5 cột mốc doanh thu mang tính lịch sử của nền điện ảnh Việt
12 tỷ, rồi 80 tỉ, 100 tỉ, 170 tỉ… chính là những con số doanh thu mang tính lịch sử của điện ảnh Việt suốt 15 năm qua.
Khi điện ảnh Việt càng phát triển về lượng phim, về tốc độ ra phim; các rạp chiếu cũng mọc nhanh như nấm sau mưa; lượng khán giả kéo đến rạp ngày càng tăng thì các con số về doanh thu phòng vé tất nhiên cũng được quan tâm. Như một lẽ tất nhiên, doanh thu phim nội càng tăng thì sẽ càng kích cầu sự đầu tư vào sản xuất. Từ đó mới dám nghĩ đến một thị trường điện ảnh Việt thực sự sôi động và đa dạng, chứ không chỉ “ăn xổi ở thì”.
Cùng nhìn lại những cột mốc doanh thu mang tính lịch sử của phim điện ảnh thương mại Việt trong vòng 15 năm qua.
2003: Gái Nhảy vực dậy dòng phim thương mại
Năm 2003 được xem là thời điểm dòng phim nhà nước bắt đầu thoái trào, nhu cầu giải trí của khán giả với phim ảnh tăng lên, mở rộng từ truyền hình sang các rạp chiếu bóng. Trong bối cảnh đó, Gái Nhảy của đạo diễn Lê Hoàng đã tạo nên một dấu ấn mang tính lịch sử cho phòng vé khi thu về 12 tỷ, một con số cực kì ấn tượng thời điểm đó, khởi đầu cho giai đoạn sôi động hơn hẳn của dòng phim thương mại, giải trí.
Các diễn viên tham gia Gái Nhảy khi đó cũng nghiễm nhiên trở thành những gương mặt đình đám, những cái tên hái ra tiền như Mỹ Duyên, Minh Thư, đạo diễn Lê Hoàng. Và như một thông lệ mới xuất hiện, mỗi năm sẽ có ít nhất một phim Việt ra rạp vào thời điểm Tết Nguyên đán, thị trường chính thức bước vào giai đoạn nhộn nhịp của người đầu tư, người làm phim lẫn khán giả.
Phim Những Cô Gái Chân Dài
Các bộ phim ấn tượng ra đời trong giai đoạn này mà đến bây giờ khán giả vẫn còn nhớ có thể kể đến như Những Cô Gái Chân Dài (Vũ Ngọc Đãng), Khi Đàn Ông Có Bầu (Phạm Hoàng Nam), 2 Trong 1 (Đào Duy Phúc), Đẻ Mướn (Lê Bảo Trung)…
2013: Tèo Em và con số khủng đầu tiên 80 tỉ
Trong suốt 10 năm ròng, điện ảnh Việt phát triển ở nhiều khía cạnh. Lượng phim tăng qua mỗi năm, mùa phim được mở rộng ra rải rác chứ không chỉ trong mỗi dịp Tết Nguyên đán. Nhiều bộ phim tạo ra kỉ lục phòng vé mới như Giải Cứu Thần Chết, Nụ Hôn Thần Chết, Những Nụ Hôn Rực Rỡ, Mỹ Nhân Kế…. (trung bình khoảng 20 tỉ) và hầu hết đều là các phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, người chuyên trị những bộ phim có chủ đề mới lạ, hiện đại, cập nhật theo xu hướng của điện ảnh thế giới.
Tuy nhiên, con số hai mươi mấy tỉ rồi bốn mươi mấy tỉ trong quãng thời gian quá dài mà không có nhiều bứt phá đã từng khiến người ta nghĩ rằng điện ảnh Việt khó mà có thể đạt được những cái gì lớn hơn. Hầu hết phim đều theo chủ đề tình cảm, hài hước, đặc biệt là các bộ phim do Hãng phim Phước Sang sản xuất còn được ưu ái đặt cho dòng tên riêng là dòng phim hài nhảm mà tiêu biểu là Hello Cô Ba (bộ phim này theo nhà sản xuất là thu được 25 tỉ sau một tuần công chiếu năm 2012).
