5 loại tàu ngầm đáng gờm của Nga
Sau khi Liên Xô tan rã, chương trình phát triển tàu ngầm có phần đi xuống, nhưng Nga nỗ lực nâng cấp tàu ngầm thời chiến tranh lạnh, đóng tàu ngầm mới và hiện sở hữu 5 loại tàu ngầm đáng gờm, theo tạp chí National Interest (Mỹ).
Trong thời chiến tranh lạnh và những năm căng thẳng đối đầu giữa Mỹ và Nga, nhiều người Mỹ từng lo sợ, tưởng tượng đến viễn cảnh đội tàu ngầm Liên Xô, những cỗ máy huỷ diệt dưới biển, xuất hiện và bao vây bờ biển nước Mỹ.
Sau khi Liên Xô tan rã, chương trình tàu ngầm có phần đi xuống, theo đánh giá của chuyên san The National Interest (Mỹ) ngày 11.7. Tuy nhiên, trong vòng một thập niên qua, Nga cũng đã nỗ lực hiện đại hóa các tàu ngầm nước này.
Từ việc nâng cấp các tàu ngầm có từ thời chiến tranh lạnh để đáp ứng những thách thức thời nay cho đến thiết kế những tàu ngầm mới, Nga hiện có 5 loại tàu ngầm đáng gờm, theo đánh giá của The National Interest:
Tàu ngầm lớp Akula của Nga – Ảnh: Reuters
Được đóng trong thời Liên Xô dưới tên gọi “Báo tuyết” (Dự án 971 Shchuka-B), tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân này được biết đến theo tên gọi của NATO là tàu ngầm lớp Akula. Tàu ngầm Akula không thể hoạt động êm ái như những một số tàu ngầm của phương Tây, nhưng đây là thứ vũ khí đáng gờm nhất của Nga, nhất là sau nhiều lần được nâng cấp kể từ sau chiến tranh lạnh.
Hải quân Liên Xô triển khai 7 tàu ngầm Akula I trong giai đoạn 1986-1992. Trong giai đoạn 1992-1995, Nga triển khai 2-4 tàu ngầm Akula I phiên bản nâng cấp.
Nga cũng đã thiết kế phiên bản nâng cấp toàn diện hơn là Akula II (Dự án 971A), với chiều dài thân tàu tăng lên thành 110 m và tăng lượng choán nước khi lặn sâu lên 12.770 tấn.
Akula II còn được trang bị động cơ êm ái hơn những đời tàu trước, giúp tàu ngầm này trở thành một trong số những tàu ngầm hoạt động êm nhất của Nga. Nga đóng ba tàu ngầm Akula II với tên gọi: Viper (1995), Nerpa (2000) và Gepard (năm 2001). Moscow dự kiến sẽ giữ chiếc Gepard trong kho vũ khí nước này ít nhất cho đến năm 2025, và cho Ấn Độ thuê chiếc Nerpa.
Khi di chuyển trên mặt nước, tàu ngầm Akula đạt vận tốc đến 10 hải lý/giờ (tức 18,52 km/giờ), dưới mặt nước có thể đạt vận tốc lên đến 33 hải lý/giờ (tức 61,1 km/giờ) và lặn ở độ sâu tối đa 600 m so với mặt nước biển.
Khi được triển khai, tàu ngầm Akula có thể hoạt động liên tục trong vòng 100 ngày. Tàu ngầm này được trang bị những loại vũ khí có thể tấn công tàu nổi, tàu ngầm và những mục tiêu trên đất liền, đảm bảo thực hiện nhiều sứ mạng khác nhau.
Một tàu ngầm Akula có thể mang theo 12 tên lửa hành trình Granit với tầm bắn 3.000 km. Tên lửa này có cả phiên bản diệt hạm và tấn công mục tiêu trên đất liền.
