5 nhân tố giúp Donald Trump hạ gục Hillary Clinton
Bản tính thẳng thừng hay niềm tin mãnh liệt vào bản thân là hai trong 5 yếu tố giúp Trump thu phục cử tri và đánh bại đối thủ Clinton trên đường đua vào Nhà Trắng.
Donald Trump phát biểu trước người ủng hộ sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố cho thấy ông sẽ trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ. Ảnh: Reuters
Từ khi tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ hơn một năm trước, nhà tài phiệt New York Donald Trump luôn bị đánh giá thấp hơn đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton. Rất ít người tin Trump sẽ chạy đua vào Nhà Trắng, nhưng ông đã thực sự làm vậy. Họ cho rằng ông khó lòng vượt qua nổi các vòng bầu cử sơ bộ và bỏ phiếu kín để trở thành ứng viên đại diện đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống, nhưng đến cuối, ông đã thành công.
Hôm nay, Donald Trump một lần nữa chứng tỏ ông là một chiến binh lội ngược dòng ngoạn mục khi đánh bại đối thủ nặng ký Hillary Clinton, để trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ.
Theo BBC, Trump có được chiến thắng là nhờ vào 5 yếu tố.
Làn sóng da trắng của Trump
Các bang chiến trường quan trọng Ohio, Florida và North Carolina hôm nay đều lần lượt đứng về phía Trump, khiến bức tường lửa bà Clinton dày công gây dựng bỗng chốc sụp đổ.
Hy vọng cuối cùng dành cho cựu ngoại trưởng Mỹ đặt ở những bang khu vực Trung Tây. Các bang này vốn có truyền thống bầu cho đảng Dân chủ suốt nhiều thập kỷ, bắt nguồn từ tầng lớp cử tri da màu và người lao động da trắng.
Nhưng những người lao động da trắng, đặc biệt là đàn ông và phụ nữ không qua giáo dục đại học, đã quyết định xa rời đảng Dân chủ vì lời hứa tạo thêm nhiều việc làm mà ông Trump đưa ra. Các cử tri vùng nông thôn, đặc biệt là những người cảm thấy bị chính quyền hay các tầng lớp tinh hoa trong xã hội bỏ rơi, muốn tiếng nói của họ được lắng nghe. Trump chính là người cho họ điều đó, cây bút Anthony Zurcher từ BBC bình luận.
Trong khi các bang như Virginia hay Colorado vẫn nằm trong vòng tay Clinton, mối chia cắt lại nảy sinh từ Wisconsin, kéo chìm hy vọng trở thành tổng thống của cựu ngoại trưởng Mỹ.
Donald thẳng thừng
Video đang HOT
Trump từng buông lời xúc phạm cựu chiến binh, thượng nghị sĩ John McCain.
Ông không ngần ngại tranh cãi với kênh truyền hình Fox News và người dẫn chương trình làm việc cho đài này là Megyn Kelly.
Trump thậm chí vẫn châm chọc, nói xấu về cân nặng một hoa hậu gốc Tây Ban Nha dù nhận không ít lời chỉ trích.
Nhà tài phiệt New York chỉ đưa ra lời xin lỗi nửa vời khi đoạn video quay cảnh ông khoe khoang chuyện sàm sỡ phụ nữ bị phát tán.
Ông vượt qua ba cuộc tranh luận tổng thống bằng những màn thể hiện không mấy ấn tượng. Giới chuyên gia lúc bấy giờ đều nhận định Trump lép vế trước Clinton.
Tuy nhiên, dường như một bộ phận cử tri Mỹ lại bị thuyết phục, cảm mến chính tính khí thẳng thắn, có gì nói đấy của nhà tài phiệt New York. Có lẽ chính nó đã giúp ông trở nên bất khả xâm phạm trước mọi bê bối, Zurcher bình luận.
Người ‘ngoại đạo’
Donald Trump chống lại đảng Dân chủ. Ông cũng chống lại cả những thế lực ngay bên trong đảng của mình. Tại các vòng bầu cử sơ bộ, ông không ngại gây hấn với những đối thủ cùng đảng như Marco Rubio, Ted Cruz, Chris Christie hay Ben Carson. Và ông đánh bại tất cả.
Thái độ không ngại tranh đấu mà Trump luôn đề cao là biểu hiện cho thấy tính độc lập trong tính cách nhà tài phiệt New York.
Việc Trump không đi theo một lề lối nào, đối đầu với bất kỳ ai ngáng đường mình, kể cả tầng lớp tinh hoa chính trị, khiến ông hiện lên trong mắt những người ủng hộ như một người ngoại đạo, nằm ngoài chính trường. Với một bộ phận cử tri quá bi quan về hệ thống chính trị Mỹ, đây lại là hình mẫu lý tưởng.
Gần hai tuần trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey tuyên bố xem xét các thư điện tử mới bị rò rỉ liên quan đến bê bối sử dụng máy chủ email cá nhân cho việc công của bà Clinton khi còn làm ngoại trưởng Mỹ.
Dù FBI 8 ngày sau thông báo bà Clinton không bị cáo buộc hình sự, hành động của ông trùm FBI đã kịp gây ra tổn thương không nhỏ cho tín nhiệm của cựu ngoại trưởng Mỹ.
Đây đồng thời cũng là cơ hội tuyệt vời để chiến dịch tranh cử của ông Trump tung ra những đòn đánh chí mạng nhằm vào đối thủ. Nhà tài phiệt New York dường như đã tận dụng triệt để cơ hội hiếm có này để lật ngược thế cờ, giới chuyên gia nhận định.