Cũng trong 10 năm đó, điện ảnh Việt đã chứng kiến sự ra đời của nhiều bộ phim chất lượng cao, góp phần thay đổi diện mạo chất lượng như Dòng Máu Anh Hùng (Charlie Nguyễn), Scandal – Bí Mật Thảm Đỏ (Victor Vũ), Thiên Mệnh Anh Hùng (Victor Vũ)… nhưng hầu hết đều không có doanh thu quá khủng để tạo thành kỉ lục. Đáng tiếc nhất phải kể đến Bụi Đời Chợ Lớn từng bị cấm chiếu năm 2013 của Charlie Nguyễn cũng vì vậy mà không thể tham gia đường đua mang tên doanh thu phòng vé.
Phim Tèo Em
Cuối năm 2013, Tèo Em cũng của đạo diễn Charlie Nguyễn ra mắt và thu được tổng doanh thu chung cuộc là 80 tỉ. Bộ phim đã tạo ra một kỉ lục doanh thu vượt bậc mới cho phim Việt, tạo ra sự hào hứng và hy vọng cho giới làm phim lẫn khán giả. Cặp đôi Charlie Nguyễn – Thái Hòa càng thêm bảo chứng danh hiệu “ông hoàng phòng vé”. Trước đó, năm 2011, Long Ruồi cũng của bộ đôi này đã thu được 42 tỷ, một con số cũng ấn tượng.
2015: Để Mai Tính 2 là phim đầu tiên chạm mốc trăm tỉ
Ra mắt cuối năm 2014, thêm một tác phẩm của cặp đôi Charlie Nguyễn – Thái Hòa oanh tạc phòng vé là Để Mai Tính 2. Sau một thời gian công chiếu, doanh thu chung cuộc của bộ phim là 101 tỉ, chính thức xác lập thêm một kỉ lục mới của phim nội cũng như phim Việt đầu tiên chạm mốc trăm tỉ.
Đứng trước con số này, tất nhiên mọi người ai nấy đều háo hức và tràn đầy hy vọng về một giai đoạn phát triển rực rỡ của phim nội trong tương lai. Nhưng đồng thời khi nhìn lại những bộ phim đã tạo được kỉ lục từ Long Ruồi, Tèo Em, Để Mai Tính 2… giới chuyên môn không khỏi lo lắng khi chỉ những phim hài mới có thể thắng lớn.
Điều băn khoăn này cũng đúng, nhưng thiết nghĩ nó lại không cần thiết trong bối cảnh phim ảnh nước nhà quá non trẻ. Phải chứng minh được thị trường có tiềm năng thì các nhà đầu tư mới dám mạnh tay, dần dà thì ta mới dám đòi hỏi sự đa dạng.
Video đang HOT
2016: Phim trăm tỉ thứ hai đến từ Em Là Bà Nội Của Anh
Đúng một năm sau, điện ảnh Việt xuất hiện “tân vương” cho ngôi vị phim trăm tỉ, thậm chí là phá được kỉ lục trước đó: Em Là Bà Nội Của Anh với 102 tỉ.
Em Là Bà Nội Của Anh là phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, được remake từ phim Hàn Quốc là Miss Granny. Thắng lợi trị giá 102 tỉ này không chỉ tạo ra kỉ lục mới cho phòng vé mà còn kích thích sự dấn thân, trải nghiệm của những đạo diễn trẻ, cũng như sự cảnh tỉnh cho những đạo diễn cũ, những người đang ngủ quên trên chiến thắng.
Bằng chứng chính là mùa hè năm 2016, bom tấn Fan Cuồng được đầu tư đến 26 tỉ của cặp đôi Charlie Nguyễn – Thái Hòa đã “ngã ngựa” đau đớn vì chất lượng không tốt. Cũng trong năm 2016, Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể của Ngô Thanh Vân đã thu hơn 70 tỉ dù không được hệ thống rạp chiếu lớn nhất nhận phim cũng đặt ra một quy chuẩn mới trong công tác quảng bá, chọn chủ đề khi làm phim, đưa Ngô Thanh Vân vào lãnh địa của những “ông lớn, bà lớn” ngành điện ảnh.
Em Là Bà Nội Của Anh cũng mở ra một thời kì phim remake mới ở Việt Nam, sau một thời gian dài remake phim truyền hình và không thành công. Hàng loạt kế hoạch, tác phẩm remake mà đa số từ Hàn Quốc ra đời, nhưng đến bây giờ vẫn chưa có phim remake nào phá được kỉ lục doanh thu Em Là Bà Nội Của Anh.
