5 bộ “quay mòng” với quản lý an toàn thực phẩm
(Dân trí) – Từ những lo lắng muôn thủa về thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể tới “chuyện mới cập nhật” về thực phẩm chức năng, biến đổi gen… đều không kém “đau đầu” để tính cách quản lý.
UB Thường vụ QH thảo luận về dự Luật an toàn thực phẩm hôm 16/10.
Ít nhất 5 bộ, ngành cùng được huy động tham gia soạn thảo dự Luật an toàn thực phẩm. Cũng không mấy khi một phiên thảo luận tại UB thường vụ QH có nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng cùng phải lên tiếng đến vậy (Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học – Công nghệ, Bộ Tài Nguyên – Môi trường, Bộ NN&PTNT…).
Tham gia thảo luận, đại diện Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào kiến nghị tập trung làm rõ quy chế quản lý thức ăn đường phố, thức ăn tập thể và lĩnh vực kinh doanh thực phẩm chức năng vì những vấn đề này tác động lớn đến cả cộng đồng.
Bộ Công Thương nêu yêu cầu kiên quyết “chặn” cửa việc kinh doanh, mua bán thực phẩm chức năng theo phương thức bán hàng đa cấp. Bộ cũng kiến nghị cần có chứng cứ khoa học xác minh “chức năng” của mặt hàng này, bổ sung quy định về “thực phẩm công thức dùng cho trẻ nhỏ”, “thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng” vì đây là nhóm hàng có tác động quan trọng đối với sức khỏe của trẻ nhỏ và cộng đồng.
Video đang HOT
Thức ăn đường phố xếp số 1 về nguy cơ thiếu an toàn thực phẩm.
Về quản lý thức ăn đường phố (mục 5, chương III dự thảo luật) quy định điều kiện bảo đảm an toàn đối với loại hình kinh doanh thực phẩm này. Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, do đặc thù phát triển từ một nước nông nghiệp, sản xuất chế biến thủ công, quy mô hộ gia đình nên các cơ sở chế biến thức ăn đường phố là phổ biến. Số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố rất lớn, khó kiểm soát hết.
Chủ nhiệm UB Dân nguyện Trần Thế Vượng gật đầu, tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của dự luật. Ông Vượng cho rằng, một nền sản xuất nhỏ, phân tán, hộ nào cũng trồng rau, cấy lúa, nuôi gà nhập khẩu thì có cả đường chính ngạch và tiểu ngạch khâu phân phối góp sức với vô vàn chợ tạm, chợ cóc… không hiểu việc kiểm tra, giám sát tiến hành thế nào. Ông Vượng cảnh báo nguy cơ luật ban hành ra mà không thực hiện được.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường (Bộ TN-MT) Lê Thế Sơn cung cấp thêm ví dụ phản biện về tính thực thi của các quy định. Dự luật đề ra những quy định rất cụ thể như thực phẩm phải được bày bán trên bàn ghế cao hơn mặt đất nhưng định lượng thế nào là “cao hơn mặt đất” thì không dễ để phán xử.
Hay quy định kinh doanh thực phẩm trên đường phố phải có phương tiện che nắng mưa bụi bẩn, côn trùng. Nhưng ngoài côn trùng ra thì còn rất nhiều tác nhân nguy hại khác sao lường được hết. “Luật chặt mà vẫn chưa kín?” – ông Sơn đặt câu hỏi.
Băn khoăn danh tính thực phẩm biến đổi gen
Qua giám sát của QH kỳ họp thứ 5 vừa qua cho thấy những con số “phát hoảng” về tình trạng ngộ đọc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, đặc biệt tại các khu công nghiệp. Từ năm 2004 – 2008, số vụ ngộ độc thực phẩm trung bình xảy ra tại khu vực này là 7 – 32 vụ/năm với số người mắc là 905 – 3.589 người/năm (bình quân 113 người/vụ).
Theo UB Khoa học công nghệ và môi trường, do vậy, dự thảo Luật cần có các quy định quản lý an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể. Quy định về cách chế biến, lưu mẫu, trách nhiệm của chủ sơ sở sản xuất, bếp trưởng trong việc thực hiện quy định đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn là mảng trống trong dự thảo Luật.
Thực phẩm biến đổi gen gây không ít hoang mang, tranh cãi.
Tranh luận cũng thể hiện trong nội dung bàn về quản lý thực phẩm biến đổi gen. Theo điều luật được thiết kế, loại thực phẩm này phải có giấy chứng nhận an toàn sinh học do cơ quan có thẩm quyền cấp, phải ghi rõ trên nhãn dòng chữ “thực phẩm biến đổi gen”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, hiện chưa có chứng cứ khoa học xác định chắc chắn tác động có hại của thực phẩm biến đổi gen đối với sức khỏe con người. Dù vậy, cũng cần có quy định khi vượt mức giới hạn tỷ lệ nguyên liệu biến đổi gen trong thực phẩm thì phải ghi nhãn.
UB Khoa học công nghệ và môi trường nhận định, quản lý thực phẩm biến đổi gen là một vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Ở Châu Âu, các nước trong EU có quan điểm chặt chẽ, thực phẩm có hàm lượng nguyên liệu biến đổi gen trên 0,9% đều phải ghi nhãn. Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc… thì nới khung tới tỷ lệ 1 – 5%. Nhưng Mỹ, Argentina, Canada, Malaysia… thì lại chủ trương “không phải công khai”.
Cơ quan thẩm định nêu quan điểm đề nghị ban soạn thảo quy định giới hạn tối thiểu tỷ lệ nguyên liệu biến đổi gen trong thực phẩm thì phải ghi trên nhãn hàng nội dung này. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu phân trần nếu “dính tí cũng ghi” thì “cứng” quá, không ghi thì ảnh hưởng cho nền kinh tế. Ông Triệu xin tiếp thu, ướm thử một tỷ lệ nguyên liệu biến đổi gen buộc phải ghi nhãn là 3 – 4%.
Dự Luật an toàn thực phẩm sẽ được trình QH xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 sẽ khai mạc vài ngày tới.
P. Thảo