5 năm gia nhập WTO: Hệ quả không mong muốn
Báo cáo đánh giá tổng thể tình hình kinh tế- xã hội Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố ngày 3-4 cho thấy, sự kiện này đã mang lại nhiều hệ quả không mong muốn đối với nền kinh tế Việt Nam.
Công nghệ ít được cải tiến sau 5 năm gia nhập WTO
Tiến sĩ Phạm Lan Hương – Quyền Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, hội nhập đã khiến giá dầu thô và nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng cao, thị trường xuất khẩu được mở rộng. Nhưng từ năm 2007-2011, tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam chỉ đạt 6,5%, sụt giảm đáng kể từ năm 2000 đến nay. Mức tăng này thấp so với 7,8% của giai đoạn 2002-2006; Thấp hơn 7% của giai đoạn 1996-2000 và không đạt được mục tiêu 7,5-8% kế hoạch 5 năm.
Phân tích nguyên nhân của tăng trưởng thấp, bà Phạm Lan Hương cho rằng từ cuối năm 2008, Việt Nam đã hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Giá nguyên liệu trên thế giới lại tăng cao trong thời điểm từ năm 2008-2011 đã tác động mạnh và nhanh hơn đến nền kinh tế, tạo sức ép lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế thấp hơn. Đặc biệt, từ tháng 10-2008, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động trực tiếp đến Việt Nam. Kinh tế bạn hàng suy thoái, xuất khẩu và FDI bị ảnh hưởng xấu. Nội tại nền kinh tế Việt Nam bộc lộ những hạn chế.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặt câu hỏi: “Phải chăng chúng ta chưa tận dụng được các cơ hội, nên sau 5 năm gia nhập WTO, tiêu cực lại nhiều đến thế?”. Theo bà, nhiều chính sách của Việt Nam đưa ra thiếu cơ bản, không có hiệu quả tới đời sống người dân. Điển hình là năm 2009-2010, để đối phó với khủng hoảng kinh tế, Việt Nam đưa ra gói kích thích kinh tế 8 tỷ USD. Dễ dãi trong việc tung khoản tiền kích cầu lớn đã khiến Việt Nam lâm vào nợ xấu, đổ vỡ doanh nghiệp nhà nước.
Video đang HOT
Cùng chung quan điểm này, Tiến sĩ Võ Trí Thành- Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, bỏ ra 8 tỷ USD để đổi lấy 1% tăng trưởng trong thời kỳ khó khăn là cái giá quá đắt, chưa kể những hệ lụy trong các năm tiếp theo. “Bài học của hội nhập 5 năm qua là nhiều tiền quá cũng không tốt, bởi trong thời điểm khó khăn, tiền hỗ trợ đã gây mờ mắt, chủ quan, không tính đến các bất ổn” – ông Võ Trí Thành nói.
Còn gần 8 năm nữa mới hết hạn để mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, hơn 6 năm qua, Việt Nam vẫn cải thiện được quá ít về công nghệ. Ông Nguyễn Anh Dương – Phó Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô CIEM cho hay: “Xuất khẩu được coi là lợi thế của Việt Nam khi hội nhập, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào thương mại toàn cầu. Nhưng 5 năm qua, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu trung gian, phần lớn là hàng Trung Quốc để sản xuất ra được sản phẩm xuất khẩu cuối cùng”. Theo ông Dương “Chúng ta đang bôi sơn lên hàng Trung Quốc để thành hàng Việt Nam rồi xuất khẩu”! Điều này cũng dễ hiểu khi những con số nhập khẩu mới nhất đưa ra cho thấy, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm hơn 25% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lại so sánh, sau 5 năm gia nhập WTO, công nghệ của Việt Nam vẫn là “đạp máy khâu (ngành dệt may) và nối mối hàn (ngành đóng tàu)”. Theo bà Lan, thực tế gia nhập WTO cũng không làm tăng xuất khẩu của Việt Nam lên nhiều, vẫn ở mức khoảng 20% như trước đây. Doanh nghiệp xuất khẩu hầu hết làm gia công. Xuất khẩu gần đây đã “rơi” vào tay các doanh nghiệp FDI với trên 60% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước chỉ tăng xuất khẩu được 3%. “Nếu không có chiến lược cải thiện, một ngày nào đó, các doanh nghiệp FDI chuyển hướng đầu tư sang nước khác thì xuất khẩu của ta gay go” – bà Phạm Chi Lan cảnh báo.
Theo ANTD
"Xử lý nợ xấu, Việt Nam không cần vay ai"
"Chương trình xử lý nợ xấu đang được xem xét và sắp được công bố trong vài ngày tới. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là ứng xử với áp lực xã hội, giải trình với người dân; đồng thời, việc xử lý ai trước, ai sau sẽ cần đặt ra".
TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã cho biết như vậy tại hội thảo "Cập nhật tình hình kinh tế và Tái cấu trúc hệ thống Ngân hàng Việt Nam", ngày 13/11.
Theo đánh giá của ông Võ Trí Thành, bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam 2012 đã được cải thiện, song rủi ro vẫn còn hiện hữu, sản xuất kinh doanh phục hồi chậm chạp, yếu và còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, rủi ro là lạm phát cao vẫn có thể quay trở lại do những cú sốc bên ngoài, hoặc chính sách điều hành; thâm hụt ngân sách lớn, việc xử lý nợ xấu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng chậm, lòng tin vào sự ổn định còn thấp.
