5 điều cần tránh để bữa cơm gia đình không trở thành cuộc chiến
Bữa cơm gia đình là thời khắc cả nhà được quây quần bên nhau sau một ngày làm việc và học tập trở về. Đó là thời khắc mỗi thành viên trong gia đình được nếm trải niềm hạnh phúc gia đình rõ ràng nhất.
Tuy nhiên không phải gia đình nào, không phải bữa cơm nào cũng diễn ra một cách vui vẻ hòa bình. Không ít gia đình do những bất hòa trong quan điểm sống, bữa cơm lại trở thành “trận địa” để vợ chồng, cha mẹ con cái “đấu khẩu” nhau, thậm chí trở thành cuộc hỗn chiến đẫm nước mắt…
Ảnh minh họa
Khi bữa cơm gia đình trở thành cuộc chiến
Ngày nay, nhịp sống hiện đại dường như đã kéo hầu hết các thành viên trong gia đình ra khỏi nhà. Mỗi sáng mai thức dậy, trừ người già, còn lại tất cả các thành viên trong gia đình đều phải tất bật rời mái ấm của mình. Bố mẹ đi làm, con cái đến trường học đến chiều tối mới trở về. Bởi chính nhịp sống đó nên bữa cơm tối là thời khắc duy nhất trong ngày để các thành viên trong gia đình được nhìn thấy mặt nhau, quan tâm hỏi han, chăm sóc cho nhau. Nhưng đó chỉ là “mặt phải” lấp lánh của chiếc huy chương, là khi mà tình yêu thương chồng vợ tràn ngập trong mỗi góc nhà.
Thực tế thì không phải cặp vợ chồng nào lúc nào cũng yêu thương nhau tràn đầy như vậy. Có những người vợ, bữa ăn là dịp để hỏi tiền lương của chồng, để trách móc than vãn, để so đo “chồng người ta thế này thế kia”, để kể tội con cái, để trút nỗi lo âu giá cả tăng… Có những người chồng, bữa cơm là lúc để thể hiện uy quyền qua việc quát tháo vợ con, là dịp để họ thể hiện sự ích kỷ khi bày tỏ thái độ bực bội rồi chê bai vợ vì món ăn không vừa ý…
Chồng chê một câu, vợ vặc lại ba câu. Thế rồi người thì bỏ đi, người ở lại cố nuốt hết bát cơm khi cục tức nghẹn ứ nơi cổ. Có người không nén được cơn giận, chân tay hoạt động mất kiểm soát biến bất cứ thứ gì vớ được đều trở thành đĩa bay. Đã không ít vụ bạo lực gia đình đã diễn ra ngay tại bữa cơm gia đình như thế. Có người chồng còn bê cả nồi cơm điện lên đánh vợ… Những bữa cơm gia đình vì thế trở thành những cuộc hỗn chiến giữa hai vợ chồng khiến cho những đứa con hoang mang đến tột độ. Bầu không khí gia đình trở nên căng thẳng và thê thảm hơn bao giờ hết.
Video đang HOT
5 điều cần tránh
Theo TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, vợ chồng yêu thương nhau là cả một câu chuyện dài, để làm được điều đó họ cũng cần phải học những bài học về việc sống chung. Bữa cơm gia đình cũng là một trong những bài học về nghệ thuật sống chung mà vợ chồng cần phải lưu tâm để ý. Để bữa cơm gia đình không trở thành những cuộc hỗn chiến gây tổn thương đến vợ chồng, không trở thành nỗi ám ảnh khổ đau trong tâm hồn những đứa trẻ, các cặp vợ chồng cần phải tuân thủ các nguyên tắc ứng xử sau:
1. Chồng không nên chê cơm vợ nấu hoặc ngược lại: Đây là điều cấm kỵ trong ứng xử vợ chồng. Bởi khi chê vợ nấu dở, hoặc tỏ thái độ bực bội vì vợ nấu dở là người chồng đang thể hiện cho người vợ thấy rằng: “Nhiệm vụ của cô là phải làm cho tôi hài lòng”. Cách nghĩ đó là lối nghĩ của “chồng chúa vợ tôi”, phụ nữ hiện đại thường rất khó chấp nhận được điều này. Việc chồng chê bai món ăn vợ nấu vì thế sẽ rất dễ khiến cho người vợ phẫn nộ, dù họ không thể hiện ra bên ngoài thì trong lòng cũng dậy sóng, lâu dần họ sẽ chán nản, sẽ mất hứng thú vào bếp. Tương tự, nếu người chồng nấu cơm cho cả nhà ăn cũng vậy, những thành viên khác hoặc người vợ cũng không nên chê bai những món ăn chồng nấu.