2017: Em Chưa 18 gây bất ngờ với hơn 170 tỉ
Nếu năm 2003 từng là thời kì mở đầu mang tính lịch sử của phim thương mại thì 2017 chính là năm khiến mọi người há hốc mồm vì những kỉ lục mới được xác lập từ một phim vốn không được kỳ vọng từ ban đầu.
Em Chưa 18 ra đời trong sự hồ nghi của tất cả mọi người khi mà đạo diễn Lê Thanh Sơn 8 năm mới quay lại làm phim, hai diễn viên chính thì không có cơ sở để khán giả tin tưởng, cộng thêm cái tên Charlie Nguyễn ở vị trí sản xuất sau cú thất bại với Fan Cuồng… khá nhiều yếu tố để người ta tin rằng Em Chưa 18 sẽ là một thảm họa điện ảnh mới, hoặc là một cái tên nhạt nhòa đến rồi đi nhanh chóng.
Thế nhưng, bộ phim đã lập nên rất nhiều kỉ lục mới ở phòng vé. Doanh thu 170 tỉ sau hơn một tháng công chiếu không chỉ là một con số khủng khiếp chưa ai dám nghĩ tới mà nó còn khiến Em Chưa 18 trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất Việt Nam, vượt qua cả những phim ngoại đình đám như Kong: Skull Island hay Fast and Furious 8.
Đến tận bây giờ, Em Chưa 18 vẫn là đối thủ nặng kí, dễ gây mất áp lực nhất cho bất cứ ứng cử viên nào muốn phá kỉ lục.
Cột mốc 200 tỉ có xảy ra trong 2018?
Theo nhịp độ từ 2015 đến nay thì 2018 phải có một kỉ lục doanh thu khác thì mới đều đặn. Và con số 200 ti đang là đích nhắm tiếp theo. Nếu Avengers: Infinity War đang là ứng viên sáng giá nhất cho con số này trong năm thì ở địa hạt phim Việt, Tháng Năm Rực Rỡ cũng đang được kì vọng.
Sau 10 ngày công chiếu chính thức cộng với một số suất sneak-show trước đó, Tháng Năm Rực Rỡ đã đạt hơn 1 triệu lượt xem và thu về 65 tỉ. Con số này còn khiêm tốn chán so với Em Là Bà Nội Của Anh chứ đừng nói gì Em Chưa 18, nhưng do Tháng Năm Rực Rỡ không may mắn phát hành trong thời điểm giá vé ở các rạp bị giảm dữ dội. Với mức vé trung bình hiện tại khoảng 35~40k/vé áp dụng suốt tuần cho khán giả dưới 23 tuổi (cũng là đối tượng chủ lực ở rạp) thì việc doanh thu Tháng Năm Rực Rỡ kém hơn dù lượt xem nhiều là chuyện tất nhiên và buộc phải chấp nhận.
Hy vọng bộ phim sẽ đạt được 200 tỉ để tạo ra thêm một kỉ lục mới, một giai đoạn hào hứng mới cho phim Việt dù biết là sẽ rất khó, trừ phi bây giờ mọi người chuyển qua so sánh về… lượt xem. Nhưng chỉ mới 3 tháng đầu năm mà thôi, chúng ta vẫn còn nhiều thời gian để kiểm chứng xem liệu có một cột mốc lịch sử nào xuất hiện nữa không.
Theo Trí Thức Trẻ
Vì sao nói "Tháng Năm Rực Rỡ" là phim remake tốt hơn "Em Là Bà Nội Của Anh"?
"Em Là Bà Nội Của Anh" là một bộ phim hay của Việt Nam, "Tháng Năm Rực Rỡ" cũng vậy. Chỉ là nếu xét trên khía cạnh Việt hóa một tác phẩm từ Hàn Quốc thì Tháng Năm Rực Rỡ vẫn nhỉnh hơn.
*Bài viết mang quan điểm cá nhân và có tiết lộ một số chi tiết nhỏ, cân nhắc trước khi đọc.
Phim remake (làm lại), đặc biệt là remake từ kịch bản Hàn Quốc, vốn không xa lạ với điện ảnh và truyền hình Việt Nam. Chúng ta đã có Ngôi Nhà Hạnh Phúc (Full House), Người Mẫu (Model), Lối Sống Sai Lầm (Tearms of Endearment), Anh Em Nhà Bác Sĩ (Medical Brothers), Cầu Vồng Tình Yêu (Family's Honor)... gần 10 năm trước. Thế nhưng phần lớn trong số đó là phim truyền hình, hơn nữa càng về sau càng thoái trào, không tạo được dấu ấn. Đến năm 2016, phim điện ảnh Miss Granny được Việt hóa bởi chính công ty CJ Entertaiment, nằm trong chuỗi remake ở nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản.
