5 điểm trọng yếu quyết định thành bại chống dịch ở TP HCM
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị TP HCM đặc biệt lưu tâm thực hiện 5 điểm trong công tác phòng chống dịch giai đoạn này.
Thứ nhất, thành phố phải thực hiện giãn cách thật nghiêm. ” Giãn cách nghiêm là vấn đề cơ bản , quan trọng và quyết định. Các biện pháp khác là biện pháp kỹ thuật hỗ trợ thêm”, Bộ trưởng nói khi làm việc với lãnh đạo thành phố ngày 17/8.
Thứ hai, thành phố phải chú trọng thực hiện an sinh xã hội tại chỗ, là biện pháp trọng yếu và thường xuyên. Khi người dân được cung cấp các gói an sinh xã hội, sẽ không phải ra ngoài và như thế sẽ hạn chế được sự lây nhiễm dịch bệnh.
Thứ ba, xét nghiệm sớm là biện pháp then chốt nhằm phát hiện nguồn lây, bóc tách F0 khỏi cộng đồng, xác định rõ người nhiễm để có biện pháp hỗ trợ sớm, tránh để lây lan nhanh, diện rộng.
Về xét nghiệm, ông Long đề nghị TP HCM tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 86, có thể làm theo 2 hướng. Một là để người dân tự test nhanh, nếu dương tính thì xét nghiệm khẳng định lại bằng PCR. Hai là thành phố chủ động “quét” các khu vực bằng test nhanh gộp mẫu hoặc bằng khẳng định theo các vùng nguy cơ đã có hướng dẫn.
Ngày 20/8, Bộ Y tế sẽ đưa 10 xe xét nghiệm chi viện TP HCM, mỗi xe công suất xét nghiệm 2.000-3.000 mẫu đơn. Nhân lực xét nghiệm do Bộ Y tế chịu trách nhiệm. Hoạt động của các xe xét nghiệm này đặt dưới quyền điều hành của TP HCM.
Thứ tư, giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu . Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cho biết thành phố thực hiện mô hình tháp 3 tầng thu dung và điều trị bệnh nhân Covid-19. Tầng 1 hiện có 18.120 F0 cách ly tại nhà và 153 cơ sở cách ly tập trung F0 tại 22 quận, huyện, TP Thủ Đức (khoảng gần 24.000 giường). Tầng 2 gồm 74 bệnh viện điều trị với 49.392 giường. Tầng 3 gồm 8 bệnh viện hồi sức Covid-19 trên địa bàn thành phố và 5 Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 của Bộ Y tế, gần 3.850 giường.
Cho rằng mô hình chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0 chính là tầng điều trị thứ nhất, Bộ trưởng nói: “Mở rộng tầng 1 bao nhiêu thì nền móng vững chắc bấy nhiêu. Nếu không mở rộng tầng 1 sẽ gây quá tải và khó khăn cho tầng điều trị 2 và 3″.
Theo Bộ trưởng, trong chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà, quan trọng là triển khai xét nghiệm tại chỗ, nếu phát hiện ra F0 thì khoanh luôn nhà đó, phát luôn túi thuốc chăm sóc điều trị tại nhà và túi an sinh dùng trong 1 tuần. “Xét nghiệm tại chỗ, chăm sóc tại chỗ và an sinh tại chỗ sẽ góp phần làm giảm lây nhiễm, giúp hạn chế chuyển tình trạng nặng”, Bộ trưởng nói.
Video đang HOT
Song song đó, mở rộng tầng 2 và tầng 3, trong đó tầng 2 bắt buộc có trang bị oxy và thuốc chống đông, kháng viêm. Tầng 2, điều trị người bệnh trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, người không có khả năng tự chăm sóc bản thân. Nếu điều trị trong 7-10 ngày, bệnh nhân tiến triển, khỏe thì cho về nhà cách ly theo dõi y tế kèm theo túi thuốc chăm sóc sức khỏe tại nhà.
Các bệnh viện thuộc tầng 3 bắt buộc giao ban hàng ngày về chuyên môn với các bệnh viện tầng 2, đồng thời cử êkip y bác sĩ của tầng 3 xuống tầng 2 hỗ trợ liên tục về chuyên môn để vừa lọc bệnh nhân và chuyển tầng ngay khi cần.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Ngọc Thành
Bộ trưởng cũng đề nghị TP HCM mở rộng thêm các Tổ đáp ứng nhanh tại các xã, phường (hiện có 312 tổ). Mỗi tổ này chỉ cần 1-2 nhân viên y tế còn lại là tình nguyện viên (có thể xem xét huy động lực lượng quân đội). Có trạm oxy ngay tại các địa bàn do Tổ đáp ứng nhanh thường trực/Tổ dân phố quản lý và sử dụng ngay cho người dân khi cần cấp cứu.
“Chúng ta làm được thế, người dân sẽ càng yên tâm vì được tiếp cận mọi dịch vụ y tế trực tiếp tại địa bàn sinh sống”, ông Long nói.
Bộ trưởng cũng yêu cầu: “Bệnh viện công nào từ chối bệnh nhân, đề nghị Thành phố kỷ luật. nếu cơ sở y tế trực thuộc Bộ thì Cục Quản lý Khám chữa bệnh kỷ luật. Nếu là cơ sở y tế tư nhân sẽ rút giấy phép ngay. Phải đặt tính mạng, sức khoẻ của người bệnh lên trên, lên trước hết”.
