5 phim Việt không cần chiêu gây sốc vẫn được khán giả chú ý
Đây là những tác phẩm chứng minh phim Việt có thể tạo tiếng tăm mà không cần câu khách bằng hài nhảm, cảnh khoe thân hay yếu tố kinh dị.
Nhắc đến phim rạp Việt, nhiều khán giả khó tính sẽ lắc đầu ngán ngẩm vì “bội thực” các bộ phim giải trí dùng hài nhảm, yếu tố 18 , cảnh kinh dị máu me để lôi kéo khán giả đến rạp. Thế nhưng thời gian gần đây, điện ảnh Việt liên tục giới thiệu những tác phẩm được đầu tư nghiêm túc, có tính nghệ thuật cao và hướng đến thông điệp nhân văn. Những bộ phim này gây bão mạng xã hội mà không cần đến sex, bạo lực hay khoe thân.
Dạ cổ hoài lang là bộ phim chuyển thể từ vở kịch nổi tiếng ra đời cách đây 22 năm. Phim kể về cuộc đời của Tư Lành và Năm Triều, đôi bạn thân lớn lên bên nhau rồi cùng lưu lạc đến đất Mỹ xa xôi. Phim có sự tham gia của 2 diễn viên gạo cội là Hoài Linh và Chí Tài. Dù nội dung không gần gũi với giới trẻ, bộ phim vẫn thành công nhờ cách kể chuyện giàu cảm xúc, diễn xuất thuyết phục và cảnh quay được đầu tư chỉn chu.
Nhiều bình luận chia sẻ rằng hiếm khi xem được một bộ phim Việt mà khóc nhiều như Dạ cổ hoài lang. Bộ phim chứa đựng nhiều cảm xúc nặng lòng như nỗi nhớ quê đau đáu, hoài niệm về thuở thiếu thời đầm ấm hay sự cô đơn của tuổi xế chiều.
Bộ phim có thời gian quay kéo dài 3 năm ròng rã nhằm bắt được những khung hình chân thực, nên thơ nhất. Theo ký ức của người con xa xứ, quê hương hiện lên tươi đẹp qua màu xanh của ruộng đồng, bến nước, lũy tre. Cảnh vật thân thương, chân chất ấy cùng ca từ của điệu Dạ cổ hoài lang đã trở thành nỗi day dứt khôn nguôi của người xem khi rời khỏi rạp chiếu.
Cô Ba Sài Gòn
Dự án điện ảnh tiếp theo của Ngô Thanh Vân là trường hợp đặc biệt, chưa khai máy đã “nổi như cồn”. Ngay khi tung ra poster chính thức, Cô Ba Sài Gòn đã gây sốt vì phong cách thiết kế retro độc đáo, phỏng theo áp phích quảng cáo phim ảnh của thập niên cũ. Những khẩu ngữ miền Nam dễ thương và dàn mỹ nhân Sài Gòn nhiều thế hệ gây thích thú với người yêu điện ảnh. Poster phim còn tạo trào lưu ảnh chế khắp Facebook. Cô Ba Sài Gòn là câu chuyện thời trang, tình yêu xoay quanh những người phụ nữ của 2 gia đình tiệm vải, thợ may giữa trung tâm Sài thành. Phim sẽ bắt đầu bấm máy vào tháng 4.
Cha cõng con
Cha cõng con là dự án phim độc lập của đạo diễn Lương Đình Dũng. Không quảng bá rầm rộ, không có diễn viên đình đám, bộ phim chỉ trở thành tâm điểm khi trailer chính thức lên sóng. Trailer chỉ dài 2 phút nhưng những khung hình đẹp nao lòng và diễn xuất chân thật của dàn diễn viên vẫn đủ khiến người xem rưng rưng.
