5 nữ đạo diễn có ảnh hưởng nhất điện ảnh Việt
Dù số lượng nữ đạo diễn thành danh tại Việt Nam không nhiều, nhưng mỗi lần xuất hiện, họ đều mang lại những đổi mới tích cực và sâu sắc cho ngành công nghiệp điện ảnh.
NSND Bạch Diệp là vợ cũ của nhà thơ Xuân Diệu
Được xem là nữ đạo diễn đầu tiên của Việt Nam, NSND Bạch Diệp ghi dấu trong lòng người xem với những tác phẩm nổi tiếng như Ngày lễ thánh, Điện Biên Phủ, Hoa ban đỏ, Huyền thoại về người mẹ…
Phim của bà được các nhà chuyên môn đánh giá cao về sự chân thật và cách kể chuyện dung dị, gần gũi, tràn đầy sự nữ tính. Có thể nói NSND Bạch Diệp là người mở đầu cho một kỷ nguyên mới của nữ giới trong ngành công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam.
Bộ phim Huyền thoại về người mẹ của NSND Bạch Diệp có sự tham giacủa NSND Trà Giang trong vai chính
NSƯT Đức Hoàn
NSƯT Đức Hoàn nổi tiếng nhất nhờ vai diễn Mị trong vợ chồng A Phủ
Khởi nghiệp với nghề diễn viên, NSƯT Đức Hoàn thường được nhiều khán giả nhớ đến nhất qua vai Mị trong phim Vợ chồng A Phủ do đạo diễn Mai Lộc thực hiện. Tuy nhiên, tài năng của bà không chỉ dừng lại ở địa hạt diễn xuất mà còn được thể hiện qua những bộ phim do chính bà làm đạo diễn như Từ một cánh rừng, Hà Nội mùa chim làm tổ, Tình yêu và khoảng cách, Đời mưa gió…
NSƯT Đức Hoàn đã góp phần mang đến một sức sống mãnh liệt cho điện ảnh thời kỳ đầu bằng cách làm phim với kỹ thuật rất chắc, ấn tượng, đồng thời cũng rất đều tay.
Việt Linh
Đạo diễn Việt Linh hiện định cư tại Pháp nhưng vẫn thường xuyên về Việt Namthực hiện các dự án nghệ thuật
Được xem là đạo diễn tiêu biểu trong thời kỳ đổi mới, Việt Linh là tên tuổi lớn sánh ngang với nhiều đạo diễn nổi tiếng cùng thời kỳ như Đặng Nhật Minh, Đỗ Minh Tuấn, Nguyễn Thanh Vân…
Bà cũng là một trong những người có công mang điện ảnh Việt Nam vươn ra tầm thế giới khi liên tục tạo ra những tác phẩm gây sự chú ý của quốc tế như Gánh xiếc rong, Dấu ấn của quỷ, Chung cư, Mê Theo, Thời vang bóng… Phong cách làm phim của Việt Linh là sâu lắng, êm ái nhưng cũng đôi lúc rất dữ dội và đầy ám ảnh.
Bộ phim Mê Thảo, Thời vang bóng của Việt Linh được giới chuyên môn quốc tếchú ý và đánh giá cao
Nhuệ Giang
Video đang HOT
Nhuệ Giang nổi tiếng là một đạo diễn cầu toàn và khó tính
Là con của đạo diễn nổi tiếng Phạm Văn Khoa (từng làm Chị Dậu, Làng Vũ Đại ngày ấy), Nhuệ Giang bắt đầu nối nghiệp bố với bộ phim đầu tay có tên Bỏ trốn ra mắt năm 1996. Hai bộ phim tiếp theo của chị là Thung lũng hoang vắng và Tâm hồn mẹ đã góp phần định hình nên một phong cách không thể nhầm lẫn vào đâu của Nhuệ Giang.
