5 cung đường trekking mới nổi thu hút phượt thủ
Sau hành trình trekking băng qua các loại địa hình với nhiều đồ đạc trên lưng, bạn sẽ được đền đáp bởi vẻ đẹp bất tận của thiên nhiên hùng vĩ.
Những cung đường như Tà Năng – Phan Dũng, Tả Liên Sơn… đang rất thu hút phượt thủ hai miền.
Tà Năng- Phan Dũng
Cung đường trekking xuyên rừng đi qua ba tỉnh Lâm Đồng – Ninh Thuận – Bình Thuận đang thu hút những người mê khám phá ở phía nam. Điểm xuất phát từ xã Tà Năng hoặc xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), cần khoảng 3 ngày 2 đêm để trải qua gần 60 km băng rừng, leo đèo, vượt suối, di chuyển từ độ cao 1.100 m xuống còn 500 m so với mực nước biển.
Cảnh vật ấn tượng nhất là những đồi cỏ bao la, lác đác hàng thông xanh rì, xa xa là mây trời lảng bảng, cảnh quan kỳ vĩ mà yên bình như tranh vẽ. Điểm cuối của hành trình là xã Phan Dũng, sau đó đón xe ôm ra ngã tư Liên Hương (Tuy Phong, Bình Thuận) để đón xe khách di chuyển về TP HCM hoặc tỉnh khác.
Các đồi cỏ bao la nối tiếp nhau trùng điệp, để tránh bị lạc đường nên sử dụng các thiết bị chuyên dụng như GPS. Ảnh: Trung Hào.
Tả Liên Sơn
Núi Tả Liên (còn gọi là núi Cổ Trâu) thuộc xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, Lai Châu. Ngọn núi có độ cao 2.993 m so với mặt nước biển, có khung cảnh núi non hùng vỹ cùng với thảm thực vật rừng nguyên sinh.
Theo phượt thủ Hachi8, để leo lên đỉnh Tả Liên, bạn cần 3 ngày 2 đêm. Trưa ngày 1 bắt đầu leo, đường hoàn toàn là lối mòn mà dân bản hay đi rừng. Bạn có thể nghỉ đêm tại hang đá mà dân đi rừng hay leo vì gần như không có lán trại trên đường. Bạn cần tìm điểm nghỉ bằng phẳng, gần nguồn nước trước khi trời tối. Ngày 1 chỉ cần leo 3-4 tiếng là đủ tới cao độ 1.900 m. Ngày 2, leo lên đỉnh cao độ 2.993 m. Lên đỉnh trước 14h để có thể quay lại điểm nghỉ trước khi trời tối. Ngày 3, xuống núi, tầm trưa tới bìa rừng. Di chuyển về Sa Pa trước chiều tối.
Đón bình minh trên đỉnh Tả Liên là trải nghiệm khó quên. Ảnh: Hachi8.
Núi Lảo Thẩn
Núi Lảo Thẩn được mệnh danh là nóc nhà Y Tý, thuộc xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, là địa điểm lý tưởng để kết hợp trekking và “săn” mây trong 2 ngày một đêm. Di chuyển đến Y Tý, gửi xe máy tại trang trại rau rất lớn tại đường vào bản Phìn Hồ (từng là sân bay quân sự thời Pháp thuộc) và bắt đầu hành trình chinh phục Lảo Thẩn cao 2800 m. Lưu ý nên hỏi nhờ người dân bản dẫn đường cũng như mang theo đồ ăn khô đủ cho hành trình.
Video đang HOT
Biển mây bạt ngàn ở Lảo Thẩn. Ảnh: Hachi8.
Lùng Cúng
Đỉnh Lùng Cúng được đặt theo tên một bản làng nằm sâu trong vùng núi hiểm trở bậc nhất tại xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái. Leo Lùng Cúng mất khoảng 2 ngày một đêm trong rừng để tới đỉnh và xuống núi. Bạn có thể leo từ 3 hướng khác nhau là bản Thào Chua Chải, bản Lùng Cúng hoặc bản Tu San. Hành trình sẽ đi qua rừng nguyên sinh có cảnh quan rất đẹp, bạn sẽ bắt gặp những thảm thực vật độc đáo hoặc tán lá phong.
Chinh phục Lùng Cúng theo đường nào cũng băng qua những thảm thực vật độc đáo. Ảnh: Hải Yến.
Hang Én
Trong năm qua, khu vực Sơn Đoòng, Tú Làn hay Hang Én là những cái tên rất được quan tâm. Hang Én là hang động lớn thứ ba thế giới với hệ sinh thái phong phú và độc đáo. Nhiều người ưa mạo hiểm chưa đăng ký được tour Sơn Đoòng có thể lựa chọn nơi này để chinh phục.
Từ TP Đồng Hới, bạn đi theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đến km 35. Khoảng cách từ km 35 đến hang Én dài khoảng 8 km. Đường có nhiều đoạn dốc, đi qua suối Rào Thương, qua bản Đoòng, một bản nhỏ của người Vân Kiều nằm sâu trong vùng lõi vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Tiến sâu vào hang, một lần nữa bạn được chiêm ngưỡng con suối Rào Thương chảy quanh co theo hình chữ S. Càng đi vào bên trong, bạn sẽ quan sát được những thạch nhũ nhiều hình dáng khác nhau hay các tổ chim én.
