5 nghịch lý trong gia đình hiện đại
Càng nhiều tiện nghi, con người càng ít nói chuyện và ít thời gian riêng cho nhau.
Các cặp vợ chồng trẻ, khi mới lấy nhau về thường bị cuốn theo những lo toan cuộc sống, chăm sóc con cái và gây dựng gia đình. Gánh nặng đè lên vai cả vợ và chồng, khiến họ đôi khi quên đi những việc bình thường như cùng nhau quây quần bên mâm cơm tối, chia sẻ về công việc trong ngày hay đơn giản là ngồi nói chuyện với nhau. Các con cũng mất dần thói quen chia sẻ với bố mẹ, khi mà không lúc nào nói chuyện được, chúng tìm đến các thú vui khác như trò chơi điện tử, tivi… để giải khuây. Các cuộc hội thoại trong gia đình vốn đã ít thời gian cho nhau ngày càng bị cắt bớt.
Gia đình của các cặp vợ chồng trẻ, hiện đại phải đối mặt với nhiều nghịch lý, mà đôi khi biết, nhiều người cũng khó lòng sắp xếp được công việc để cân bằng lại cuộc sống gia đình.
Ảnh minh họa: Inmagine.
1. Nhà ngày một to hơn, nhưng gia đình thu nhỏ lại
Làm lụng vất vả suốt 5 năm trời, vợ chồng anh Hoàng Anh mới xây được căn nhà 3 tầng khang trang, thay thế cho nhà cấp bốn cũ kỹ bố mẹ để lại. Những tưởng, cuộc sống sẽ êm đẹp hơn, nhưng mọi thứ dường như đang đi theo hướng khác.
Video đang HOT
“Ban ngày, vợ chồng tôi và hai cháu đều đi học, đi làm, chỉ có tối đến mới gặp nhau. Thế nhưng, nhiều hôm ăn cơm xong là các con lên phòng, có khi học bài, có lúc chơi game, ít khi ngồi dưới phòng ăn trò chuyện cùng bố mẹ. Vợ tôi thì lo rửa bát, dọn dẹp nhà cửa, tôi đành ngậm ngùi lên phòng. Có khi cả tuần, các con cũng chẳng kể gì cho tôi nghe. Tôi không biết cuộc sống ở trường của con thế nào”, anh Hoàng Anh kể về tình trạng hiện tại của gia đình mình.
Khi không gian gia đình rộng mở hơn, thì dường như mỗi thành viên trong đó lại thu hẹp tâm hồn mình, ít cởi mở và chia sẻ hơn trước.
2. Càng nhiều tiện nghi, càng ít thời gian cho nhau
Công nghệ hiện đại như điện thoại, máy tính… đưa con người trở nên gần nhau hơn nhưng khiến các thành viên trong gia đình trở nên xa cách. Nhiều bà mẹ than thở, về đến nhà là con nghịch iPad, bố lấy điện thoại đọc báo, nhưng ít khi trò chuyện với nhau. Trong một căn phòng ngủ rộng hơn 10 m2 nhưng mỗi người một việc và dường như không ai liên quan đến ai.
Đây là tình trạng phổ biến ở nhiều gia đình, khi trẻ nhỏ được tiếp xúc với đồ công nghệ từ rất sớm, bố mẹ không cấm cản, thậm chí xem đó là xu hướng bình thường. Vật chất ngày càng thừa thãi, nhưng tình yêu thương luôn thiếu thốn.
Ảnh minh họa: Inmagine.
3. Nói quá nhiều, ít lắng nghe
Stress trong công việc, cuộc sống khiến nhiều người có xu hướng “xả” ra bằng lời nói, ngược lại, họ ít khi ngồi tĩnh tâm, lắng nghe tâm sự của vợ hay những bức xúc của chồng mình. Chị Vân Kiều (Lạng Sơn) từng rất ân hận vì không dành thời gian nghe con trai nói chuyện. “Thỉnh thoảng về nhà, cháu có kể chuyện ở lớp nhưng tôi hoặc đang bận nấu cơm, lúc lại nói chuyện điện thoại với bạn nên nghe khá bập bõm. Nhiều lần như thế, nó không chia sẻ với mẹ nữa. Đến khi cô giáo gọi điện, mời bố mẹ lên gặp vì con đánh bạn ở lớp, tôi mới giật mình”, chị Kiều kể.
4. Đi nhiều, hiểu rộng nhưng quên tình hàng xóm
Cuộc sống khấm khá lên, cũng là lúc các cặp vợ chồng trẻ có điều kiện đi du lịch đây đó, thư giãn sau những ngày làm việc mệt mỏi. Nhưng có một nghịch lý là ít người quan tâm hay có thời gian bước sang nhà hàng xóm chơi. Câu nói: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” giờ đây đã không còn hoàn toàn đúng. Cánh cửa giữa các ngôi nhà ở cạnh nhau luôn đóng chặt và việc qua lại nhà thăm nhau giữa những người hàng xóm ngày càng trở nên ít đi.
5. Nhiều hình thức giải trí nhưng ít khi thoải mái
Đồ công nghệ, trung tâm vui chơi, các cuộc đi chơi xa… là một trong nhiều hình thức giải trí hiện nay, thế nhưng ít người có được sự thoải mái. Cuộc sống quá xô bồ, đông đúc, ồn ã ngày càng làm tăng stress. Không gian thoáng đãng ở các thành phố lớn ngày càng thu hẹp, ít không khí trong lành… khiến cuộc sống ngột ngạt hơn, dù các hình thức giải trí từ công nghệ vẫn rất nhiều.
Theo Ngoisao
Cõi lòng thanh thản
Bà sinh ra ở miền đồng chiêm trũng Hà Nam, còn ông quê ở miền trung du Phú Thọ, cùng thoát ly đi xây dựng kinh tế ở tận Lai Châu. Ông bà cùng ở khu nhà tập thể, tình yêu tuổi trẻ đã nhanh chóng gắn kết hai người với nhau.
Ngoài đồng lương ông giáo trường làng và bà cán bộ xã viên HTX, việc kiếm thêm đồng tiền ở nơi này không dễ dàng. Để có cái ăn, các gia đình đều tự trồng rau, nuôi gà, tự cung tự cấp, rồi vào rừng chặt những cây con, cây bụi về làm củi đun. Vợ chồng bà sinh lần lượt 2 cậu con trai. Hạnh phúc cứ thế lớn dần theo năm tháng trong khó khăn.
Sau này, vợ chồng bà được Nhà nước cắm miếng đất ở ngoài con phố nhỏ. Tích góp, vay mượn tiền của họ hàng, anh em ở quê, cũng xây được căn nhà mái bằng nho nhỏ. Khi con cả học đại học xong rồi xin được việc làm, ông bà theo con xuống Hà Nội, mua căn nhà nhỏ ở ngoại thành. Nhờ quan hệ của con làm nghề kinh doanh, ông bà đều xin vào làm nhân viên của Nhà máy diêm đóng ở khu vực huyện Đông Anh, ông làm bảo vệ. Thi thoảng vào ngày nghỉ lễ, vợ chồng bà và con cái mới kéo nhau lên Lai Châu thăm con út và bạn cũ.
Vậy mà, bỗng dưng ông lại đòi ly dị. Ông cố gắng nói ngập ngừng nhưng quả quyết: Mẹ con bà hãy tha lỗi cho tôi, tôi và bà phải ly dị, tôi không còn tình cảm với bà nữa. Tai bà ù đi. Bà không tin ông có thể nói với bà những lời trống rỗng như thế. Ông bà đã ăn ở với nhau hơn 30 năm rồi, tình nghĩa vợ chồng thiêng liêng thế, thời gian khốn khó nhất cũng đã cùng nhau vượt qua để nuôi dạy con nên người. Ông thú thực là muốn đến sống cùng chị Tình, người phụ nữ chỉ hơn con lớn của ông bà 5 tuổi. Nghe bố nói, cậu con cả nổi khùng lên, anh đập cái bát đang ăn cơm xuống đất rồi nói: Bố mà bỏ mẹ con con, con sẽ giết chết con mụ ấy. Nói rồi, cậu bỏ lên phòng đóng chặt cửa. Bà ngồi chết lặng, không nói được một câu, cho dù ông liên tục xin bà cảm thông, tha thứ. Ông ngồi thừ ở phòng khách, hút thuốc liên tục. Bà lẳng lặng bỏ vào giường nằm, lúc này nước mắt bà mới cay xè, ướt đẫm gối. Bà đau đớn vì bị phụ bạc. Gần sáng, bà vẫn không thể chợp mắt. Tiếng cửa mở ken két rồi đóng lại, tiếng xe máy của ông đã đi xa.
3 ngày sau ông vẫn không về nhà. Các con bà lùng sục đi tìm bố. Linh tính của người mẹ mách bảo, bà lật đật đi xe ôm đến căn nhà nhỏ ven đê, thấy 2 bố con ông đang lớn tiếng cãi vã, con trai bà đòi vào đánh người phụ nữ trẻ. Nhiều bà con ở khu phố chạy ra xem. Không hiểu sao, sức mạnh của sự nhẫn nại lại cho bà nói rành rọt: "Bố mẹ đã sống gần trọn đời người, giờ cũng đến lúc cạn tình cạn nghĩa. Chuyện tình cảm của bố mẹ, các con hãy để mẹ quyết định, đừng làm điều gì dại dột, người ta lại bảo mẹ không biết dạy con".
Trở về nhà, bà lại thậm thụt khóc trong đêm. Bà nghĩ đến liều thuốc ngủ, chết rồi có khi trái tim bà bớt đau. Nhưng nếu bà chết, bố đã có mối quan tâm khác, ai sẽ ở bên các con cháu bà những lúc khó khăn? Mà biết đâu, bà chết đi lại gây thêm bức xúc cho các con, chúng lại vi phạm pháp luật cũng nên. Chỉ còn 9 tháng nữa bà nghỉ hưu, nhưng bà viết đơn đến cơ quan xin nghỉ phép dài hạn đợi đến ngày chuyển sổ về hưu. Bà cũng viết luôn đơn xin ly hôn, nhờ cháu gái mang đến cho ông nó.
Ngày giông bão của đời bà đã qua 5 năm. Bên bà lúc nào cũng có con cháu quây quần. Hàng ngày, bà lo đón đưa cháu đến lớp, lo đi chợ giúp các con, rồi ngày Rằm, mồng Một, bà lại giúp các sư sãi ở ngôi chùa gần nhà sắp lễ, lau chùi, quét dọn các am thờ. Bà cũng cùng các bạn già đi làm từ thiện. Bà không thể ngờ, không có ông, bà vẫn có những việc làm khiến cho cõi lòng thanh thản lúc cuối đời.
Theo Dantri
Xô xát, cãi cọ bên mâm cơm 'Choang!', tiếng đĩa cá vỡ toang, rồi đến chồng bát và cuối cùng bát canh cua bay ra cửa, tung tóe... Người bố vừa thượng cẳng chân hạ cẳng tay chưa hết cơn bực bội lại gầm lên: "Này thì ăn này!", bé Quân giật bắn mình, ngơ ngác nhìn theo mớ bát đĩa. Chợt thấy đứa em gái mếu máo rồi òa...