5 điều thú vị cần biết về cơn sốt đầu tư mới sau Bitcoin
Loại hình vật phẩm ảo sử dụng công nghệ blockchain ( NFT) đang là trào lưu kinh doanh mới, đem lại nguồn thu khổng lồ cho người bán.
NFT là viết tắt của Non Fungible Token (token không thể thay thế), loại token mã hóa trên blockchain đại diện cho tài sản duy nhất.
Thời gian gần đây, NFT thu hút sự chú ý khi các vật phẩm ảo được giao dịch với giá cao ngất ngưởng. Một trong số đó bao gồm bức tranh Everydays: The First 5.000 Days có giá 69,3 triệu USD, hay đoạn tweet đầu tiên của Jack Dorsey được một doanh nhân sở hữu với số tiền 2,9 triệu USD.
Theo NonFungible , giá trị giao dịch NFT tăng gấp 3 lần trong năm 2020, đạt 250 triệu USD. Sang năm 2021, cơn sốt NFT vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cũng như các xu hướng mới trên Internet, NFT tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Zing lược dịch bài viết trên Fast Company của Vladislav Ginzburg, CEO sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số Blockparty, chia sẻ những điều bạn cần biết về cơn sốt mới có tên NFT.
NFT là duy nhất
NFT là token thể hiện quyền sở hữu duy nhất với tài sản kỹ thuật số, đồng nghĩa vật phẩm NFT được xem là “chính chủ” bởi chỉ token gắn với chúng có thể truy về chủ nhân ban đầu.
NFT đang là cơn sốt mới của thế giới.
Khi Chris Torres tung ra bức ảnh GIF Nyan Cat cách đây 10 năm, hình ảnh đã được chia sẻ hàng triệu lần trên Internet. Tuy nhiên phiên bản mới của Nyan Cat, do Torres tạo và bán dưới dạng NFT, đã được mua với giá 580.000 USD. Phiên bản này đi kèm token xác nhận quyền sở hữu, đồng nghĩa người mua sẽ nhận được bản độc nhất của ảnh GIF này.
Sự duy nhất là yếu tố khiến tài sản NFT được săn đón. Trong bối cảnh đại dịch bùng phát, nhiều nghệ sĩ đương đại đã tận dụng NFT để tăng doanh thu, giữ tương tác với fan hâm mộ. Chất lượng tác phẩm, quyền tác giả, tính độc đáo, sự kham hiếm, nguồn gốc và văn hóa vẫn góp phần tạo nên giá trị của tác phẩm NFT.
Video đang HOT
NFT là dạng đầu cơ?
Một số nhận định cho rằng NFT chỉ là bong bóng đầu cơ giống những tác phẩm nghệ thuật ngoài đời. Đối với NFT, khả năng đầu cơ còn cao hơn khi tác giả thường phát hành những phiên bản khác nhau của một tác phẩm, mở bán chúng trong thời gian rất ngắn.
Theo Ginzburg, các phiên bản này thường có giá rẻ, người mua trước sẽ bán lại chúng trên các sàn NFT với giá cao hơn để kiếm lời. Do đó, sự khan hiếm của NFT không dựa trên số lượng bản được phát hành, mà là thời gian chúng được mở bán.
Cách sở hữu NFT đáng giá là chọn mua tác phẩm nguyên bản, xuất xứ rõ ràng bởi chúng sẽ ít mất giá hơn. Trong một bộ sưu tập chất lượng, sẽ có một số tác phẩm tăng giá nhanh, còn lại vẫn duy trì giá ban đầu của chúng.
CryptoPunk gồm 10.000 avatar độ phân giải 24 x 24 pixel được bán dưới dạng NFT. Bức ảnh số 7.804 và 3.100 được trả giá đến 7,5 triệu USD.
Nghệ sĩ hưởng lợi nhờ NFT
Tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số đã tồn tại từ hàng chục năm nhưng không được chú ý nhiều. Sự phổ biến của NFT giúp nhiều người biết đến tác phẩm nghệ thuật số, làm tăng giá trị cho chúng và thu hút nhiều nghệ sĩ tham gia kinh doanh.
Harif Guzman là ví dụ. Họa sĩ 46 tuổi đã biến một số tác phẩm nghệ thuật truyền thống thành tài sản NFT rồi bán chúng trên sàn Blockparty. Sự độc đáo của phiên bản NFT đến từ hiệu ứng chuyển động, hoạt cảnh được Guzman thêm vào tác phẩm.
Không chỉ Guzman, một số nghệ sĩ đương đại đã làm mới tác phẩm của họ, biến chúng thành tài sản NFT để mang đến trải nghiệm độc đáo cho công chúng. Dựa vào những yếu tố được bổ sung, giá ban đầu của tác phẩm nghệ thuật trên sàn NFT có thể rất khác nhau.
Trong khi tổ chức sự kiện đông người đang bị cản trở bởi dịch bệnh, việc phát hành tác phẩm NFT cũng giúp nghệ sĩ duy trì tương tác với người hâm mộ. Bỏ tiền mua tác phầm NFT, các fan còn nhận được ưu đãi, quyền truy cập vào nội dung độc quyền. NFT góp phần giúp nghệ sĩ tăng doanh thu, mở ra môi trường kinh doanh mới.
Hashmasks là bộ sưu tập tranh vẽ kỹ thuật số từ hơn 70 nghệ sĩ khắp thế giới. Tổng cộng 16.384 bức chân dung Hashmasks đã được bán với số tiền 16 triệu USD.
Có thể làm giả NFT không?
