5 phim Việt ‘triệu đô’ diễn viên khủng, hình ảnh đẹp vẫn lỗ nặng
Đầu từ kinh phí khủng, diễn viên là những tên tuổi quen thuộc với công chúng nhưng những bom tấn Việt này vẫn bị lỗ doanh thu cả tỷ đồng.
Xoay quanh ồn ào về việc Tấm Cám: Chuyện chưa kể không được chiếu ở cụm rạp CGV, nhiều người phỏng đoán kết quả này sẽ khiến bộ phim thất thoát một lượng doanh thu lớn. Cụm CGV đang chiếm tổng số 40% số rạp tại Việt Nam, sở hữu lượng khách hàng lớn nên động thái từ chối cung cấp Tấm Cám của BHD có thể là một bước đi sai. Trước đó, hãng phát hành Tấm Cám và CGV không đạt được thỏa thuận ăn chia vì BHD muốn Tấm Cám hưởng % lợi nhuận cao hơn, do kinh phí đầu tư khủng lên đến 22 tỷ đồng.
Tấm Cám đứng trước nguy cơ mất lượng doanh thu lớn.
Nếu không thể đạt doanh thu 2 triệu USD, Tấm Cám: Chuyện chưa kể sẽ khó mà có lời. Trước Tấm Cám, đã từng có những bom tấn Việt đầu tư triệu USD nhưng phải chịu cảnh thua lỗ nặng nề vì các lý do khác nhau.
1. Fan cuồng – Kinh phí: 26 tỷ đồng
Fan cuồng là dự án phim nhiều tâm huyết của đạo diễn Charlie Nguyễn. Sở hữu 2 cái tên ăn khách là Thái Hòa và Johnny Trí Nguyễn, Fan cuồng vẫn không thể thu lại được số kinh phí đã bỏ ra đầu tư là 26 tỷ đồng. Trong 3 ngày công chiếu, doanh thu của phim chỉ đạt 9 tỷ đồng – một con số khiêm tốn nếu so với Tèo Em hay Để mai tính 2. Nguyên nhân dẫn đến thất bại thảm hại ở phóng vé của Fan cuồng là ở nội dung bó hẹp, hướng triển khai chưa phù hợp. Những người yêu mến cách diễn hài của Thái Hòa bị thất vọng vì phim quá… nghiêm túc còn fan rock thì không bị hấp dẫn bởi Thái Hòa hay Johnny Trí Nguyễn.
2. Quyên – Kinh phí: 22 tỷ đồng
Trước khi công chiếu ở Việt Nam, Quyên gây chú ý khi tham gia nhiều Liên hoan phim danh giá ở châu Âu. Bộ phim có thế mạnh ở phần hình ảnh tuyệt đẹp, được quay chỉn chu ở Đông Âu, ngốn của nhà làm phim số tiền lên đến 22 tỷ. Tuy vậy doanh số của Quyên ở Việt Nam không đáp ứng mong đợi của ekip làm phim. Không công bố con số doanh thu cụ thể nhưng hãng phát hành BHD cho biết bộ phim lỗ nặng, BHD không thể ngờ doanh số lại thấp đến vậy. Lý do chính là vìQuyên kể về số phận những người nhập cư trái phép – một chủ đề nặng nề và xa lạ với khán giả trong nước. Giới hạn độ tuổi 18 cũng một phần khiến doanh thu phim ảnh hưởng.
3. Dòng máu anh hùng – Kinh phí: 23 tỷ đồng
Video đang HOT
Dòng máu anh hùng là trường hợp nổi tiếng nhất của điện ảnh Việt về phim “đầu tư khủng, thua lỗ nặng”. Tuy liên tục giành được nhiều giải thưởng lớn nhưng bộ phim chỉ thu về vỏn vẹn 10 tỷ đồng, chưa được một nửa con số đầu tư. Lỗ nặng khiến hãng phim đầu tư là Chánh Phương phá sản, nghệ sĩ Chánh Tín phải lao đao vì vỡ nợ, mất nhà. Dòng máu anh hùng được giới chuyện môn nhận xét là một bộ phim có chất lượng tốt nhưng không may mắn ra mắt vào thời điểm khán giả chưa có thói quen đi xem phim Việt. Nạn sao chép đĩa lậu, phát tán phim trái phép cũng một tay góp vào cái kết buồn của bộ phim.
