5 chàng hoàng tử bước ra từ cổ tích của nhà chuột Disney
Bên cạnh các nàng công chúa, các chàng hoàng tử cũng là yếu tố không thể thiếu tạo nên nét cổ tích đầy hấp dẫn của các tác phẩm nhà Disney.
Trong những năm gần đây, người hâm mộ những bộ phim hoạt hình kinh điển đã được chiêu đãi với những phiên bản live-action hoành tráng và mãn nhãn. Ngoài việc chuyển thể chân thật và trung thành với bản gốc, tất cả những gì chị em chúng ta mong muốn không gì khác ngoài việc được chiêm ngưỡng một Hoàng tử đích thực – chàng trai hoàn hảo bước ra từ những trang sách.
Vậy gương mặt nào sẽ hóa thân vào vai các Hoàng tử trong các dự án live-action luôn là một chủ đề nóng. Nhân dịp Maleficent: Mistress of Evil, phần ngoại truyện tiếp theo của Người đẹp ngủ trong rừng sắp ra mắt, cùng điểm qua danh sách những chàng bạch mã hoàng tử quyến rũ nhất của nhà chuột Disney.
Hoàng tử Kit – Cinderella (2015)
Là một trong những tác phẩm mở màn cho trào lưu remake của Disney, Cinderella phiên bản 2015 vẫn giữ nguyên cốt truyện bám sát với nguyên tác hoạt hình năm 1950. Phiên bản 2015 sở hữu dàn diễn viên trong mơ, với Lily James trong vai Lọ Lem, Cate Blanchett trong vai bà mẹ kế, và Richard Madden trong vai “Prince Charming” Kit.
So với bản gốc, nhân vật Hoàng tử Kit có chiều sâu và nhiều đất diễn hơn. Anh buộc phải lựa chọn giữa hiếu và tình, lợi ích quốc gia, trách nhiệm của một hoàng tử với vương quốc và mối tình với cô nàng thường dân chỉ vừa chớm nở. Với gương mặt “chuẩn hoàng gia” của tài tử Madden, chàng Hoàng tử Kit dễ dàng hút hồn không chỉ Lọ Lem mà còn hàng triệu fan nữ khắp thế giới.
Quái nhân – Beauty and the Beast (2017)
Đã có hàng chục phiên bản điện ảnh dựa trên chuyện tình kinh điển của người đẹp và quái nhân, thế nhưng phiên bản năm 2017 của Disney mới thật sự chinh phục trái tim của khán giả. Sánh đôi cùng nàng Belle thông minh do Emma Watson thủ vai là chàng quái nhân cọc cằn do Dan Stevens hóa thân. Tuy chàng hoàng tử phải đội lốt quái nhân hầu hết bộ phim, anh đã hoàn toàn “đốn tim” các fan nữ sau khi được hóa lại thành hình người với gương mặt thanh tú, đôi mắt xanh quyến rũ.
Với ngoại hình điển trai, nam diễn viên người Anh từng gây chú ý với nhiều tác phẩm có thể kể đến như: Downton Abbey, The Guest, Legion.
Aladdin – Aladdin (2019)
Sau cuộc tuyển chọn khắt khe hơn 2000 nam diễn viên khắp thế giới, chàng trai trẻ Mena Massoud đã lọt vào mắt xanh của nhà sản xuất siêu phẩm Aladdin vừa ra mắt năm nay của hãng Disney.
Sở hữu ngoại hình lãng tử với nét tính cách tinh nghịch, giọng hát ngọt ngào và khả năng nhảy múa, Mena Massoud dường như được sinh ra để vào vai vua trộm thành Agrabah. Tuy xuất thân không phải từ Hoàng gia, Aladdin vẫn sở hữu đầy đủ tố chất của một chàng hoàng tử chân chính: nhân hậu, dũng cảm và tất nhiên là vô cùng điển trai.
Hoang tư Phillips – Maleficent (2014 – 2019)
Maleficent được ra mắt vào năm 2014, là cột mốc vang dội bắt đầu cho chiến dịch chuyển thể phim hoạt hình của Disney, nếu bạn không tính Alice in Wonderland vào năm 2010. Trong phần 2 sẽ phát hành sắp tới đây, bộ phim tiếp tục khai thác mối quan hệ phức tạp và mâu thuẫn xảy ra giữa Tiên hắc ám và công chúa Aurora. Đặc biệt, bộ phim đã tuyển chọn một gương mặt hoàng tử mới, Harris Dickinson sẽ thay thế chàng tài tử Cướp biển vùng Carribe Brenton Thwaites để đảm nhiệm vai Hoàng tử Phillip trong lần trở lại này.
