5 loại vũ khí giết hàng triệu người trong Thế chiến I
Trong Thế chiến I, nhiều loại vũ khí hiện đại, có tính sát thương cao đã được sáng chế nhằm mục đích cuối cùng: khuất phục đối thủ. Sau đây là 5 thứ vũ khí “thần chết” đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trong cuộc chiến.
Súng máy Maxim MG 08
Trong Thế chiến I, lính Đức với súng máy Maxin MG 08 là nỗi ám ảnh với binh lính phe Hiệp Ước. Đây là mẫu súng máy tiêu chuẩn của quân đội Đức, được thiết kế dựa trên 1 nguyên mẫu năm 1894 của Hiram Maxim. Phiên bản thời kỳ đầu Thế chiến 1 của MG 08 nặng tới 45 kg (gồm súng, hộp đạn và các phụ kiện khác). Tuy không thể di chuyển cơ động, súng có khả năng bắn 500 viên/phút – đủ khả năng tiêu diệt bất cứ toán bộ binh nào.
Xe tăng Mark V có trọng lượng 29 tấn, là loại xe tăng nặng nhất mà Anh sử dụng trong Thế chiến I. Xe có lớp giáp dày gần 1,3 cm – đủ để chống đạn – và 1 khẩu pháo 57 mm (hoặc 1 súng máy Vickers). Với thiết kế thân đặc biệt và hỏa lực mạnh, Mark V dễ dàng xuyên thủng các lớp rào kẽm gai và phá hủy các ổ súng máy, lô cốt. Dù khá mạnh mẽ, những chiếc Mark V đời đầu rất nóng, ầm ĩ và thường xuyên gặp sự cố – 1 nhược điểm chí mạng khiến xe tăng dễ bị pháo binh Đức “làm thịt” trên các địa hình trống trải.
Tuy nhiên, Mark V cũng đã khắc chế được súng máy vốn là bá chủ chiến trường trước khi các phương tiện bọc giáp xuất hiện, góp phần giảm thiểu thương vong cho các binh sĩ trên chiến trường.
Máy tiêm kích 3 tầng cánh Fokker
Vào giai đoạn đầu của cuộc chiến, khi mà các máy bay chiến đấu vẫn còn dùng động cơ cánh quạt thô sơ với vũ khí chính là súng máy, Fokker của Đức đã chứng tỏ mình là “ông vua bầu trời” nếu được sử dụng đúng cách. Dù có tốc độ chậm hơn các máy bay của phe Hiệp ước như Máy bay 3 tầng cánh Sopwith hay Spad VIII, Fokker vẫn có thể thỏa sức tung hoành nhờ sự cơ động linh hoạt và khả năng tăng độ cao nhanh. Nhiều phi công Fokker đã đạt danh hiệu ACE (bắn hạ trên 5 máy bay trở lên), trong đó xuất sắc nhất là “Nam tước Đỏ” Manfred von Richthofen với thành tích 80 máy bay.
Tàu ngầm Type 93 U-boat
Dù thua cuộc, thế nhưng Đức vẫn có thể tự hào về tàu ngầm U-boat – 1 biểu tượng quân sự, đánh dấu sự thay đổi trong chiến tranh hàng hải hiện đại. Trong đó, phiên bản nguy hiểm nhất là Type 93 với thành tích đánh chìm 411,000 tấn hàng của phe Hiệp Ước. Mặc dù có tốc độ không hề nhanh (16,6 km/h khi lặn và 31,5 km/h khi nổi) và thời gian hoạt động ngắn (những phiên bản đời đầu chỉ có thể lặn 1 giờ trước khi hết pin), Type 93, vốn được trang bị 1 súng máy 88 mm hoặc 105 mm trên boong tàu và 6 ống phóng ngư lôi, vẫn là 1 nỗi kinh hoàng cho các tàu vận tải.
