5 cầu thủ Đồng Nai dính chàm bươn chải mưu sinh
Một năm sau ‘ngày đen tối’, Đức Thiện về quê mở quán café, Long Giang theo nghề của chị gái là làm nội thất ôtô…
Đúng một năm trước, ngày 20/7/2014, bóng đá Việt Nam rúng động khi nhóm cầu thủ Đồng Nai gồm Hữu Phát, Long Giang, Niệm Tiến, Đức Thiện, Kiên Trung, Thế Sơn bị bắt tạm giam vì tham giam gia dàn xếp tỷ số trận Đồng Nai thua Quảng Ninh 3-5 trên sân khách. Sau sự việc, cánh cửa đá bóng khép lại với các cầu thủ đang ở độ tuổi 25-27. Ngoại trừ Hữu Phát, các cầu thủ còn lại chỉ là người bị lôi kéo được trở về gia đình và bắt đầu tìm lối đi mới…
Nụ cười trở lại với Đức Thiện khi anh tiếp bạn trong quán café của mình ở Long Khánh, Đồng Nai. Ảnh: ĐT.
Vốn chỉ tập luyện bóng đá từ nhỏ nên khi rời khỏi môi trường này, các cầu thủ chót lần lầm lỡ không khỏi hoang mang tìm hướng đi mới cho bản thân. Chưa kể, việc cố gắng ổn định lại tinh thần sau biến cố lớn là điều không dễ và cần có thêm thời gian. Vượt qua tự ti ban đầu, nhiều người bắt đầu con đường mới của mình.
Một thời gian tĩnh lặng để suy ngẫm về những việc đã qua, khi đủ sức mạnh đối diện với tất cả, tiền vệ Đức Thiện quyết định mở một quán café nhỏ tại trung tâm thị xã Long Khánh quê anh. “T Coffe” diện tích gần 50 m2 là tâm huyết của ông chủ với từng đường nét bài trí, gam màu. Là người thích và chơi khá giỏi guitar, Thiện thiết kế quán theo phong cách mộc mạc, khách đến có thể thưởng thức hoặc tự chơi nhạc với nhiều cây đàn treo sẵn. Mới mở chỉ khoảng nửa tháng, nhưng do có “gu” riêng và giá cả phải chăng, quán có lượng khách kha khá.
Lần đầu tiên sau biến cố lớn cuộc đời, Thiện mở lòng: “Một bước đi sai lầm quá khứ chẳng ai muốn nhớ. Nghĩ lại rất buồn và ân hận và chỉ mong mọi thứ qua thật nhanh. Nhưng không thể sống mãi với quá khứ bởi cuộc sống tiến lên hàng ngày. Rồi mọi chuyện cũng phải qua và bản thân cần tìm hướng đi mới. Khởi đầu hành trình bao giờ cũng khó khăn nhưng có đi mới mở ra được con đường. Điều khiến tôi vui và thêm nhiều động lực là lúc khó khăn vấp ngã, luôn có gia đình, những người bạn thân chia sẻ, động viên. Quán café nhỏ mở ra đánh dấu một hành trình mới của bản thân. Vấp ngã này để lại cho tôi quá nhiều bài học. Trên hành trình sắp tới, tôi luôn ghi nhớ và nỗ lực nhiều hơn”.
Video đang HOT
Long Giang vẫn phong độ khi ra sân đá phủi. Ảnh: LG.
Trung vệ Long Giang tương tự Đức Thiện. Anh mất một thời gian để thấm thía tất cả, rồi lòng mình nhẹ lại và mạnh dạn tìm hướng đi mới. Một vài ý tưởng làm ăn để anh chọn lựa, nhưng cầu thủ quê Tiền Giang quyết định theo nghề của chị gái là làm nội thất xe hơi tại TP HCM. Tất cả chỉ mới ở giai đoạn “học việc”, như thuở nào anh bước vào bóng đá. Nhưng xác định được một mục tiêu phấn đấu lúc chông chênh là cả vấn đề. Theo dự tính, Long Giang có thể ổn định cuộc sống bằng việc lập tổ ấm nhỏ.
Cuộc sống với Thiện hay Giang không thể thiếu bóng đá, nhưng với họ bóng đá bây giờ chỉ còn là những trận cầu đá phủi với bạn bè, đan xen là chút hoài niệm.
Hậu vệ Hà Niệm Tiến cũng mất nhiều thời gian mới có thể ra quyết định chọn lựa cánh cửa mới cho mình. Giống như Thiện được bạn bè động viên, Tiến hùn hạp cùng nhóm bạn thân mở quán ăn nhỏ tại TP HCM. Quán mở ra, tùy khả năng mỗi người sẽ đảm nhận mỗi vị trí như nấu ăn, phục vụ, thu ngân…
Hậu vệ trẻ 23 tuổi Thế Sơn trở về quê hương Bình Thuận sau đó để bắt đầu lại cuộc sống không còn theo bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng có thể, Sơn sẽ lại quay về TP HCM để tìm kiếm cơ hội lập nghiệp. Tiền vệ Kiên Trung hiện cũng loay hoay tìm tìm một nghề tại TP HCM. Điểm chung của tất cả là rời bóng đá ai cũng bỡ ngỡ, cảm nhận như lạc lõng giữa chốn mưu sinh. Nhưng ai cũng phải gác lại quá khứ sai lầm để tiến lên chứ không thể mãi gặm nhấm nỗi đau do chính mình gây ra.