"Miss Granny" của Hàn
Ngày dự án được công bố, khán giả chẳng mặn mà gì, do loạt phim remake truyền hình từ lâu đã không như mong đợi. Cộng thêm tên phim Em Là Bà Nội Của Anh khiến nhiều người cho rằng đây sẽ là một thảm họa điện ảnh mới. Chưa kể dàn diễn viên được công bố lúc đó như Hứa Vĩ Văn, Ngô Kiến Huy đều không phải là những ngôi sao phòng vé. Đặc biệt, nữ chính Miu Lê trước đó còn từng xuất hiện trong nhiều bộ phim tệ hại như Yêu Anh, Em Dám Không?, Tối Nay 8 Giờ.
Chính vì vậy, hiệu ứng khi ra mắt của Em Là Bà Nội Của Anh không mạnh mẽ. Nhưng "hữu xạ tự nhiên hương", chính chất lượng trọn vẹn của tổng thể bộ phim từ kịch bản, diễn viên, âm nhạc, bối cảnh, thời trang, cảm xúc đã khiến cho công chúng bắt đầu chú ý. Hiệu ứng truyền miệng dần lan tỏa trên mạng xã hội, thông tin về một bộ phim mà cả nhà ba thế hệ có thể cùng kéo dân chúng đến rạp để xem rồi khóc cười với nhau đã khiến cho Em Là Bà Nội Của Anh được yêu quý hơn. Cuối cùng sau hơn 2 tháng ra mắt, phim đã thu được 102 tỉ, trở thành phim Việt Nam có doanh thu cao nhất trong lịch sử phòng vé thời điểm đó. Đồng thời mở ra trào lưu remake phim điện ảnh suốt 2 năm nay.
Thế nhưng bên cạnh cái tên remake thành công ấy, cũng có Sắc Đẹp Ngàn Cân (200 Pounds Beauty) rồi Yêu Đi, Đừng Sợ (Spellbound) đã không hoàn thành sứ mệnh mà khán giả trông mong. Vì lẽ đó mà sự hoan hỉ khi chờ đợi những tác phẩm remake trở thành nỗi e ngại cho một loạt dự án đã được công bố sau này như Yêu Em Bất Chấp (từ My Sassy Girl), Ông Ngoại Tuổi 30 (từ Scandal Makers) và cả Tháng Năm Rực Rỡ (từ Sunny).
Vậy mà, ngay sau buổi công chiếu đầu tiên của Tháng Năm Rực Rỡ tối ngày 28/02 vừa qua, với hàng loạt lời khen ngợi của các nghệ sĩ, nhà phê bình lẫn cộng đồng mạng, Tháng Năm Rực Rỡ đã chính thức ngồi vào vị trí phim remake hay nhất ở Việt Nam. Vì sao? Cùng điểm qua những lý do sau nhé!
Cùng là scene by scene, nhưng Tháng Năm Rực Rỡ gần gũi hơn
Tháng Năm Rực Rỡ gây ấn tượng từ poster đầu tiên
Có lẽ đối với những nhà phê bình khó tính, cả Em Là Bà Nội Của Anh và Tháng Năm Rực Rỡ đều không thể hoàn hảo vì cấu trúc, nhịp độ và các khung hình của hai phim này so với bản gốc gần như là giữ nguyên. Đây cũng là vấn đề được khơi lên khi Em Là Bà Nội Của Anh bắt đầu trở thành một hiện tượng cách đây 2 năm. Những ý kiến này cho rằng phim hay là nhờ có sẵn một kịch bản tốt, ngay cả ý tưởng trong các khuôn hình hay những chi tiết "đinh" đều là sao chép từ bản gốc mà ra.
Không sai! Nhưng đó cũng không phải là lý do khiến khán giả đánh giá tốt phiên bản Việt. Bằng chứng nằm ở Sắc Đẹp Ngàn Cân ra mắt năm vừa rồi. Bộ phim này giữ gần như nguyên vẹn kịch bản gốc, kể cả phần âm nhạc cũng được viết lại với giai điệu na ná hoặc chuyển lời Việt và kết quả là bị chê te tua vì làm không tới, không ra chất, tạo thành một bộ phim giả hiệu, khó nuốt. Điều này chứng tỏ không phải bạn có trong tay một kịch bản tốt thì nó sẽ luôn tốt khi chuyển qua bất kì ngôn ngữ, bối cảnh nào. Thành công còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như xã hội, văn hóa, lịch sử, con người, âm nhạc, thời trang để chạm được tới sự đồng cảm.
