5 cách dạy dỗ kìm hãm sự trưởng thành của con, bố mẹ còn tiếp tục thì chẳng khác nào “đè một gã thiếu niên ra bắt mặc bỉm”
Đôi khi sự bao bọc quá mức của bố mẹ biến con trở thành một đứa trẻ to xác, mãi mãi không trưởng thành được.
Nhiều khi bố mẹ cứ tự hỏi “tại sao con nhà người ta độc lập thế, trưởng thành thế, tí tuổi đầu mà đã biết giúp đỡ người lớn bao nhiêu việc. Còn con nhà mình đến bê bát cơm lên miệng tự xúc ăn cũng không nên hồn”.
Thật ra, chẳng có gì là tự nhiên cả. Việc trẻ đã to xác mà còn cứ mãi ngây ngô, đôi khi cũng chính bởi 5 sai lầm dạy dỗ kinh điển dưới đây của bố mẹ:
1. Bố mẹ tranh làm mọi thứ
Nhiều ông bố bà mẹ có tư tưởng không muốn con động tay vào việc nhà vì sợ con sẽ làm vỡ, làm hỏng cái gì đó. Thế nên họ tranh làm hết mọi thứ với con. Chẳng hạn nhiều bà mẹ tự rửa bát vì lo con rửa ẩu hay vụng về làm rơi vỡ hết bát. Hoặc đi đâu chơi, mẹ cũng giành việc xếp hành lý, đóng gói vali vì sợ con đãng trí, bỏ sót đồ đạc.
Bố mẹ tự làm tất nhiên sẽ nhanh hơn khi để con làm. Nhưng nếu việc này cứ diễn ra thường xuyên thì con sẽ bị thụ động, sinh ra tâm lý ỷ lại. Không chỉ vậy, con còn thiếu đi các kỹ năng sống, kỹ năng xử lý mọi việc độc lập.
Dù đôi khi con làm sai, làm vỡ đồ đạc nhưng bố mẹ hãy cứ mặc để con tự trải nghiệm và rút ra bài học. Đó mới là điều khiến con có thể trưởng thành.
2. Bố mẹ vội vàng can thiệp khi con gặp khó khăn
Nếu con gặp khó khăn, tất nhiên bố mẹ sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Nhưng nhiều người lại lạm dụng điều này một cách thái quá. Không ít bố mẹ chỉ vừa thấy con gặp chút khó khăn là nháo nhào lên, vội vàng chạy ra can thiệp.
Ví dụ khi con kêu bài tập về nhà hôm nay khó, bố vội vàng ngồi xuống giải giúp. Con chẳng may ngã một cái, mẹ hốt hoảng lao vào rồi xuýt xoa đỡ dậy.
Theo các nhà tâm lý học, nếu muốn một đứa trẻ trưởng thành, bố mẹ cần dạy cho chúng cách đối phó với những cảm xúc khó chịu trong cuộc sống như thất vọng, hụt hẫng. Bên cạnh đó, trẻ cũng cần cơ hội để thực hành, tự giải quyết các tình huống, vấn đề gặp phải.
Nếu thấy con kêu ca bài khó, bố hãy cứ để mặc chúng xoay sở, động não suy nghĩ chán chê đến khi nào thật sự không nghĩ ra được cách hãy can thiệp. Cũng như khi con bị ngã, mẹ cứ để con tự đứng lên, tự phủi sạch quần áo.
Video đang HOT
Việc bố mẹ vội vàng giải cứu ngay khi trẻ chớm gặp khó khăn sẽ khiến chúng không thể học cách tự mình vượt qua thử thách.
3. Bố mẹ quản lý tất cả các hoạt động của con
Trong mắt các bậc làm cha mẹ, con cái dù lớn mấy cũng mãi mãi còn nhỏ dại. Chính vì vậy nên nhiều người lo sốt vó khi thấy con tự quyết định, tự làm việc gì đó theo ý mình. Với cái tâm lý sợ con vấp ngã, bố mẹ can thiệp vào mọi hoạt động trong đời sống cá nhân của con và cố gắng khiến chúng đi theo đúng quỹ đạo mình mong muốn.
Chẳng hạn con muốn mặc 1 bộ đồ nào đó để đi chơi với bạn, bố mẹ cũng phải quản lý và đưa ra ý kiến. Giống như 2 điều nêu trên thì đây cũng là 1 sai lầm phổ biến và kinh điển của bố mẹ, khiến con ỷ lại và phụ thuộc hoàn toàn vào người lớn.
Nếu muốn tốt cho con, bố mẹ cần cho chúng cơ hội để cư xử có trách nhiệm với hành động của bản thân.