Đối với tác chiến diệt hạm và săn ngầm, tàu ngầm Akula I có 8 ống phóng ngư lôi, trong khi Akula I phiên bản nâng cấp và Akula II có đến 10 ống. Ngoài ra, tàu ngầm Akula được trang bị bệ phóng Strela SA-N-5/8 với 18 tên lửa phòng không.
Tàu ngầm lớp Kilo 877
Video đang HOT
Tàu ngầm Kilo đời đầu của Liên Xô (lớp 877) xuất khẩu sang Iran – Ảnh: Reuters
Được thai nghén trong thời Liên Xô tại Cục Thiết kế Hàng hải Trung ương Rubin ở thành phố St. Petersburg (Nga), tàu ngầm Dự án 877 Paltus (tên gọi theo NATO là Kilo) là loại tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ điện – diesel. Chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên được đưa vào phục vụ quân đội Liên Xô vào năm 1982, tàu ngầm Kilo loại này vẫn còn phục vụ trong quân đội Nga và một số nước trên thế giới.
Tàu ngầm Kilo 877 như loại xuất khẩu cho Iran có lượng choán nước khi lặn sâu hoàn toàn là 3.076 tấn và chiều dài thân là 70 m. Phiên bản tàu ngầm Kilo căn bản có 6 ống phóng ngư ngôi và có thể mang theo 24 quả mìn biển.
Tàu ngầm loại này còn có thể được trang bị ngư lôi TEST-71MKE. Đây là một loại ngư lôi có chế độ dẫn hướng kép bằng sóng siêu âm chủ động và bằng vô tuyến truyền hình, có thể mang theo đầu đạn 205 kg. Tàu ngầm Kilo 877 có thể mang theo 8 tên phòng không như Strela-3 và Igla.
Ấn Độ, cũng sử dụng tàu ngầm Kilo, đã ký hợp đồng với hãng đóng tàu Nga Zvezdochka trang bị những tên lửa diệt hạm như Klub S (tầm bắn 220 km) cho các tàu ngầm Kilo đóng cho New Delhi.
Với động cơ chạy bằng diesel – điện, tàu ngầm Kilo có thể đạt vận tốc 10 hải lý/giờ (18,52 km/giờ) trên mặt nước và 17 hải lý/giờ (31,48 km/giờ) khi lặn dưới mặt nước. Tàu ngầm Kilo có thể lặn ở độ sâu 300 m và hoạt động liên tục trong 45 ngày.
Sau khi Liên Xô tan rã, Nga vẫn sử dụng tàu ngầm Kilo 877 và các phiên bản tàu ngầm Kilo loại này được bán cho Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Algeria. Ba Lan và Romania vẫn sử dụng tàu ngầm Kilo.
Tàu ngầm lớp Kilo cải tiến 636
Tàu ngầm 185 Khánh Hoà được lai dắt vào Cam Ranh ngày 2.7.2015. Đây là chiếc tàu ngầm lớp Kilo 636 thứ 4 của Hải quân Việt Nam đặt Nga đóng – Ảnh: Nguyễn Chung
Khi tàu ngầm điện-diesel lớp Lada của Nga thử nghiệm trên biển thất bại vào năm 2010, Moscow chuyển sang sử dụng và nâng cấp tàu ngầm Kilo thuộc Dự án 636 (lớp Varshavyanka), hay còn được NATO gọi là “tàu ngầm Kilo cải tiến”.
Nga có mục tiêu ban đầu là lấp khoảng cách giữa tàu ngầm Kilo phiên bản đời đầu và lớp Lada bằng tàu ngầm Kilo cải tiến 636 cho đến khi có những tàu ngầm mới hơn.
Hải quân Nga đặt hàng 6 tàu ngầm Kilo cải tiến, trong đó có 4 chiếc đã hạ thủy, chiếc mới nhất mang tên Krasnodar được hạ thủy vào tháng 4.2015. Việt Nam cũng đặt mua 6 tàu ngầm Kilo loại 636 này, và đến nay Nga đã bàn giao cho Việt Nam 4 chiếc tàu ngầm Kilo (loại Kilo cải tiến bán cho Việt Nam gọi là 636.1, của Hải quân Nga là 636.3).