Miu Lê trong Em Là Bà Nội của Anh với trang phục, tạo hình vintage cùng những bài nhạc Trịnh chính là điểm cộng lớn nhất của phim
Kịch bản của cả Em Là Bà Nội Của Anh lẫn Tháng Năm Rực Rỡ đều thỏa mãn những yếu tố này, nhưng ở mức độ khác nhau. Nhạc Trịnh, những tà áo dài, các căn nhà được xây dựng từ trước Giải phóng hay quá khứ về thời chiến tranh cơ cực chính là những thứ đã khiến Em Là Bà Nội Của Anh chạm vào trái tim của rất nhiều người Việt. Sau bộ phim, các ca khúc nhạc Trịnh do Miu Lê trình bày như Còn Tuổi Nào Cho Em, Diễm Xưa còn trở thành "hit" trong giới trẻ, một hệ quả đáng mừng. Thế nhưng câu chuyện tình yêu của người bà hồi xuân trong bối cảnh hiện đại vẫn còn hơi xa lạ với Việt Nam, đặc biệt là yếu tố kì ảo được trẻ lại trong một hiệu ảnh.
Tháng Năm Rực Rỡ may mắn có một kịch bản đời hơn, thực tế hơn, gần gũi hơn với cuộc sống và con người nước ta, thế nên cảm giác phấn chấn và hoài niệm sau khi xem là rất rõ ràng. Bộ phim cũng có 2 thời đại với nhiều yếu tố khác nhau trong bối cảnh, văn hóa, trang phục nhưng đồng thời chuyện phim cũng trải dài theo hai giai đoạn này. Thành thử cảm giác về sự hoài niệm, tiếc nuối mạnh mẽ hơn khi thấy nhân vật lớn lên rồi thay đổi. Câu chuyện về một nhóm bạn phải xa nhau suốt 25 năm rồi gặp lại khi mọi thứ đã khác cũng tạo ra sự đồng cảm gần gũi khi đặt trong bối cảnh lịch sử của đất nước.
Ngoài ra, yếu tố về âm nhạc như chất liệu rock, acoustic của thập niên 70; những biến động lịch sử tác động trực tiếp đến nhân vật; những yếu tố về cuộc sống và nghề nghiệp cũng đa dạng hơn, không chỉ xoay quanh một gia đình như Em Là Bà Nội Của Anh. Nói nôm na thì Tháng Năm Rực Rỡ dùng câu chuyện thanh xuân của tình bạn để vẽ ra một bối cảnh xã hội ở 2 thời kì với những chi tiết được Việt hóa mượt mà còn Em Là Bà Nội Của Anh thì thiên về tình cảm gia đình cùng ký ức xoay quanh một nhân vật trung tâm.
Ngoài ra, dù đa số các câu thoại đều tạo cảm giác được dịch thẳng từ bản gốc nhưng Tháng Năm Rực Rỡ cũng có kha khá điểm khác biệt như việc giảm lượng nhân vật từ 7 người thành 6 người; đoạn xem lại cuốn băng hồi ký là cả nhóm cùng ngồi bên nhau thay vì một mình nữ chính như bản gốc; nghề bán bảo hiểm được đổi thành một hiệu... cầm đồ ở xóm lao động trong bản Việt cho gần gũi; đến những chi tiết nhỏ như nụ hôn ngoài ý muốn của hai người lính thuộc 2 phe đối đầu trong cuộc biểu tình... Những điểm này chính là điểm cộng cho sự dụng công của biên kịch, hòng mang đến một bộ phim không sao y bản chính.
Không chỉ chất liệu văn hóa, Tháng Năm Rực Rỡ còn dựng lại cả một Đà Lạt xưa vừa tình vừa thơ
Nếu như Em Là Bà Nội Của Anh đưa yếu tố nội địa vào phim qua âm nhạc, thời trang và những ký ức thời chiến của riêng nhân vật Thanh Nga (Miu Lê) còn bối cảnh vẫn là thời hiện đại thì Tháng Năm Rực Rỡ tái hiện hẳn một Đà Lạt trước Giải phóng với khoảng phân nửa thời lượng phim. Việc này không chỉ tốn kém về kinh phí mà còn phải thật tinh và kĩ trong cách sắp đặt, tạo hình thì mới mang lại cảm giác chân thật.