Tin vào bản năng
Tỷ phú Trump đã vận hành một chiến dịch tranh cử bị đánh giá là lạ lùng, không quy củ, chưa từng có tiền lệ. Song cuối cùng, thực tế chứng minh, ông mới là người hiểu về vận động tranh cử hơn cả các chuyên gia, Zurcher nhận xét.
Ông chi nhiều tiền in mũ hơn là tiến hành thăm dò dư luận. Ông thường xuyên đến thăm các bang như Wisconsin hay Michigan, những nơi mà chuyên gia nói rằng Trump không thể với tới.
Ông tổ chức nhiều buổi vận động quy mô lớn thay vì gõ cửa từng nhà để thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho mình.
Những chiến lược phi truyền thống trên, “giới hiểu biết” không tiếc lời chế nhạo chúng.
Nhưng bỏ ngoài tai tất cả, Trump vẫn kiên định và tin vào bản năng của mình. Chính niềm tin ấy đã đưa ông thẳng tiến tới Nhà Trắng, Zurcher nhấn mạnh.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Lời 'giải oan' cho Hillary Clinton có thể đã quá muộn màng
Việc FBI 'giải oan' cho Hillary Clinton hai ngày trước ngày bầu cử được cho là quá muộn màng vì hàng chục triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton. Ảnh: Reuters
Khi chỉ còn hai ngày nữa là đến ngày bầu cử, Giám đốc FBI James Comey đã đưa thêm một bất ngờ vào mùa bầu cử tổng thống Mỹ khó lường. Sau khi công bố điều tra một loạt email mới của bà Clinton vào ngày 28/10, ông Comey hôm 6/11 cho biết FBI không thay đổi kết luận ban đầu rằng Clinton không bị truy tố hình sự.
Các đồng minh và cố vấn của bà Clinton lo lắng rằng thông báo ban đầu của ông Comey đã khiến bà mất phiếu từ các cử tri độc lập và cử tri nữ thuộc đảng Cộng hòa - những người đã xem xét đến việc quay sang ủng hộ bà vì các rắc rối của ông Donald Trump với phụ nữ, theo CNN.
Một đảng viên Dân chủ cấp cao nói rằng "không thể đảo ngược toàn bộ thiệt hại trong 9 ngày qua", nhưng thừa nhận rằng đội ngũ của bà cảm thấy nhẹ nhõm khi vấn đề này được giải quyết.
Theo Bustle, đến ngày 4/11, ít nhất 37 triệu người Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm, có nghĩa là hàng chục triệu cử tri đã đi bầu trước thông báo mới của ông Comey.
Sau khi thông báo hôm 28/10 được đưa ra, tỷ lệ ủng hộ bà Clinton trong một số cuộc thăm dò đã giảm xuống, lợi thế dẫn trước của bà cũng bị rút ngắn. Kết quả khảo sát Reuters/Ipsos công bố ngày 31/10 cho thấy tỷ lệ ủng hộ bà và ông Trump lần lượt là 44% và 39% - giảm nhẹ so với mức 6% trong khảo sát trước đó. Real Clear Politics, website giúp tính trung bình kết quả các khảo sát lớn, cho thấy khoảng cách dẫn trước của Clinton đã giảm từ 4,6% ngày 28/10 xuống còn 2,5% vào ngày 31/10.
Thượng nghị sĩ California Dianne Feinstein, một thành viên cao cấp của Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ nói rằng thông báo ban đầu của ông Comey "gây ảnh hưởng oan uổng đến chiến dịch của một ứng viên tổng thống và thay đổi phương hướng của cuộc bầu cử".
Trong khi đó, Dan Pfeiffer, một cựu cố vấn cấp cao cho Tổng thống Mỹ Barack Obama, cho rằng những thiệt hại cho chiến dịch của bà Clinton đã bị phóng đại. "Phần lớn những gì bạn thấy là sự cạnh tranh và bám đuổi sít sao tự nhiên mà cuộc đua vốn thường như vậy - chênh lệch khoảng 3, 4 điểm", ông nói.
Thực tế, một cuộc thăm dò của ABC News/Washington Post tiến hành hai ngày sau thông báo hôm 28/10 của ông Comey cho thấy 63% cử tri cho biết tin tức không có ảnh hưởng đến lá phiếu của mình. Kết quả cuộc thăm dò Consult Politico/cũng cho kết quả tương tự.
Một cuộc thăm dò cử tri của Đại học Marquette trước và sau thông báo hôm 28/10 cho thấy tin tức không có ảnh hưởng lâu dài. Trong khi số cử tri "cảm thấy bất bình" về bê bối email của bà Clinton tăng từ 50% lên 60% sau tuyên bố của FBI, con số này đã giảm xuống còn 48% ngày 31/10.
Lời "giải oan" của FBI "rõ ràng là tin tốt cho bà Clinton. Tôi không nghĩ rằng bức thư ban đầu đã khiến bà gục ngã và tôi cũng không nghĩ rằng thông báo mới là yếu tố giành chiến thắng về cho bà ấy", ông nhận xét. Nhưng dẫu sao, "tuyên bố mới cũng là một cú huých cho chiến dịch của bà Clinton", ông nói thêm.
Phương Vũ
Theo VNE
Nhiều người trên thế giới quan tâm đến bầu cử Mỹ để đặt cược Người New Zealand muốn biết tỉ lệ thắng của ứng viên để cá cược còn người Singapore theo dõi sát sao thông tin về cuộc điều tra của FBI vì ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán. Những khu vực quan tâm tới bầu cử tổng thống Mỹ nhất, thể hiện từ thấp đến cao theo màu xanh từ nhạt tới đậm. Ảnh:...