5 đối tượng bị bắt khẩn cấp từ… một bụng “bầu”
Khi chị L thông báo với anh Q tin chị đã có thai, cũng là lúc anh Q cho chị L biết mình đã có gia đình riêng, đồng thời không thừa nhận cái thai đang mang trong bụng chị L là giọt máu của mình.
Năm 2010, chị Lê Thị L, SN 1987, trú tại huyện Mê Linh, Hà Nội xin đi làm công nhân cho một nhà máy gạch đóng tại địa bàn huyện Đông Anh. Trong quá trình làm việc tại đây, chị L quen và yêu một người đàn ông tên Trần Văn Q, trú tại tổ 35, thị trấn Đông Anh. Hai người đã có với nhau những giây phút mặn nồng.
Khi chị L thông báo với anh Q tin chị đã có thai, cũng là lúc anh Q cho chị L biết mình đã có gia đình riêng, đồng thời không thừa nhận cái thai đang mang trong bụng chị L là giọt máu của mình.
Đứa trẻ vô thừa nhận (Ảnh minh họa)
Theo thông tin từ CA huyện Đông Anh thì khoảng 20g30 ngày 4-2-2011, Lê Văn Hải, Lê Văn Sơn, Lê Thị Hường là anh, chị ruột của L, Nguyễn Thị Hà (là vợ Sơn) và Lê Thị L… đến nhà anh Q đòi anh này đưa 50 triệu đồng để L nuôi con. Lúc đầu, Q không nhận là bố của đứa trẻ trong bụng L, Hà đã gọi thêm 6 thanh niên đến để ép anh Q đưa tiền. Nguyễn Tiến Đức (người được gọi đến) đá vào mặt anh Q, Nguyễn Văn Tình (cũng là người được gọi đến) cầm dao đe dọa anh Q. Do anh Q trình bày không có tiền, Tình bắt anh Q viết giấy bán xe máy. Thấy 2 chiếc điện thoại của vợ chồng anh Q để trên bàn, Tình vứt xuống chiếu và L đã cầm về.
Sự việc này được trình báo lên CA huyện Đông Anh, ngày 11-2-2011, Cơ quan CSĐT CA huyện Đông Anh quyết định khởi tố vụ án cướp tài sản tại tổ 35, thị trấn Đông Anh và ra lệnh bắt khẩn cấp về hành vi cướp tài sản đối với 5 đối tượng: Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Tiến Đức và Nguyễn Thị Hà. Lê Thị L bỏ trốn và đến ngày 14-2-2011, L đã đến trụ sở CA huyện Đông Anh đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội. Đến ngày 16-2, Cơ quan CSĐT CA huyện Đông Anh ra quyết định khởi tố bị can (quyết định đã được Viện KSND huyện Đông Anh phê chuẩn) đối với 5 đối tượng trên và thêm Lê Thị L.
CA huyện cũng đã ra quyết định tạm giữ số 145 đối với Lê Thị L và ra Thông báo số 218 về việc tạm giữ L cho chính quyền địa phương và gia đình L được biết. Cùng trong ngày này, CA huyện Đông Anh ra Quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn (tạm giữ) đối với L và cũng là ngày L sinh con.
Sau khi L đã mẹ tròn con vuông, CA huyện Đông Anh cử cán bộ đưa hai mẹ con L đến Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh. CA huyện là đơn vị trực tiếp chi trả tiền viện phí và lo từng chiếc tã, từng hộp sữa cho hai mẹ con L.
Các bác sỹ công tác tại khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Đông Anh khẳng định: Hai mẹ con sản phụ L nằm theo dõi tại đây được hai ngày. Đến ngày 18-2, do không thấy sản phụ có mặt tại buồng điều trị nên bác sỹ đã làm thủ tục xuất viện.
Trái với khẳng định này, Lê Thị L cho biết: Ngày 17-2, do không nhìn thấy con đâu nên L đã bỏ về nhà.
Dư luận đang đặt nhiều câu hỏi về sự “mất tích” của đứa trẻ. Vậy đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi, cho nhận làm con nuôi hay bị bắt cóc? Tại sao, khi con bị “mất tích” đã hơn 4 tháng, Lê Thị L mới lên tiếng về việc này? Chúng tôi sẽ trở lại vụ việc khi có kết luận từ phía CQĐT.
Theo Pháp Luật XH