5 huyện của Thủ đô sắp về đích
Tại hội nghị giao ban đánh giá kết quả thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội 6 tháng đầu năm và bàn nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2020, ông Chu Phú Mỹ – Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết Thủ đô có 5 huyện sắp về đích xây dựng nông thôn mới.
Ông Chu Phú Mỹ – Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, mặc dù quý I/2020, tăng trưởng âm nhưng đến hết quý II, ngành nông nghiệp Hà Nội tăng trưởng 1,61% so với cùng kỳ năm trước.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng tham quan mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập cao tại huyện Quốc Oai. Ảnh: T.Q
Đến nay, thành phố có 6 huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm.
Ngoài ra, thành phố đã thẩm định thị xã Sơn Tây; các huyện: Thạch Thất, Phúc Thọ, Thường Tín và Thanh Oai đủ điều kiện, đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND thành phố xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và các huyện đạt chuẩn NTM.
Đối với xây dựng NTM ở cấp xã, ông Chu Phú Mỹ thông tin, hiện Hà Nội có 355/382 xã (chiếm 92,9%) đạt chuẩn NTM, 13 xã đã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong số 27 xã còn lại chưa đạt chuẩn NTM, có 24 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, 3 xã đạt và cơ bản đạt từ 11-14 tiêu chí.
Trong xây dựng NTM của Hà Nội, số xã đạt chuẩn tăng so với cùng kỳ năm 2019. Tại một số huyện, thu nhập của nông dân rất cao, đạt trên 55 triệu đồng/người/năm trở lên như: Hoài Đức, Thạch Thất, Đông Anh… Trong đó, hai huyện Gia Lâm và Đông Anh hiện không có hộ nghèo.
Phát biểu tại hội nghị giao ban, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng – Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy cho rằng: “Đối với 5 huyện đang phấn đấu hoàn thành xây dựng huyện NTM cần sớm hoàn thiện hồ sơ trình thành phố báo cáo trung ương về đánh giá công nhận huyện NTM. Bên cạnh đó, chương trình OCOP, thành phố đặt mục tiêu hết năm nay có thêm 700 sản phẩm, do đó các huyện phải tập trung cao độ. Đây chính là thương hiệu phát triển làng nghề, nâng cao đời sống nông dân”.
Video đang HOT
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Làm nông thôn mới mà "nợ" tiêu chí, đó là bệnh thành tích
Nhấn mạnh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình xây dựng nông thôn mới diễn ra sáng nay (11/6), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu câu hỏi: Cần làm gì để nông thôn mới thực chất, nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn? Đời sống người dân nông thôn phát triển thì bộ mặt cả nước mới phát triển được.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), tính đến tháng 6/2020, cả nước đã có 5.177 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 58,2%. Con số này đã tăng 371 xã (tương đương 4,2%) so với cuối năm 2019.
Có 9 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Bình quân cả nước đạt 16,2 tiêu chí NTM/xã.
Đường giao thông nông thôn ở huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) được đầu tư xây dựng sạch đẹp, rộng rãi. Ảnh: Tư liệu
Đặc biệt đã có 127/664 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm khoảng 19,1%). Bên cạnh 2 tỉnh Nam Định, Đồng Nai đã được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, hiện nay còn có tỉnh Thái Bình đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020.
Về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về NTM các cấp (xã, huyện, tỉnh) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) giai đoạn 2021 - 2025, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, Uỷ viên Thường trực Ban chỉ đạo cho biết, đến nay Bộ NNPTNT đã tổ chức nhiều đoàn công tác đến các địa phương lấy ý kiến cho chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, sau đó tiếp tục tổ chức lấy ý kiến bộ ngành.
Bộ NNPTNT kiến nghị giữ nguyên Bộ tiêu chí quốc gia gồm 19 tiêu chí và 9 tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM. Trên tinh thần không sửa tiêu chí, nhưng sẽ điều chỉnh, bổ sung nội hàm một số chỉ tiêu phù hợp với các chính sách, quy định pháp luật giai đoạn 2021 - 2025, trên tinh thần nâng cao chất lượng các tiêu chí .
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới diễn ra sáng nay. Ảnh: Nhật Bắc
"Trong giai đoạn mới, chương trình NTM được thực hiện trên cơ sở kế thừa giai đoạn trước, nên phải tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, nguồn lực hoá tối đa, tăng cường phân cấp, giao quyền cho địa phương tự tổ chức thực hiện. Đồng thời, phải lượng hoá tiêu chí thực hiện để thuận lợi trong chỉ đạo thực hiện, đánh giá, chứ không chỉ có nói đạt là xong", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Về mục tiêu giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết cả nước phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có ít nhất 40% số xã NTM nâng cao, 10% số xã NTM kiểu mẫu. Phấn đấu năm 2025 không còn xã nào đạt dưới 15 tiêu chí. Đối với cấp tỉnh, phấn đấu có ít nhất 15 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
"Sở dĩ không đề ra mục tiêu 100% số xã đạt chuẩn NTM, vì theo rà soát, vẫn còn 20% số xã cực kì khó khăn. Trong giai đoạn tới, nguồn lực xây dựng NTM sẽ được đầu tư mạnh hơn cho khu vực này, chủ yếu là các xã biên giới, xã dân tộc miền núi, bãi ngang ven biển... Đáng chú ý là hiện nay vẫn còn 40 huyện "trắng" xã NTM, tức là chưa có xã nào được công nhận đạt chuẩn", ông Nam thông tin.