Trong khi đó, các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dù đã có cải thiện song vẫn gặp nhiều khó khăn: cầu sụt giảm, tiếp cận vốn khó khăn, sản xuất kinh doanh đình trệ, đình đốn ở nhiều khu vực.
Về chính sách tiền tệ, theo đánh giá của ông Thành, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng được đưa ra trước đây là từ 15 - 17%, nhưng 10 tháng đầu năm mới chỉ đạt 3,3%. Sở dĩ tăng trưởng tín dụng thời gian qua chỉ đạt mức khiêm tốn như vậy là do cầu giảm, doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện để vay vốn; bên cạnh đó là vấn đề nội tại của các ngân hàng như thánh khoản (dù cải thiện ít nhiều) và nợ xấu tăng cao.
Ông Thành cũng cho biết, chương trình xử lý nợ xấu đang được xem xét và sắp được công bố trong vài ngày tới. Đây là một trong những điểm tích cực của kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn, cụ thể là từ nay đến đầu năm 2013. Theo đó, vấn đề xử lý các doanh nghiệp nhà nước yếu kém cũng sẽ rõ ràng hơn vào đầu năm tới.
Để xử lý nợ xấu, theo khẳng định của ông Thành, "Việt Nam không cần vay ai. Vấn đề xử lý nợ xấu sẽ được giải quyết nếu có một định chế xử lý nợ xấu được thành lập, cơ chế chính sách phù hợp tạo điều kiện cho định chế này hoạt động". Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là ứng xử với áp lực xã hội, giải trình với người dân; đồng thời, việc xử lý ai trước, ai sau sẽ là vấn đề cần đặt ra.
Nhận định riêng về vấn đề tái cấu trúc hệ thống tài chính ngân hàng, theo ông Thành, Việt Nam đang có những thuận lợi là có sự thay đổi nhận thức của cả bộ máy chính trị. Chúng ta cũng đã có những kinh nghiệm về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trước đây. Tuy nhiên, có những khó khăn là việc vượt qua được lợi ích nhóm, chưa kể sự thiếu hụt nguồn lực.
Các diễn giả tham gia tại hội thảo.
Tham gia trình bày tại hội thảo, ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc ANZ Việt Nam cho hay: Nền kinh tế của khu vực Đông Nam Á không thể "miễn nhiễm" với sự suy giảm của nền kinh tế thế giới; tuy nhiên, những bảng cân đối tài sản và yếu tố căn bản của các nền kinh tế Đông Nam Á vẫn mạnh. Vì khu vực này có sức chống đỡ tốt, đặc biệt là những dấu hiệu cầu nội địa đã mạnh lên ở một số nước như Indonesia, Philipines...
Do đó, Việt Nam không nên chỉ nhìn vào ngắn hạn, hãy nhìn vào dài hạn là những yếu tố này có tác động thế nào đối với tương lai của mình. Vị trí của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu đóng góp như thế nào vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đối với ngành hàng quan trọng như cà phê, gạo, nông sản, dệt may... thì sự đóng góp của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng tăng. Tác nhân mang lại những thành công đó có thế là những doanh nghiệp nội địa, trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
"Tôi cũng thấy có sự chuyển biến trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam, các doanh nghiệp Việt chú trọng vào những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn chứ không chỉ thuần túy là những mặt hàng thô hay nguyên liệu như trước đây. Chính vì vậy, có 2 mảng quan trọng là quản lý tài nguyên và xuất khẩu, động lực quan trọng để Việt Nam phát triển kinh tế. Còn về dài hạn, một yếu tố quan trọng đảm bảo độ tăng trưởng của Việt Nam là thị trường trong nước và sức bật tiêu dùng trong nước", ông Tareq Muhmood nhấn mạnh.
Tổng giám đốc ANZ Việt Nam cũng đánh giá, bức tranh tín dụng 10 tháng đầu năm của Việt Nam khá thấp, phản ánh đúng tình hình thị trường tài chính tiền tệ hiện nay. Lãi suất huy động 1 số ngân hàng tương đối cao so với trần, cơ bản là hệ thống thanh khoản của mỗi ngân hàng khác nhau. Có ngân hàng không đủ cơ cấu vốn để vượt qua song gió, bằng cách nào đó phải tăng lãi suất huy động để có nguồn vốn họ cần.
Các ngân hàng Việt Nam đang trong quá trình tái cấu trúc. Ông Tareq Muhmood nhìn nhận, không chỉ nội tại các ngân hàng Việt, mà một số ngân hàng nước ngoài cũng cần phải làm mới mình. "Điều quan trọng đối với ngân hàng là bản cân đối tài sản và yếu tố nội tại cơ bản vững chắc, bên cạnh thế mạnh tài chính để vượt qua khủng hoảng là quản lý rủi ro, quản trị rủi ro tốt, quản lý tốt các danh mục của mình trong tất cả các lĩnh vực hoạt động. Cần ý thức rõ hiện trạng của mình và nắm rõ cả tình hình doanh nghiệp của mình, xem họ có thách thức khó khăn gì để hỗ trợ vượt qua khó khăn...", vị đại diện này nói.
Theo Dantri
Tôm Việt Nam không nhận trợ cấp từ Chính phủ Liên quan đến việc Liên minh Khai thác tôm Mỹ (COGSI) đệ đơn kiện lên Bộ Thương mại Mỹ đối với tôm nước ấm nhập khẩu từ 7 nước trong đó có Việt Nam Do nghi ngờ ngành tôm của những nước này nhận được các khoản trợ cấp không chính đáng từ Chính phủ, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp...