5 loại vũ khí thay đổi hình thái chiến tranh tương lai
Trang National Interest của Mỹ hôm 12.2 đã thiết lập một danh sách 5 loại vũ khí có khả năng thay đổi bản chất của chiến tranh tương lai dựa trên sự cân bằng giữa chiến tranh quy ước và chiến tranh ngoại lệ.
Hình mô phỏng một tên lửa siêu âm – Ảnh: Washington Times
Việc dự đoán những loại vũ khí nào có khả năng thay đổi chiến tranh tương lai là rất khó khăn vì bản chất của chiến tranh là linh động và liên tục thay đổi.
Một hệ thống vũ khí có thể thay đổi cục diện cuộc chiến giữa hai lực lượng như Trung Quốc và Mỹ lại không hiệu quả trong một kịch bản trên chiến trường đô thị, chẳng hạn như Israel đối mặt với du kích quân Palestine tại dải Gaza hay Hezbollah của Li Băng ở ngoại ô Beirut.
Chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 có thể là yếu tố thay đổi cán cân cuộc chiến trong một số hoàn cảnh, nhưng tốc độ khủng khiếp và thời gian tác chiến giới hạn của nó lại không phù hợp với nhiệm vụ phát hiện và tấn công các tay súng tự do trong một thành phố.
Chưa kể rằng việc sử dụng chúng để tiêu diệt một vài phiến quân trang bị súng AK-47 hầu như là không hiệu quả mà lại quá tốn kém. Các lực lượng đặc nhiệm trang bị áo giáp siêu tàng hình và súng trường hạng nhẹ bắn đạn thông minh sẽ hiệu quả và rẻ hơn nhiều.
Mặc dù có thể chưa đầy đủ, nhưng danh sách này phần nào đó cho thấy các xu hướng của hình thái chiến tranh có thể ảnh hưởng đến thế giới chúng ta trong nhiều thập kỷ tới, theo National Interest.
5. Áo giáp siêu tàng hình
Các nhà khoa học đã thiết kế loại vật liệu có khả năng uốn cong sóng ánh sáng nhằm giảm thiểu tối đa sự tỏa nhiệt và dấu hiệu hiện diện của mục tiêu. Rõ ràng, loại vật liệu “siêu tàng hình” này cực kỳ giá trị về mặt quân sự, vì chúng cho phép các chiến binh, từ những người lính bình thường cho đến các lực lượng đặc nhiệm không bị phát hiện khi hoạt động trên lãnh thổ đối phương, hoặc ít nhất là cho họ thời gian giành thế chủ động. Cũng như giảm nguy cơ thương vong trong các hoạt động quân sự, trong khi gia tăng khả năng phát động các cuộc tấn công cục bộ và bất ngờ chống lại kẻ thù, hoặc tiến hành phá hoại và ám sát.
Một công ty của Canada được cho là đã trình diễn loại vật liệu này cho hai nhóm chỉ huy trong quân đội Mỹ và hai nhóm trong quân đội Canada, cũng như cho các đội chống khủng bố liên bang. Tất nhiên, công nghệ này cũng sẽ rất nguy hại một khi nó lọt vào tay các lực lượng vô chính phủ như phiến quân và các nhóm khủng bố.
4. Pháo điện từ
Sử dụng bệ phóng từ trường thay cho các loại chất đẩy hóa học như thuốc súng hoặc nhiên liệu, pháo điện từ có khả năng đẩy một viên đạn đi với vận tốc từ 4.500 – 5.600 dặm/giờ. Công nghệ đang được phát triển này đã chứng minh khả năng đẩy một viên đạn đi xa 185 km với mức năng lượng 32 megajoule (MJ).
Video đang HOT
Một khẩu pháo điện từ – Ảnh: Wired.com
Tốc độ cực cao và tầm bắn xa của pháo điện từ mang lại nhiều lợi ích cả trong tấn công và phòng thủ. Khả năng tấn công chính xác của nó có thể đối phó ngay cả những hệ thống phòng thủ khu vực tân tiến nhất cho đến nhiệm vụ phòng không chống lại các mục tiêu đang bay. Một lợi thế khác của công nghệ này là không cần phải lưu trữ các chất nổ nguy hiểm và vật liệu dễ cháy cần thiết để phóng các quả đạn thông thường.
