5 điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua khi ghé thăm Hà Giang
Hà Giang mảnh đất hùng vĩ nơi cực Bắc Việt Nam, mùa nào cũng đẹp, cũng đáng đi để chiêm ngưỡng.
Hà Giang là một tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, cách Hà Nội khoảng 300km. Nơi đây có những con đường như chạy thẳng ngút lên trời xanh, những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ, những ánh nắng trong trẻo, nụ cười hồn nhiên của các em bé vùng cao, Hà Giang với cao nguyên đá, với những điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua.
Những con đường
Đường Hà Giang là những khúc cua tay áo giữa những dãy núi đá tai mèo dựng đứng, có khi là những cung đường ôm lấy những cánh rừng thông bạt ngàn, mà người ta chỉ có thể bắt gặp khung cảnh nên thơ đó ở Đà Lạt. Không khó để điểm danh những cũng đường làm du khách xao xuyến như: đèo Bắc Sum, khúc đường cheo leo lên thị trấn Phó Bảng… và đặc biệt là con đường Hạnh Phúc, dấu ấn lịch sử của Hà Giang.
Con đường Hạnh Phúc được khởi công xây dựng ngày 10/09/1959. Trải qua bao khó khăn, gian khổ, hy sinh, con đường được thông xe vào ngày 20/03/1965. Cái tên con đường cũng chính là thành quả cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của 1.200 dân công và sự giúp đỡ của trên 1.000 thanh niên xung phong các tỉnh. Điểm đầu con đường từ phường Quang Trung, thành phố Hà Giang và kết thúc ở thị trấn Mèo Vạc với chiều dài 185km. Với tổng số ngày công thực hiện là 2.246.321 ngày với khối lượng 2.899.638m3 đất đá. Chi phí làm đường vào thời giá khoảng những năm 60 của thế kỷ trước là trên… 5,5 triệu đồng.
Cho tới nay, con đường Hạnh Phúc không chỉ là tuyến giao thông huyết mạch mà còn là điểm du lịch hấp dẫn tại Hà Giang. Đặc biệt, một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam là Mã Pí Lèng cũng nằm trên con đường này.
Núi đôi – Cổng trời Quản Bạ
Nói đến Quản Bạ là nói đến nơi có “Đường đi trên mây, lên tới cổng trời”, nơi vạn trùng núi đá, vạn trùng mây”.
Dọc theo quốc lộ 4C từ thành phố Hà Giang đi về phía cao nguyên đá Đồng Văn khoảng 45km, du khách sẽ đến với cổng trời Quản Bạ, điểm mốc cao nhất và được coi là cửa ngõ để đi đến cao nguyên đá Đồng Văn.
Nằm ở độ cao 1500m so với mực nước biển, nền nhiệt độ trung bình trong năm ở đây khoảng từ 16-17 độ C. Và cũng chính tại Cổng Trời Quản Bạ này, năm 1939 thực dân Pháp xâm lược đã từng cho dựng một bức tường đá và một cánh cổng bằng gỗ nghiến dày 15cm để kiểm soát con đường núi duy nhất trên cao nguyên đá.
Địa thế độc đáo, quanh năm mây mù bao phủ, cổng trời Quản Bạ luôn mang lại cảm giác huyền bí nhưng cũng rất nên thơ. Đứng ở cổng trời Quản Bạ, du khách sẽ được ngắm nhìn toàn cảnh dãy núi của cao nguyên đá Đồng Văn, đặc biệt là thắng cảnh Núi Đôi thuộc thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.
Du khách ghé qua không khỏi trầm trồ một tuyệt tác mà tạo hóa đã ban tặng cho vùng đất nơi đây. Giữa núi đá trùng điệp là hai trái núi có hình dáng hệt như bộ ngực căng tròn, tràn đầy sức sống của người thiếu nữ.
Xung quanh núi Đôi là truyền thuyết về chuyện tình cảm động của chàng trai H’mông khôi ngô, tuấn tú có tài thổi đàn môi rất hay. Mỗi khi chàng thổi, tiếng đàn vang xa, réo rắt như tiếng nước suối chảy; ríu rít, lảnh lót như tiếng chim rừng. Tiếng đàn ấy cứ thế mà bay xa, bay xa… Rồi một hôm, theo tiếng gió đưa, tiếng đàn môi của chàng trai đã đến bên tai của một nàng tiên tên là Hoa Đào. Vì cảm mến tiếng đàn Hoa Đào đã trốn xuống trần gian tìm đến bên chàng trai. Hai người yêu nhau say đắm, nên vợ thành chồng và hạ sinh được một bé trai kháu khỉnh.