Hang Én được đoàn thám hiểm Hiệp hội hang động hoàng gia Anh phát hiện năm 1994. Ảnh: Lars Krux.
Theo VNExpress
Lịch trình trekking và săn mây ở núi Lảo Thẩn
Núi Lảo Thẩn được mệnh danh là nóc nhà Y Tý (Lào Cai), một địa điểm lý tưởng để kết hợp trekking và ngắm biển mây bay trên đại ngàn trong hai ngày một đêm.
Khi nhắc tới đỉnh núi vươn mình sừng sững ở vùng đất mây trời Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, người ta thường nhớ đến cái tên Lảo Thẩn. Một địa danh mà chỉ nhắc đến thôi đã cảm thấy còn bao bí ẩn nằm trên vùng cao mây trời lộng gió. Đây là một địa điểm lý thú cho các bạn yêu thích trekking và "săn mây" trên cao.
Thông tin về núi Lảo Thẩn
Vị trí: Thôn Phìn Hồ, xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Tọa độ: 22.610420, 103.686535.
Cao độ: hơn 2.800 m.
Thời gian leo: 2 ngày 1 đêm.
Cảnh quan: Đỉnh nhọn và thoáng với góc nhìn 360 độ. Tại cao độ 2.400 m với nhiều phiến đá dốc đứng hướng Tây về thung lũng Dền Sáng, núi Nhìu Cồ San rất đẹp.
Địa hình: Đồi cỏ, nương rừng cháy, rừng thưa và trên đỉnh là cây bụi nhỏ.
Độ phức tạp: Lên xuống ít, gần đỉnh mới dốc, nhiều gió.
Điểm cắm trại, nguồn nước: Hang đá tại cao độ 2.560 m, cách nguồn nước nửa giờ và cách đỉnh một tiếng leo bộ, vùng núi ít suối và mạch nước.
Khung cảnh trên núi vào những ngày thời tiết thuận lợi. Ảnh: Hachi8
Đồ chuẩn bị
Lều trại, thảm cách nhiệt và túi ngủ ấm tính đủ theo số người.
Quần áo cá nhân, găng tay, mũ nón, khăn đầy đủ, nhất là với điều kiện giá lạnh mùa đông.
Áo mưa, bọc đồ balo và đèn pin cá nhân.
Đồ y tế, các loại thuốc cơ bản, miếng dán nhiệt...
Ăn uống
Bữa sáng nên mang mì gói, sớm dậy đun nước và ăn với xúc xích hoặc thịt từ bữa tối hôm trước.
Bữa trưa nên ăn đồ nhanh như lương khô, cơm nắm muối vừng hoặc bánh trái để tiết kiệm thời gian.
Bữa tối là bữa chính cần ăn uống đồ nóng. Chọn điểm nghỉ gần suối để tiện vệ sinh và bếp núc. Khoai, bắp cải và củ quả khó dập, thịt lợn, thịt bò nhiều đạm được ưu tiên mang theo chế biến.
Đừng quên các loại gia vị, tuy nhỏ nhưng sẽ làm bữa ăn ngon và thú vị hơn rất nhiều.
Nồi, xoong chảo có thể hỏi mượn porter (người bản địa dẫn đường) mang từ bản. Bát, cốc, đũa nên dùng loại một lần, có thể tiêu hủy ngay sau khi sử dụng.
Đặc điểm của vùng núi Lảo Thẩn
Đường leo núi không quá phức tạp, chủ yếu qua đồi cỏ, nương rừng thấp nên cần trang bị mũ nón tránh nắng gắt.
Đường lên đỉnh toàn cây bụi, cây gai nên khó di chuyển và gió rất mạnh.
Điểm nghỉ là bãi đất trống bên cạnh hang đá của một vợ chồng người Mông. Hang đá chỉ ngủ được tầm 4 người. Điểm lấy nước cách hang đá nửa giờ leo rừng, mùa hanh khô nước ít, chính vì thế cần chủ động mang nhiều nước uống theo.
Đường đi đoạn lên điểm nghỉ có lối mòn nhưng nhiều lối rẽ nên cần thuê porter. Họ là những người dân bản địa, thông thạo địa hình sẽ dẫn đường và phụ giúp mang đồ.
Bạn có thể google để xác định trước vị trí các địa điểm.
Theo VNExpress
Chinh phục hang Tối ở Quảng Bình: Càng khó, càng mê Hê thông hang đông ky vi thuộc Di san thiên nhiên thê giơi Vươn quôc gia Phong Nha - Ke Bang (Quảng Bình) ngày càng thu hút với loại hình du lịch sinh thái, mạo hiểm. Khi biết mình được chọn là một thành viên trong đoàn khám phá thung lũng Sinh Tồn - thám hiểm xuyên hang Tối lần đầu tiên được...