Một hệ thống pháo điện từ đã được Phòng Nghiên cứu hải quân Mỹ phát triển từ năm 2005. Giai đoạn hiện nay của dự án, bắt đầu từ năm 2012, là tìm cách phát triển khả năng bắn ổn định.
Hải quân Mỹ hy vọng sẽ tăng tầm bắn lên đến 370 km với năng lượng 64 MJ. Nhưng do một phát bắn cần đến 6 triệu ampe nên sẽ mất nhiều năm nữa các nhà khoa học mới có thể phát triển loại tụ điện có thể tạo ra năng lượng lớn như vậy, cũng như loại vật liệu làm pháo không bị tan tành từng mảnh sau mỗi phát bắn.
Lục quân Mỹ cũng đang phát triển phiên bản pháo điện từ của riêng mình. Và Trung Quốc cũng được đồn đại là đang phát triển loại vũ khí siêu hạng này, với hình ảnh vệ tinh hồi cuối năm 2010 cho thấy các cuộc thử nghiệm đang diễn ra tại một căn cứ tăng – thiết giáp và pháo binh gần Bao Đầu, khu tự trị Nội Mông.
3. Vũ khí không gian
Bất chấp áp lực quốc tế chống quân sự hóa không gian vũ trụ, các cường quốc vẫn tiếp tục khám phá những công nghệ có thể biến bầu trời trên đầu chúng ta thành chiến trường kế tiếp. Từ các bệ phóng tên lửa đặt trên mặt trăng cho đến hệ thống chặn bắt và chuyển hướng các tiểu hành tinh tới mục tiêu trên trái đất.
Tất nhiên, không phải tất cả các kịch bản đều khả thi về mặt kỹ thuật, nhưng một số bước đột phá đang nằm trong tầm với của khoa học hiện tại.
Đó có thể là vũ khí xung điện từ (EMP) hạt nhân hoặc phi hạt nhân trang bị cho các tàu vũ trụ. Bằng cách kích nổ vũ khí EMP lắp trên vệ tinh có cao độ lớn, một bên tham chiến có thể tiến hành tấn công phủ đầu mạng lưới điện, vệ tinh, cũng như hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc tình báo và trinh sát cần thiết để tiến hành các hoạt động quân sự của đối phương.
Tùy thuộc vào kích thước của vũ khí EMP được sử dụng, cuộc tấn công có thể bao trùm cả một quốc gia, hoặc nhằm vào một khu vực tác chiến nào đó. Về mặt lý thuyết, loại vũ khí sát thủ này có thể chấm dứt chiến tranh trước khi có một phát súng nào được bắn đi, ít nhất là đối với một đối thủ dựa dẫm quá nhiều vào thông tin như Mỹ, nhưng lại không hiệu quả mấy với Taliban hay Hamas.
Vũ khí EMP bắn từ các nền tảng có cao độ thấp hơn hoặc thông qua hệ thống tên lửa trên đất liền như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) thì dễ bị đánh chặn hoặc tấn công phủ đầu. Trong khi vũ khí EMP lắp trên vệ tinh sẽ vượt ra ngoài tầm với của hầu hết các nước, ngoại trừ những quốc gia sở hữu vũ khí chống vệ tinh đặt trên mặt đất hay các trạm không gian.
Một công nghệ khác cũng ít nhiều được quan tâm trong nhiều thập niên qua là việc sử dụng hệ thống laser năng lượng cao trên vũ trụ (SBL) để đánh chặn tên lửa đạn đạo của đối phương ngay trong giai đoạn tăng tốc (BPI). Ưu điểm của công nghệ này là khả năng vô hiệu hóa một tên lửa đạn đạo vào thời điểm nó bay chậm nhất, do đó xác xuất thành công sẽ cao hơn nhiều.
Khác với các hệ thống phòng thủ chiến trường sử dụng công nghệ BPI như Aegis, là loại cần phải triển khai gần lãnh thổ đối phương, vũ khí laser trên vũ trụ hoạt động ở cao độ vượt ra ngoài tầm tấn công của quốc gia mục tiêu. Do đó, ngày càng nhiều quốc gia sở hữu tên lửa đạn đạo tầm xa trang bị đầu đạn hạt nhân quan tâm đến vũ khí đánh chặn SBL, và sẵn sàng chi tiền tài trợ cho các chương trình tốn kém như vậy.