2. Vợ chồng không nên cãi nhau trong lúc ăn uống: Đây được xem là nguyên tắc bất di bất dịch cần phải tuân thủ. Khi có những điều hệ trọng mà vợ hay chồng cần bày tỏ, tốt nhất là chờ sau bữa cơm. Nếu một người nhỡ nói ra điều không vừa ý thì người kia không nên vì thế mà bốp chát trả miếng lại. Cũng giống như chuyện của con trẻ, chuyện vợ chồng cãi nhau trong bữa ăn là điều cấm kỵ. Nó không những làm cho không khí của bữa ăn thêm nặng nề mà còn gây căng thẳng. Nếu trong suốt bữa cơm vợ chồng cứ cãi cọ nhau mà không chịu bớt lời thì nhiều khi hậu quả sẽ là cả mâm cơm sẽ bị những ông chồng nóng nảy hất ra nền nhà hay ra ngoài sân. Cơm không được ăn mà còn làm mất đi sự hoà thuận vợ chồng, con cái cảm thấy buồn chán không ăn được.
3. Không nên la mắng, nhắc nhở những khuyết điểm của con trong lúc ăn: Giáo dục con cái là một việc làm cần thiết nhưng giáo dục cũng đòi hỏi phải đúng chỗ đúng thời điểm, không nên trong bữa ăn. “Trời đánh tránh miếng ăn” vì đó mà đừng làm tội con trẻ trong bữa ăn gia đình. Làm như vậy, không những không hiệu quả mà còn làm cho con cái nghĩ cha mẹ quá tàn nhẫn. Điều này làm cho trẻ chán nản mỗi khi ăn cơm và có ăn thì cũng mau chóng đứng dậy. Như vậy, bữa cơm gia đình trở nên lạnh nhạt, bức bối, không khí căng thẳng.
4. Không nên nói những chuyện gây sốc: Mọi người đang hào hứng cho bữa cơm và cảm thấy rất ngon miệng bỗng dưng bạn lại kể ra chuyện bạo lực, tai nạn, ốm đau, người chết… điều đó sẽ tác động rất nhiều đến tâm lý mọi người và cho dù có ăn tiếp nó cũng làm giảm mất cái ngon trong từng món ăn. Thay vì đó, bạn nên nói những chuyện vui hài, những niềm vui mà bạn đã trải qua hay là khen con cái vì những điều con đã làm được cho dù rất nhỏ nó sẽ là nguồn động viên giúp trẻ cố gắng.
5. Ăn chậm: Ông cha ta có câu “nhai kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa”. Khoa học hiện đại cũng chứng minh rằng việc ăn uống chậm rãi không chỉ tốt cho hệ tiêu hóa mà giúp con người có được phong thái trang nghiêm đáng kính trọng. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại khiến nhiều người có thói quen ăn rất nhanh, ăn vội vã, ăn mà như không muốn ăn. Giáo lý nhà Phật cho rằng, đó là cách ăn gây hại cho cơ thể, gây hại cả thân và tâm con người.
Theo Ngân Khánh/Phununews
Tổ ấm quạnh hiu khi thiếu vắng bữa cơm gia đình
Đề cập đến ý nghĩa của bữa cơm gia đình, cố Giáo sư Từ Giấy từng cho rằng "sự tan rã của gia đình thường bắt đầu từ sự tan rã của bữa cơm gia đình".
Điều đáng lo ngại là hiện nay, những bữa cơm gia đình ngày càng thưa vắng dần.
Bữa cơm gia đình sẽ trở nên hiu quạnh khi thiếu vắng người đàn ông trong gia đình.
Khi đàn ông thích nhậu
Cách đây hai ngày, vào lúc sâm sẩm tối, tại phố Trần Điền (ở Khu đô thị Định Công, Hà Nội) tôi chứng kiến một người đàn ông trẻ bụng phệ lật đật chạy ra khỏi quán nhậu áp điện thoại lên tai, mặt mũi căng thẳng nói: "Đã bảo là ăn cơm đi. Gọi đ. gì mà gọi lắm thế!". Nói xong anh ta vội vã tắt điện thoại và quay trở vào bàn nhậu. Trong quán nhậu tấp nập người, đa số là đàn ông.
Cũng giống như người đàn ông trẻ này, những người đàn ông trong quán nhậu ngồi thong dong uống bia và tất bật "chém gió" kia, họ đã vắng mặt trong bữa cơm tối của gia đình mình. Khi quán nhậu ồn ã những tiếng cười, tiếng zô, tiếng cốc ly chụm vào nhau lách cách từng hồi... của cánh đàn ông thì ở nhà,nhưng người vợ mải miết lướt Facebook để giết thời gian chờ chồng, con cái mỗi đứa một bát cơm được mẹ cho ăn trước. Chúng vừa ăn vừa xem ti vi, thậm chí vừa ăn vừa chơi điện tử. Còn bố của chúng thì đang tìm niềm vui bất tận trong những tiếng cụng ly mê hoặc với người "cùng hội, cùng thuyền"...
Chị Võ Thị Hoa, cán bộ nghỉ hưu ở Thanh Xuân, Hà Nội tâm sự rằng, bản thân chị cảm thấy rất buồn vì dường như không tìm lại được những bữa cơm như ngày xưa. Ngày đó, khi nắng tắt để kết thúc một ngày làm việc, cả nhà thắp đèn lên quây quần bên mâm cơm gia đình sao mà ấm áp đến lạ. Những bữa cơm xưa "râu tôm nấu với ruột bầu, chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon" giờ đã bị thay thế bởi những bữa cơm vợ chờ chồng, những bữa cơm gia đình mỗi người một góc, mỗi người một tô. Người ăn trước, kẻ ăn sau, ăn trong vội vã mà hiu quạnh, thiếu đi sự sẻ chia, sum vầy.