Chị làm phim với một tâm hồn đầy chất thơ, lãng mạn mà cũng rất nặng nề về tâm lý. Nhuệ Giang cũng nổi tiếng là một đạo diễn khó tính nên các tác phẩm của chị luôn ra mắt người xem ở một mức độ hoàn hảo khó chối cãi.
Thung lũng hoang vắng của Nhuệ Giang đã ghi dấu ấn tại nhiều liên hoan phim quốc tế ở Hàn Quốc, Úc, Singapore…
Nguyễn Hoàng Điệp
Nguyễn Hoàng Điệp đại diện cho thế hệ nữ đạo diện hiện đại, dám nghĩ dám làm
Dù chỉ mới ra mắt duy nhất một bộ phim đầu tay là Đập cánh giữa không trung nhưng Nguyễn Hoàng Điệp đã góp phần làm khuấy động không khí của làng điện ảnh độc lập tại Việt Nam trong khoảng thời gian gần đây. Phim của chị không chỉ thành công trên “đấu trường” quốc tế như Liên hoan phim Venice, Liên hoan phim ba lục địa… mà còn được khán giả Việt đón nhận với tinh thần vô cùng thiện ý.
Có thể, trong tương lai, Nguyễn Hoàng Điệp sẽ góp phần khơi nguồn cảm hứng giúp thêm nhiều thế hệ nữ đạo diễn khác tiếp tục theo đuổi con đường điện ảnh đầy chông gai tại Việt Nam.
5 nữ đạo diễn ấn tượng nhất thập kỷ qua
Theo Danviet.vn
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Đập cánh giữa hoang mang
Chân dung của nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp khá phức tạp, nhiều màu sắc đối lập như chính bộ phim đầu tay nổi tiếng của chị.
Lần đầu tiên gặp Nguyễn Hoàng Điệp ở Liên hoan phim quốc tế Hà Nội tháng 11/2014, tôi hơi bất ngờ vì Điệp rất đẹp và có khuôn mặt khá điện ảnh. Trong mười năm gần đây, đạo diễn dòng phim art-house vừa đẹp vừa thành công mang về một loạt các giải thưởng quốc tế cho điện ảnh Việt Nam, chắc chỉ có mình Điệp. Khi đó, chị tự tin và tất bật chuẩn bị cho buổi công chiếu đầu tiên của phim Đập cánh giữa không trung tại Việt Nam.
Lần thứ hai gặp Điệp ở quán cà-phê Au Parc, tôi lại tiếp tục bất ngờ vì chị như con mèo ốm. Có lẽ suốt mấy tháng dịch chuyển giữa các vùng đất, các liên hoan phim trong và ngoài nước để quảng bá cho bộ phim đầu tay đã khiến chị mệt mỏi. Người phụ nữ trước mặt tôi là con gái Hà thành gốc nổi tiếng dịu dàng. Cựu nữ sinh chuyên Văn Hà Nội - Amsterdam đã sống một cuộc đời khá bằng phẳng, đến mức chị tự nhận là mình quá bình thường đến nhàm chán.
Thế nhưng phim của Điệp lại không hề nhàm chán. Người xem được chứng kiến những hình ảnh của một Hà Nội đương đại vừa ngột ngạt vừa mộng mơ. Ngoài ra, xen kẽ trong các thước phim là hình ảnh Hạ Long, Tam Đảo đẹp huyền ảo. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là sự hoang mang đến nửa vời của các nhân vật trong phim. Không ít thì nhiều, người xem bắt gặp bản thân của mình trong các bế tắc của nhân vật. Tiết tấu chậm, đối thoại có phần hiền lành nhưng hình ảnh phim thì khiến người xem nhức nhối đến ám ảnh. Người xem hẳn sẽ ghi nhớ những hình ảnh con cá trôi trong hộp đèn đường, người đàn ông giàu có ham muốn với phụ nữ mang thai, tàu về ga mỗi tối như trong truyện của Thạch Lam...
Làm nghệ thuật đừng phân biệt giới tính
- Sao chị lại chọn trở thành đạo diễn, một nghề rất vất vả với nữ giới?