2. Tên lửa hành trình siêu âm
Nếu sở hữu tên lửa hành trình siêu âm từ giữa những năm 1990, Mỹ đã có thể tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden của al-Qaeda sớm hơn nhiều, và thực hiện điều đó ngay tại Afghanistan chứ không phải là ở Pakistan.
Với tầm bắn xa và chính xác, tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân đã tác động phi thường đến chiến tranh hiện đại. Nhưng trong thời đại mà vấn đề thắng thua chỉ chênh nhau từng phút, thì nó lại tỏ ra quá chậm.
Vào năm 1998, sau các vụ tấn công khủng bố nhằm vào đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania, tên lửa hành trình phóng từ tàu chiến Mỹ ở biển Ả-rập phải mất 80 phút để đến mục tiêu là các trại huấn luyện của al-Qaeda ở Afghanistan. Trong khi đó, loại tên lửa siêu âm bay ở tốc độ Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh) chỉ cần 12 phút để tiếp cận các mục tiêu tương tự.
Với mong muốn tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên trái đất trong vòng vài phút, quân đội Mỹ, từ năm 2001, đã triển khai một chương trình có tên gọi là Tấn công nhanh toàn cầu (Prompt Global Strike). Nỗ lực này tập trung vào việc phát triển phương tiện bay siêu âm (HCV) X-51A do liên danh giữa Không quân Mỹ, Hãng Boeing, Dự án Nghiên cứu Quốc phòng tiên tiến (DARPA), Cơ quan hàng không vũ trụ NASA, Tập đoàn Pratt & Whitney Rocketdyne, và Ủy ban Động cơ đẩy thuộc Phòng Thí nghiệm nghiên cứu Không quân Mỹ thực hiện.
Nga, Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã có những bước tiến nhất định trong việc phát triển công nghệ có khả năng tương tự sử dụng đầu đạn thông thường, khiến một số nhà phân tích quốc phòng đã phải cảnh báo về nguy cơ chạy đua phát triển loại vũ khí tấn công toàn cầu này.
Hải quân Mỹ cũng được cho là đang nghiên cứu khả năng phát triển tên lửa siêu âm phóng từ tàu ngầm.
Năng lực tấn công nhanh toàn cầu có thể phục vụ cho nhiều mục đích, từ các cuộc tấn công nhằm vào hệ thống chỉ huy và điều khiển, các mục tiêu có giá trị cao khác cho đến các cuộc tấn công cục bộ chống lại các nhóm khủng bố cơ động trong thời gian ngắn dựa trên thông tin tình báo mặt đất.
Tốc độ phi thường và khả năng đeo bám địa hình của tên lửa hành trình siêu âm sẽ đặt ra những thách thức mới cho các hệ thống phòng không hiện nay, do đó đem lại thêm lợi thế cho chúng trong các tình huống chiến tranh quy ước.
1. Vũ khí không người lái có khả năng tự nhận thức
Có lẽ thành tựu nổi bật nhất của ngành công nghiệp quốc phòng trong thập kỷ vừa qua là sự ra đời của phương tiện bay không người lái (UAV). Cùng với sự tiến bộ không ngừng của công nghệ, các UAV đang nhanh chóng tiếp quản những nhiệm vụ vốn do con người đảm nhận. Thậm chí, các nhà bình luận còn cho rằng sự trỗi dậy của các UAV một ngày nào đó sẽ làm cho các phi công con người trở thành lỗi thời.
Nhưng các phương tiện không người lái hiện nay, từ xe gỡ bom đến tàu ngầm mini, từ máy bay trực thăng giám sát trên tàu chiến đến các nền tảng tấn công trên cao vẫn còn thụ động và phần lớn cần sự can thiệp của con người. Mặc dù công nghệ tự động hóa ngày càng phát triển, nhưng các nhiệm vụ quan trọng như phát hiện mục tiêu và ra quyết định khai hỏa tên lửa Hellfire vẫn do con người đảm nhận.
Điều này có thể sớm thay đổi khi các nhà khoa học đẩy lùi ranh giới của trí tuệ nhân tạo. Khi đó, các UAV sẽ tự đưa ra những “quyết định” có ý nghĩa sinh tử. Tất nhiên, tính “thông minh” của các phương tiện không người lái, hoặc robot nói chung, không thể so sánh với con người, và cũng không thể được cho là có tri giác. Nhưng những tiến bộ về khả năng tính toán sẽ mang lại cho các cỗ máy năng lực nhận thức tình huống và thích ứng cao hơn.
