5 ‘phép thuật’ của thầy Park ở vòng bảng giúp U23 Việt Nam bảo vệ chức vô địch SEA Games
Tại SEA Games 31, U23 Việt Nam tham dự với tư cách nhà vô địch Đông Nam Á. Hiện tại, HLV Park Hang-seo đang có những tính toán kỹ lưỡng, vừa giấu bài, nhưng cũng vừa đủ để giúp U23 Việt Nam giành vé vào bán kết với ngôi đầu bảng A.
HLV Park Hang-seo – “Ngài ngủ gật” đã không còn xa lạ đối với thể thao Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, chiến lược gia người Hàn Quốc có gần 5 năm gắn bó với đá Việt và ông được đánh giá là huấn luyện viên thành công nhất trong lịch sử bóng đá nước nhà.
Những người tiền nhiệm của ông Park cũng từng đi vào lịch sử với các mốc son chói lọi. Có thể kể đến như HLV Alfred Riedl từng giúp Việt Nam lọt vào tứ bán kết Asian Cup 2007 hay HLV Henrique Calisto đã đem về chức vô địch AFF Cup đầu tiên cho bóng đá Việt Nam vào năm 2008. Tuy nhiên, họ chưa thể vươn đến đỉnh cao như HLV Park Hang-seo. Đặc biệt, tấm HCV SEA Games 30 càng giúp nhà cầm quân người Hàn Quốc khẳng định đẳng cấp của mình.
Kết thúc vòng bảng SEA Games 31 tối 15/5, thầy Park cho thấy U23 Việt Nam đủ khả năng giữ vững “ngai vàng” bằng 5 “phép thuật” dưới đây, dù trong tay ông phần nhiều là các cầu thủ trẻ.
HLV Park Hang-seo chỉ đạo học trò ở trận đấu cuối cùng vòng bảng tối 15/5 (Ảnh: Hiếu Lương)
1. Xây dựng bản sắc phù hợp, hiệu quả
Trong quãng thời gian dẫn dắt các cấp đội tuyển bóng đá Việt Nam, HLV Park luôn lựa chọn triển khai lối chơi phòng ngự phản công. Rất ít khi ông chỉ đạo cho học trò của mình chơi đôi công với đối phương, đặc biệt là khi gặp phải những đối thủ mạnh và được đánh giá cao hơn.
Ở hàng phòng ngự, chiến lược gia người Hàn chỉ đạo học trò tổ chức phòng ngự theo khu vực với cự ly đội hình thấp, hỗ trợ bọc lót cho nhau khi cần thiết. Ông thường bố trí đến 5 cầu thủ với 3 trung vệ, 2 hậu vệ cánh để khi cần có thể dâng cao như tiền vệ tấn công.
HLV Park Hang-seo quyết tâm bảo vệ ngôi vị cao nhất tại SEA Games 31 cho ĐT U23 Việt Nam (Ảnh: Thanh Xuân)
Trên mặt trận tấn công, các cầu thủ cũng sẵn sàng chơi áp sát khi mất bóng để giảm áp lực cho hàng phòng ngự. Hoàng Đức, Hùng Dũng hay thậm chí là Lý Công Hoàng Anh đều là quân bài cực tốt trên sa bàn tấn công của ĐT U23 Việt Nam. Ngoài ra, không thể không nhắc tới Tiến Linh, việc để cầu thủ này chơi ở vị trí tiền đạo mục tiêu rất có thể sẽ là chất xúc tác cho những vệ tinh xung quanh anh như Thanh Minh hay Mạnh Dũng ghi bàn, Tiến Linh cũng rất giỏi trong khoản ghi bàn bằng đầu hay những cú sút xa, có thể đây sẽ là ngòi nổ cực kỳ quan trọng trong chiến dịch bảo vệ ngai vàng Sea Games của HLV Park Hang-seo.
2. Linh hoạt chiến thuật
Theo dõi đội tuyển Việt Nam thi đấu 4 trận vòng bảng, nhận thấy hai sơ đồ 5-3-2 và 3-4-3 luôn được HLV Park xoay chuyển linh hoạt khi sử dụng. Đây cũng là kiểu đội hình đã làm nên tên tuổi của thầy Park ở đấu trường bóng đá Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung. Và gần như không có lý do gì để kỳ Sea Games lần này HLV Park thay đổi một đội hình chiến thuật mới, nhất là trong bối cảnh ĐT U23 Việt Nam sẽ thi đấu với cương vị nhà đương kim vô địch.