- Để không phải viết nữa (cười). Bảy năm học chuyên văn khiến viết trở thành một thói quen, mà tôi muốn đổi mới thói quen ấy khi vào đại học. Khi thi vào trường sân khấu điện ảnh, các thầy nói nếu tôi chọn biên kịch thì được chấm đỗ ngay. Tôi kiên quyết chọn nghề đạo diễn, bỏ qua nụ cười của các thầy. Khi đó, tôi yêu phim ảnh chứ cũng chưa biết mình theo ngành học thuật thế này thì sẽ như thế nào.
Khi làm đạo diễn, tôi khám phá ra một điều thú vị của việc viết lách. Tôi có thể tưởng tượng ra trước bộ phim của mình sẽ thế nào một cách giản dị mà bay bổng nhất. Còn vất vả, làm nghề nào khác thì cũng có những khó khăn riêng thôi.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp.
- Chị có ngưỡng mộ nữ đạo diễn nào trên thế giới không?
- Nếu xét ở khía cạnh con người thì tôi thích tất cả các nữ đạo diễn. Tôi thích cách họ lựa chọn đối diện với cuộc sống là làm phim về nó (cười). Còn xét riêng về điện ảnh, quan điểm của tôi là nghệ thuật không có ranh giới giới tính trong đó. Tôi không thể thích một bộ phim chỉ vì đó là do nữ làm.
Đối với tôi, mỗi bộ phim là một tác phẩm độc lập, thuộc về một tác giả thật nhưng nằm ngoài các ranh giới kiềm tỏa đó. Tôi cũng không thích ai đó nói thích một tác phẩm vì đó là do nữ làm hay nhất định phải xem một bộ phim vì do đạo diễn giới tính thứ ba thực hiện.
- Nhưng không thể phủ nhận, trong bộ ba đạo diễn nổi tiếng của điện ảnh art-house Việt Nam hiện nay: Trần Anh Hùng, Phan Đăng Di và Nguyễn Hoàng Điệp, người ta tò mò về chị nhiều nhất vì là nữ đạo diễn, vì những góc nhìn, cách xử ly mềm mại giàu tính nữ của chị trong phim!
- Tôi hiểu là sẽ có những nhận xét, tò mò như thế. Mọi người không bao giờ yên tâm khi nhìn nhận một ai đó như thực chất họ vốn là. Bao giờ công chúng cũng thích nhìn người khác trong một hệ quy chiếu, phải chịu một sự ảnh hưởng, chịu sự so sánh.
Tôi và Phan Đăng Di đồng trang lứa nên rất dễ bị so sánh. Nhưng tôi nghĩ là không. Di là Di và tôi là tôi. Di thích những điều tôi ghét và ghét những điều tôi thích. Chúng tôi, một người làm phim về cha, một người làm phim về mẹ. Câu chuyện của chúng tôi có cùng chung bối cảnh là Hà Nội đương đại vì cùng sinh ra ở đấy, cùng hưởng thụ hoàn cảnh, bầu không khí của xã hội ấy.
Tôi hay Di chẳng có ly do gì mà chỉ vì muốn tránh nhau để khỏi bị so sánh mà một người phải lẳng lặng đi sang Thái Lan, một người phải cắp cặp đi sang Tây Đức (chẳng hạn) để làm phim. Chúng tôi không có ly do gì để phải tự đặt mình vào trong sự so sánh về nhau cả, sự so sánh ấy tôi nghĩ là không đúng về khái niệm. Điều đó có thể đẩy những nhà làm phim sau tôi rơi vào hoàn cảnh "một bạn A có thể là phiên bản nam của Nguyễn Hoàng Điệp".
- Nói một chút về bộ phim của chị nhé, tôi thấy nó thể hiện sự trưởng thành đầy hoang mang của một cô gái trẻ. Đó có phải là hình ảnh của chính chị nhiều năm trước?