Thứ năm, vaccine là chiến lược dài lâu . Hiện, TP HCM được phân bổ vaccine nhiều nhất cả nước với hơn 4,4 triệu liều. Thành phố đã đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, ngày cao nhất đạt 318.000 liều.
Tiến hành triệt để, nghiêm túc 5 điểm trọng yếu chống dịch này, thành phố có thể kiểm soát được dịch, theo Bộ trưởng Long.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng nhấn mạnh trong các cuộc họp gần đây, là “quan điểm của địa phương phải tranh thủ thời gian vàng tiến đến mục tiêu kiểm soát dịch trên địa bàn”.
Sẽ thí điểm điều trị F0 tại nhà với một số địa phương
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết sắp tới sẽ thí điểm chương trình điều trị tại nhà, sử dụng thuốc Molnupiravir, một trong những thuốc được đánh giá làm giảm nồng độ virus thấp nhất.
Sáng 13/8, Bộ Y tế tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến về quản lý, điều trị và chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2, an toàn tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ đã sửa đổi phác đồ điều trị theo hướng đảm bảo tiếp cận rộng rãi với tất cả các loại thuốc. Sắp tới Bộ sẽ triển khai chương trình điều trị bệnh nhân Covid-19 thí điểm tại nhà đối với TPHCM và một số tỉnh, thành phố. Trong đó, có việc sử dụng thuốc Molnupiravir là một trong những thuốc được đánh giá là giảm nồng độ virus thấp nhất.
Hiện nay, các hội đồng Đạo đức, Khoa học của Bộ Y tế và chuyên gia đang tập hợp để sớm triển khai vấn đề này khi có thuốc.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.
Việt Nam cũng đề nghị các doanh nghiệp có thể sản xuất thuốc này có thể trao đổi với các doanh nghiệp có bản quyền để chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc này. Đây là vấn đề rất quan trọng trong điều trị tại cộng đồng, Bộ trưởng cho biết.
Ngoài ra, với những thuốc cho bệnh nhân nặng hiện nay, Bộ kêu gọi cộng đồng hỗ trợ chẳng hạn như Remdesivir (đã về một ít) và một số thuốc kháng virus khác.
"Thuốc kháng virus là một trong các vũ khí để áp dụng cho bệnh nhân theo từng mức độ hướng dẫn chuyên môn, có thể áp dụng đại trà", Bộ trưởng nói.
Trước đó, hiện mới thí điểm điều trị, cách ly F0 tại nhà với TPHCM.
Theo Bộ trưởng, ngoài công tác dự phòng, một trong những trọng tâm ưu tiên đối với tất cả các địa phương trong phòng chống dịch là vấn đề điều trị, làm thế nào để giảm tỷ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19.
Một số thành phố như TPHCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương... đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Hệ thống điều trị đang được thay đổi để đảm bảo tiếp cận với bệnh nhân một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất cũng như đảm bảo cung cấp dịch vụ y tế một cách tốt nhất cho bệnh nhân. Tại tuyến trung ương sẽ thành lập các Trung tâm hồi sức tích cực. Với các địa phương, thì nên chia tầng điều trị thành 3 tầng khác nhau.
Điều quan trọng ở tầng điều trị thứ 2- bệnh viện tuyến huyện là chuẩn bị ôxy, thuốc chống đông, thuốc kháng viêm, phải cho bệnh nhân sử dụng sớm để giảm mức độ nặng của bệnh nhân. Bộ trưởng nhấn mạnh, nếu làm tốt công tác điều trị ở tầng này thì sẽ giảm nhẹ ca mắc và không làm tăng nặng ca nhiễm. Khả năng cứu sống bệnh nhân nhiều hơn, thực tế đã chứng minh điều đó.
Về tầng thứ 3 là tầng điều trị hồi sức tích cực, Bộ trưởng nhắc lại yêu cầu của Bộ Y tế về việc tất cả các địa phương phải chuẩn bị cả về nhân lực và trang thiết bị, riêng nhân lực phải sử dụng được máy thở xâm nhập.
Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương phải rà soát lại các tầng điều trị, tăng khả năng tiếp nhận điều trị bệnh nhân để khi dịch xảy ra không bị ngỡ ngàng, không hoang mang, bị động. Thực tế, tại một số địa phương chưa chuẩn bị chu đáo nên vẫn còn lúng túng.
Đồng thời, các địa phương cũng không nên có tâm lý trông chờ vào nguồn nhân lực chi viện mà phải huy động tối đa nguồn lực tại chỗ, cả công và tư; phải thường xuyên đào tạo chuyên môn về sử dụng máy thở, về đảm bảo phòng hộ như cách mặc, cởi quần áo phòng hộ, cách đeo khẩu trang...
"Phải duy trì được lực lượng y tế mới có thể điều trị được. Chúng tôi đề nghị các địa phương đã chuẩn bị phải chuẩn bị cao hơn, mong dịch không xảy ra, nhưng khi dịch xảy ra thì không lúng túng, bị động", Bộ trưởng Long nói.
Covid 24h: TP HCM muốn được cấp vaccine liên tục, ca nhiễm ở Hà Nội tăng nhanh TP HCM muốn có vaccine liên tục để đẩy nhanh tiến độ tiêm 4 triệu liều trong một tháng, Hà Nội ghi nhận số ca nhiễm cao nhất trong một ngày. Người dân TP HCM đã trải qua ngày thứ 63 giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng, tiếp tục được yêu cầu không ra khỏi nhà...