Với độ choán nước 4.000 tấn khi lặn và hệ thống vũ khí tương tự như phiên bản cũ, tàu ngầm Kilo cải tiến có thể lặn ở độ sâu 300 m và hoạt động liên tục trong 45 ngày, nhưng có vận tốc đến 11 hải lý/giờ (20,3 km/giờ) trên mặt nước và 20 hải lý/giờ (37 km/giờ) khi lặn, cao hơn tàu ngầm Kilo phiên bản cũ (Dự án 877 kể trên).
Được mệnh danh là sát thủ trong lòng biển, tàu ngầm Kilo cải tiến được xem là một trong số những tàu ngầm điện-diesel hoạt động êm ái nhất trên thế giới. Cục thiết kế Rubin đang nghiên cứu nâng cáp tàu ngầm Kilo cải tiến giúp nó hoạt động còn êm ái hơn.
Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớp Borei
Một tàu ngầm hạt nhân lớp Borei của Nga – Ảnh: Reuters
Tàu ngầm lớp Borei chạy bằng năng lượng hạt nhân và trang bị tên lửa đạn đạo là mẫu tàu ngầm chiến lược được thiết kế mới hoàn toàn sau khi Liên Xô tan rã.
Chiếc tàu lớp Borei đầu tiên mang tên Yury Dolgoruky hạ thủy vào năm 2008 và được triển khai vào năm 2013. Chiếc tàu ngầm lớp Borei thứ hai hạ thủy vào năm 2010 và cũng triển khai vào năm 2013. Chiếc Borei thứ ba hạ thủy vào năm 2012 và chiếc mới nhất mang tên Knyaz Vladimir cũng được hạ thủy trong năm 2012.
Moscow kỳ vọng thay thế hạm đội tàu ngầm hạt nhân Typhoon và Delta III già nua thời Liên Xô bằng mẫu tàu ngầm Borei.
Tàu ngầm Borei có thân tàu dài 170 m, lượng choán nước 24.000 tấn, có thể mang 16 tên lửa đạn đạo RSM-56 Bulava (phóng từ tàu ngầm). Tên lửa Bulava được trang bị đầu đạn hạt nhân 150 kiloton và có tầm bắn 8.000 km. Ngoài ra, tàu ngầm Borei còn được trang bị 6 ống phóng ngư lôi, có khả năng phóng những ngư lôi săn ngầm. Nga dự kiến sở hữu 10 chiếc tàu ngầm Borei tính đến năm 2020.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Yasen
Tàu ngầm hạt nhân tấn công Severodvinsk lớp Yasen của Nga – Ảnh: Hải quân Nga
Nga phát triển tàu ngầm Dự án 885 lớp Yasen (của hãng đóng tàu Sevmash) nhằm thay thế đội tàu ngầm Akula già nua. Chiếc tàu ngầm Yasen đầu tiên mang tên Severodvinsk gia nhập Hạm đội Phương Bắc của Nga vào năm 2014.
Tàu ngầm Yasen có chiều dài thân tàu 111 m và lượng choán nước 13.500 tấn khi lặn. Tàu này được trang bị những loại vũ khí có thể tấn công các mục tiêu đất liền, tàu nổi và tàu ngầm, nên có khả năng thực hiện nhiều sứ mạng khác nhau.
Để diệt hạm, tàu ngầm Yasen trang bị 8 ống phóng ngư lôi và có thể bắn các tên lửa đối hạm siêu thanh tầm xa P-800 Oniks.
