5 đòn hiểm Clinton có thể giữ miếng chờ Trump ở hiệp hai
Nghi vấn gian lận trong kinh doanh, bạc đãi người lao động và các tuyên bố lớn tiếng về trục xuất người nhập cư nhiều khả năng sẽ là những chủ đề sẽ được bà Clinton dùng để công kích Trump trong cuộc tranh luận tiếp theo.
Ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton và ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump tại cuộc tranh luận đầu tiên ngày 26/9. Ảnh: Reuters
Cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng viên tổng thống khép lại với ưu thế được đánh giá nghiêng về cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton của đảng Dân chủ.
Mặc dù đã giành được thế chủ động khi tập trung xoáy sâu vào hai điểm yếu của tỷ phú Trump là nghi vấn gian lận thuế và thái độ biệt giới, bà Clinton được cho là vẫn đang thủ thế, chưa tung ra những đòn công kích lợi hại nhất, nhằm vào đối thủ trong hiệp đấu phần nào mang tính chất thăm dò vừa qua, theo The Daily Beast.
Bình luận viên Michel Tomasky nhận định trong cuộc tranh luận thứ hai diễn ra vào ngày 9/10 tới đây, nữ ứng viên đảng Dân chủ chắc chắn sẽ tập trung vào những yếu huyệt từng ảnh hưởng lớn đến uy tín của ông trùm bất động sản.
Đại học Trump
Chương trình đào tạo đại học của tỷ phú New York từ lâu đã phải đối mặt với những cáo buộc “lừa đảo”. Mặc dù được quảng cáo là một chương trình giảng dạy những kinh nghiệm nghề nghiệp để thành công trong lĩnh vực xây dựng, nhưng các hoạt động của Đại học Trump bị cho là đánh lừa học viên. Những người lên án đưa ra bằng chứng rằng chương trình đã thu học phí quá cao trong khi lại không mời được những người nổi tiếng đến tham gia giảng dạy như lời hứa ban đầu.
Ngoài ra, nhiều bằng chứng đã được công bố với dư luận cho thấy những nhân viên làm việc tại trường đại học này đã nhận được chỉ thị phải nói dối sinh viên.
Quỹ từ thiện tư nhân của ông trùm bất động sản hiện cũng bị một số tờ báo lớn của Mỹ, điển hình như Washington Post tố cáo là một công ty giả mạo. Rất có thể bà Clinton đã nắm trong tay và tung ra những thông tin phơi bày mối quan hệ vụ lợi bất chính của ông Trump với một số cá nhân tài trợ cho quỹ này.
Nhưng ngay cả khi không có thêm thông tin mới, những tai tiếng liên quan đến quỹ này cũng đủ nghiêm trọng để làm khó tỷ phú Trump trong cuộc tranh luận tới.
Video đang HOT
Tuyên bố mạnh miệng về trục xuất người nhập cư
Khi ông Trump cáo buộc người nhập cư trái phép là nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn trật tự và luật pháp, cả nhà báo Lester Holt, người điều hành cuộc tranh luận, và bà Clinton dường như đã bỏ lỡ cơ hội để đặt ra câu hỏi mà tỷ phú bất động sản sẽ rất khó trả lời là “làm thế nào mà ông có thể thành lập một lực lượng công chức cảnh sát khổng lồ để bắt giữ và trục xuất 12 triệu người nhập cư?”
Chắc chắn trong hai cuộc tranh luận sắp tới cựu Ngoại trưởng Mỹ không thể bỏ lỡ cớ hội này một lần nữa.
Ngược đãi người lao động
Theo Tomasky, bà Clinton cũng chưa tập trung xoáy sâu vào những cáo buộc liên quan đến việc ông Trump có dấu hiệu ngược đãi người lao động, đặc biệt là những phụ nữ trẻ đang làm việc bất hợp pháp trong một số công ty của ông.
Theo một bài phóng sự điều tra trên tạp chí Mother Jones, những phụ nữ này không những làm việc không có hợp đồng mà còn bị đối xử một cách tệ hại.
Theo đó, nếu bà Clinton đưa ra lời trần tình của một phụ nữ duy nhất trong phóng sự, điều đó cũng đủ để các cử tri nữ, thậm chí là các cử tri nam theo dõi cuộc tranh luận tiếp theo không thể không nảy sinh sự ác cảm đối với ứng viên đảng Cộng hòa.
Những doanh nghiệp nhỏ bị Trump thâu tóm
Trong cuộc tranh luận thứ nhất, bà Clinton được cho là rất thông minh và nhạy bén khi sử dụng những tuyên bố của ông Trump về cựu hoa hậu Alicia Machado để tố cáo thái độ phân biệt giới của ông trùm bất động sản
Lần tới, cựu Ngoại trưởng Mỹ có thể tiếp tục có thể dẫn lời cáo buộc của một trong số những lãnh đạo các doanh nghiệp nhỏ bị Trump thâu tóm.
Chiến thuật này tương tự như việc Thượng nghị sĩ, ứng viên đảng Cộng hòa John McCain dùng một công nhân có biệt danh là “Joe, thợ sửa ống nước” như một nạn nhân bị ảnh hưởng, để công kích chính sách thuế của ứng viên đảng Dân chủ Barack Obama, trong cuộc tranh luận trực tiếp năm 2008.