- Phim là nơi mình có thể nhìn thấy một con người nào đó ở trong ấy. Con người đầu tiên mọi người hay nghĩ tới là tác giả. Nhưng tôi không cực đoan đến mức như vậy. Nếu như mình làm một phim chỉ để thấy mình trong đó thì có thể tôi sẽ làm chân dung tự họa, như thế sẽ hiệu quả hơn nhiều. Làm phim là một sự giãi bày nhưng không phải khi mình nhìn vào đó để thấy chân dung của mình, nhìn vào đó để thấy từng đường nét khắc họa phải là mình. Tôi cũng muốn xóa mờ ranh giới cá nhân mình trong phim.
- Bối cảnh phim hiện đại, nhưng tâm ly và cách hành động của nhân vật Huyền thì có vẻ không giống các cô gái hiện nay lắm? Chị có thay đổi kịch bản hay cắt bỏ gì trong lúc dựng phim?
- Nếu bộ phim này được quay năm 2008 khi tôi mới bắt đầu dự án, câu chuyện sẽ rất khác. Góc nhìn của tôi lúc đó rất khác, quan niệm của xã hội cũng khác. Tôi vẫn nhớ lúc đó tôi không thể nói chuyện về một cô gái muốn đi phá thai một cách dễ dàng được. Tôi vẫn mang tâm ly của lứa 8X đời đầu, chúng tôi sẽ chỉ yêu và cưới một người. Huyền năm 2013 đã khác so với Huyền của năm 2008, trong kịch bản gốc của tôi. Khi quay, tôi không cắt kịch bản. Tôi đã quay hết các cảnh.
Đây là bộ phim đầu tay về sự do dự, hoang mang của một người đang đứng ở ngưỡng cửa sự trưởng thành nhìn vào cuộc đời. Nhưng bản chất đó cũng chính là một giai đoạn hoang mang của tôi. Khi bắt đầu làm phim đầu tay, tôi cũng hoang mang như thế khi nhìn vào cuộc đời, nghệ thuật, phim ảnh, con đường mà mình sẽ đi. Tôi cảm thấy sự trùng khớp của cảm giác hoang mang của mình với cảm giác hoang mang của tuổi trẻ trong phim. Họ cứ phải chờ một lời khuyên từ những người có kinh nghiệm hơn. Nhưng cuối cùng rồi họ vẫn phải tự xử mà thôi.
"Huyền năm 2013 đã khác so với Huyền của năm 2008, trong kịch bản gốc của tôi".
Tôi chưa bao giờ có một màu lạ trên tóc mình
Nghe Điệp nói về sự hoang mang khi làm phim đầu tay, tôi lại nhớ đến nhân vật trong phim của chị. Huyền bơ vơ trong chính đôi cánh của tuổi trẻ, của tự do. Đôi cánh ấy không giúp cô bay lên, xác quyết cho mình một hành trình dù đúng dù sai, mà cứ mãi vẫy vùng hoang mang. Đôi cánh ấy mãi chỉ đập lung tung tìm đường giữa không trung, cho đến khi gãy cánh...
- "Đập cánh giữa không trung" hẳn đã khiến cuộc sống của chị thay đổi nhiều?
- Bỗng nhiên tôi trở nên phổ biến hơn. So sánh hơi khập khiễng, nhưng giờ tôi mới hiểu cảm giác của các cô hoa hậu. Nếu bạn không đội vương miện thì không sao, nhưng khi đã đăng quang thì phải thực hiện nhiều nghĩa vụ mà bình thường bạn chẳng hiểu tại sao nó lại liên quan đến hoa hậu. Cuộc sống của bạn sẽ bị đảo lộn. Tôi cũng vậy, tự dưng mình phải đi đến rất nhiều liên hoan phim. Lúc đầu còn có cảm giác vui thích, nhưng rồi tôi giảm dần sự hứng thú khi suốt ngày phải đi như thế. Khoảnh khắc trên thảm đỏ không kéo dài, nó chỉ là ảo ảnh đánh lừa mình mà thôi.
