5 nguyên nhân gây đau nhói trong tai và cách điều trị
Đau nhói trong tai là một triệu chứng hoặc cảm giác phổ biến mà cả người lớn và trẻ em đều có thể gặp phải.
Nhiều yếu tố, bao gồm nhiễm trùng và tích tụ ráy tai có thể gây ra tình trạng này.
Đau nhói trong tai đem lại cảm giác như đau nhói, âm ỉ, có thể gây nóng rát hoặc cảm giác như có áp lực đang tích tụ trong tai. Đau tai có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai tai. Cơn đau của bạn có thể đến rồi đi nhanh chóng hoặc liên tục và kéo dài. Tình trạng này cũng có thể xảy ra đột ngột hoặc từ từ theo thời gian.
Đau nhói trong tai thường không quá nguy hiểm nhưng một số trường hợp có thể cần được điều trị y tế. Dưới đây là 5 nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng đau nhói trong tai và cách điều trị.
Nhiễm trùng tai là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau nhói trong tai dữ dội. Nhiễm trùng tai gây viêm nặng, sưng và chảy dịch tai nên gây ra các cơn đau nhói.
Nhiễm trùng tai có thể xảy ra khi vi khuẩn hoặc virus xâm nhập vào tai. Điều đó có thể xảy ra do cảm lạnh hoặc dị ứng, cũng có thể do nước đọng lại trong tai sau khi bơi hoặc do đưa vật lạ vào tai như tăm bông hoặc ngón tay bẩn.
Nhiễm trùng tai ở mức độ nhẹ có thể gây ra các triệu chứng như đỏ, ngứa và khó chịu. Nhưng khi nhiễm trùng tai trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh gặp các triệu chứng dữ dội hơn như: Cơn đau có xu hướng trở nên tồi tệ hơn và có thể bắt đầu lan lên mặt, cổ hoặc một bên đầu. Theo Mayo Clinic, nhiễm trùng tai ở mức độ nặng cũng có thể khiến tai bạn bị đau khi nuốt và có thể dẫn đến giảm thính lực, sưng tấy và thậm chí sốt.
Nhiễm trùng tai là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau nhói trong tai dữ dội (Ảnh: Internet)
Cách điều trị
Nhiễm trùng tai ở mức độ nhẹ đôi khi có thể tự khỏi hoặc có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà để giảm triệu chứng khi người bệnh cảm thấy khó chịu:
- Đắp một miếng vải ấm lên tai bị nhiễm trùng.
- Dùng thuốc giảm đau không kê đơn (OTC) như ibuprofen (Advil) hoặc acetaminophen (Tylenol).
- Sử dụng thuốc nhỏ tai OTC hoặc theo toa để giảm đau.
- Dùng thuốc thông mũi OTC như pseudoephedrine (Sudafed).
- Tránh nằm ngủ phía tai bị nhiễm trùng.
Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy các cơn đau nhói hoặc dữ dội thì cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị. Mayo Clinic lưu ý rằng nhiễm trùng có thể cần dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống nấm.
Video đang HOT
Bác sĩ cũng có thể khuyên bạn nên dùng thuốc giảm đau không kê đơn hoặc kê đơn thuốc nhỏ gây tê để giảm đau khi hết nhiễm trùng.
2. Viêm xoang
Đau nhói trong tai có thể do viêm xoang, tình trạng này xảy ra khi mô lót xoang bị tắc nghẽn và chứa đầy dịch. Nguyên nhân gây viêm xoang thường do virus gây ra và thường kéo dài ngay cả khi các triệu chứng hô hấp trên đã hết. Trong một số trường hợp, vi khuẩn hoặc nấm (hiếm khi) cũng có thể gây nhiễm trùng xoang.
Nhiễm trùng xoang thường gây đau xung quanh mũi và mắt, sổ mũi (nước mũi màu xanh lá cây hoặc vàng), nghẹt mũi, đau đầu, đau họng và hôi miệng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cơn đau có thể lan đến tai bạn.
Thông thường, đau tai do nhiễm trùng xoang thường không đau nhói trừ khi nhiễm trùng rất nghiêm trọng.
Viêm xoang gây đau xung quanh mắt và mũi nhưng đôi khi có thể gây đau nhói trong tai (Ảnh: Internet)
Cách điều trị
Điều trị nhiễm trùng xoang có thể khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng và thời gian kéo dài.
Nếu các triệu chứng của bạn ở mức độ nhẹ, các phương pháp điều trị tại nhà có thể hữu ích:
- Sử dụng thuốc xịt thông mũi để giảm triệu chứng, thuốc kháng histamine và thuốc thông mũi OTC khi bị viêm xoang do dị ứng.
- Rửa mũi bằng nước muối sinh lý với các dụng cụ như bình xịt dạng phun sương, netipot.
- Uống đủ nước, đặc biệt nên uống nước, trà hoặc canh ấm.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm .
Nếu cơn đau trở nên nghiêm trọng hoặc nếu các triệu chứng của bạn không giảm sau 10 ngày, bạn có thể cần thuốc kháng sinh hoặc thuốc xịt mũi steroid theo toa để giúp loại bỏ nhiễm trùng. Viêm xoang không đáp ứng với điều trị kháng sinh có thể cần phẫu thuật.
3. Có vấn đề với các cơ hàm
Nếu bạn bị đau nhói trong tai hoặc ù tai, đau nhức hàm kèm theo nhức đầu, cảm giác kêu lạo xạo quanh hàm, đau lan ra quanh mắt hoặc mặt thì có thể do rối loạn khớp thái dương hàm gây ra.
Vấn đề này thường xảy ra do bạn nghiến răng, đôi khi bạn không hề nhận ra điều đó. Rối loạn khớp thái dương hàm thường gây đau tai, các cơn đau có thể cảm nhận như bị dao đâm hoặc cảm thấy cơn đau rõ rệt.
Rối loạn khớp thái dương hàm thường gây ra các cơn đau tai có thể cảm nhận như bị dao đâm (Ảnh: Internet)
Cách điều trị
Nếu bạn bị đau nhức tai do rối loạn khớp thái dương hàm, đặc biệt nếu bạn bị đau ở cả hàm và tai, tùy thuộc vào các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng, việc điều trị có thể bao gồm thay đổi hành vi hoặc các kỹ thuật thư giãn để giảm nghiến răng hoặc đeo dụng cụ bảo vệ miệng.
Các bài tập hoặc giãn cơ hàm cũng có thể hữu ích. Trong một số trường hợp, phẫu thuật cũng có thể được yêu cầu.
4. Mắc dị vật trong tai
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nhiều khả năng bị dị vật hơn người lớn (bất cứ thứ gì từ thức ăn, hạt cườm, đồ chơi nhỏ, côn trùng) mắc kẹt trong tai. Nhưng bất cứ ai cũng có thể bị ảnh hưởng.
Khi một vật thể lạ rơi vào tai sẽ gây áp lực lên ống tai và trong một số trường hợp là màng nhĩ. Và nếu vật đó gây nhiễm trùng thì có thể khiến cơn đau trở nên tồi tệ hơn.
Nếu bị mắc dị vật trong tai, bạn có thể nghe thấy tiếng ù hoặc bị bóp nghẹt thính giác, và nếu có côn trùng ở trong đó, bạn thậm chí có thể nhận thấy tiếng vo ve hoặc nhột nhột.
Dị vật trong tai có thể gây nhiễm trùng và đau nhói trong tai (Ảnh: Internet)
Cách điều trị
Nếu nhìn rõ dị vật và dễ cầm nắm, bạn có thể thử lấy dị vật ra bằng nhíp sạch (tránh dùng tăm bông vì có thể đẩy dị vật vào sâu hơn hoặc làm tổn thương màng nhĩ).
Nếu trong tai có côn trùng, bạn có thể đổ một lượng nhỏ dầu ô liu hoặc dầu massage dành cho em bé (không được đổ dầu nóng) vào tai, điều này có thể giúp côn trùng bay ra ngoài.
Tuy nhiên, nếu dị vật khó cầm, không lấy ra ngoài trong lần thử đầu tiên hoặc nếu bạn có dấu hiệu nhiễm trùng thì cần đến bệnh viện ngay để được bác sĩ xử lý. Trong trường hợp đó, dị vật có thể cần phải được loại bỏ bằng cách hút, rửa nhiều lần hoặc thậm chí là phẫu thuật.
5. Có vấn đề về thần kinh
Đau nhói trong tai cũng có thể là dấu hiệu của chứng đau dây thần kinh sinh ba, một vấn đề về thần kinh gây ra cảm giác đau quanh mặt. Khi bị vấn đề này, người bệnh cảm thấy đau theo từng cơn với cảm giác mạnh, giống như bị điện giật. Các cơn đau thường xảy ra khi chạm vào mặt, nhai, nói chuyện hoặc đánh răng.
Cách điều trị
Một số người bị đau dây thần kinh sinh ba thấy thuyên giảm nhờ các loại thuốc như thuốc chống co giật, thuốc chống co thắt hoặc tiêm Botox. Tuy nhiên, theo Mayo Clinic, tác dụng này không phải lúc nào cũng kéo dài và thuốc đôi khi có thể gây ra tác dụng phụ. Khi điều đó xảy ra, tiêm hoặc phẫu thuật có thể là những lựa chọn tốt.
Khi nào cần đi khám vì cơn đau nhói trong tai?
Đau nhói trong tai đột ngột đôi khi có thể nghiêm trọng. Bạn nên khi khám bác sĩ khi các triệu chứng không giảm sau vài ngày hoặc trở nên nặng hơn, cảm giác đau trầm trọng hơn. Đau tai dữ dội có thể do nhiễm trùng tai nghiêm trọng hoặc một vấn đề khác cần được điều trị để khỏi bệnh.
Tìm kiếm sự chăm sóc khẩn cấp khi bị đau tai dữ dội kèm theo chảy máu tai, chóng mặt, giảm thính lực hoặc sốt cao.
