngoài thương hiệu phim cướp biển cùng Alice in Wonderland (2010), những tác phẩm có anh sắm vai chính trong khoảng 5 năm qua đều trở thành bom xịt và Mortdecai hồi đầu 2015 là cái tên mới nhất trong bản danh sách đáng buồn ấy.
Cát-xê dành cho những Johnny Depp, Gwyneth Paltrow, Ewan McGregor, Paul Bettany và Jeff Goldblum khiến chi phí sản xuất của tác phẩm hài hước lên tới 60 triệu USD. Nhưng doanh thu toàn cầu của bộ phim chỉ là 30 triệu USD. Từ 2.600 cụm rạp, Mortdecai chỉ còn xuất hiện ở... 253 phòng chiếu trong tuần thứ ba tại Bắc Mỹ. Có lẽ cả khán giả lẫn giới phê bình đã chán ngán lỗi diễn xuất tưng tửng đi vào lối mòn của "chàng cướp biển Jack Sparrow".
Strange Magic (23/1) - ước tính lỗ 40-50 triệu USD: Lấy cảm hứng từ vở A Midsummer Night's Dream (Giấc mộng đêm hè) của Shakespeare, tác phẩm hoạt hình Strange Magic của Industrial Light & Magic, Lucasfilm và Lucas Animation từng được nhà sản xuất lừng danh George Lucas ấp ủ suốt 15 năm trời. Có phần hình ảnh kỹ xảo thuộc dạng tốt, nhưng phim lại bị đánh giá thấp bởi cốt truyện rời rạc và tạo hình nhân vật thiếu thân thiện.
Dù các nhà sản xuất chưa bao giờ tiết lộ kinh phí sản xuất cụ thể, một bộ phim như Strange Magic hẳn ngốn không ít tiền trong quá trình thực hiện kéo dài. Được trình chiếu tại 3.000 cụm rạp, phim chỉ thu vỏn vẹn 5,5 triệu USD sau ba ngày và dừng ở mức 12,4 triệu USD toàn cầu - một con số ở mức thực sự báo động.
Child 44 (17/4) - ước tính lỗ 50 triệu USD: Dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Tom Rob Smith, Child 44 đưa người xem tới đất nước Liên Xô dưới thời Stalin khi một vụ án giết hại trẻ em hàng loạt dã man xảy ra. Việc các diễn viên sử dụng tiếng Anh từng khiến bộ phim chuyển thể gặp phải nhiều nghi vấn từ trước khi ra rạp.
Chuyện phim chỉ được trình chiếu hạn chế tại Bắc Mỹ không thể biện hộ cho doanh thu vỏn vẹn chỉ 1,2 triệu USD, bởiChild 44 sở hữu nhiều ngôi sao như Tom Hardy, Gary Oldman, Noomi Rapace, Vincent Cassel... Nước Nga và nhiều thị trường Đông Âu tẩy chay bộ phim, khiến cơ hội làm ăn của hãng Lionsgate gần như không còn. Doanh thu toàn cầu của Child 44 chỉ là 3,3 triệu USD, tức bằng chưa đầy 1/15 kinh phí sản xuất.
Seventh Son (6/2) - ước tính lỗ 85 triệu USD: Ban đầu, tác phẩm điện ảnh giả tưởng dựa trên cuốn The Spook's Apprentice của Joseph Delaney dự kiến ra rạp từ tháng 2/2013. Nhưng rốt cuộc, Seventh Son bị hoãn chiếu nhiều lần và phải tới tận đầu năm 2015 mới ra mắt khán giả. Chính điều này khiến nhiều khán giả mang tâm lý dè chừng đối với bộ phim.
Có kinh phí sản xuất 95 triệu USD, cùng các ngôi sao Jeff Bridges, Julianne Moore, Ben Barnes..., nhưng Seventh Soncủa Sergei Bodrov bị đánh giá là một tác phẩm tẻ nhạt, có phần diễn xuất gượng gạo và lời thoại đáng quên. Điểm sáng hiếm hoi là phần kỹ xảo hành động, nhưng phim cũng chỉ thu được 7,2 triệu USD trong tuần ra mắt tại Bắc Mỹ. Nhờ có thị trường Trung Quốc, Seventh Son kiếm khoảng 93 triệu USD ngoại địa, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để bù đắp cho kinh phí marketing bị đội lên do quá trình trì hoãn kéo dài.
