5 gã đàn ông cưỡng hiếp tập thể nạn nhân cũ để trả thù
Năm người đàn ông quay trở lại cưỡng hiếp một nữ sinh Ấn độ để trả thù vụ kiện 3 năm trước.
Vào cuối hôm 13-7, ở Rohtak, gần New Delhi, người ta nhìn thấy một cô gái với quần áo rách rưới nằm bất tỉnh bên vệ đường.
Cảnh sát đã đưa cô vào bệnh viện dân sự Rohtak. Cô khai với cảnh sát rằng những người đã cưỡng hiếp cô trong năm 2013 đã một lần nữa bắt giữ cô khi cô trên đường từ trường đại học về nhà. Họ đưa cô vào xe của họ, đánh thuốc mê và sau đó hãm hiếp cô một lần nữa.
Cô gái bị năm người đàn ông cưỡng hiếp. Ảnh: Internet
Trong năm người, có hai người đã bị bắt vì tội hiếp dâm và được tại ngoại vào năm 2013, ba người còn lại đã không bị bắt mặc dù gia đình nạn nhân đã gửi đơn kiện.
Các vụ cưỡng hiếp xảy ra hằng ngày ở Ấn Độ. Ảnh: Internet
Anh trai của nạn nhân nói với tờ Hindustan Times rằng việc gia đình quyết theo đuổi vụ án đến cùng đã dẫn đến một cuộc tấn công trả thù.
Ông nói:”Chúng tôi đã gửi đơn kiện yêu cầu toà bắt giữ ba tên còn lại và không cho hai tên kia được tại ngoại. Các tên tội phạm đã đe dọa yêu cầu chúng tôi phải thỏa hiệp nhưng chúng tôi đã không đồng ý. Chính vì vậy họ đã quay lại tấn công em tôi một lần nữa để trả thù.”
Một viên chức điều tra cho biết các bị cáo Amit, Mausam, Raju, Akash, Sandeep đến từ Bhiwani và đang trốn lệnh truy nã.
Video đang HOT
Phó giám đốc sở cảnh sát, ông Pushpa Khatri nói với tờ Hindustan Times rằng: “Chúng tôi đã lục soát nhà của họ nhưng họ đã bỏ trốn.”
Nạn nhân thuộc tầng lớp Dalit, tầng lớp bị cho là thấp nhất trong xã hội Ấn Độ. Những người hãm hiếp cô thuộc tầng lớp cao hơn. Anh trai cô tin rằng chính vì xếp hạng của xã hội mà các bị cáo có thể thoát khỏi những lời cáo buộc. Ông nói thêm: “Có vẻ như họ có thể làm bất cứ gì họ muốn.”
Phân biệt tầng lớp xã hội ở Ấn Độ. Ảnh: Internet
Vào năm 2012, Ấn Độ xảy ra một vụ bạo lực với mức độ đáng sợ, điều đó đã dẫn đến sự cải cách của pháp luật Ấn Độ về tội hiếp dâm, tăng hình phạt với người phạm tội, nhưng các cuộc tấn công vẫn xảy ra hàng ngày.
Các số liệu chính thức gần đây nhất cho thấy trong năm 2014, có tất cả 36.735 vụ hiếp dâm trên toàn Ấn Độ. Theo các nhà hoạt động thì con số thực tế có thể cao hơn nhiều vì sự kỳ thị xã hội gắn liền với tội phạm tình dục
HỒNG LIÊN
Theo PLO
Nữ sinh Ấn Độ biểu tình đòi 'sổ lồng' vào buổi tối
Các cô gái ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ, đòi quyền được đến những khu vực công cộng vào buổi tối bằng chiến dịch biểu tình mang tên Pinjra Tod (Phá lồng).
Các nam nữ thanh niên biểu tình phản đối "lệnh giới nghiêm" về giờ giấc trong các khu ký túc xá nữ. Ảnh: BBC
BBC cho hay khoảng 60 gồm nam nữ thanh niên đã diễu hành qua các trường đại học hàng đầu ở Delhi, cầm theo những tấm biểu ngữ và hô khẩu hiệu. Họ dừng lại bên ngoài các ký túc xá nữ, đọc các bài thơ và nhảy điệu ngẫu hứng.
"Chúng tôi không cần sự bảo vệ giả dối, các người không thể nhốt lồng một nửa số người của quốc gia này", họ hát.
Một nam thanh niên chơi trống còn một cô gái mặc sari đỏ cầm micro phát biểu.
Như thường lệ, những người tham gia diễu hành, gồm các sinh viên và cựu sinh viên đại học ở Delhi, huýt sáo và vỗ tay hoặc cùng hô to "đáng xấu hổ, đáng xấu hổ".
Vấn đề khiến họ biểu tình đó là "lệnh giới nghiêm" về giờ giấc trong các khu ký túc xá nữ.