Nhìn lại mặt bằng chung của giải đấu, có thể thấy ĐT U23 Việt Nam sẽ đối mặt với những đội bóng “hàng xóm” trong khu vực ĐNA, được đánh giá “nhẹ ký” hơn, nhưng lại hiểu bóng đá Việt Nam hơn so với các đối thủ mà thầy Park gặp phải trong những trận đấu thuộc khuôn khổ vòng loại thứ 3 World Cup như Australia, Nhật Bản, Oman… Bởi vậy, thầy Park phải áp dụng nhiều “chiến thuật” để giấu bài trước những đối thủ láng giềng.
3. Bố trí nhân lực – chọn người tài
SEA Games 31 quy định mỗi đội được triệu tập 3 cầu thủ trên 23 tuổi đăng ký thi đấu, việc thầy gọi 3 cái tên bao gồm Đỗ Hùng Dũng (Hà Nội FC), Nguyễn Hoàng Đức (Viettel FC) và Nguyễn Tiến Linh (Bình Dương FC) đã thể hiện được rõ ý đồ bố trí nhân sự của nhà cầm quân 64 tuổi. Cả 3 cái tên kể trên chắc suất đá chính, đóng vai trò “gánh team” trong mọi trận đấu quan trọng của ĐT U23 Việt Nam.
Tuy nhiên, SEA Games là sân chơi dành cho những cầu thủ trẻ phát triển tài năng, vậy nên những cầu thủ trẻ giàu sức mạnh, kỹ thuật và tốc độ, có thể tạo nên dấu ấn sẽ được HLV Park trao cơ hội để thể hiện bản thân.
Ngoài ra, vị thuyền trưởng của U23 Việt Nam cũng nổi tiếng bởi cách dùng người, ông luôn có những sự thay đổi người hợp lý, thậm chí được đánh giá là vô cùng thực tế trong hoàn cảnh thế trận. HLV Trần Minh Chiến (CLB TP.HCM) từng phải thốt lên: “Tôi nể phục cách dùng người của ông Park”.
4. Bậc thầy tâm lý
Không chỉ sở hữu kinh nghiệm về chuyên môn, thầy Park còn là một chuyên gia tâm lý cực giỏi, giúp các cầu thủ vượt qua những giai đoạn khó khăn, không còn tâm lý sợ hãi đối thủ mạnh hơn mỗi khi thi đấu.
Không giống như những HLV khác, ông để các tuyển thủ thoải mái sử dụng điện thoại và mạng xã hội nhưng với điều kiện tuyệt đối không được tiết lộ chiến thuật. Việc thường xuyên được liên lạc với gia đình, bạn bè cũng giúp các cầu thủ giải tỏa được phần nào áp lực.
Ngoài ra, qua các buổi tập chuẩn bị cho SEA Games 31 ta cũng thấy chiến lược gia người Hàn Quốc quan tâm rất sát sao tới các cầu thủ, dặn dò kỹ lưỡng từng học trò trong các buổi tập.
5. Càng tự do, càng kỷ luật
HLV Park Hang-seo luôn tâm lý hết sức với học trò nhưng cũng rất nghiêm khắc, đòi hỏi yêu cầu cao và cực kỳ khó tính. Đặc biệt, ông rất kỹ tính trong vấn đề trang phục, nhất là việc đeo miếng bảo vệ ống đồng trong tất dài. Việc này là bắt buộc ngay cả khi tập luyện dù nhiều cầu thủ cảm thấy vướng víu
Quy định về kỷ luật ở ĐT U23 cũng như ĐTQG Việt Nam được đề cao tới mức nếu một thành viên nào vi phạm trong sinh hoạt, kỷ luật như muộn giờ tập, quên mang vật dụng tập luyện hoặc phạm một lỗi nào đó đều sẽ phải nộp phạt vào quỹ đội. Việc ra ngoài của các cầu thủ trong thời gian tập trung, dù được tự do nhưng cũng rất nghiêm khắc.