Vì chi phí huấn luyện và duy trì binh sĩ quá tốn kém nên có thể trong tương lai các cỗ máy sẽ được ưu tiên giao phó nhiệm vụ tác chiến cũng như ra những quyết định sinh tử.
Chuyện cho phép robot giết người có lẽ chỉ còn tùy thuộc vào vấn đề thời gian vì bản chất của chiến tranh ngày càng giống như trò chơi điện tử. Việc triển khai chúng sẽ tạo thêm khoảng cách giữa thủ phạm và nạn nhân, làm giảm đi yếu tố tâm lý trong việc sử dụng vũ lực.
Một khi đã giao phó nhiệm vụ tác chiến cho máy bay không người lái, người ta sẽ cố gắng biến chúng thành những cỗ máy càng “tự do” càng tốt. Vì bên nào ra quyết định nhanh nhất và cần đến sự can thiệp của con người ít nhất, sẽ chiếm ưu thế trong cuộc chiến.
Theo TNO
Quân đội Mỹ sắp thử nghiệm áo giáp 'siêu nhân' cho binh sĩ
Vào tháng 6.2014, Quân đội Mỹ sẽ hé lộ các thiết kế loại áo giáp thông minh giúp các binh sĩ có thể sở hữu sức mạnh "siêu nhân", tựa như trong phim "Người sắt" (Iron Man).
Nhân vật "người sắt" trong phim Iron Man - Ảnh: Marvel
Đô đốc hải quân Mỹ, ông William McRaven, chỉ huy Bộ Tư lệnh các chiến dịch đặc biệt của Hải quân Mỹ, cho biết ba mẫu áo giáp "siêu nhân", được gọi là "áo giáp tấn công chiến lược nhẹ" (TALOS), sẵn sàng được đem ra thử nghiệm vào tháng 6.2014 tới.
Nếu thử nghiệm thành công, ông McRaven cho biết quân đội sẽ sử dụng TALOS vào năm 2018, tăng cường khả năng sống sót và tham chiến cho các binh sĩ Mỹ.
Theo thiết kế của Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), TALOS có khả năng giám sát tình hình sức khỏe binh sĩ, điều hòa nhiệt độ, cung cấp không khí hoặc làm ấm cho binh sĩ nếu tham chiến vào mùa đông.
Ngoài ra, TALOS được thiết kế với chất liệu thông minh siêu bền có thể chống đạn hiệu quả. Nếu binh sĩ bị thương, TALOS sẽ tự đông phu ra một loại thuốc cầm máu vào vết thương.
Quân đội Mỹ cho hay một bộ máy tính thông minh siêu nhỏ tựa như kính Google Glass sẽ được trang bị cho TALOS.
Các bộ cảm biến điện tử sẽ giám sát thân nhiệt, nhịp tim của người mặc, còn các khung sườn sẽ làm tăng sức mạnh cơ bắp cho các binh sĩ.
Hiện Mỹ đã có bộ áo exoskeleton (tạm dịch: Khung xương cường lực) có các chức năng hỗ trợ sức mạnh cơ bắp này.
Quân đội Mỹ cho biết họ sẽ lấy nền tảng công nghệ exoskeleton để phát triển áo giáp TALOS.
Hiện tại có nhiều tổ chức và công ty đang phát triển các mẫu TALOS khác nhau như trong phim "Người sắt", bao gồm 56 tập đoàn, 16 cơ quan thuộc chính phủ Mỹ, 13 trường đại học và 10 phòng thí nghiệm quốc gia.
Quân đội Mỹ sẽ xem xét và chọn những mẫu TALOS tốt nhất trong cuộc thử nghiệm vào tháng 6.2014 tới.
Theo TNO
Trung Quốc thử thiết bị bay mang tên lửa siêu thanh Reuters hôm qua đưa tin Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố nước này đã tiến hành thử nghiệm một thiết bị bay mang tên lửa siêu thanh có khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân. Ảnh minh họa Theo trang Washington Free Beacon, thiết bị có tên gọi WU-14 của Trung Quốc đã bay với tốc độ cao hơn gấp 10...