5 năm tăng 400 nghìn đồng, khi nào giáo viên mới sống được bằng lương?
Đã nhiều năm trôi qua giáo viên vẫn phải sống chật vật bằng đồng lương ít ỏi khiến thầy cô chưa thể yên tâm công tác.
Bức tâm thư của tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi đến toàn thể giáo viên cả nước chạm vào trái tim của nhiều người. Bức thư thể hiện sự trăn trở về đời sống, đãi ngộ và vị thế của người thầy trong xã hội. Trong nhiệm kỳ tới đây của tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, thầy cô mong mỏi chế độ đãi ngộ cho nhà giáo sẽ được cải thiện để họ yên tâm công tác.
Mong mỏi tăng lương
11 năm trong ngành giáo dục nhưng đến thời điểm này cô Nguyễn Thị Vinh, giáo viên tiểu học (Mường Khương, Lào Cai) vẫn chật vật với mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng. Thu nhập thấp nên không dưới 10 lần cô định bỏ nghề, chuyển hướng sang công việc khác. Nhưng vì yêu nghề, mến trẻ, cô Vinh vẫn kiên trì bám trụ đến ngày hôm nay.
Hai ngày trước, khi đọc được bức tâm thư của tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, cô Vinh vô cùng xúc động vì người đứng đầu ngành giáo dục nói đúng và trúng nỗi niềm của nhiều giáo viên. Đó là câu chuyện về chế độ đãi ngộ thấp trong khi áp lực công việc lớn và vị thế của người thầy trong xã hội ngày càng giảm.
Trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cô Vinh bày tỏ mong muốn Bộ GD&ĐT sẽ có những chính sách giảm áp lực trong công việc cho giáo viên, đồng thời có chế độ đãi ngộ, lương thưởng phù hợp để thầy cô yên tâm công tác.
“Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn từng là giáo viên, hơn ai hết thầy rất đồng cảm với đời sống của thầy cô. Chúng tôi mong mỏi trong nhiệm kỳ mới, lương của giáo viên sẽ tăng, đồng thời Nhà nước có chính sách hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa” , cô Vinh bày tỏ.
Mức lương thấp khiến nhiều giáo viên phải “chân trong, chân ngoài”. (Ảnh: V.N)
Mong ước của cô Vinh cũng là mong muốn của nhiều giáo viên trên cả nước. Ngày 20/3/2021, chế độ lương mới của giáo viên hiệu lực. Theo đó so với mức lương cũ, lương của thầy cô tăng khoảng trên dưới 400.000 đồng (nhờ sự thay đổi về hệ số lương). Nhiều người cho rằng, mức tăng như vậy không đáng kể, trong khi từ tháng 7/2022 giáo viên còn bị cắt phụ cấp thâm niên.
PGS Hoàng Thị Tuyết, giảng viên Đại học Mở TP.HCM chia sẻ, nhiều khi cô bật khóc khi nghe tâm sự của các cựu sinh viên về vấn đề lương thấp, không đảm bảo ngay cả mức sống tối thiểu.
“Lâu nay, nhiều giáo viên đang nhận mức lương dưới mức tối thiểu, không đủ để duy trì cuộc sống. Với mức lương khởi điểm chỉ khoảng 2,8 triệu đồng/tháng, tương đương với bậc lương 1,86 (bậc lương cũ), nhiều giáo viên phải cố gắng tiếp tục bám trụ với công việc” , cô Tuyết tâm sự.
Không phân biệt giáo viên chính – phụ
“Làm thế nào để nâng cao vị thế của người thầy trong xã hội khi ngành giáo dục có sự phân biệt giáo viên chính, giáo viên phụ, biên chế và hợp đồng ?”, thầy Lê Minh Quý, giáo viên Mỹ thuật tại Nam Định đặt câu hỏi. Theo nhiều chuyên gia, mức lương của giáo viên được coi là dạy môn “phụ” đang rất thấp, nhiều nơi chỉ khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng. Chưa kể vai trò của họ đôi lúc còn bị “xem nhẹ”.
Video đang HOT
Bản thân thầy Quý cũng rất buồn khi phụ huynh và học sinh coi những môn học như mỹ thuật, âm nhạc, thể dục, giáo dục công dân, công nghệ…là những môn phụ. Trong khi ở bậc THPT, các môn này có thời lượng tương đương với các môn như lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học.
Tại các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, những môn năng khiếu như âm nhạc, mỹ thuật, thể chất…luôn được coi trọng vì giúp trẻ phát triển toàn diện. Nhưng tại Việt Nam vẫn còn tâm lý phân biệt môn chính – phụ, giáo viên biên chế – hợp đồng.
“Tôi mong ngành giáo dục có sự bình đẳng với chính những giáo viên hợp đồng, giáo viên dạy môn phụ. Nhiều em sinh viên ra trường nhận mức lương hợp đồng chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng thì làm sao mà sống được”, thầy Quý nói.