Chị Hoa cho rằng, việc hàng quán mọc lên khắp nơi, việc quán xá tấp nập người ra vào là minh chứng rõ nhất cho thấy bữa cơm gia đình đang ngày một trở nên thiếu vắng, trở nên không quan trọng trong mỗi gia đình. Bữa cơm là thời khắc sum vầy của cả gia đình sau một ngày làm việc, học tập nhưng nó đang dần biến mất vì kiểu "cơm hàng cháo chợ", vì tình trạng "thừa kinh tế và thiếu thời gian".
Tình trạng nam giới đã có gia đình thích đến quán nhậu, không trở về nhà sau giờ làm việc cho thấy bữa cơm gia đình đã và đang dần mất đi ý nghĩa. Điều đó cũng cho thấy, sợi dây liên kết giữa các mối quan hệ trong gia đình dần có sự lỏng lẻo. Nhiều gia đình, đặc biệt là ở thành thị có tình trạng cả tuần chẳng có bữa cơm nào đông đủ thành viên.
Phụ nữ không thể một mình xây được "tổ ấm"
Lý giải về tình trạng này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Diệu Hoa, Tổng đài tư vấn Tâm lý tình cảm 1088, Hà Nội cho rằng, việc nam giới không thích về nhà sau giờ làm việc là bởi họ không ý thức được vai trò của mình trong gia đình. Cho đến nay, trong quan niệm của nhiều người, trách nhiệm gia đình vẫn thuộc về người phụ nữ. Đó chính là lý do khiến các ông chồng sau giờ tan sở, thay vì về nhà chung vai với vợ chăm chút cho gia đình mình thì họ lại đến quán nhậu. Điều đó đồng nghĩa với việc, tất cả việc gia đình sẽ đè nặng lên vai người phụ nữ trong gia đình. Đây là sự bất cập về văn hóa, về lối ứng xử cho thấy một sự bất công đang nghiễm nhiên tồn tại, thậm chí được coi là bình thường trong đời sống.
Xã hội hiện tộn tại những quan niệm như "việc nhà là của phụ nữ", "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Đây là những quan niệm dẫn đến những lệch lạc trong ứng xử vợ chồng. Trách nhiệm gia đình là trách nhiệm của cả hai vợ chồng. Khi phụ nữ ra xã hội kiếm tiền như đàn ông thì người đàn ông cũng cần biết làm việc nhà như phụ nữ. Bữa cơm gia đình sẽ không trở nên thiếu vắng khi người chồng trở về nhà sau tan sở, khi cả vợ cả chồng biết chia sẻ trách nhiệm làm việc nhà. Người chồng sau giờ tan sở cũng cần hướng về gia đình thay vì tìm kiếm niềm vui riêng nơi quán nhậu. Khi người chồng hoan hỉ trở về nhà sau giờ làm việc, hoan hỉ cùng vợ tham gia công việc nhà thì gánh nặng trên vai người phụ nữ đã được san sẻ. Sự san sẻ công việc nhà của người chồng không chỉ đỡ đần gánh nặng cho phụ nữ mà hạnh phúc gia đình sẽ được nhân lên. Khi người phụ nữ không còn phải một mình tất bật với gánh nặng gia đình, họ sẽ có đủ niềm tin về tình yêu vợ chồng, cũng vì thế mà tình yêu theo đó được nuôi dưỡng, duy trì. Hạnh phúc gia đình cũng nhờ thế được đảm bảo, tạo nguồn năng lượng tích cực cho mỗi thành viên trong gia đình.
Theo Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, bữa ăn gia đình chính là sợi dây liên kết các thành viên trong gia đình lại với nhau, là nơi các thành viên gia đình chia sẻ những vấn đề gặp phải trong cuộc sống. Mỗi thành viên gia đình là một người riêng lẻ, họ có thế giới riêng nhưng thế giới riêng đó nếu không có sự kết nối với nhau thì họ sẽ như những người xa lạ ngoài xã hội. Từ đó dẫn đến chuyện họ là những người sống chung một ngôi nhà chứ không phải là một gia đình. Nếu không có bữa cơm gia đình, dẫn đến việc các thành viên ít thấu hiểu nhau, dây liên kết lỏng ra, dễ bị đứt
Theo Ngân Khánh/Phununews
Những hành động này của vợ, vô tình khiến chồng ngày càng lười Ôi rửa cái bát, nấu bữa cơm thôi mà, rõ là mình phải làm mấy việc ấy rồi, mấy chị em khác cũng làm thế, chẳng ai kêu, nên cứ thế làm năm nay qua năm khác... Hỏi chồng lười, lỗi tại ai? Hôm qua đọc Facebook, mà không, đây là câu chuyện từ rất nhiều ngày đọc Facebook và có rất nhiều...