Video đang HOT
Đại bác Big Bertha và Paris Gun
Đại bác Big Bertha
Big Bertha là một khẩu đại bác khổng lồ của Đức với cỡ nòng khoảng 40cm, lớn hơn so với hầu hết các khẩu pháo trên các chiến hạm vào thời điểm đó. Với khả năng bắn một quả đạn pháo gần 1 tấn ở cự ly khoảng 12km, Big Bertha đã phá hủy các công sự của Bỉ vào năm 1914, cho phép quân đội Đức tiến quân qua Bỉ và gần như chiếm được Paris của Pháp.
Ngược lại, đại bác Paris Gun lại dài và hẹp, bắn đạn nặng khoảng 90kg với tầm bắn khoảng 130km. Điều này cho phép quân Đức tiến hành oanh tạc tầm xa nhằm vào Paris của Pháp.
Đại bác Paris Gun
Giống như nhiều loại vũ khí khác, những khẩu pháo này rất đắt đỏ và dễ hỏng (Paris Gun chỉ có thể bắn được 20 viên đạn thì nòng đã bị mòn). Nhưng khả năng phá hủy công sự, hầm hào hoặc oanh tạc một thành phố từ một khoảng cách xa hơn 100km đã làm nên tiếng tăm của những loại vũ khí trên.
Theo Danviet
Phép màu khiến quân Anh và Đức đang bắn nhau quay ra bắt tay, đá bóng
Tưởng rằng những kẻ thù ở hai đầu chiến tuyến chỉ có thể nghĩ tới việc tiêu diệt nhau. Vậy nhưng phép màu đã xảy ra ở chiến trường nước Pháp, vào dịp Giáng sinh.
Bức vẽ trên tờ The Illustrated London News, ngày 9.1.1915, về cảnh lính Anh và Đức bắt tay đổi mũ với nhau giữa hai chiến hào
Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất nổi bật với hình ảnh những chiến hào và điều kiện chiến đấu đáng sợ không thể tưởng tượng nổi mà những người lính phải chịu đựng hàng ngày. Tuy vậy, bất chấp mọi sự tệ hại, một phép màu đã xảy ra vào năm 1914. Nó trở thành mối đe doạ với chính phủ các bên cũng như tiến trình của cuộc chiến.
Mối đe doạ đó là gì? Giáng sinh.
Người Đức bắt đầu cuộc chiến vào tháng 7.1914. Chiếm được Bỉ và một phần nước Pháp, họ tự tin rằng mình sẽ chiếm Paris nhanh chóng và cuộc chiến sẽ kết thúc trước Giáng sinh. Người Anh, người Pháp, và các đồng minh của họ cũng tin rằng mình sẽ đánh bại quân Đức trước Giáng sinh. Tất cả bọn họ đã lầm.
Quân Đồng minh đẩy lùi bước tiến của người Đức trong Trận Marne lần thứ nhất, kéo dài từ ngày 5 đến ngày 12.9, ép quân Đức rút về thung lũng Aisne cố thủ. Quân Đồng minh tiến tới vào ngày 13.9, và Trận Aisne lần thứ nhất bắt đầu. Trận đánh kết thúc trong thế giằng co.
Người Đức muốn tiến tới vùng bờ biển của nước Pháp, và phe Đồng minh không muốn điều đó xảy ra. Hai bên đào rất nhiều tuyến hào, cố gắng đánh tạt sườn nhau. Các lớp hào bị chia cách bởi các vùng được gọi là "no man's land" (vùng đất nằm giữa khu vực chiến sự mà không bên nào chiếm đóng được do sức ép của quân địch).
Quân Đồng minh ngặn chặn quân Đức bằng cách đào hào về hai phía Đông - Tây, người Đức cũng làm điều tương tự, cho đến khi chiến tuyến của cả hai phe kéo dài tới Biển Bắc.
Đến đầu tháng 12, mỗi bên đã đào hơn 250km chiến hào cũng như hứng chịu những thiệt hại to lớn trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến. Anh mất gần 100.000 quân. Với Pháp, chỉ riêng trong tháng 8, thiệt hại của họ đã gấp đôi con số đó, gần như tương đương với thiệt hại của Đức.