Đối với những mục tiêu trên đất liền, tàu ngầm Yasen có thể phóng tên lửa hành trình 3M51 được trang bị đầu đạn hạt nhân, có tầm bắn 800 km. Tàu ngầm Yasen có thể lặn ở độ sâu 600 m và có thể đạt vận tốc 20 hải lý/giờ (37 km/giờ) trên mặt nước và 35 hải lý/giờ (64,8 km/giờ) dưới mặt nước. Tàu ngầm Yasen là một số những tàu ngầm tấn công đáng gờm đối với những đối thủ của Nga.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Báo Mỹ đánh giá sức mạnh của các loại tàu ngầm Nga
Trong số ra ngày 11/7, tờ The National Interest của Mỹ đã có bài viết về nỗ lực hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của Nga trong một thập kỷ qua, đồng thời đưa ra những đánh giá về các loại tàu ngầm của quốc gia cựu thù trong thời Chiến tranh Lạnh này.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân"Pike-B" của Hải quân Nga. NATO gọi đây là tàu lớp Akula với nghĩa "Cá mập" (Ảnh: Hobbyboss)
Trong bài viết, tờ The National Interest nêu rõ trong thập kỷ qua, Nga đã không ngừng nỗ lực hiện đại hóa các lực lượng vũ trang, nhất là lực lượng tàu ngầm.
"Với việc nâng cấp các mô hình tàu ngầm thời Chiến tranh Lạnh và thiết kế các tàu ngầm hoàn toàn mới, Nga rõ ràng có kế hoạch cải thiện vị thế và tiềm lực của các hạm đội hải quân của nước này", tờ báo viết.
Theo báo trên, đứng đầu danh sách các tàu ngầm của Nga hiện nay là tàu ngầm hạt nhân "Pike-B" trong Dự án 971, mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gọi là tàu lớp Akula.
"Mặc dù không thể chạy êm như đối thủ phương Tây, nhưng tàu ngầm Akula vẫn là mối đe dọa thực sự, đặc biệt là sau một loạt cải tiến", The National Interest nhận định.
Tàu ngầm lớp Akula được Hải quân Liên Xô chế tạo lần đầu tiên vào những năm 80 của thế kỷ trước, với thiết kế giống tàu ngầm lớp Typhoon của NATO. Tàu lớp Akula có 3 thế hệ: "Akula I" gồm 7 chiếc (được sản xuất từ 1982 - 1986), "Improved Akula" gồm 5 chiếc (được sản xuất từ 1986 - 1991) và "Akula II" gồm 4 chiếc (được sản xuất từ năm 1991 trở đi)
Ngoài ra, tờ The National Interest cũng nhắc đến các tàu đã được nâng cấp và tạo ra ít tiếng ồn như Vepr, K-152 Nerpa hay K-335 Ghepard.
Cũng theo tờ báo, đứng ở vị trí thứ hai là tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel-điện "Paltus" trong Dự án 877 (NATO gọi là tàu Kilo). Hiện các tàu này vẫn đang phục vụ trong Hải quân Nga cũng như ở một số quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Iran...
Xếp vị trí thứ ba là tàu ngầm diesel đa năng "Varshavyanka" trong Dự án 636 (NATO gọi là tàu Kilo nâng cấp). Những tàu này có tốc độ nhanh hơn nhiều so với các tàu Kilo thế hệ trước và được gọi là "sát thủ thầm lặng" vì chạy êm nhất.
Thế hệ tàu ngầm tiếp theo của Nga là tàu ngầm hạt nhân "Borey" trong Dự án 955. Điển hình trong thế hệ này là tàu Yury Dolgoruky được trang bị 16 tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava và 6 thiết bị phóng ngư lôi.
Ngoài Yury Dolgoruky, một số tàu ngầm khác cùng thế hệ cũng được trang bị các thiết bị tiên tiến cùng tên lửa đạn đạo, và có thể đảm bảo phiên chế lâu dài cho Hải quân Nga trong nhiều năm tới.
Vũ Anh
Theo Dantri/Sputnik