Chàng trai trẻ mắc bệnh lạ, một lần cực khoái mất cả tuần điều trị
Chàng trai trẻ 27 tuổi mắc căn bệnh hiếm khiến anh ta phải chịu đựng trong 10 năm khi gặp phải các triệu chứng giống như cúm mỗi khi đạt cực khoái.
Chàng trai 27 tuổi, giấu tên, phải chịu đựng các triệu chứng cực kỳ khó chịu khi "xuất binh", bắt đầu từ gần 10 năm trước, khi anh mới 18 tuổi.
Bất cứ khi nào đạt cực khoái là anh bị ho, sổ mũi và hắt hơi cũng như phát ban trên cánh tay. Các hạch bạch huyết ở mặt và cổ cũng bị sưng lên và càng nặng hơn khi "lên đỉnh", Daily Mail đưa tin.
Anh đã đến gặp rất nhiều bác sĩ từ tiết niệu đến chuyên khoa tai mũi họng và thậm chí cả các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm.
Họ đã chụp phim tinh hoàn, phân tích tinh dịch và nội tiết tố, nhưng tất cả các kết quả đều bình thường. Anh cũng được cho uống thuốc kháng sinh, nhưng vô ích.
Ảnh minh họa.
Nhưng sau khi thử các loại thuốc kháng histamine khác nhau trên bệnh nhân, các bác sĩ phát hiện ra rằng một loại thuốc đặc hiệu, có tác dụng kéo dài, được gọi là fexofenadine đã làm giảm 90% các triệu chứng của người đàn ông này.
Các nhà khoa học mô tả căn bệnh hiếm gặp của người đàn ông này là phản ứng dị ứng hoặc tự miễn dịch với tinh trùng của chính anh ta, gây ra các triệu chứng giống cúm như sốt, ho, hắt hơi, yếu cơ, cũng như các vấn đề về khả năng tập trung, trí nhớ và thậm chí là giọng nói.
Vì những triệu chứng suy nhược liên quan đến cực khoái của chính mình, người đàn ông đã chủ động tránh ngủ với bạn gái của mình trong một thời gian dài.
Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng đây không phải là trường hợp duy nhất. Các nhà khoa học cho đến nay đã phát hiện ra gần 60 trường hợp người bị ảnh hưởng bởi tình trạng hiếm gặp và nghiêm trọng được gọi là Hội chứng dị ứng với cực khoái (POIS). Trên thực tế, nó ngày càng được công nhận là một nguyên nhân gây suy nhược chức năng tình dục ở nam giới, nhưng vì nó rất hiếm và bất thường nên thường bị chẩn đoán nhầm.
Tiến sĩ Andrew Shanholtze r, từ Trường Y William Beaumont giải thích rằng trong khi nguyên nhân chính xác của POIS vẫn chưa được biết rõ, nó được cho là bắt đầu sau khi bị nhiễm trùng hoặc chấn thương tinh hoàn dẫn đến một lượng cực nhỏ tinh trùng rò rỉ vào máu, gây ra phản ứng miễn dịch.
Nhà nghiên cứu giải thích: "Có những tế bào đặc biệt được gọi là tế bào Sertoli nuôi dưỡng và bao quanh tinh trùng và giữ nó cách ly với các tế bào miễn dịch. Khi các tế bào Sertoli bị hư hỏng, tinh trùng sẽ tiếp xúc với hệ thống miễn dịch lần đầu tiên và hệ thống miễn dịch tấn công tinh trùng như thể nó là một loại vi rút hoặc vi khuẩn lạ".
Hội chứng dị ứng với cực khoái
Hội chứng dị ứng với cực khoái là một chứng rối loạn hiếm gặp trong đó nam giới mắc chứng này gặp phải một loạt triệu chứng tiêu cực sau khi xuất tinh.
Chúng bao gồm các triệu chứng giống như cúm như sốt, ho, hắt hơi, yếu cơ, mệt mỏi nghiêm trọng, nghẹt mũi, nóng rát mắt, khó tập trung, cáu kỉnh, tâm trạng chán nản - kéo dài từ 2 ngày đến 1 tuần.
Hội chứng dị ứng với cực khoái thường khiến nam giới kiêng quan hệ tình dục hoặc cố gắng tránh xuất tinh. Tình trạng này được báo cáo lần đầu tiên vào năm 2002 và kể từ đó gần 60 trường hợp đã được kiểm tra.
Nguyên nhân có thể là do nam giới bị dị ứng với tinh dịch của chính mình và vẫn chưa tìm ra phương pháp chữa trị tuyệt đối
Theo Daily mail, các khuyến cáo điều trị bao gồm thuốc kháng histamine, benzodiazepine, chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc và chất kích thích.
4 nguyên nhân tiềm ẩn đột ngột gây mờ mắt Mắt là một trong những giác quan quan trọng nhất của con người. Thị lực đột ngột suy giảm, bị mờ có thể gây lo lắng, thậm chí là đáng sợ. Trong khi một số nguyên nhân thay đổi thị lực là vô hại và tạm thời thì những nguyên nhân khác có thể nghiêm trọng hơn. Khô mắt là một trong những...