Sau suất chiếu đầu tiên, hầu hết lời khen của khán giả đều là dành cho phần truyện thời niên thiếu ở Đà Lạt vì nó quá thật và thơ mộng. Những đèo dốc, cảnh sắc ở Đà Lạt từ xưa đến nay vốn không thay đổi nhiều, thế nên chỉ cần phần trang trí, dựng cảnh, chọn các dụng cụ, đạo cụ đúng như thực tế là đã ra được không khí. Lại phải khen ekip sản xuất và biên kịch khi khéo léo chọn Đà Lạt để làm nơi phát triển câu chuyện thay vì một nơi nào đó khó hơn như Sài Gòn. Bằng chứng là cảnh Sài Gòn "cô tiên" năm 2000 trong phim không được tập trung nhiều, cũng không gợi ra không khí cho lắm.
Một điểm cộng nữa nếu so với Em Là Bà Nội Của Anh chính là phân đoạn biểu tình ở quảng trường Hòa Bình trong Tháng Năm Rực Rỡ. Nếu từng xem Sunny, chắc chắn bạn sẽ ấn tượng với trường đoạn này vì nó quá xuất sắc. Làm sao để tái hiện không khí xung đột của thời cuộc nhưng vẫn khéo léo lồng ghép sự hài hước, duyên dáng để không quá nặng nề? Tháng Năm Rực Rỡ đã làm được. Một cảnh quay dù rất đông diễn viên và quần chúng vẫn được kiểm soát rất tốt, vừa tạo được không khí hỗn loạn, vừa đẩy lên cái hài hước để dung hòa, cộng với nền nhạc từ bài Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang đã khiến đây trở thành phân đoạn chắc tay nhất phim.
Nhân vật Lim Na Mi trong bản gốc ở trường đoạn nổi loạn trên phố
Bản Việt cũng không kém cạnh khi Hiểu Phương (Hoàng Yến Chibi) cũng xoay vòng vòng với chiếc thúng tròn giống như Captain America!
Được biết nhà sản xuất đã phải dựng lại cả quảng trường Hòa Bình với nhà hát trung tâm và các ngôi nhà, quán xá rất đặc trưng xung quanh ở phim trường tại Sài Gòn để cảnh quay đạt được hiệu quả. Tài ở chỗ nếu không nói đây là phim trường thì có lẽ nhiều người vẫn nghĩ đoạn này được quay trên Đà Lạt thật.
Diễn viên đông hơn và gần như ai cũng có spot-light
Em Là Bà Nội Của Anh đã lăng xê thành công Miu Lê sau những vai diễn thất bại trước đó. Nét duyên rất đặc trưng của Miu Lê chỉ khi nào được đặt đúng vai diễn mới có thể bung tỏa. Điều này đã được chứng minh qua loạt vai từ Em Là Bà Nội Của Anh đến các phim sau đó, không vai nào qua được vai Thanh Nga. Các diễn viên còn lại như Hứa Vĩ Văn, Ngô Kiến Huy, nghệ sĩ Thanh Nam, Thu Trang, Hồng Ánh cũng được khen là tròn vai nhưng... chỉ thế thôi.
Trong khi đó ở Tháng Năm Rực Rỡ, với dàn nữ chính lên đến hơn 10 người, chúng ta vẫn thấy điểm sáng được chia cho tất cả, chỉ là ai nhiều ai ít chứ không phải một người chiếm hết hào quang. Nếu Hoàng Yến Chibi là một phát hiện "rực rỡ" (theo cách nói của một số ý kiến trên mạng) của Nguyễn Quang Dũng khi có cơ hội bung tỏa hết năng lượng và năng lực trong một vai diễn đa sắc thái, tương tự như cách Miu Lê đã làm, thì Jun Vũ vẫn điềm nhiên chiếm trọn con tim của những người yêu cái đẹp. Không thoại nhiều, Jun chỉ tập trung thể hiện nhân vật Tuyết Anh qua nét mặt và ánh mắt bằng thần thái vốn có của mình, thế là vẫn trở thành nhân vật đáng nhớ nhất nhì.