Tôi đi nhiều đến mức vali mang về nhà cũng chẳng buồn dỡ ra, vì vài ngày sau lại đi. Tôi không có thời gian chia sẻ với ai trong gia đình, để ngồi nói một câu chuyện cho đàng hoàng tử tế. Có lẽ những câu chuyện dài nhất tôi nói và chia sẻ trong thời gian qua là với phóng viên và những người xa lạ.
- Người đàn ông của chị chia sẻ những điều này ra sao?
- Anh ấy cứ im lặng và làm thay tôi nhiều việc thuộc về nghĩa vụ của tôi, một người vợ. Nói thật, tôi là người cổ điển, quan niệm phụ nữ phải làm việc nhà, chăm sóc gia đình là đương nhiên. Tôi hoàn toàn đồng tình nếu chồng tôi có cách ứng xử khác đi so với chồng tôi bây giờ. Nhưng điều kỳ diệu là người đàn ông vốn được chiều chuộng ấy vẫn chấp nhận và tỏ ra ủng hộ công việc của tôi.
Chồng tôi sắp xếp việc nhà, chăm sóc con cái như thể đó là đương nhiên, khi mệt quá thì hỏi tôi: "Bao giờ bộ phim này của em kết thúc?" Tôi chẳng biết trả lời ra sao. Tôi luôn dằn vặt về việc mình đã không dành nhiều thời gian cho anh và gia đình, cảm giác đó mỗi ngày lại tăng lên. Tôi hiểu là người đàn ông gắn bó với mình trong từng đó năm đang chịu nhiều thiệt thòi. Đôi lúc tôi cũng lo lắm, chẳng biết nó sẽ kéo dài bao lâu...
- Chị từng nói là không tin vào hạnh phúc của phụ nữ. Nhưng như chị bây giờ có sự nghiệp thành công, có nhan sắc, gia đình ủng hộ và được chồng yêu thương, chị vẫn không tin mình hạnh phúc?
- Theo bạn tôi có hạnh phúc không? Thú thực, tôi cũng không biết nữa.
- Điệp ơi, chị quá phức tạp!
- Có lẽ vậy, tôi luôn đẩy mọi thứ trong kịch bản cuộc đời mình trở nên rắc rối, phức tạp hóa vấn đề. Chồng tôi không hiểu hết sự phức tạp trong công việc, con người tôi nhưng anh ấy cũng không có nhu cầu đào bới, tìm mọi cách để hiểu, phân tích... hay trò chuyện. Tôi thì khác, luôn quan sát chồng con mình dưới óc phân tích.
Khi mẹ tôi bị ốm rất nặng, tôi cứ vật vã hết cảm xúc này đến cảm xúc khác, đến mức thốt lên: Bây giờ mình biết sống làm sao, chăm mẹ không dễ dàng gì nếu mẹ em cứ ốm mãi như thế này. Anh ấy chỉ bảo đơn giản: "Ơ, mẹ mình thì mình chăm, mình lo chứ ai làm?" Thế đấy, chồng tôi có khả năng đơn giản hóa mọi thứ phức tạp, bao gồm chính bản thân tôi.
- Sống đơn giản, bình thường quá biết đâu chị lại không thể làm đạo diễn thành công thế này?
- Tôi lại nghĩ mình đã sống một cuộc đời bình thường đến nhàm chán quá. Tôi thèm khát sự phức tạp hiển lộ của người khác. Để xây dựng hình tượng về bản thân, tôi thích mình phải có rắc rối, có bi kịch về ái tình, về giới tính, về thế hệ... Cuộc đời tôi là một đường thẳng chẳng có biến cố gì như mình thường kỳ vọng. Nhìn lại, tôi chưa bao giờ có được màu nào đặc biệt trên tóc mình vì không dám. Trong mọi cuộc tụ họp, tôi chẳng bao giờ là người say.
- Hình như chị ly trí quá, rào chắn kỹ quá?