"Như thế là phân biệt đối xử", Devangana Kalita, một nhà nghiên cứu 26 tuổi, đồng sáng lập phong trào Pinjra Tod, nói. "Lệnh giới nghiêm, trên danh nghĩa là nhằm bảo vệ phụ nữ, nhưng thực tế, nó là một cơ chế tái lập chế độ gia trưởng. Đây không còn là vấn đề liên quan đến sự an toàn của phụ nữ nữa mà là chính sách đạo đức".
Các sinh viên cho biết phần lớn ký túc xá nữ, dù thuộc trường công hay trường tư, đều có giờ giới nghiêm. Một số nơi khóa cửa ký túc từ lúc 18h30 hoặc 19h30 và chỉ một số ít sinh viên được phép ở ngoài muộn hơn một chút.
Họ nói rằng trong khi giờ giới nghiêm được thực thi nghiêm ngặt tại ký túc nữ và những ai phá luật sẽ đối mặt với nguy cơ bị trục xuất thì ở ký túc xá nam, dù cũng có giờ giới nghiêm nhưng rất hiếm khi được thực thi nghiêm túc.
Các thư viện và phòng thí nghiệm ở các trường đại học thường mở cửa muộn, đến nửa đêm hoặc thậm chí ở một số nơi khác mở cửa đến tận 2h sáng và giờ giới nghiêm khiến cho sinh viên nữ không được phép tới đó.
"Các trường đại học đang coi thường sự trưởng thành của các bạn", Kalita nói. "Họ không trang bị cho bạn để có thể tự xử lý các tình huống mà lại sử dụng những người giám hộ và áp đặt những chính sách hạn chế để họ có thể đóng khuôn bạn thành những cô gái được đem ra bán trên thị trường hôn nhân, những cô gái không dám vượt qua ranh giới. Nhưng tối nay, chúng ta ở đây để lấp đầy đường phố bằng sự táo bạo của chúng ta, dám mơ, dám khao khát".
Shambhawi Vikram, một sinh viên 23 tuổi hiện sống trong một ký túc xá tư nhân, cho rằng những lệnh giới nghiêm này là "nhục nhã" và việc bị nhốt cũng có thể gây nguy hiểm và đe dọa tính mạng của các nữ sinh.
"Hai năm trước, có một trận động đất ở Delhi. Khi những tòa nhà rung lên bần bật, tất cả chúng tôi, những người sống ở các tầng thấp hơn, đều chạy ra ngoài. Nhưng 20 sinh viên sống trên tầng 4 và tầng 5 đã bị mắc kẹt, vì họ bị nhốt. Thật là đáng sợ, tất cả bọn họ chạy ra ngoài ban công và nhìn chúng tôi. Chúng tôi chỉ biết nhìn lại họ và cảm thấy rất bất lực", cô kể.
Người biểu tình dừng lại bên ngoài các ký túc xá nữ, hát, đọc các bài thơ và nhảy điệu ngẫu hứng. Ảnh: BBC
Rafiul Rahman, 23 tuổi, một trong số những người biểu tình, cho biết cuộc tuần hành trên đường phố này là "chưa từng có trước đây" và "mang tính lịch sử".
"Chưa bao giờ có một điều gì đó như thế này diễn ra tại các trường đại học. Việc nhốt các sinh viên nữ sau 19h thật điên rồ. Bạn phải biết đặt ra câu hỏi và thách thức những chuẩn mực phi lý", anh nói.
Rahman cho hay mỗi khi ra ngoài vào ban đêm, anh chỉ thấy rất nhiều đàn ông ngồi hút thuốc và uống bia rượu mà không hề nhìn thấy một người phụ nữ nào và "điều đó phải được thay đổi".
Những người ủng hộ chiến dịch nói rằng ý tưởng nhốt phụ nữ sẽ khiến họ an toàn là thiếu logic.
Các cuộc biểu tình của sinh viên trước đây từng buộc các nhà chức trách nới lỏng một phần lệnh giới nghiêm, nhưng những người ủng hộ chiến dịch Pinjra Tod cho rằng như thế vẫn chưa đủ.
Họ đang sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để huy động sinh viên và những người khác trên khắp thủ đô Delhi và xa hơn nữa mở rộng phong trào, đòi quyền tự do.
Vikram cho biết ở Ấn Độ, phụ nữ ở bất kỳ độ tuổi và giai cấp nào cũng đều bị giam cầm trong những "chiếc lồng" và họ phải chiến đấu để thoát khỏi sự cầm tù trong suốt cuộc đời của mình.
"Khoảng 40-50 năm trước đây, phụ nữ đã phải vùng lên để được đi học đại học, hôm nay chúng tôi đang cố gắng vùng lên để được vào thư viện sau 19h. Ngay cả Cô bé Lọ Lem còn được ra ngoài cho đến tận nửa đêm. Tại sao chúng ta không thể?", cô nói.
Duyên Nguyễn
Theo VNE