4. Thiên mệnh anh hùng – Kinh phí: 25 tỷ đồng
Dự án phim cổ trang hoành tráng Thiên mệnh anh hùng được “rót” tiền tỷ cho những cảnh quay tráng lệ, cung điện nguy nga và y phục cầu kỳ. Tuy nhiên khi ra rạp, bộ phim không gặt hái thành công như mong đợi, nhà phát hành phim chia sẻ con số thua lỗ lên đến gần 20 tỷ. Thông tin này khiến nhiều người bàng hoàng bởiThiên mệnh anh hùng được nhận xét là tác phẩm chỉn chu, nội dung tốt. Nguyên nhân khiến phim thất bại là vì không đánh trúng thị hiếu chung của khán giả bấy giờ. Sự khác biệt về mặt văn hóa khiến đạo diễn Victor Vũ chưa nắm được cái thần Á Đông hấp dẫn của câu chuyện.
5. Bẫy rồng – Kinh phí: Hơn 30 tỷ đồng
Thêm một sản phẩm đình đám nữa của Ngô Thanh Vân và Johnny Trí Nguyễn lọt danh sách phim kém may mắn này. Bẫy Rồng được đầu tư 1,5 triệu USD, tại thời điểm năm 2009, đây là một con số cực kỳ lớn. Vậy nhưng khi ra rạp, phim chỉ thu về chưa đến 500 nghìn USD (11,9 tỷ đồng). Có nhiều yếu tố làm nên sự thất bại của Bẫy Rồng: nội dung xã hội đen quen thuộc, giới hạn độ tuổi người xem và ra mắt cùng lúc với bom tấn 3D đầu tiên trong lịch sử là Avatar.
Theo VNE
"Tấm Cám" có đủ sức viết nên cổ tích cho điện ảnh Việt?
"Tấm Cám: Chuyện chưa kể" của đạo diễn - diễn viên Ngô Thanh Vân phải gánh trên vai sức nặng của kỳ vọng sẽ là một "bom tấn điện ảnh Việt" .
(Trailer) Tấm Cám: Chuyện chưa kể: Trailer chính thức tiết lộ phần lớn nội dung cũng như những những chi tiết cải biên khá thú vị.
Những ngày qua, câu chuyện hệ thống rạp chiếu CGV có đóng cửa vớiTấm Cám: Chuyện chưa kể hay không gây ồn ào trên các trang mạng xã hội, dẫn tới những tranh cãi nảy lửa.
Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra: CGV có thực sự "dìm hàng" phim Việt? Chiến dịch PR của Ngô Thanh Vân quá thông minh? Tỷ lệ ăn chia doanh thu phòng vé giữa đôi bên thực chất là như thế nào?
Nhưng có lẽ đối với khán giả yêu điện ảnh, vấn đề quan trọng nhất và cũng là điều họ tò mò muốn biết nhất là câu chuyện cổ tích đã quá đỗi quen thuộc với người dân Việt Nam sẽ được Ngô Thanh Vân kể lại như thế nào trên màn ảnh.
Liệu Tấm Cám: Chuyện chưa kể có đủ xuất sắc đến mức có thể giúp "đả nữ" điện ảnh Việt tự tin khẳng định: "Tôi muốn thống trị dòng phim fantasy (kỳ ảo) trong vòng 5 năm tới"?
Kỳ ảo, hành động, chiến tranh
Tấm Cám: Chuyện chưa kể tường thuật lại đầy đủ câu chuyện cô Tấm hiền lành, cam chịu, cô Cám đành hanh, ích kỷ, bà dì ghẻ tàn ác và ông Bụt nhân từ, nhiều phép màu...
Tấm Cám: Chuyện chưa kể thiên về hành động, kỳ ảo . Ảnh: ĐLPCC
Tất nhiên là cũng không thể bỏ qua chuyện cá bống bị mẹ con Cám ăn thịt, chiếc hài Tấm đánh rơi, chim vàng anh quấn quýt với thái tử, cây xoan đào xum xuê và quả thị thơm kỳ diệu. Nhưng nếu chỉ mỗi Tấm Cám thì sao gọi là "chuyện chưa kể".
Thực tế, Tấm Cám: Chuyện chưa kể chủ yếu kể về chàng thái tử một lần gặp Tấm đã si mê, sớm tìm được hạnh phúc lứa đôi nhưng phải đối mặt với những đe dọa, hiểm nguy, thù trong, giặc ngoài, phải gồng mình gánh vác trọng trách với giang sơn, xã tắc. Tấm, Cám hay dì ghẻ thực chất chỉ là những nhân vật phụ tô điểm cho câu chuyện trưởng thành của thái tử.
Bộ phim có sự kết hợp giữa các yếu tố kỳ ảo, hành động và chiến tranh, cho thấy dáng dấp dù chưa rõ nét của một "bom tấn Việt". Kỹ xảo và những cảnh chiến trận của Tấm Cám: Chuyện chưa kể còn bộc lộ những hạn chế nhất định như cảnh binh sĩ xông vào chém giết nhau mà sao hời hợt thế... Dấu vết giả tạo ở hình ảnh dựng bằng vi tính khá rõ, đặc biệt cuộc chiến của hai con quái vật quá hoạt hình.