- Ngày xưa tôi từng nghĩ mình thiếu ly trí nhưng càng trưởng thành thì càng thấy không phải thế. Tôi đã từng thử rót một cốc rượu đầy ngồi uống để tìm cảm giác say nhưng không, tôi không say cũng chẳng thấy có chút thăng hoa nào. Phải nói thật là tôi chẳng bao giờ có cảm giác chuyện gì xảy đến mà nằm ngoài sự kiểm soát của mình, trừ ở trong phim. Chỉ có khi làm phim, tôi mới thấy mình là người khó lường, nằm ngoài kế hoạch, ngoài sự kiểm soát của bản thân.
Tôi rất khắc nghiệt với bản thân mình, chỉ trong phim tôi mới phá bỏ luật lệ thôi. Trong cuộc đời, với mọi thứ tôi đều giữ cho mình khoảng cách để đủ tỉnh táo và quan sát. Đôi khi tôi cũng thấy thương cho bản thân vì đã trở thành nô lệ của cái tôi như thế. Ví dụ, tôi thích sự phù phiếm của thời trang nhưng lại chỉ đứng từ xa và quan sát thôi.
- Sao chị không thử bớt tỉnh táo và tận hưởng thử những thứ phù phiếm rất phụ nữ ấy?
- Tôi nghĩ mình ao ước sự phù phiếm đó vì nó không thuộc về mình. Đó là một điều rất phụ nữ rồi. Không phải ai cũng thích nghi hay thoải mái được trong sự phù phiếm. Điều đó khiến người khác ngắm nghía những thứ không thuộc về tôi, khiến tôi không thoải mái.
Tôi thích mình xuất hiện đơn giản nhưng đừng phổ biến quá. Tôi luôn cảm thấy không yên tâm khi mình có điều gì đó quá nổi bật nhưng cũng không chịu được khi mình dễ hòa lẫn trong đám đông.
Đập cánh ở Việt Nam
Bộ phim Đập cánh giữa không trung dài 98 phút được Nguyễn Hoàng Điệp ấp ủ trong 5 năm và được sản xuất bởi Vblock Media, một hãng độc lập chuyên về phim nghệ thuật và thử nghiệm. Bên cạnh đó, dự án còn được hỗ trợ bởi ba nhà đồng sản xuất đến từ Pháp, Đức, Na-Uy. Phim được trình chiếu lần đầu tại Việt Nam trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội tháng 11/2014 và nhận được sự khen ngợi của giới chuyên môn.
Tháng 1 và 2/2015, với sự hỗ trợ của dự án CGV Art House, Đập cánh giữa không trung đã được phát hành bởi Vblock Media chiếu tại các rạp trên toàn quốc và nhận được sự ủng hộ, yêu thích của đông đảo khán giả Việt. Đây là một bộ phim độc lập hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam được công chiếu rộng rãi.
Đập cánh ra thế giới
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã đoạt nhiều giải thưởng ở các liên hoan phim lớn trên thế giới. Tại Venice (Ý), chị đoạt giải Phim đầu tay hay nhất của Liên đoàn các nhà phê bình phim châu Âu và Địa Trung Hải, tại Bratislava (Slovakia) đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất, Giải đặc biệt tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, giải thưởng đặc biệt từ Liên hoan phim ba lục địa tại Nantes (Pháp)... Trước bộ phim này, Nguyễn Hoàng Điệp được biết đến với vai trò sản xuất phim Bi, đừng sợ của đạo diễn Phan Đăng Di, thực hiện loạt phim tài liệu ngắn Cuộc sống thay đổi...
Theo Dạ Thương/Harper's Bazaar
Phim 'Đập cánh giữa không trung': Mạnh mẽ và choáng váng Người ta thường nói, người sao văn vậy. Trong điện ảnh cũng tương tự, phim thế nào, phản ánh đúng con người đạo diễn thế ấy. Với những đạo diễn/ tác giả trẻ, việc lấy những trải nghiệm, những suy nghĩ của bản thân, lấy một phần trải nghiệm của chính con người mình để mang vào phim là một điều hết sức...