Trận bán kết môn bóng đá nam, U23 Việt Nam sẽ thi đấu ngày 19/5 tại sân vận động Việt Trì (Phú Thọ). Hai trận tranh HCĐ và HCV được tổ chức trên SVĐ Quốc gia Mỹ Đình vào ngày 22/5.
Bảng xếp hạng môn bóng đá nam tính đến tối 15/5 (Ảnh: GN)
HLV Park bối rối vì chất lượng cầu thủ dự phòng
Tối 15/5 tại Việt Trì (Phú Thọ), U23 Việt Nam vượt qua đội yếu nhất bảng Timor Leste 2-0, nhưng chất lượng của cầu thủ dự bị vẫn để lại nhiều nỗi lo.
Chỉ vượt qua U23 Timor Leste bằng 2 bàn thắng sau những điều chỉnh bất đắc dĩ ở hiệp 2, các phương án dự phòng mà huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo thử nghiệm không mang lại kết quả như mong đợi.
"Lễ hội thay người" của thầy Park
Bước vào trận cuối cùng bảng A tại SEA Games 31 với đối thủ nhẹ ký Timor Leste, U23 Việt Nam không gặp bất cứ áp lực nào về điểm số. Điều kiện này là lý tưởng để HLV Park Hang-seo tung ra hàng loạt thử nghiệm cho các vị trí thường ngồi dự bị.
Hàng hậu vệ được ông thay mới gần như toàn bộ với Lương Duy Cương và Vũ Tiến Long đá chính. Vị trí tiền vệ trụ được giao cho Nguyễn Trọng Long. Lý Công Hoàng Anh mang băng đội trưởng đá hộ công cho Nguyễn Văn Tùng - Hồ Thanh Minh cũng lần đầu tiên sắm vai cặp tiền đạo xuất phát.
Những điều chỉnh đó của thầy Park không bất ngờ trong bối cảnh nhiều trụ cột cần thời gian dưỡng sức, mà các nhân tố đội hình B lại thiếu cảm giác thi đấu. Bất ngờ chỉ là các học trò của HLV Park không thể ghi nổi bàn thắng nào trong 45 phút đầu tiên, trước hàng thủ từng thua tổng cộng 11 bàn trong 3 trận đã qua.
Nhưng có nhiều thứ còn tệ hơn cả việc không thể ghi bàn. Đấy là sự chậm chạp và rời rạc trong phối hợp. Đấy là sự cứng nhắc và cũ kỹ trong ý tưởng. Và dù kiểm soát bóng hoàn toàn, U23 Việt Nam có đúng 2 tình huống tạm coi là cơ hội, đều đến từ Nguyễn Văn Tùng và bị thủ thành Pereira hóa giải.
U23 Việt Nam chơi bế tắc trong hiệp một. Ảnh: Y Kiện.
Nếu soi vào từng vị trí, chúng ta thấy Phan Tuấn Tài hầu như không lên được bóng bên cánh trái, Hoàng Anh luân chuyển nhiều nhất trên sân, nhưng lại thiếu kết nối với các đồng đội xung quanh, Huỳnh Công Đến có nhiều đất diễn, nhưng dứt điểm thường vội vàng, Hồ Thanh Minh bị đẩy vào thế bất lợi khi đá quay lưng không phải sở trường.
Đúng như những mảng miếng hiếm khi được ghép cùng nhau, U23 Việt Nam chật vật "tiêu hóa" hiệp một bằng lối chơi thiếu tổ chức, thiếu nhịp điệu và dễ dàng bị bẻ gẫy các pha triển khai bóng, dù Timor Leste chỉ đơn thuần đứng co cụm, phá bóng dựa trên chút lợi thế nhỏ từ trời mưa, sân trượt.
Âu lo trước vòng bán kết
Màn trình diễn kém thuyết phục trong hiệp một buộc HLV Park phải "bẻ lái" sau giờ nghỉ. Một mặt, ông tiếp tục thử thách Dụng Quang Nho, Nguyễn Hai Long, những người được đánh giá là "độc đáo" nhưng ít thời gian thể hiện. Mặt khác, ông phải đưa trở lại sân Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Tiến Linh, Lê Văn Xuân - nhóm cầu thủ xương sống cho bán kết.