Khi biết chuyện Ngọc Hoàng đã rất tức giận truyền cho người bắt nàng về trời, mặc cho nàng khóc lóc van xin nhưng Ngọc Hoàng không lay chuyển. Thương chồng vất vả một mình nuôi con, thương con thơ còn nhỏ nàng đã để lại bầu ngực của mình cho con bú. Đôi nhũ ấy sau này đã biến thành hai quả núi dáng hình như bầu vú mẹ, tròn trịa, đều đặn đến lạ thường. Hai quả núi ấy được mọi người gọi là Núi đôi vú cô Tiên. Người ta còn bảo, nhờ có dòng sữa của nàng mà vùng đất này có khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm.
Video đang HOT
Dinh thự vua Mèo
Nằm tại thung lũng Sà Phìn, dinh thự vua Mèo là nơi ở và làm việc của Vương Chính Đức vị vua quyền lực nhất của vùng đất Hà Giang một thời. Công trình được khởi dựng từ đầu thế kỷ 20 và xây trong 8 năm bởi những người thợ Vân Nam (Trung Quốc) và những người Mông (Việt Nam).
Với diện tích khoảng 1.200m2, dinh thự bề thế tọa lạc ở vị trí đắc địa, trên vùng đất hình Kim Quy. Toàn bộ dinh thự tựa lưng vào dãy núi đá cao tạo thành thế vững chắc, trước mặt là núi Kim Tự Tháp hay còn gọi là núi Mâm Xôi. Do vậy mà khu dinh thự không bị ảnh hưởng trong những năm chiến tranh và được giữ lại gần như nguyên vẹn cho tới ngày nay.
Dinh thự vua Mèo được xây dựng theo kiến trúc cổ của người Trung Quốc, có sự kết hợp giữa kiến trúc của người Mông và người Pháp. Quá trình xây dựng tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương 150 tỷ đồng ngày nay. Toàn bộ dinh thự có ba cung là tiền cung, trung cung và hậu cung bao gồm 4 tòa nhà ngang và 6 tòa nhà dọc. Khu dinh thự có tổng cộng 64 phòng ngủ, lúc đông nhất có tới gần 100 người sinh sống.
Năm 1993, dinh thự vua Mèo được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia Việt Nam. Dinh thự là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Cột cờ Lũng Cú
Nằm ở độ cao 1.470m so với mực nước biển, cột cờ Lũng Cú nằm ở đỉnh núi rồng hay còn gọi là (Long cư) nơi rồng ngự, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn cách cực Bắc khoảng 3,8 km. Từ trên đỉnh cột cờ du khách có thể quan sát thấy 2 ao nước bên cạnh núi quanh năm không bao giờ cạn, người ta gọi đó là mắt rồng.
Cột cờ được xây dựng lần đầu tiên dưới thời Lý Thường Kiệt, sau khi thắng trận trở về ông cho cắm ở đây một cây sa mộc làm cờ để đánh dấu chủ quyền lãnh thổ nơi cực Bắc. Trải qua nhiều giai đoạn của lịch sử, cột cờ được xây dựng tu bổ nhiều lần.
Đến nay cột cờ mới được thiết kế, xây dựng với chiều cao 33,15m (hơn cột cờ cũ 10m) trong đó phần chân cột cao 20,25m, đường kính ngoài thân cột rộng 3,8m. Kiểu dáng bát giác của cột cờ khá gần với kiểu chân cột cờ Hà Nội.
Chân, bệ cột cờ có 8 mặt phù điêu bằng đá xanh mô phỏng hoa văn mặt của trống đồng Đông Sơn và những họa tiết minh họa các giai đoạn qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước, cũng như con người, tập quán của các dân tộc ở Hà Giang.
Thân cột cờ có cầu thang bộ đi lên đỉnh. Trên đỉnh cột cờ là quốc kỳ Việt Nam với cán cờ cao 12,9m và lá cờ, cũng tương tự như những lá cờ sử dụng trước đó, có diện tích 54m2 tượng trưng cho 54 tộc người anh em sinh sống trên dải đất hình chữ S.
Từ dưới chân cột cờ lên tới đỉnh được xây dựng 839 bậc thang, chia làm 3 chặng. Giữa mỗi chặng có nhà chờ để du khách dừng chân nghỉ ngơi ngắm cảnh. Chinh phục 839 bậc thang du khách sẽ được trải nghiệm, ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, vẻ đẹp bình yên đơn sơ của những bản làng từ phía xa.