Kỳ vọng lớn nhất của giáo viên trong nhiệm kỳ mới là được tăng lương. (Ảnh: Hà Cường)
TS Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết, đòn bẩy quan trọng nhất để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trước hết phải giải quyết được chế độ tiền lương thỏa đáng, và làm thế nào để thầy cô sống thật bằng nghề.
Sản phẩm của giáo dục là nhân cách và trí tuệ của học trò. Lao động của nhà giáo không chỉ là trí tuệ mà còn là lao động bằng nhân cách, tình yêu thương. Vì thế cần phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng với lao động thầy cô đã bỏ ra.
“Chúng ta muốn có nền giáo dục tốt thì chất lượng sẽ quyết định bởi người thầy. Nhưng vị thế và mức sống của người thầy hiện nay ngày càng thấp thì sao tuyển được những người tâm huyết. Do vậy việc đầu tiên mà ngành giáo dục cần thay đổi đó là nâng cao đời sống của giáo viên” , thầy Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.
'Chúng tôi cần không chỉ lương mà cả vị thế của người thầy'
Bức thư của tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi nhà giáo, viên chức giáo dục cả nước hôm qua 10-4 đã nhận được sự đồng cảm, sẻ chia từ những giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cả phụ huynh.
Giáo viên và học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) trong giờ học - Ảnh: NHƯ HÙNG
Nhiều người tâm đắc khi người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh vai trò của nhà giáo cũng như cần phải củng cố vị thế của nhà giáo.
* Thầy Nguyễn Minh Trung (giáo viên sinh học Trường THPT Gia Định, Q.Bình Thạnh, TP.HCM): Chung tay xây dựng ngành giáo dục
Đọc thư của tân bộ trưởng Bộ GD-ĐT, tôi thấy vui và cảm nhận được ông đang gửi gắm, nhắc nhở và cùng chung tay xây dựng giáo dục. Mở đầu thư, bộ trưởng nói "ngành giáo dục, nghề làm thầy của chúng ta là một nghề vinh quang" như đang nhắc nhở các thầy cô giáo phải biết giữ gìn nghề vinh hiển đó. Tôi tâm đắc nhất câu "nhiệm vụ càng lớn, trách nhiệm càng nặng nề, yêu cầu càng cao thì vinh quang đó càng lớn".
Trong những năm qua, ngành giáo dục vướng phải nhiều vấn đề, vì thế vị thế của người thầy đang dần mờ nhạt. Do vậy, giáo viên mong mỏi vị thế của người thầy được củng cố. Và có được hình ảnh cao quý trước hết và quan trọng nhất là do chính nhà giáo.
* Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh (tổ trưởng tổ văn, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, tỉnh Phú Yên): Nhấn mạnh vai trò người thầy
Tôi cho rằng bức thư này là một lời tâm sự chân thành, một lời động viên kịp thời mà người đứng đầu ngành giáo dục gửi đến toàn thể giáo viên của ngành.
Bức thư của ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò của người thầy trong sự nghiệp xây dựng và phát triển giáo dục, bày tỏ trăn trở với chất lượng giáo dục cũng như sự tôn nghiêm của nghề giáo. Bên cạnh đó là lời hứa sẽ tận tâm, tận lực với sự nghiệp chung của một tư lệnh ngành.
Trong thời điểm mà nền giáo dục quốc gia đang bày ra không ít vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong dư luận, văn hóa học đường có biểu hiện xuống cấp, sự tôn nghiêm của người thầy đang có nguy cơ sa sút thì bức thư của bộ trưởng đem đến một ý nghĩa lớn, có tác dụng động viên sâu sắc với giáo viên cả nước.
* Cô Nguyễn Đoan Trang (hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM): Tạo động lực cho nhà giáo
Ngành giáo dục có chuyển biến là một phần nhờ vào vai trò của người thầy, chính các nhà giáo. Mỗi người thầy cần phải tin vào bản thân, tin vào phẩm chất đạo đức mà chúng ta đang tạo dựng, tin vào sự sáng tạo của mỗi cá nhân, vào niềm tin của phụ huynh và học sinh. Và để tạo động lực cho các nhà giáo, cần sự hỗ trợ và đồng hành của xã hội. Đối với người làm quản lý giáo dục, người đứng lớp rất mong thấy được niềm tin của lãnh đạo đặt vào vai trò người thầy.
Và tôi thấy để tạo được sự thay đổi thì mỗi người thầy sẽ thay đổi từ từ, đổi mới trong mỗi bài dạy sẽ tạo được sự đổi mới lớn, đồng loạt từ các đơn vị. Vì một ngành, một nhà trường sẽ không đổi mới được nếu bản thân thầy cô không đổi mới.