Không phải mọi binh lính đều chết trong chiến đấu. Bệnh tật có tác động rất kinh khủng trong điều kiện lạnh lẽo, chật hẹp và ẩm ướt, cũng như bùn và nước bẩn. Trong chiến hào, chân người lính thường ướt sũng. Thiếu thốn sự điều trị, vậy là tình trạng hoại tử và cái chết lan ra khắp nơi.
Có khi hào được đào sâu để chôn cất chính những người lính mà chúng bảo vệ. Nhưng kể cả những đoạn hào tốt nhất cũng có thể trở thành những cái bẫy chết người nếu trúng đạn trực diện, vì lực nổ của bom đạn sẽ tập trung hơn so với khi nổ ở không gian mở. Thường thì binh lính chỉ có thể nhìn trong vô vọng khi bom đạn nổ trước mặt, vì họ không thể trốn đi khi tất cả bị dồn sát vào nhau.
Cuối cùng là công tác tuyên truyền. Các bên đều miêu tả đối phương như súc vật vô cảm, vì người ta sẽ giết nhau dễ dàng hơn nếu không nhìn đối phương như con người nữa.
Vậy nhưng đến tối ngày 24.12, các vùng đình chiến xuất hiện. Không ai rõ nó bắt đầu từ đâu, nhưng người ta tin rằng nó bắt đầu từ vùng Flanders trước khi lan rộng ra toàn bộ Mặt trận Phía Tây.
Những người lính Anh thuộc đơn vị Khinh kỵ Northumberland gặp mặt quân Đức ở "no man's land"
Quân Đức bắt đầu hát những bài ca Giáng sinh. Rồi đèn và thuốc lá được thắp lên - một điều nguy hiểm vì nó sẽ giúp quân Anh thấy rõ vị trị quân Đức.
Nhưng kể cả khi hầu hết người Anh không hiểu tiếng Đức, họ vẫn nhận ra các giai điệu. Một số trong bọn họ đã hát cùng bằng tiếng Anh. Vì thế, ánh đèn và diêm được thắp sang nhiều hơn dọc theo tuyến quân Đức. Không một người Anh nào muốn bắn họ.
Đến buổi sáng ngày Giáng sinh, Trung sĩ Công binh J.J. &'Nobby' Hall dán một dấu hiệu báo mừng Giáng sinh lên một cây gậy và vẫy nó dọc theo chiến hào. Một dấu hiệu tương tự cũng được vẫy lên ở tuyến quân Đức.
Đến buổi trưa, một lính Đức nhảy ra khỏi chiến hào bất chấp việc bị quân Anh ngắm bắn. Anh ta giơ tay và đi qua "no man's land" mà không mang vũ khí. Binh nhì Ike Sawyer tiến ra để gặp mặt. Khi đến giữa vùng trống, họ bắt tay. Từ phía quân Đức, nhiều binh lính cũng tiến lên, giơ tay và gặp những người Anh ở giữa vùng trống.
Vài lính Đức bẻ cành cây thông để làm cờ trắng khi họ băng qua. Những món quà gồm thức ăn, thuốc lá, quần áo được trao đổi với nhau. Hai bên đã chơi những trận bóng đá, và người Đức không thể nhịn cười khi chơi cùng những người Scotland không thèm mặc gì dưới những bộ "kilt" - bộ đồ truyền thống của người Scotland, khá giống một chiếc váy.
Tình bạn ấm áp như vậy chỉ xuất hiện ở trận tuyến giữa Anh và Đức. Người Pháp không có tâm trạng mà kết thân với kẻ thù đang chiếm lấy một phần đất nước họ. Ở Mặt trận Phía Đông, người Nga không ăn mừng Giáng sinh cho đến ngày 7.1 (nước Nga lúc này vẫn theo bộ lịch cũ nên tính ngày chậm hơn các nước khác).