Phố cổ Đồng Văn
Phố cổ Đồng Văn nằm tại trung tâm thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Mặc dù không có quy mô lớn như phố cổ Hà Nội hay Hội An nhưng nơi đây vẫn mang những bản sắc riêng, hấp dẫn du khách.
Phố cổ Đồng Văn có khoảng 40 nóc nhà, có tuổi đời trên dưới 100 năm nằm cạnh nhau dưới chân núi đá. Xưa kia, đây là nơi ở của các gia đình người Mông, người Tày và người Hoa. Do vậy, kiến trúc trên mỗi ngôi nhà là sự giao thoa giữa phong cách bản địa và Trung Hoa. Đó là những ngôi nhà hai tầng lợp ngói âm dương hay những chiếc đèn lồng đỏ treo trước hiên. Ghé thăm phố cổ Đồng Văn những ngày 14,15 và 16 âm lịch hàng tháng, du khách sẽ được hòa mình trong không gian văn hóa đậm sắc màu dân tộc khi người dân treo đèn lồng đỏ và tổ chức các hoạt động nghệ thuật như trưng bày thổ cẩm, biểu diễn văn nghệ…
Còn có một Hà Giang khác vào mùa hoa tam giác mạch, một Hà Giang qua những phiên chợ riêng vùng cao, nhiều người đã đến đây để thưởng thức những món ăn, trải nghiệm đời sống văn hóa vô cùng độc đáo của cư dân bản địa để rồi lại thương nhớ và hẹn nhau quay lại mảnh đất nơi cực Bắc thân thương này.
Khám phá cổng trời Quản Bạ Hà Giang - nơi giao thoa của đất trời
Cổng trời Quản Bạ là một trong năm cổng trời nổi tiếng nhất tại Việt Nam. Bao gồm: Cổng trời Ảnh Giàng (Cao Bằng), cổng trời Ô Quy Hồ (Sapa), cổng trời Linh Quy Pháp Ấn (Đà Lạt), cổng trời Nghinh Phong (Vũng Tàu).
Nằm tại lối lên cao nguyên đá Đồng Văn, Quảng Bạ là điểm đến không thể bỏ qua khi đến với Hà Giang.
Đường đến Cổng trời Quản Bạ - Cung đường phượt Hà Giang tuyệt đẹp
Cổng trời Quản Bạ nằm trên quốc lộ 4C, con đường nối thành phố Hà Giang và thị trấn Tam Sơn, Quản Bạ. Từ thị trấn Tam Sơn, bạn chỉ cần đi 3km về phía Bắc là đến. Nếu xuất phát từ trung tâm thành phố Hà Giang, sẽ mất khoảng 1 tiếng di chuyển với quãng đường 46km.
Cổng trời Quản Bạ cách trung tâm thành phố Hà Giang 46km về phía Nam
Đường đi đến Quản Bạ khá hiểm trở vì hầu hết là đường núi cheo leo. Môt bên là vách đá cao, một bên là vực sâu. Hãy chuẩn bị vững tay lái để vượt qua những khúc cua hẹp, những đoạn đồi dốc để lên tới đỉnh cổng trời. Đặc biệt vào mùa đông thường xuất hiện sương mù. Vì vậy khi di chuyển cần cẩn thận một chút, nhất là với xe máy.
Tuy nhiên, cung đường phượt Hà Giang tuyệt đẹp ngoằn ngoèo này cũng mang đến những trải nghiệm cực kỳ thú vị với cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ và bầu trời cao xanh.
Những cung đường ngoằn ngoèo đẹp như tranh vẽ
Khám phá những điều thú vị ở cổng trời Quản Bạ
Thiên nhiên bao la hùng vĩ
Hà Giang vốn nổi tiếng với những khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc. Từ những cánh đồng lúa chín vàng nở rộ, cho đến những núi rừng cây xanh bạt ngàn. Và cổng trời Quản Bạ cũng sở hữu cho riêng mình bức tranh xinh đẹp đó.
Vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc là điều ấn tượng đầu tiên khi tới Quản Bạ
Tránh xa khỏi khói bụi thành phố với những tòa nhà cao tầng ngột ngạt, Quản Bạ sẽ mang lại cho bạn bầu không khí xanh trong mát lành. Đứng từ cổng trời, bạn sẽ được phóng tầm mắt ra xa vô tận. Tất cả khung cảnh thiên nhiên được bao trọn trong tầm mắt. Từ cảnh cánh đồng lúa mênh mông, núi rừng xanh mướt cho đến thung lũng hoa rực rỡ trong nắng vàng.