Blackhat (16/1) - ước tính lỗ 90 triệu USD: Michael Mann là một trong những đạo diễn hành động được kính trọng bậc nhất tại Hollywood sau những Heat (1995), The Insider (1999) và Collateral (2004). Song, màn tái xuất của ông sau 6 năm vắng bóng, Blackhat, lại gây thất vọng ghê gớm cho người hâm mộ bất chấp sự xuất hiện của các ngôi sao Chris Hemsworth, Thang Duy, Viola Davis và Vương Lực Hoành.
Lấy đề tài tin tặc, cốt truyện của Blackhat kéo dài lê thê và mắc không ít lỗi logic. Nhiều thủ pháp nghệ thuật của Michael Mann vẫn còn đó, nhưng chúng không thể khỏa lấp những nhược điểm của bộ phim. Theo một nguồn tin nội bộ, hãng Legendary Pictures phải chịu lỗ tới 90 triệu USD sau khi Blackhat trở thành bom xịt phòng vé. Doanh thu toàn cầu của bộ phim sau khi kết thúc quá trình trình chiếu chỉ là 17,8 triệu USD.
Jupiter Ascending (6/2) - ước tính lỗ 100 triệu USD:Sau Speed Racer (2008) và Cloud Atlas (2012), chị em đạo diễn nhà Wachowski thêm một lần nữa khiến các nhà sản xuất phải đau đầu với Jupiter Ascending. Sở hữu phần hình ảnh và kỹ xảo vượt trội, nhưng bộ phim mới của họ bị chỉ trích nặng nề vì phần cốt truyện yếu kém, dẫn đến thành tích doanh thu thất vọng.
Bị trì hoãn trình chiếu hơn nửa năm, Jupiter Ascending có sự tham gia của Channing Tatum, Eddie Redmayne và Mila Kunis, cùng kinh phí sản xuất lên tới 176 triệu USD. Doanh thu toàn cầu của bộ phim là 181,9 triệu USD (nhờ công lớn của các thị trường quốc tế). Nhưng chi phí marketing mà Warner Bros. bỏ ra dành cho bộ phim lên tới gần 100 triệu USD và đây chính là phần thua lỗ của dự án khoa học viễn tưởng.
Tomorrowland (23/5) - ước tính lỗ 120 triệu USD: Đây là "cú bước hụt" đầu tiên của Brad Bird trên cương vị đạo diễn. Trên thực tế, nhà biên kịch Damon Lindelof dành nhiều ý tưởng rất thú vị dành cho Tomorrowland, nhưng chuyện chuyển thể chúng lên màn ảnh thành một bộ phim hoàn chỉnh với George Clooney lại là câu chuyện rất khác.
Dẫn đầu doanh thu phòng vé Bắc Mỹ trong kỳ nghỉ Lễ Chiến sĩ trận vong (Memorial Day), nhưng Tomorrowland cũng chỉ thu được 33 triệu USD. Doanh thu hiện tại của phim là 196 triệu USD, nhưng kinh phí sản xuất đã là 190 triệu USD. Cộng thêm khoảng 140 triệu USD dành cho chiến dịch marketing, đây là quả bom xịt lớn nhất trong sáu tháng đầu năm. Song, Disney cũng không quá lo lắng bởi họ đã có thắng lợi vang dội với Avengers: Age of Ultron hồi đầu tháng 5.
Theo Zing
'Thế giới bí ẩn' giành chiến thắng sát nút tại phòng vé Dù trở thành bộ phim ăn khách nhất tuần tại Bắc Mỹ như dự đoán, "Tomorrowland" vẫn gây thất vọng khi có doanh thu mở màn kém xa mức mong đợi. Tác phẩm khoa học viễn tưởng đến từ đạo diễn Brad Bird và hãng Disney soán ngôi phòng vé của Pitch Perfect 2 với một khoảng cách khá sít sao. Ở tuần...