Trong phần mới này, Hoàng tử Phillip sẽ dẫn công chúa Aurora về gặp phụ mẫu của mình, vô tình tạo cơ hội để Nữ hoàng Ingrith và Tiên hắc ám gặp nhau. Cuộc đụng độ đã dẫn đến mâu thuẫn và một cuộc đại chiến giữa hai thế giới người và tiên.
Chàng trai sinh năm 1996 Harris Dickinson hứa hẹn là một “nam thần” mới của Hollywood với vẻ ngoài điển trai. Năm 2017, Harris Dickinson từng thủ vai Frankie trong tác phẩm Beach Rats và giành được hàng loạt giải thưởng như Giải Tinh thần Độc lập cho Nam chính xuất sắc nhất, Giải Phê bình Phim London, Gotham Awards.
Hoàng tử Eric – The Little Mermaid
Có thể nói Eric là một trong những hoàng tử nổi tiếng và được yêu mến nhất trong dàn nam nhân của nhà Disney. Dựa trên câu chuyện của Hans Christian Andersen, Eric là một chàng hoàng tử lãng mạn, mộng mơ, đôi lúc cũng khá thẹn thùng bên cạnh những cô gái. Sau khi được tiên cá Ariel giải cứu trong một lần đi biển, anh đã trúng tiếng sét ái tình bởi giọng hát của nàng và quyết tâm tìm nàng để cưới.
Phiên bản điện ảnh vẫn đang trong giai đoạn tìm kiếm diễn viên cho những nhân vật chính, trong đó có hoàng tử Eric. Tháng 7 vừa qua, người hâm mộ đã có một pha “vỡ tim” khi nam ca sĩ Harry Styles từ chối lời mời hóa thân thành chàng hoàng tử xứ biển này.
Theo thông tin mới nhất, hãng vẫn đang đàm phán với Melissa McCarthy, Jacob Tremblay and Awkwafina cho vai hoàng tử Eric, và ngôi sao của series 13 Reasons Why Christian Navarro mới đây cho biết đã tham gia thử vai hoàng tử Eric trong phiên bản live-action The Little Mermaid của Disney. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thông tin nào là chính thức nên chúng ta vẫn còn phải chờ lời xác nhận chính thức từ Disney.
Tiên hắc ám 2 khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ ngày 18/10/2019.
Trailer Maleficent 2 – Tiên hắc ám 2
Theo thegioidienanh.vn
Disney và những bộ phim chuyển thể live-action: Nước đi thông minh hay sự bế tắc trên con đường sáng tạo?
Rõ ràng Disney đang tự đặt mình vào thế khó khi dựa dẫm quá nhiều vào việc chuyển thể những tác phẩm kinh điển của hãng.
Năm 1994 đánh dấu bước đi đầu tiên của Disney trên con đường chuyển thể các tác phẩm hoạt hình thành live-action với sự ra đời của tác phẩm The Jungle Book với nội dung được lấy cảm hứng từ bộ phim cùng tên ra mắt năm 1967. Thế nhưng nó chỉ thực sự trở thành trào lưu từ năm 2010 khi Disney bắt tay với đạo diễn tài năng Tim Burton để một lần nữa đưa Alice In Wonderland trở lại màn ảnh. Và với doanh thu hơn 1 tỷ USD đầy bất ngờ, Disney dần nhận ra sự hiện diện của mỏ vàng mà hãng đang nắm giữ bấy lâu nay.
Kể từ ấy hàng loạt những cái tên quen thuộc với khán giả như Maleficent, Cinderella, The Jungle Book, Beauty and the Beast dần dần chuyển mình từ những nét vẽ thủ công để khoác lên tấm áo CGI tân thời, hiện đại và bắt mắt. Riêng trong năm 2019 này Nhà Chuột còn trình làng tới ba tác phẩm remake khác nhau là Dumbo, Aladdin và The Lion King.
Với một tần suất ra mắt dày đặc như vậy, người hâm mộ không khỏi đặt ra nghi vấn rằng, liệu Disney đang ấp ủ một kế hoạch dài hơi hay chỉ là giải pháp tạm thời khi mà bộ phận sáng tạo của hãng đang dần cạn kiệt ý tưởng?
Một điều dễ dàng nhận thấy là các tác phẩm chuyển thể không cần quá bận tâm về khâu kịch bản hay danh tiếng vì cả hai yếu tố đó đều đã được kế thừa hoàn toàn từ tác phẩm gốc. Như vậy kinh phí cho quá trình quảng bá sản phẩm sẽ đỡ đi được phần nào và hãng chỉ cần tập trung vào việc tái hiện một cách lung linh nhất, đẹp đẽ nhất tác phẩm của mình bằng cách áp dụng kỹ xảo và những công nghệ làm phim tiên tiến bậc nhất.