Những cánh rừng xanh mướt, và bầu trời cao xanh
Từ trên đỉnh cổng trời Quản Bạ nhìn xuống, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những cung đường uốn lượn đầy lãng mạn. Những cung đường phượt ở Hà Giang chưa bao giờ khiến cho các tín đồ "mê xê dịch" phải thất vọng đúng không nào? Bên cạnh đó, cổng trời Quản Bạ cũng chính là điểm khởi đầu của con đường Hạnh Phúc - con đường để khám phá 4 huyện của Hà Giang gồm Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Từ đây bạn có thể lên kế hoạch để khám phá tất cả những khu du lịch nổi tiếng của Hà Giang xung quanh đó.
Tránh xa khói bụi thành phố và chill cùng thiên nhiên nào
Khám phá ngọn núi đôi độc đáo
Bên cạnh cổng trời Quản Bạ thì ngọn Núi Đôi (Núi Cô Tiên) cũng được coi là biểu tượng nơi đây. Ngọn núi này chính là kiệt tác của tạo hóa mà thiên nhiên đã ban tặng cho Quản Bạ.
Ngọn Núi Đôi nổi tiếng với sự tích về tình mẫu tử thiêng liêng
Cái tên Núi Đôi hay Núi Cô Tiên được gắn liền với sự tích đầy cảm động. Theo đó, ngày xưa có một chàng trai người Mông khôi ngô tuấn tú có tài thổi đàn môi. Tiềng đàn réo rắt lúc trầm lúc bổng vang khắp khe suối con rừng. Tiếng đàn của chàng đã làm cảm động nàng tiên Hoa Đào. Hai người se duyên vợ chồng và có một đứa con. Tuy nhiên, Ngọc Hoàng biết chuyện liền sai người bắt Hoa Đào về. Sợ con nhỏ không có sữa, nàng đã để lại bầu ngực của mình tại nơi đây. Cũng chính vì vậy mà hai ngọn núi này có hình dáng tròn đầy như bầu sữa mẹ.
Bạn có thể chiêm ngưỡng ngon núi này trên đường lên cổng trời
Tìm hiểu văn hóa của Quản Bạ
Cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số cũng là điều mà bạn có thể khám phá thông qua chuyến đi này. Giống như cuộc sống bình dị tại bao bản làng khác, từ cổng trời Quản Bạ bạnsẽ được ngắm nhìn những mái nhà đơn sơ và mộc mạc. Chiều chiều, những cột khói bay lên cao vút và mờ ảo. Tất cả tạo nên một cảm giác bình yên và giản dị đến lạ.
Nét văn hóa độc đáo cũng là điều không nên bỏ qua
Kinh nghiệm du lịch cổng trời Quản Bạ
Hà Giang nằm ở khu vực miền núi phía Bắc của nước ta. Chính vì vậy, thời điểm hoàn hảo nhất để khám phá cổng trời Quản Bạ chính là vào tháng 8. Đây là mùa lúa chín nên du khách sẽ được chiêm ngưỡng những mảnh ruộng bậc thang chín vàng cực đẹp. Vào sáng sớm, bạn có thể chạm tay vào làn mây mờ ảo ở trên đỉnh cổng trời nữa đó. Thời điểm thích hợp nhất để săn mây là vào khoảng 5 - 8h sáng.
Làn sương khói mờ ảo bao quanh những ngọn núi
Vào mùa xuân, khoảng tháng 2 - tháng 4 là mùa hoa rừng nở rộ. Những bông hoa rừng với vẻ đẹp độc đáo đua nhau khoe sắc suốt dọc đường đèo. Gác chân chống và làm vài post check-in sống ảo thì quá hợp lý luôn nha. Ngoài ra, bạn còn được khám phá rất nhiều lễ hội đầu xuân độc đáo của đồng bào dân tộc nơi đây nữa đó.
Và check-in cùng những cánh đồng xanh mướt
Cùng với cao nguyên đá Đồng Văn hay huyện Mèo Vạc, cổng trời Quảng Bạ chắc chắn là cái tên không thể thiếu trong chuyến du lịch Hà Giang đầy đáng nhớ của thanh xuân.
Lịch trình hà giang với 2 triệu Hà Giang là điểm đến rất được yêu thích trong mùa hè bởi khí hậu mát mẻ và nhiều điều thú vị để khám phá Đặc biệt với những ai đang "viêm màng túi", lịch trình Hà Giang với 2 triệu đồng chắc chắn sẽ giúp bạn vừa tiết kiệm tiền vừa được vi vu, khám phá vùng đất cực Bắc của Tổ...