Bộ phim kể về hai cha con nghèo vật lộn với cuộc sống mưu sinh. Khi người cha bươn chải chài lưới mỗi ngày, cậu bé con làm bạn với chú hàng xóm mù. Những câu chuyện kỳ diệu của chú Mù đã nuôi dưỡng ước mơ bay cao bay xa, chạm tới bầu trời của cậu bé. Nhưng cuộc sống của 2 cha con dần trở nên nặng nề hơn khi em mắc căn bệnh hiểm nghèo.
Video đang HOT
Cha cõng con đã được chọn chiếu và tranh giải tại nhiều LHP quốc tế uy tín. Câu chuyên về “những ước mơ từ mặt đất hướng vọng về bầu trời” này hứa hẹn sẽ lay động khán giả khi ra rạp ngày 5/4.
Lô Tô
Lô Tô đưa người xem đến với những gánh hát hội chợ kèm xổ số lô tô vốn quen thuộc với các vùng nông thôn miền Nam từ đầu thập niên 1990. Phim kể về gánh hát Phù Hoa với cuộc đời của 3 “cô đào” hát hội chợ là Lệ Phi Phi (Huỳnh Lập), Lệ Sa Sa (Hải Triều) và Lệ Tú Nhàn (Minh Dũng). Những thân phận mà bộ phim miêu tả là “trôi sông lạc chợ” hiện lên trong khung cảnh náo nhiệt, sặc sỡ của gánh hát cùng sự cay đắng và những nỗi buồn lẩn khuất.
Bộ phim chú trọng yếu tố duy mĩ trong hình ảnh, màu phim cổ điển kết hợp với tạo hình, bối cảnh dân dã tạo nét riêng cho Lô Tô. Lấy cảm hứng từ phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Lô Tô được kỳ vọng sẽ là bức tranh cuộc sống chân thật, trọn vẹn cảm xúc không kém.
Có căn nhà nằm nghe nắng mưa
Cũng như Cha cõng con, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa là bộ phim xa lạ với phần đông khán giả cho đến khi ra mắt trailer. Những tình tiết gợi tò mò cùng màu phim đẹp là điều khiến người xem chú ý đến bộ phim. Chuyện phim bắt đầu khi một dự án xây dựng trung tâm thương mại triển khai nhưng gặp phải vấn đề trong việc giải tỏa mặt bằng. Sơn (Dương Cường đóng) là một chàng trai hiếu thắng, quyết nhận nhiệm vụ khó khăn này để thể hiện với đồng nghiệp. Khi tiếp xúc với cư dân còn lại trong khu chung cư cũ cần giải tỏa, đặc biệt là bà Tư, Dương bắt đầu gặp những giấc mơ kỳ lạ. Anh dần nhận ra khu nhà cũ kỹ tưởng như không còn giá trị này lại đầy ắp tình cảm, ký ức không tiền nào mua được.
Bộ phim xây dựng nhiều mối quan hệ giữa người thân trong gia đình, giữa láng giềng, giữa người với người mà trung tâm là tình yêu thương. Teaser phim được phủ không khí nằng nặng, man mác buồn mà điểm nhấn là lời ru ầu ơ đầy day dứt. Có căn nhà nằm nghe nắng mưa dự kiến ra rạp ngày 5/5.
Theo VNE
Dạ cổ hoài lang: Cảm xúc đong đầy nhưng cần thêm chăm chút
Được mong chờ, kỳ vọng rất nhiều, "Dạ cổ hoài lang" phiên bản điện ảnh đã phần nào lột tả được tinh thần của vở kịch nổi tiếng
Dạ cổ hoài lang là một trong những tác phẩm điện ảnh được mong chờ bậc nhất trong năm 2017, đây cũng là bộ phim đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Tuy nhiên, có vẻ như cái bóng quá lớn của vở kịch cùng tên đã là trở ngại lớn, khiến bộ phim điện ảnh rơi vào tình trạng "bình cũ, rượu cũng cũ".
Trailer phim
Chưa vượt qua được vở kịch nổi tiếng
Ra đời cách đây hơn 20 năm, vở kịch Dạ cổ hoài lang của tác giả Thanh Hoàng đã gây ấn tượng và được hàng triệu khán giả từ Nam chí Bắc yêu mến, với hàng nghìn suất diễn qua nhiều năm.