Dĩ nhiên, với đội hình quen thuộc hơn, trong hoàn cảnh đối phương đã mệt mỏi hơn, U23 Việt Nam không quá khó khăn để ghi 2 bàn thắng từ những quả đánh đầu cận thành của Văn Tùng - Thanh Minh. Chúng ta cũng tạo ra nhiều pha uy hiếp đáng kể khác, mà điển hình là 3 lần bóng dội xà ngang. Nhưng điều đáng lo là những sai sót ở hàng phòng ngự cũng lại xuất hiện gần như cùng lúc.
Chỉ vài phút sau khi có bàn mở điểm, U23 Việt Nam phải nhận thẻ vàng từ pha truy cản trong tuyệt vọng của trung vệ Vũ Tiến Long, khi anh phán đoán sai vị trí. Và lưới của thủ thành Nguyễn Văn Toản thậm chí đã rung lên, nhưng may mắn đứng về phía chúng ta khi trọng tài bắt lỗi việt vị cầu thủ ghi bàn cho U23 Timor Leste.
Có một thứ rất đáng suy ngẫm từ pha chết hụt này. Nó xuất phát từ quả phạt hàng rào, U23 Timor Leste thực hiện bằng sự sáng tạo, tinh tế hơn tất thảy hàng chục tình huống cố định khác mà chúng ta được hưởng.
Hùng Dũng, Tiến Linh cần dìu dắt đàn em ở bán kết. Ảnh: Quang Thịnh.
Và còn sự thật khác đã được chứng minh là thầy Park dù muốn hay không cũng chỉ có thể dùng nhóm cầu thủ mà ông phần nào am hiểu họ. Với Dụng Quang Nho, ông chỉ thấy những pha đi bóng ít hiệu quả, không hề giống anh chút nào ở giải U23 Đông Nam Á. Với Nguyễn Hai Long, ông cũng chỉ nhận về những đường chuyền thiếu cảm giác, không tương xứng với những gì anh từng gây ấn tượng trước CLB Hà Nội trong mùa chuyển nhượng.
Lúc này, U23 Việt Nam đã hoàn tất mục tiêu đầu bảng, có một ngày nghỉ trong lúc chờ đối thủ vòng bán kết. Những lợi thế nho nhỏ đã được thầy trò ông Park mang về, nhưng cái lớn hơn cả là lối chơi thuyết phục, thì chúng ta vẫn chưa tìm thấy.
Sau bài kiểm tra nhỏ và dễ trước U23 Timor Leste, thầy Park, thầy Lee vẫn còn quá nhiều việc phải đắp bù, mà những cái ôm đầu, những tiếng thở dài của bộ đôi xứ Hàn trên ghế chỉ đạo đã nói thay tất cả. Khi mà những niềm hy vọng chủ chốt như Tiến Linh, Hoàng Đức còn đang gặp vấn đề về phong độ, thì ban huấn luyện thực sự khó trông đợi nhiều ở lực lượng dự phòng vốn sẵn hồ nghi.
Highlights SEA Games: U23 Việt Nam 2-0 Timor Leste Chiến thắng 2-0 ở lượt trận cuối giúp thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo vươn lên ngôi đầu bảng A môn bóng đá nam tại SEA Games 31.
Đội hình xuất phát của U23 Việt Nam trước Timor Leste tối 15/5. Đồ họa: Minh Phúc.
U23 Việt Nam kết thúc vòng bảng với ngôi đầu. Đồ họa: Minh Phúc.
U23 Việt Nam sẽ thi đấu thế nào trước U23 Myanmar? Tối 13/5, đội tuyển U23 Việt Nam sẽ gặp đội tuyển U23 Myanmar trên sân vận động Việt Trì (Phú Thọ). Trận đấu mang tính chất vô cùng quan trọng bởi kết quả sẽ ảnh hưởng đến việc đi tiếp của U23 Việt Nam tại SEA Games 31. Rút kinh nghiệm từ trận hòa không bàn thắng với U23 Philippines, U23 Việt Nam...