4. Bố mẹ không để trẻ tham gia các hoạt động phù hợp với lứa tuổi
Rất nhiều đứa trẻ, dù tuổi không còn nhỏ nhưng đầu óc vẫn như một trang giấy trắng, lơ ngơ không biết gì. Đó là bởi bố mẹ không dám để chúng ở nhà một mình, cũng như giảy nãy lên sợ hãi khi thấy chúng tự sang đường.
Tâm lý lúc nào cũng lo sốt vó, sợ con chẳng may gặp rủi ro hay tổn thương nào đó khiến bố mẹ không nhận ra mình đã kìm kẹp sự phát triển của con. Họ cứ giữ con trong vòng tay và không để con tham gia, trải nghiệm một số hoạt động xã hội, hoạt động cuộc sống thường ngày dù chúng đã đủ tuổi.
Trẻ đôi khi mắc sai lầm, bị tổn thương nhưng nếu hậu quả ở mức chấp nhận được thì bố mẹ nên để chúng trải nghiệm. Chịu những hậu quả tự nhiên do sai lầm bản thân gây ra sẽ khiến trẻ trưởng thành, cứng cáp và đưa ra các lựa chọn chính xác hơn.
5. Bố mẹ để ra các nguyên tắc quá cứng nhắc
Nhiều ông bố bà mẹ có thói quen duy trì các quy tắc cứng nhắc như trong quân đội với con cái, mặc dù chúng thật sự chẳng cần thiết. Như việc cứ đúng 1 giờ trưa là con phải đi ngủ hay bữa tối phải ăn đúng giờ, không được chậm trễ.
Tất nhiên các quy tắc này bố mẹ đưa ra mục đích để tốt cho con, nhưng đôi khi những điều lệ quá cứng nhắc và độc đoán có thể gây hại hơn là có lợi.
Quy tắc là tốt, nhưng trẻ cần hiểu rằng sẽ có những trường hợp được ngoại lệ. Ví dụ con bạn không được nói leo, nhưng nếu có vấn đề không ổn xảy ra như cháy nhà thì con cần xen vào để thông báo cho bố mẹ.
Thay vì chỉ đưa ra quy tắc, bố mẹ hãy dạy cho trẻ tư duy linh hoạt, sẵn sàng bẻ cong quy tắc nếu cần.
Theo VerywellFamily/Helino
Bạn đọc viết: Tại sao con sống ích kỷ, vô tâm và hời hợt?
Cha mẹ lao động cật lực để tạo điều kiện tốt nhất cho các con ăn học đến nơi đến chốn, sắm sửa cho con quần áo, xe, điện thoại để con bằng bạn bằng bè.
Con lớn lên chỉ biết đòi hỏi, hưởng thụ và dửng dưng không thèm để ý tới việc bố mẹ bươn chải mưu sinh vất vả ra sao.
Ảnh minh họa
Nhiều phụ huynh than thở: Tại sao con lại ích kỷ, vô cảm đến thế? Tôi xin kể một vài câu chuyện thực tế tôi biết ở nhà họ hàng và người quen.
Sinh viên 19 tuổi không thèm làm việc nhà
Cháu thuộc diện con đầu cháu sớm trong gia đình nên ông bà, bố mẹ và các dì luôn quan tâm, chăm chút từng ly từng tí. Cháu thông minh, nhanh nhẹn nên khi đi học thường đạt danh hiệu học sinh giỏi trong lớp, bố mẹ tự hào về cháu. Hồi cháu nhỏ, chị tôi ôm đồm hết việc nhà để con toàn tâm toàn ý lo học hành. Chị có hướng dẫn cháu làm vài việc cơ bản nhưng rồi không giao khoán dứt khoát mà để cháu làm theo cảm hứng, rảnh thì làm, bận học thì thôi để đấy.
Khi cháu học cấp 3 thì có người yêu, anh chị càng ngăn cấm, cháu càng thể hiện như thách thức.
Đến nay cháu là sinh viên nhưng không động tay giúp mẹ việc nhà, cứ đi học về là lên phòng riêng chốt cửa, lướt mạng, hẹn hò. Bữa cơm, mẹ nhắc một vài câu là cháu lì lợm, bỏ ăn và không thèm nói nửa câu. Mẹ cháu tâm sự một cách cay đắng và bất lực: "Coi như nó đã đi lấy chồng!".
Con trai 17 tuổi đòi gì được nấy
Anh chị lấy nhau ở gần ông bà ngoại, ông bà suốt ngày lo cơm nước, trông nom các cháu. Nhà có điều kiện nên từ bé, cháu đòi gì được nấy và không phải làm việc nhà, chỉ cần học và chơi.