Kể câu chuyện về những người già nơi đất khách quê người và sự khác biệt giữa các thế hệ trong gia đình, hình tượng hai nhân vật chính Tư Lành và Năm Triều đã trở nên kinh điển trong lòng khán giả.
Hầu hết các tình tiết trong phim đều được "sao chép" từ tác phẩm sân khấu
Chính bởi lí do này mà việc lựa chọn chuyển thể Dạ cổ hoài lang thành phim điện ảnh có thể được coi là sự liều lĩnh của Nguyễn Quang Dũng. Ekip đã mời chính tác giả kịch là NSƯT Thanh Hoàng chắp bút cho kịch bản điện ảnh, tuy nhiên việc này vô tình đã khiến bộ phim bị thiếu đi tính điện ảnh, có chăng thì đây chỉ là phiên bản "kịch trên màn ảnh rộng".
Hầu hết các tình tiết trong phim đều được "sao chép" từ tác phẩm sân khấu, nên hai luồng ý kiến của khán giả đã diễn ra. Một là những người hâm mộ tác phẩm kịch sẽ cảm thấy rất quen thuộc và dành nhiều tình cảm cho phim.
Nhưng một phần khán giả sẽ cảm thấy những tình tiết này đã cũ, bởi dù gì vở kịch cũng đã được viết cách đây 22 năm. Những chi tiết về cuộc sống của người Việt nơi đất Mỹ đã được nhắc tới quá nhiều, khiến người xem cảm thấy nhàm chán. Nếu như bộ phim được mài giũa sắc bén hơn, có những thay đổi thiết thực hơn, giàu tính điện ảnh hơn thì sẽ xuất sắc hơn.
Diễn xuất đồng đều
Sau rất nhiều những vai diễn hài hước trong phim điện ảnh nhiều năm qua, lần đầu tiên NSƯT Hoài Linh lại có một vai chính kịch, điều đặc biệt, đây không phải là lần đầu anh hoá thân vào vai Tư Lành. Chí Tài lần đầu bén duyên với vai Năm Triều, đây cũng là thử thách với anh bởi vai diễn này đã qua tay quá nhiều đàn anh gạo cội.
Tuy nhiên, bản thân cũng là những diễn viên kỳ cựu, Hoài Linh - Chí Tài, cặp đôi quá quen thuộc với khán giả Việt, đã hoá thân vào vai một cách ngọt ngào, cùng những mảng miếng dí dỏm quen thuộc của mình.
Hoài Linh (vai Tư Lành) và Chí Tài (vai Năm Triều) trong phim.
Dàn diễn viên trẻ vào vai các nhân vật thời niên thiếu như Will, Đình Hiếu, Oanh Kiều cùng dàn diễn viên nhí Trọng Khang, Ngọc Mỹ và bé Ben đều là những gương mặt quen thuộc với khán giả Việt những năm gần đây, đều đã làm tròn vai của mình trong những phân đoạn hồi tưởng. Tuy nhiên những diễn viên này lại không có nhiều đất diễn.
Hai diễn viên mới toanh, chạm ngõ điện ảnh Việt là Trish Lê và Johnny Văn Trần cũng đã làm khá tròn vai. Dù vậy, Trish Lê bị đánh giá là diễn xuất căng cứng, chưa thể hiện được cảm xúc của nhân vật, và từ đầu đến cuối không có một phút nào không nhăn nhó.
Duy chỉ có một điều đáng tiếc với Dạ cổ hoài lang đó là dàn diễn viên lớn tuổi, ngoài Hoài Linh và Chí Tài thì những vai diễn khác đều chỉ mang tính chất lướt qua màn ảnh.