Việc tận dụng những cốt truyện cũ có thể là một hướng đi khôn ngoan của Disney, nhưng nó cũng là điểm chí mạng cho mỗi tác phẩm khi tiếp cận tới khán giả. Hầu hết những bộ phim chuyển thể live-action của Disney đều có nội dung na ná hoặc giống hệt kịch bản gốc như Cinderella, The Jungle Book, Beauty and the Beast, Aladdin hay mới đây nhất là The Lion King. Chỉ có Maleficent và Christopher Robin là đem đến cho khán giả một câu chuyện hoàn toàn mới, khác xa so với những gì chúng ta từng được biết trong quá khứ.
Nếu nhìn vào đánh giá của giới chuyên môn thì có thể thấy rằng chất lượng của các tác phẩm này đều ở chỉ dừng lại ở dưới mức trung bình, thua xa phần phim gốc. Trên trang đánh giá Rotten Tomatoes thì có đến quá nửa trong số đó nhận "cà chua thối", thấp nhất là Alice Through The Looking Glass với 29%.
Hai trong số ba tác phẩm ra mắt trong năm này là Dumbo và Aladdin đều không khá khẩm hơn là bao khi chỉ nhận được lần lượt 46% và 56%. Thậm chí tác phẩm được kỳ vọng sẽ trở thành siêu phẩm thế hệ mới là The Lion King cũng chỉ được giới phê bình chấm 59% trên Rotten Tomatoes trước khi ra mắt.
Tuy nhiên giữa đánh giá của chuyên gia và cảm nhận của khán giả vẫn luôn tồn tại những khoảng cách, bằng chứng là những Alice in Wonderland, Maleficent hay Aladdin tuy bị giới phê bình chê bai nhưng vẫn đủ sức kiếm hàng trăm triệu, thậm chí trên tỷ đô, còn hai tác phẩm Pete's Dragon và Christopher Robin dù được chấm điểm khá nhưng lại ít được công chúng đón nhận.
Như đã nói ở trên, Disney thường lựa chọn cách làm thỏa mãn khán giả bằng việc đắp thêm CGI vào phim hơn là tạo ra một cốt truyện hấp dẫn. The Lion King ra mắt trong tuần này khiến cả thế giới phải sững sờ với bối cảnh châu Phi tuyệt mỹ nhưng ấn tượng về cái mẽ bên ngoài liệu có tồn tại lâu khi mà nội dung bên trong không có gì mới mẻ. Đó cũng là tình trạng chung của những bộ phim chuyển thể khác khi sở hữu cốt truyện quen thuộc khiến khán giả không thấy hứng thú khi ra rạp.
Dường như song hành với sự lớn mạnh của mình, Disney đang dần mất đi sự sáng tạo của mình - thứ vũ khí màu nhiệm đã khơi dậy trí tưởng tượng của biết bao nhiêu thế hệ. Thời gian gần đây người ta nhớ tới đế chế này đều nhờ vào những tác phẩm của Pixar, Marvel và phim chuyển thể live-action, còn những bộ phim cộp mác Disney thì lại quá ít hoặc thất bại thảm hại.
Mặc cho cơn sốt The Lion King chỉ mới bắt đầu bùng nổ, hàng loạt dự án chuyển thể khác của Disney đã chuẩn bị "lên sàn" hoặc rục rịch sản xuất. Sắp tới chúng ta sẽ có Maleficent: Mistress of Evil, Mulan, The Little Mermaid, xa hơn nữa là Pocahontas, Pinocchio, Peter Pan,...Dẫu vẫn còn quá sớm để có thể dự đoán về sự thành bại của những tác phẩm này, nhưng nếu Disney vẫn tiếp tục hướng đi một cách mù quáng, thiếu chọn lọc và nhất là thiếu sáng tạo thì chắc chắn sẽ bị chính người hâm mộ quay lưng.
Theo yeah1.vn
Disney đã tiêu tốn bao nhiêu tiền để sản xuất The Lion King phiên bản chuyển thể? Với kỹ xảo điện ảnh quá đỗi xuất chúng, kinh phí sản xuất của bộ phim The Lion King của Disney là một trong những yếu tố được người xem quan tâm hàng đầu. The Lion King (Vua Sư Tử) là bom tấn chuyển thể của Disney, vừa được ra mắt vào giữa tháng 7. Với những kỹ xảo điện ảnh chân thật...