Hoàng Oanh và Hồng Ánh thì đã có cơ hội "lột xác" khi cho khán giả nhìn thấy những khía-cạnh-chưa-bao-giờ của mình. Tin tôi đi, bạn sẽ vẫn thấy một Hồng Ánh dịu dàng trong vai Hiểu Phương lúc trưởng thành, một người điềm tĩnh và cố gắng tìm bạn nhưng sẽ có lúc bạn bất ngờ vì cô ấy mặc đồng phục học sinh đi đánh nhau, bàn chuyện "chăn chuối" hay nhảy ngựa trong đám tang người bạn. Còn Hoàng Oanh thì bỗng chốc lại toát lên khí chất thủ lĩnh và "chị đại" một cách lạ thường ngay từ cảnh đầu tiên xuất hiện trên một... tấm hình.
Những nhân vật còn lại cũng sẽ có các trường đoạn tâm điểm để khán giả ghi nhớ. Thừa nhận đây là một điểm hay từ kịch bản gốc khi san sẻ "đất" đều cho các nhân vật nhưng nếu diễn viên không hợp vai, không sống với nhau như những người bạn thì rất dễ trở thành một nhóm người gắng gồng rồi trôi tuột. Bạn sẽ bất ngờ khi nghe người có giọng nói ngọt như Mỹ Duyên chửi thề hay khi nhìn thấy bà Lan trong Cả Một Đời Ân Oán điệu chảy nước qua vai "đại minh tinh" Bảo Châu.
Cô nàng trăm kí Minh Thảo từng gây ấn tượng với Bước Nhảy Ngàn Cân và diễn viên Minh Tuyền đã quá quen thuộc với khán giả truyền hình cứ như diễn lại những nét duyên của chính họ trên phim vậy. Cứ như thế, mỗi nhân vật lần lượt khắc tên mình vào trí nhớ khán giả, một việc không dễ dàng chút nào, nhất là ở những bộ phim đông người như thế này.
Đặc biệt, nhân vật mà khán giả tò mò nhất, Tuyết Anh phiên bản trưởng thành, cũng sẽ khiến bạn bị choáng dù chỉ xuất hiện chừng 5 giây. Nếu bạn vẫn đang đoán đó là Tăng Thanh Hà hay Mỹ Tâm thì thiết nghĩ không cần đoán nữa, bởi người này ngay khi xuất hiện sẽ khiến bạn "say" vì vẻ đẹp của cô ấy, y hệt như khi nhìn thấy Jun Vũ phì phèo thuốc lá đi giữa rừng thông vậy. Đã hợp vai và hợp nhau đến như vậy thì có là ai cũng đâu quan trọng nữa! Nhưng, bạn sẽ nhìn thấy một dàn nữ diễn viên chính của những năm 2000 cùng xuất hiện với nhau đó!
Hãy là một người xem phim có văn hóa, nếu đã biết cô gái bí mật này là ai cũng đừng nói ra nhé!
Với 3 lý do rất "bự" này, bạn đã tin Tháng Năm Rực Rỡ là một bộ phim đáng xem chưa? Thực ra so sánh các phim với nhau cũng không đúng nhưng với những thông tin nền như phim remake, diễn viên diễn giỏi, nhạc hay, có yếu tố hoài cổ thì khán giả xem xong tìm một cái tương quan để so sánh cũng không có gì lạ. Em Là Bà Nội Của Anh là một bộ phim hay của Việt Nam, Tháng Năm Rực Rỡ cũng vậy. Chỉ là nếu xét trên khía cạnh Việt hóa một tác phẩm từ Hàn Quốc thì Tháng Năm Rực Rỡ vẫn nhỉnh hơn.
Phim chính thức khởi chiếu từ ngày 09/3/2018, các suất chiếu sớm trong ngày 02 đến 04/3/2018 trên toàn quốc.
Theo Trí Thức Trẻ
Có thể khẳng định "Tháng Năm Rực Rỡ" đích thực là phim remake hay nhất của Việt Nam từ trước đến nay! Với chất lượng tốt ngoài mong đợi, có thể nói "Em Là Bà Nội Của Anh" đã tìm được người kế thừa danh hiệu phim remake chất lượng nhất rồi. Không chỉ là những cảm xúc đa dạng, "Tháng Năm Rực Rỡ" còn mang đến không khí rất gần gũi và chân thật với người Việt. Năm 2016, Em Là Bà Nội Của...