Dẫu vậy, hiệu quả hình ảnh cũng đã gây được ấn tượng tích cực ít nhất là so với mặt bằng chung phim Việt. Những cảnh hành động cận chiến hấp dẫn, đẹp mắt. Non xanh nước biếc Việt Nam hiện lên hùng vĩ, tươi đẹp trong từng khung hình.
Trang phục của từng nhân vật được thiết kế đẹp, thuần Việt cũng là một điểm nhấn ấn tượng của Tấm Cám: Chuyện chưa kể. Hoàn toàn có thể khẳng định đây là một tác phẩm được đầu tư công phu và thể hiện rõ tham vọng cũng như quyết tâm nghề nghiệp của người làm phim.
Hạ Vi gây thất vọng
Nhưng đáng tiếc là Tấm Cám: Chuyện chưa kể có nhiều lỗ hổng hoàn toàn có thể tránh được. Việc tập trung nhiều vào yếu tố hành động - kỳ ảo, cộng thêm cả cổ tích, lãng mạn khiến bộ phim trở nên nặng nề, thiếu cảm xúc.
Hạ Vi rất đẹp nhưng diễn xuất thiếu chuyên nghiệp. Ảnh: ĐLPCC
Thái tử một lần gặp Tấm đã đem lòng cảm mến, nhưng cảnh quan trọng đó của bộ phim lại được thể hiện rất hời hợt, khán giả không thể cảm nhận được những rung động và cảm xúc giữa chàng thái tử điển trai và cô gái thôn quê xinh đẹp, trong sáng.
Các nhân vật trong phim tạo hình thiện ác quá rõ ràng là thừa thãi và gây tác dụng ngược. Bởi thực tế không phải cứ mắt xếch ngược, gương mặt cau có dữ dằn mới là ác, mà cái ác phải thể hiện từ bên trong.
Cách tạo hình của Tấm Cám: Chuyện chưa kể khiến các nhân vật bị hoạt hình hóa, công thức hóa, bế tắc trong một cái khung định sẵn, thiếu đi chiều sâu cá tính.
Diễn xuất của cả dàn diễn viên trẻ đẹp cũng có không ít vấn đề. Ca sĩ Isaac chưa thật sự thuyết phục trong vai thái tử, và gương mặt mới Hạ Vi gây nhiều thất vọng với vai Tấm.
"Bạn gái Cường Đôla" có vẻ đẹp ngoại hình rất phù hợp, nhưng diễn xuất non yếu, nhạt nhẽo, không ít đoạn tỏ ra khá "đơ". Ninh Dương Lan Ngọc lành nghề hơn, thể hiện tốt hơn, nhưng vai Cám của cô có quá ít đất diễn.
Ngô Thanh Vân gồng mình quá mức với vai dì ghẻ. Ảnh: ĐPCC
Gây khó chịu nhất là các nhân vật đôi lúc tỏ ra kịch quá, cải lương quá, cứ mỗi lần làm chuyện gì tà ác là phá lên cười. Thậm chí một diễn viên kỳ cựu như Ngô Thanh Vân khi nhập vai bà dì ghẻ tàn nhẫn cũng phải gồng mình lên phùng mang, trợn mắt.
So sánh giữa Hollywood với điện ảnh Việt là rất khập khiễng, nhưng hãy nhớ lại mụ dì ghẻ do Cate Blanchet thủ vai trong Ciderella (Cô bé Lọ Lem), không cần nhướng mày hay quát tháo nhưng sự tàn nhẫn và ích kỷ vẫn lan tỏa, như sờ thấy được.
Dẫu vậy, sau những ồn ào và tranh cãi, cần phải thấy Tấm Cám: Chuyện chưa kể là một tác phẩm đáng xem và xứng đáng để bình luận dù còn những thiếu sót. Đâu phải mang nặng cái tâm lý "bảo vệ phim Việt" làm gì cho mệt, khán giả chỉ cần biết rằng có một bộ phim không nên bỏ lỡ, xem để giải trí và để bàn luận, vậy là đủ rồi.
Tấm Cám: Chuyện chưa kể khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 19/8.
Theo Zing
Ngô Thanh Vân và CGV không đạt được thỏa thuận kinh doanh Trong thông cáo chính thức gửi đi vào chiều tối 17/8, CGV khẳng định công ty BHD từ chối cung cấp phim "Tấm Cám" cho hệ thống rạp CGV vì không đạt được thỏa thuận kinh doanh. Trưa 17/8, đoàn làm phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể có buổi gặp gỡ giới truyền thông tại TP HCM để trình chiếu suất đặc biệt...