Quen được ông bà, bố mẹ đáp ứng vô điều kiện, cháu lớn lên sống rất ích kỷ và vô cảm. Tết về quê nội, cháu chán không khí tẻ nhạt ở quê nên nằng nặc đòi bố mẹ lên Hà Nội sớm. Người thân mất, cháu về quê theo bố mẹ như một cực hình, mặt mày cau có, xầm xì đến mức bố mẹ cháu cảm thấy xấu hổ với họ hàng.
Cháu đòi mua đồng hồ, điện thoại xịn, ví da, quần áo hàng hiệu. Bố mẹ không đáp ứng ngay thì cháu chống đối bằng cách không nói chuyện. Mẹ cháu phải chiều theo sở thích của con với lý do: "Không mua cho con, sợ con bỏ nhà ra đi".
Tại sao mẹ để con phải chờ 15 phút?
Câu chuyện chị đồng nghiệp kể hài hước mà ngậm ngùi. Con chị học lớp 12, đi học thêm cách nhà 7 km, cháu chưa biết đi xe máy nên mẹ vẫn phải đưa đón. Hôm ấy chị đi làm có chút việc phải giải quyết nên đến đón con muộn 15 phút mà con càu nhàu trách mẹ để con phải đợi, cháu đâu biết lưng áo mẹ đẫm mồ hôi. Tôi hỏi chuyện con chị có biết làm việc nhà, biết nấu ăn không? Chị nói, con chỉ biết dọn mâm, rửa bát, gấp quần áo, cắm cơm, luộc rau, tráng trứng.
Đến nay, thanh niên 17 tuổi này vẫn chưa thể nấu một bữa cơm nhà ra hồn. Chị bao lần định dạy con nấu ăn thì chồng lại xen ngang, tỏ vẻ không thích. Anh nói, chị chỉ cần cố một tí là xong bữa cơm, làm sao phải bắt con vào bếp cho khổ con. Chị kể, con rán nem thấy mỡ bắn thì bố đội cho cái mũ bảo hiểm vì sợ bỏng, anh cáu kỉnh mắng chị không biết xót con...
Chắc chắn để cải biến một đứa trẻ vô cảm hời hợt, dửng dưng với chính người thân trong gia đình là điều quá khó khăn. Câu ca xưa các cụ nói "Dạy con từ thủa còn thơ" thực sự có ý nghĩa giáo huấn sâu sắc. Không thể tự nhiên có một đứa con biết nghĩ, hiếu thảo với cha mẹ khi chúng ta chỉ chăm chú bắt con học chính, học thêm tối ngày, không cần làm bất cứ việc gì, chỉ cần học giỏi. Con không biết thương bố mẹ thì làm sao có thể xắn tay giúp đỡ bạn bè và mọi người xung quanh?
Tôi nghĩ, cách dạy con biết lao động mà đơn giản nhất là làm việc nhà ngay từ khi con bé rất hiệu quả. Chúng ta vẫn quen cách rao giảng mỗi khi con phạm lỗi: Bố mẹ đi làm vất vả thế này mà sao lớn rồi không biết thương bố mẹ? Con tôi luôn nghịch ngợm, ngay trong bữa cơm cũng để bố mẹ cáu tiết. Tôi giao hẹn, con tự vào bếp nấu cơm mặc dù con phản đối "Con không biết làm". Tôi đứng cạnh phụ giúp, hướng dẫn và chấp nhận khi con nấu bữa cơm khó nuốt, cơm khô sống vì thiếu nước, nem khét đắng, rau cải để nguyên không cắt khúc. Con đi học bằng xe đạp, xe hỏng con tự đi bộ tới trường. Việc nhà tôi giao cụ thể cho con, mỗi lần con mắc lỗi thì lại tăng thêm một việc nào đó. Trẻ con hiểu được giá trị của lao động sẽ biết quý trọng, biết ơn cha mẹ đã vất vả, hết lòng vì các con.
Dạy con là một việc rất khó, cần linh hoạt và nghiêm khắc từ cha mẹ!
Thanh Mai
(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)
Theo Dân trí
Dạy trẻ làm chủ đồng tiền Nhiều chuyên gia nhìn nhận, việc thiếu hụt kiến thức nền tảng về tài chính làm ảnh hưởng lớn đến kế hoạch tổ chức cuộc sống sau khi trưởng thành của người Việt. Ngoài ra, điều này còn khiến cách ứng xử của các em với đồng tiền bị lệch lạc. Cha mẹ cần dạy trẻ cách quản lý đồng tiền ngay từ...