Theo ông Nam, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đã khiến chương trình NTM gặp một số khó khăn trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, các chỉ tiêu phát triển sản xuất... Nhưng cũng đáng ghi nhận ở một điểm, là đã có 109 xã thoát khỏi diện 135 và phấn đấu xây dựng NTM, đạt được kết quả cao. Những xã này rất cần được biểu dương để có động lực tiếp tục phấn đấu.
Dự kiến tổng nguồn vốn huy động để triển khai chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là 2.144.902 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh cần nỗ lực hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, nhưng phải tránh chạy theo thành tích vì sẽ làm méo mó hình ảnh NTM. Ảnh: Nhật Bắc
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đánh giá cao công tác chuẩn bị cuộc họp của Bộ NNPTNT. Các bộ ngành tham gia có trách nhiệm, có mặt đầy đủ các thành viên trong Ban chỉ đạo. Phó Thủ tướng đề nghị cuộc họp bàn bạc, xem xét tiêu chí nào không còn phù hợp, hoặc phù hợp với vùng này nhưng không phù hợp với vùng kia để bổ sung, điều chỉnh.
"Sau năm 2020, xây dựng NTM phải dựa trên nguyên tắc kế thừa kết quả, kinh nghiệm của giai đoạn trước. Đúc rút ra những bài học trong quá trình thực hiện để tránh chạy theo phong trào. Thực tế giai đoạn vừa qua cho thấy, chương trình nông thôn mới thực sự là luồng gió đổi mới tích cực cho sự phát triển kinh tế nông thôn, làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống người dân khu vực này", Phó Thủ tướng nói.
Mặc dù vậy, theo Phó Thủ tướng, quá trình triển khai vẫn còn một số hạn chế cần sớm khắc phục.
"Vừa rồi đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn nhiều hơn là do chúng ta đã chuyển dịch rất nhiều lao động ra khỏi khu vực nông thôn. Hỗ trợ của lĩnh vực công nghiệp quay lại vùng nông thôn là rất lớn, tuy nhiên vai trò hỗ trợ của đô thị cho nông thôn chưa rõ, hầu hết tập trung ở thành phố lớn như Hà Nội. Phân hoá giàu - nghèo ở nông thôn vẫn còn cao, điều này vừa tích cực vừa tiêu cực. Mặt tích cực là tạo động lực mới, nhưng mặt tiêu cực là chưa lan toả được khi mục tiêu của chúng ta là mọi người đều có cuộc sống tốt đẹp", Phó Thủ tướng phân tích.
Vì thế, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, xây dựng NTM không chỉ là khánh thành xong con đường, làm xong công trình thôn xã mà chính là nâng cao chất lượng sống, tăng thu nhập cho người nông dân. Nhiều nơi vẫn chưa chú ý phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch ở nông thôn. Kiểm soát an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường một số nơi còn lơ là.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: M.H
"Đáng chú ý là việc xét đạt chuẩn tiêu chí NTM một số nơi còn dễ dãi, thậm chí có nơi còn "nợ" tiêu chí. Đấy chính là bệnh thành tích. Đạt chuẩn NTM thì các tiêu chí phải đảm bảo chứ sao lại nợ?", Phó Thủ tướng nói.
Năm 2020, việc triển khai xây dựng NTM gặp khó khăn vì xảy ra đại dịch Covid-19. Do đó, việc hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM của năm 2020 là rất quan trọng, có ảnh hưởng tới chiến lược của 10 năm 2010-2020 cũng như 5 năm tới.
"Do đó, trong chương trình công tác năm 2020, yêu cầu các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo phải tập trung hoàn thành 11 nhiệm vụ đã đặt ra, trong đó cần tập trung chỉ đạo, đôn đốc các địa phương hoàn thành nhanh các chỉ tiêu. Xây dựng NTM cần thực chất, nhưng vẫn phải đề ra mục tiêu để phấn đấu làm bằng được. Nỗ lực hoàn thành mục tiêu, nhưng phải tránh chạy theo thành tích vì sẽ làm méo mó hình ảnh NTM", Phó Thủ tướng lưu ý.
Hà Nội: 382 xã đạt, cơ bản đạt tiêu chí tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới Đây là kết quả rà soát, đến quý I/2020, của Sở NN&PTNT Hà Nội về nhóm tiêu chí về phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Ảnh minh họa Theo Sở NN&PTNT, trong quý I, đời sống nông dân khu vực ngoại thành Hà Nội tiếp tục được cải thiện...