“Đây chỉ là 5 nội dung trong rất nhiều chủ đề kiểu này. Tôi tin rằng đội ngũ tranh cử của bà Clinton đang nỗ lực làm việc để tổng hợp những vấn đề quan trọng nhất. Chúng chắc chắn sẽ là những đòn công kích lợi hại đối với ông Trump”, Tomasky nhận định.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Điều gì xảy ra nếu một ứng viên từ bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng
Các điều luật của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều quy định rằng một cuộc họp khẩn cấp sẽ được triệu tập để tìm kiếm người thay thế trong trường hợp có ứng viên bỏ cuộc.
Hillary Clinton vẫy tay trước căn hộ của con gái, sau khi phải ra về sớm lễ tưởng niệm vụ 11/9. Ảnh: AP
Việc ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton ngã quỵ và phải đột ngột ra về khi đang dự lễ kỷ niệm nạn nhân vụ khủng bố 11/9 đã khiến dư luận Mỹ phải đặt câu hỏi về tình trạng sức khỏe của cựu Ngoại trưởng Mỹ cũng như khả năng bà không thể tiếp tục cuộc đua vào Nhà Trắng, theo AFP.
Trong hiến pháp Mỹ, không có điều luật nào hướng dẫn quy trình xử lý trường hợp một ứng viên không thể tiếp tục tham gia cuộc bầu cử tổng thống, nên các đảng sẽ tùy theo quy định, lựa chọn người thay thế phù hợp.
Khoản 2 điều 7 trong văn bản dưới luật của đảng Dân chủ quy định Ủy ban Quốc gia của đảng này chịu trách nhiệm giới thiệu người mới vào chỗ trống. Theo đó một cuộc họp đặc biệt sẽ được chủ tịch ủy ban triệu tập để xử lý vấn đề về ứng viên, và quyết định sẽ dựa trên đa số phiếu thành viên tham dự cuộc họp.
Điều 9 trong bộ quy định của Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa quy định nếu ứng viên tổng thống và phó tổng thống không thể tiếp tục chiến dịch tranh cử vì bất cứ lý do gì thì hội nghị toàn quốc của đảng hoặc bản thân Ủy ban Quốc gia của đảng sẽ được triệu tập để tìm người thay thế. Ứng viên mới này sẽ phải trải qua các đợt bỏ phiếu sơ bộ ở từng bang.
Khi Ủy ban Quốc gia bỏ phiếu chính thức, các thành viên của ủy ban đại diện cho một bang nào đó được quyền bỏ cùng số lượng phiếu mà bang đó có quyền bỏ tại hội nghị toàn quốc.
Trong lịch sử, chỉ có duy nhất trường hợp ứng viên phó tổng thống của đảng Dân chủ, Thomas Eagleton buộc phải rút lui khỏi cuộc đua năm 1972 vì thừa nhận mình từng phải nhập viện điều trị chứng trầm cảm. Theo đề nghị của ứng viên tổng thống khi đó là George McGovern, Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ nhóm họp và bầu Sargent Shriver thay thế.
Khả năng bà Clinton bỏ cuộc?
Hillary Clinton (áo xanh) trượt chân bên ngoài một tòa nhà ở North Charleston. Ảnh: Reuters
Theo Telegraph, những thuyết âm mưu về tình trạng sức khỏe của bà Clinton đã xuất hiện từ tháng 12/2012 khi bà đột ngột bị chấn động não và ngất trong một phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ. Sau đó, bà được chẩn đoán là mắc chứng nghẽn mạch máu và thường xuyên phải uống thuốc để làm loãng các cục máu đông.
Hình ảnh cựu ngoại trưởng Mỹ ngã quỵ vì viêm phổi trong lễ tưởng niệm ngày 11/9 cộng với hồ sơ y tế không mấy sáng sủa càng làm dấy lên rất nhiều câu hỏi về việc ai có thể thay thế bà trở thành đối thủ của ông Trump trong trường hợp bà phải bỏ cuộc giữa chừng.
Các chuyên gia phân tích nhận định cơ hội dành cho ông Tim Kaine, ứng viên phó tổng thống của đảng Dân chủ là rất thấp, trong khi đối thủ cùng đảng với bà Clinton là thượng nghị sĩ Bernie Sanders cũng không có nhiều tiềm năng.
Người có khả năng cao nhất có thể thay thế được cựu ngoại trưởng Mỹ là Phó tổng thống Joe Biden, người trước đó từng được giới phân tích đánh giá có thể thay thế bà Clinton, khi bà đang vướng vào các rắc rối pháp lý liên quan đến vụ rò rỉ email mật từ thời còn làm ngoại trưởng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia uy tín vẫn nhận định rằng khả năng ứng viên đảng Dân chủ từ bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng do những lý do sức khỏe là rất thấp.
"Nếu bà Clinton bỏ cuộc thì cuộc đua năm nay sẽ trở thành kỳ bầu cử điên rồ. Tôi sẽ không bất ngờ nhưng tôi hy vọng điều đó không xảy ra", giáo sư chính trị Jeanne Zaino, thuộc trường cao đẳng Iona, New York nhận định.
"Tôi không tin bà Clinton bỏ cuộc, bệnh của bà ấy hoàn toàn có thể chữa khỏi", David Lublin, giáo sư về chính phủ học thuộc Đại học Mỹ khẳng định.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Bà Clinton sẽ rắn hơn Obama trong chính sách Biển Đông Với kinh nghiệm của một cựu ngoại trưởng, bà Clinton hiểu rõ tầm quan trọng của an ninh ở Biển Đông và sẽ thể hiện sự cứng rắn hơn, theo các chuyên gia. Bà Clinton được cho là sẽ nỗ lực thúc đẩy chính sách của ông Obama ở châu Á. Ảnh minh họa: PBS "Nếu trở thành tân tổng thống Mỹ, bà...