Giáo viên Trường THPT Phạm Phú Thứ (Q.6, TP.HCM) trong giờ dạy - Ảnh: NHƯ HÙNG
* Huỳnh Phượng Nhi (học sinh lớp 11 văn, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, tỉnh Phú Yên): Không chỉ nên tập trung vào kiến thức
Sau khi đọc thư của tân bộ trưởng Bộ GD-ĐT, em cảm thấy được rằng các thầy cô gánh trên vai trách nhiệm nặng nề mà xã hội giao phó. Và em cũng hoàn toàn đồng ý với bộ trưởng rằng nghề nhà giáo là nghề đòi hỏi kiến thức chắc, tay nghề vững, có đạo đức phẩm chất trong sáng, là tấm gương của học sinh.
Nhưng em cũng nghĩ làm nghề nhà giáo không chỉ nên tập trung vào kiến thức, lý thuyết có trên sách vở để giảng dạy các em, mà thầy cô nên thay đổi cách dạy, lý thuyết đi kèm với thực hành và cả chú trọng đến việc dạy học sinh nên người, trở thành người tốt trong xã hội.
Thầy cô cũng không nên quá tập trung vào các con chữ trên sách mà khiến cho bài giảng của mình trở nên khô khan. Thay vì đó, mong thầy cô nên khiến mỗi bài giảng của mình trở nên thú vị, sưu tầm, kèm theo hình ảnh, sử dụng phấn màu cho bài dạy, hay trò chuyện, trao đổi cùng học sinh, để tiết học thêm phần thú vị và học sinh từ đó mà cũng hiểu và tiếp thu bài nhanh hơn.
* Ông Vũ Văn Lai (phụ huynh học sinh ở TP.HCM): Mong con không là "gà công nghiệp"
Tôi mong cho dù tuổi nào học sinh cũng được nói lên suy nghĩ của mình, không gò bó và rập khuôn quá mức, không bị áp lực điểm số và thành tích. Các em được học tập và vui chơi với đúng tôn chỉ mỗi ngày đến trường là một niềm vui thực sự. Các em không còn sợ bị điểm kém, hay bị so sánh ở mỗi kỳ thi kiểu hiệu ứng "con nhà người ta" khi có điểm thi.
Tôi mong rằng các con được học kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn nhiều hơn để thực sự thích nghi và xử lý được một số tình huống nhất định theo độ tuổi thay vì xu thế "gà công nghiệp" hiện nay.
* PGS.TS Nguyễn Kim Hồng (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM): Đổi mới bắt đầu từ người thầy
Tôi cảm nhận tâm huyết của người đứng đầu ngành giáo dục qua bức thư trên. Qua đó là việc đặt niềm tin và trọng trách vào người thầy và việc đổi mới không từ trên trời rơi xuống. Việc đổi mới cần bắt đầu từ người thầy và phát triển người thầy, đổi mới phù hợp với thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn... Người thầy trong thời đại mới, hơn mọi nghề nghiệp khác phải tràn đầy năng lượng sáng tạo bởi sáng tạo là đặc trưng của nhà giáo, tạo nên sự thăng hoa trong giáo dục.
* Hoàng Mai Thảo Hương (21 tuổi, sinh viên năm 3 một trường sư phạm): Niềm tin vào đội ngũ nhà giáo
Đọc thư của tân bộ trưởng Bộ GD-ĐT, tôi cảm nhận được niềm tin to lớn của bộ trưởng vào đội ngũ nhà giáo. Ngoài việc giữ vững niềm tin của xã hội vào chất lượng giáo dục thông qua sự cố gắng và lòng yêu nghề, giáo viên còn phải làm vững thêm niềm tin đó bằng cách nâng cao chất lượng giáo dục.
Muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì mỗi giáo viên phải học hỏi, trau dồi, cập nhật những kiến thức mới, những phương pháp dạy học mới sao cho việc dạy học có thể đạt được những mục tiêu mà chương trình giáo dục phổ thông đã đề ra.
Ngoài ra, tôi rất kỳ vọng vào sự cải thiện đời sống của giáo viên trong tương lai.
ĐỖ ANH ghi
Không chỉ tiền lương
Tôi là một giáo viên THPT, điều chúng tôi cần không chỉ là tiền lương cao mà còn là vị thế của người thầy. Trách nhiệm và quyền hạn của họ phải đi liền với nhau, chứ không chỉ yêu cầu giáo viên phải hoàn thành đủ thứ công việc và chỉ tiêu nhưng lại cấm họ đủ thứ.
Ngoài ra cần phải giảm tải công việc soạn giáo án theo hướng dẫn mới quá nặng nề.
(Bạn đọc Lê Minh Giang gửi đến Tuổi Trẻ Online)
Tân Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi thư cho giáo viên cả nước Lá thư đầu tiên ở vai trò Bộ trưởng GD&ĐT được ông Nguyễn Kim Sơn gửi tới các nhà giáo, chia sẻ những tâm tư, mong mỏi của ông về những người cùng chung ngành, nghề. Lá thư của tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn có tựa đề "Ngành và nghề của chúng ta". Đầu thư, ông thừa nhận được đảm nhiệm cương...