Nghệ sĩ Thanh Hoàng, tác giả kịch bản được mời vào vai cha của Năm Triều, nghệ sĩ Thanh Thuỷ vai mẹ Năm Triều, và chắc hẳn rất ít người nhận ra được NSƯT Ngọc Hiệp trong vai Út Trong lúc già, bởi cô chỉ xuất hiện được khoảng 5 phút, trước khi nhân vật... chết.
Âm nhạc chưa thực sự ấn tượng, hình ảnh quá duy mỹ
Ngay từ cái tên của tác phẩm đã gợi lên cho khán giả một cảm giác về những cung đàn xưa ngân lên réo rắt, tuy vậy âm nhạc trong phim đã không được trau chuốt kĩ, khiến người xem cảm giác như nhạc phim được lựa chọn trong rất nhiều những ca khúc không lời có sẵn trên mạng.
Điểm sáng của nhạc phim chỉ là khúc Dạ cổ hoài lang được phối trên nền nhạc giao hưởng ở cuối phim, tạo khá nhiều cảm xúc.
Hình ảnh Hoài Linh ngồi co ro giữa nền tuyết trắng đem lại nhiều cảm xúc cho người xem.
Phần hình ảnh của phim, ngược lại, được trau chuốt quá kĩ lưỡng, với rất nhiều những cảnh quay flying cam, quay chậm. Những cảnh quay này tất nhiên sẽ khoe được vẻ đẹp của ngoại cảnh, nhưng khi bị sử dụng quá nhiều tới mức lạm dụng, người xem sẽ có cảm giác là mình đang xem hoạt cảnh MV.
Ngoài ra về bối cảnh của phim là năm 1995, cùng với những cảnh đồng hiện quá khứ, đạo diễn cũng chưa làm cho khán giả thấy được nét xưa cũ, sự khác biệt giữa các giai đoạn trong cuộc đời của nhân vật.
Tạo được cảm xúc từ những câu chuyện quen thuộc
Những câu chuyện gợi sự xúc động từ khán giả, đặc biệt là thế hệ cao tuổi
Sự khác biệt về lối sống giữa các thế hệ trong gia đình vốn là vấn đề quen thuộc với bất cứ gia đình nào. Không chỉ vậy, cô cháu gái Tammy trong Dạ cổ hoài lang lại chưa từng một lần được biết tới quê hương, nên việc này đã đẩy mâu thuẫn giữa hai ông cháu lên đến cao trào.
Những chi tiết, những mẩu chuyện trong Dạ cổ hoài lang xảy ra với nhiều người cao tuổi khi họ chuyển tới sống ở nửa bên kia của Trái đất, nơi mà mọi thứ từ văn hoá tới lối sống đều khác hẳn với Việt Nam.
Những câu chuyện này, vốn đã quen thuộc từ vở kịch nổi tiếng, nay một lần nữa được tái hiện trên màn ảnh, đã khơi gợi sự xúc động từ khán giả, đặc biệt là thế hệ cao tuổi.
Đứng trên phương diện những người yêu mến nghệ thuật nhà hát, Dạ cổ hoài lang chính là một phiên bản khá thú vị qua màn bạc. Tuy vậy, phim vẫn có những hạt sạn không đáng có, nhất là với một đạo diễn dày kinh nghiệm như "Dũng khùng". Dù thế, phim vẫn có thể được coi là một làn gió mát trong thị trường phim Việt đang bị bão hòa với quá nhiều phim hài và lãng mạn.
Mời độc giả thưởng thức giọng ca Mỹ Tâm với trích đoạn "Dạ cổ hoài lang":
Theo Danviet
"Dạ cổ hoài lang" điện ảnh: Quá nhiều... "mồi khóc" "Dạ cổ hoài lang" phiên bản điện ảnh có một thành công lớn nhất, ấy là lấy nước mắt của khán giả! Hồi ức về một tượng đài Kịch Dạ cổ hoài lang là một tượng đài của sân khấu xã hội hóa Sài Gòn. Ra mắt năm 1994, vở kịch của nghệ sĩ Thanh Hoàng đã tạo nên một cơn sốt chưa...