Một trong những vấn đề của tài sản kỹ thuật số là tính nguyên bản. Đó là lý do NFT gắn với blockchain, chuỗi giao dịch công khai được duy trì bởi mạng lưới máy tính. Chúng sẽ giám sát, đảm bảo các giao dịch được xác thực và không bị nhầm lẫn. Blockchain gắn với NFT là các chuỗi duy nhất, chứng minh rằng NFT là bản gốc, được tạo ra bởi chính tác giả.
Giống những tác phẩm ngoài đời, kẻ xấu có thể tạo ra bản sao của tác phẩm, gắn token bất kỳ rồi bán chúng trên sàn NFT với giá bằng bản gốc để lừa những người không chú ý. Do đó nếu muốn mua NFT, bạn nên lựa chọn các sàn uy tín, tìm hiểu cách đọc dữ liệu từ blockchain để đảm bảo không mua tác phẩm NFT giả.
NFT không tốn điện như bạn nghĩ
Giống như khai thác tiền mã hóa, nhiều ý kiến cho rằng NFT gây hại cho môi trường vì tiêu thụ nhiều năng lượng. Một số giả thuyết nói NFT đòi hỏi nhiều giao dịch bổ sung trên các khối blockchain, khiến máy tính tiêu thụ nhiều điện hơn. Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn đúng.
Một số người xem NFT là dạng bong bóng đầu cơ, trong tương lai sẽ nổ tung.
Theo Ginzburg, mạng lưới máy tính dùng để xác thực giao dịch blockchain của Ethereum (loại tiền mã hóa được dùng phổ biến để giao dịch NFT) hoạt động cả ngày. Tuy nhiên, chúng chỉ tiêu thụ lượng điện cố định bất kể có bao nhiêu NFT được tạo và giao dịch.
Do đó, vấn đề hiện tại nằm ở lượng điện dùng để xác thực các giao dịch. Ginzburg cho biết đây là nhiệm vụ đang được cộng đồng Ethereum tích cực nghiên cứu. Không chỉ Ethereum, NFT còn được giao dịch bởi một số nền tảng blockchain khác như Flow, WAX hay EOS.IO, vốn tiêu thụ ít năng lượng hơn.
Trong tương lai, NFT được dự báo sẽ đóng vai trò quan trọng với lĩnh vực nghệ thuật. Tác phẩm NFT đang mở ra cơ hội cho các nghệ sĩ, nhạc sĩ và doanh nghiệp mở rộng độ phủ sóng, tiếp cận nhiều đối tượng khán giả mới.
'Giá trị của NFT có thể về 0'
Nghệ sĩ Beeple, người đã bán tác phẩm NFT với giá kỷ lục gần 70 triệu USD, cho rằng thị trường này có thể là "bong bóng".
"Đầu tư vào các tác phẩm nghệ thuật NFT chỉ dành cho những người chấp nhận rủi ro", nghệ sĩ Beeple, tên thật là Mike Winkelmann, nói với New York Times . "Giá trị của chúng có thể về 0".
Tác phẩm Everdays: The First 5000 days được ghép từ hàng nghìn bức ảnh và định danh NFT đã được bán với giá hơn 69 triệu USD.
Beeple cũng nhiều lần cảnh báo giới đầu tư về những rủi ro và sự bấp bênh khi đổ tiền vào NFT, dù ông đã bán được một số sản phẩm dạng này. Tác phẩm đình đám nhất của ông có tên Everdays: The First 5000 days - một file ảnh .jpeg - đã được mua lại với giá gần 70 triệu USD sau khi có NFT.
"Tôi nghĩ NFT đang trong trạng thái bong bóng kinh tế", Beeple nói với Business Insider .
Beeple cho rằng thị trường NFT đang khá giống với giai đoạn đầu của sự bùng nổ Internet, khi mọi thứ đã bị thổi phồng một cách quá đà. "Sẽ có lúc chúng ta nhận ra rằng mình đang có một chút điên rồ và gán những giá trị điên rồ đó cho những thứ vô thưởng vô phạt", Beeple nói trên podcast.
Tuy nhiên, Beeple cũng đánh giá rằng NFT sẽ không biến mất trong tương lai. Thay vào đó, nó sẽ là cách thức mới để lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật truyền thống. "Bong bóng Internet từng phình to và nổ tung, nhưng nó không xóa sổ Internet. Nó chỉ quét sạch những thứ không đáng tồn tại. NFT có thể cũng vậy", Beeple dự đoán.
NFT (Non-fungible token) là chuỗi mã đại diện cho các vật phẩm sử dụng công nghệ blockchain, tương tự nền tảng Bitcoin. Khả năng sử dụng của NFT không nằm ở những vật phẩm mà nằm ở quyền sở hữu độc quyền chúng, được chứng nhận bởi chuỗi mã NFT. Nhờ đó, món hàng trở thành duy nhất. Điều này giúp mọi thứ từ thẻ cầu thủ bóng rổ, vật phẩm game, tranh, nhạc cho tới tweet đều có thể được giao dịch dưới dạng NFT trên các trang đấu giá online.
Chỉ trong vài tháng qua, sự quan tâm đến NFT đang tăng vọt. Theo thống kê của CryptoSlam , lượng giao dịch các sản phẩm liên quan đến NFT đã đạt hơn 1 tỷ USD chỉ trong 30 ngày qua.
Tại sao nhiều người đổ hàng triệu USD vào NFT Nhiều người cho rằng NFT là khoản đầu tư sinh lời lớn trong tương lai tương tự Bitcoin nên đổ xô mua các sản phẩm blockchain này. Hàng tỷ USD đã đổ vào NFT Những ngày qua, các sản phẩm NFT - một dạng vật phẩm ảo được xác thực thông qua công nghệ blockchain - đang tạo nên cơn sốt. Chỉ trong...