Tối 20/7/2014, ngay sau trận thua tại Quảng Ninh, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45 Bộ Công an) tạm giam 6 cầu thủ Đồng Nai để điều tra vụ cá độ liên quan đến nhóm tội phạm cá cược có tổ chức tại Đồng Nai. Trong 6 người bị tạm giam, hiện chỉ còn tiền vệ Phạm Hữu Phát (khi đó mang băng đội trưởng) chưa được trả về địa phương nhằm phục vụ thêm cho công tác điều tra. Hữu Phát được xác định là người đứng ra tổ chức vụ dàn xếp tỷ số, lôi kéo các cầu thủ khác tham gia với số tiền 400 triệu đồng bằng hình thức thua hai bàn cách biệt.
Vụ án đến nay vẫn chưa đưa ra xét xử. Ngay sau sự việc xảy ra, Đồng Nai đã thanh lý hợp đồng với cả 6 cầu thủ trên. Không lâu sau, VFF và AFC ra thông báo treo giò vĩnh viễn các cầu thủ này tham gia vào các hoạt động bóng đá do VFF và AFC tổ chức.
Theo VNE
Bị cắt hợp đồng, 6 cầu thủ bán độ tay trắng
CLB Đồng Nai khẳng định tiếp tục chơi quyết tâm ở ba trận còn lại ở mùa giải năm nay, thay lời xin lỗi đến người hâm mộ.
Nhóm cầu thủ nhúng chàm sẽ không được nhận tiền lót tay của năm hợp đồng còn lại 2015. Ảnh:Mai Hương.
Chiều 24/7, lãnh đạo công ty cổ phần bóng đá Đồng Nai quyết định thanh lý hợp đồng với 6 cầu thủ Long Giang, Phạm Hữu Phát, Đức Thiện, Niệm Tiến, Kiên Trung và Thế Sơn vì "vi phạm pháp luật, vi phạm hợp đồng, vi phạm quy chế bóng đá chuyên nghiệp".
Theo ông Nguyễn Văn Long - Giám đốc điều hành CLB Đồng Nai - các cầu thủ này sẽ không được nhận tiền lót tay (phí chuyển nhượng) của năm hợp đồng còn lại 2015. Từ đầu mùa, 6 người ký hợp đồng có thời hạn hai năm với CLB.
Khi đầu quân cho đội bóng, Phạm Hữu Phát nhận 600 triệu đồng một mùa, Long Giang, Đức Thiện nhận 500 triệu đồng, con số này của Niệm Tiến, Kiên Trung là 400 triệu đồng trong khi Thế Sơn là 300 triệu đồng. Quyết định được đưa ra sau khi cơ quan điều tra ra quyết định bắt khẩn cấp 6 cầu thủ trên vì tham gia tổ chức bán độ trong trận Than Quảng Ninh - Đồng Nai vòng 21 V-League.
Ngoài việc thanh lý 6 cầu thủ nhúng chàm, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cùng Công ty cổ phần bóng đá Đồng Nai đưa ra lời xin lỗi đến nhân dân tỉnh, người hâm mộ tỉnh và cả nước về vụ việc trên. CLB sẽ không "buông xuôi" mà sẽ thi đấu quyết tâm ở 3 trận còn lại của mùa giải 2014 để "chuộc lỗi lầm với người hâm mộ khắp nơi", như phát biểu của ông Long.
Lãnh đạo Sở và Công ty đều khẳng định "tiếp tục duy trì đội bóng". Ông Nguyễn Văn Quyết - Phó giám đốc Sở - cho biết: "Lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm đến bóng đá tỉnh nhà. Sự việc vừa qua cho lãnh đạo bóng đá Đồng Nai nhiều kinh nghiệm để từ những mùa giải sau sẽ chọn lọc cầu thủ kỹ lưỡng hơn, đặc biệt về đạo đức lớp kế thừa".
Ông Long phân tích: "Sự việc vừa qua liên quan đến sai phạm của những cá nhân, vì vậy lãnh đạo tỉnh vẫn quyết định duy trì đội bóng". CLB Đồng Nai được cấp 40 tỷ đồng mỗi năm dựa trên sự đóng góp của ba nhà tài trợ vốn là các doanh nghiệp lớn đóng trên địa bàn tỉnh. Ba doanh nghiệp này nắm tỷ lệ 35-35-30% cổ phần trong Công ty cổ phần bóng đá Đồng Nai.
Trước đó, sau vụ việc 6 cầu thủ Đồng Nai tham gia bán độ, Công ty cổ phần ôtô Trường Hải quyết định tạm ngưng giải ngân gói tại trợ 3 tỷ đồng.
Từ đầu tuần vừa qua, toàn đội Đồng Nai vẫn tích cực tập luyện để chuẩn bị cho trận gặp CLB Đà Nẵng ngay trên sân nhà. HLV Trần Bình Sự cho biết, đây là trận đấu mà toàn đội Đồng Nai mong chờ để "thay lời xin lỗi gửi đến người hâm mộ sau sự việc đáng buồn vừa qua".
Theo VNE
Vì sao cầu thủ bán độ? Câu hỏi này nhiều người đã đặt ra cách đây 9 năm khi lứa cầu thủ Văn Quyến, Quốc Vượng... "bán" một trận đấu ở SEA Games với giá 120 triệu đồng. Đó là cái giá quá bèo, khi mà trước đó rất lâu, Văn Quyến còn được thưởng cả chiếc xe Toyota Vios. Bây giờ, khi mà lương cầu thủ đã ở...