Vì có nhiều người Đức làm việc ở Anh trước chiến tranh, nên họ có thể nói tiếng Anh khá tốt. Thậm chí, Đại uý Clifton Stockwell đã bắt tay một lính Đức làm bồi bàn ở nhà hàng ông hay tới ăn trước cuộc chiến. Một lính Anh khác thì để một lính Đức từng làm thợ cắt tóc trước chiến tranh được cắt tóc và cạo râu cho mình.
Lính Anh và lính Đức gặp nhau ở "no man's land" trong cuộc đình chiến không chính thức. Mặc dù mọi người dành tình cảm ấm áp cho nhau, họ cũng có một quy tắc bất thành văn: Cả hai bên không được tới chiến hào đối phương để không làm lộ vị trí kho vũ khí và vị trí phòng thủ. Và cũng không phải tất cả các vị trí trên chiến tuyến giữa Anh và Đức được yên bình, một số nhỏ vẫn chiến đấu trong dịp Giáng sinh.
Chính quyền các bên cảm thấy như bị làm nhục. Họ đe doạ bằng những hình phạt khắc nghiệt cho những ai làm thân với quân địch, nhưng nó chẳng có hiệu quả gì với những người lính lúc này đã làm bạn với nhau.
Điều đáng sợ nhất với chính quyền các bên đó là cuộc chiến sẽ kết thúc ở Mặt trận Phía Tây. Hơn nữa, các phong trào chống lại hoàng gia và ủng hộ chủ nghĩa cộng sản lan rộng ở nhiều nước làm giới cai trị phương Tây lo sợ điều tệ hại nhất có thể xảy ra cho chính phủ của họ nếu binh lính vứt bỏ vũ khí và đi đến hoà bình lâu dài.
Với những người trên chiến tuyến, sự đình chiến hầu hết đều kéo dài đến hết ngày 26.12. Ở một số nơi khác nó còn diễn ra lâu hơn, nhưng với binh nhì Archibald Stanley, nó đã kết thúc ngay sau ngày 24.12. Sĩ quan chỉ huy của anh này, lo sợ một cuộc nổi loạn, đã cho phép đình chiến trong ngày hôm đó. Ngay hôm sau, ông ta ra lệnh cho binh lính bắn bất kỳ lính Đức nào còn đứng ở "no man's land". Nhưng chẳng ai tuân lệnh.
Đến chiều muộn, sợ rằng mình đang mất quyền kiểm soát, viên sĩ quan người Anh bắn chết một sĩ quan Đức không vũ trang. Mọi thứ tệ hại dần từ đó. Cuộc chiến tiếp diễn và những vũ khí mới được sử dụng như khí gas độc, vậy là cả hai bên không còn hứng thú với một cuộc đình chiến thứ hai nữa.
Peter Knight và Stefan Langheinrich, cháu của những người lính tham gia Thế chiến thứ nhất, bắt tay nhau ở đài tưởng niệm Cuôc đình chiến Giáng sinh ở Frelinghien, Pháp để tái hiện hình ảnh sự kiện
Đến ngày 11.11.2008, một đài tưởng niệm Cuộc đình chiến Giáng sinh được dựng lên ở Frelinghien, Pháp. Con cháu của các cựu binh, những người đã liều lĩnh để tinh thần Giáng sinh tác động đến họ trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất dù chỉ trong ngày một hai ngày, đã tham dự ngày khánh thành đài tưởng niệm.
Theo Danviet/Huy Đức (WarHistoryOnline)
Trận thảm bại ít người biết của quân Mỹ trên đất Nga Quân đội Mỹ cùng đồng minh từng điều lực lượng đến Nga nhằm hỗ trợ phong trào nổi dậy chống lại chính quyền Bolshevik. Quân đồng minh can thiệp vào cuộc nội chiến ở Nga năm 1918. Ngày nay, có lẽ không còn nhiều người Nga biết đến lần duy nhất Mỹ đưa hàng ngàn binh sĩ đến tham chiến trên đất Nga....