5 biến tấu món ngon từ thịt bò
Bò nướng ngói, bò lá lốt hay bò tái chanh… đều là những món ăn chơi ngon miệng được nhiều người ưa thích.
1. Bò nướng ngói
Có nguồn gốc từ miền Tây, bò nướng ngói là món ăn được nhiều du khách ưa thích trong khu ẩm thực ở chợ đêm Bến Thành. Bò nướng ngói được chế biến khá đơn giản với phần thịt bò phi lê được ướp thấm gia vị. Thay vì nướng trên vỉ, người dân miền Tây Nam bộ đã sử dụng những miếng ngói mỏng đặt lên bếp than hồng, khi miếng ngói nóng lên, người ta sẽ thoa một lớp dầu trước khi cho thịt bò lên nướng. Bò được làm chín bằng sức nóng nên không bị cháy và vẫn giữ được vị ngọt thịt thơm ngon.
Thịt bò nướng ngói được cuốn bánh tráng với bún tươi cùng các loại rau sống như xà lách, tía tô, diếp cá, húng thơm, húng quế….cùng chén mắm nêm đậm đà cay xé lưỡi.
Địa chỉ: Khu ẩm thực chợ đêm Bến Thành (quận 1).
2. Bò nướng đá
Nếu bò nướng ngói là một đặc sản của miền Tây Nam bộ thì bò nướng đá là món ăn đặc sắc của ẩm thực rừng núi Tây Nguyên. Cách chế biến món ăn gần giống bò nướng ngói nhưng được thay thế bằng những phiến đá có sẵn ở vùng đất này. Bò được sử dụng là loại bò thịt ở Tây Nguyên, được nuôi tự nhiên ngoài đồng cỏ nên cho thịt săn chắc, mềm, có vị ngọt nhẹ rất ngon. Thịt bò được ướp với các gia vị như ngũ vị hương, muối, một ít đường, hành tím, tỏi, sả băm và vừng… rồi nướng chín.
Video đang HOT
Bò nướng đá thường làm món lai rai bên ché rượu cần hoặc cuốn bánh tráng như cách thưởng thức của người miền Tây. Ở Sài Gòn, bạn có thể ghé quán Ẩm Thực Tây Nguyên – khu du lịch Bình Quới, Thanh Đa (quận Bình Thạnh).
3. Bò tái chanh
Bò tái chanh dễ chế biến, thịt bò chín mềm, có vị chua thanh nhẹ lạ miệng. Bạn có thể thưởng thức món ăn này bằng cách cuốn bánh tráng, ăn kèm cơm nóng hay làm món lai rai đều thích hợp. Điều kiện để có món ăn này ngon là thịt bò phải tươi, mềm. Thịt bò được thái thành từng lát mỏng, vắt hết máu đỏ ở thịt, ướp với ít gia vị rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh.
Các loại rau ăn kèm như hành tây, được thái nhỏ, chần sơ qua nước sôi. Ngò tàu rửa sạch thái khúc, đậu phụng giã nhuyễn, chuối chát gọt vỏ, khế chua rửa sạch thái lát mỏng. Khi ăn bạn vắt chanh lên thịt bò, trộn đều để bò chín tái (nếu không thích tái, bạn có thể chần sơ thịt bò qua nước sôi trước khi trộn với chanh). Dọn ra đĩa và ăn kèm với các loại rau…
Địa chỉ: quán bò 7 món – 490 An Dương Vương (quận 5); quán Anh Ba – 1 Phan Xích Long, phường 2 (quận Phú Nhuận).
4. Bò cuốn lá lốt
Có thể nói đây là món ăn vặt bình dân và phổ biến nhất trong các ăn được chế biến từ thịt bò. Ở Sài Gòn, bò lá lốt được bán rất nhiều và hình thành những địa chỉ nối tiếng như khu Tôn Đức Thắng (quận 1); khu Võ Văn Tần (quận 3); khu Phan Xích Long (quận Phú Nhuận); khu Hoàng Hoa Thám (quận Phú Nhuận)… Nếu có dịp đi ngang những khu phố này vào lúc chiều tối, bạn sẽ thấy những quán bò lá lốt đông nghẹt khách với hương thơm hấp dẫn đang tỏa ra từ những vỉ nướng.
Nguyên liệu cho món ăn này gồm thịt bò, thịt lợn được băm nhuyễn, cuốn trong lá lốt và nướng trên bếp than hồng. Những cuốn bò lá lốt được nướng chín tới tỏa mùi thơm của thịt bò hòa lẫn trong hương thơm của lá lốt nước tạo thành một hương thơm không thể hấp dẫn hơn. Bò lá lốt được ăn kèm với bún, bánh tráng, các loại rau xà lách, diếp cá, húng quế.. thêm một ít chuối chát, dưa leo, khế thái lát mỏng và dĩ nhiên không thể thiếu chén mắm nêm.
5. Bò bít tết
Bò bít tết là món ăn Tây đã được Việt hóa. Món ăn được người Pháp mang vào Việt Nam từ thế kỷ 18, là một phần thịt bò lớn được nướng cháy cạnh, ăn kèm là nước sốt và salad. Trước đây, bò bít tết chỉ có mặt trong các nhà hàng, quán ăn sang trọng. Ngày nay, món ăn đã trở nên bình dân với sự pha trộn nhiều nguyên liệu hơn. Ngoài phần chính là thịt bò, còn có trứng, pate, khoai tây… Bò bít tết thường được thực khách lựa chọn cho món điểm tâm sáng hoặc món ăn lúc chiều tối.
Địa chỉ: Quán bò Vinaone – 44 Mạc Thị Bưởi (quận 1); 107 Nguyễn Đức Cảnh (quận 7). Bò bít tết Lệ Hồng – 489/27/29 Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận).
Theo Tapchiamthuc
Những 'biến tấu' tuyệt ngon từ ghẹ càng xanh
Không ai dư hơi đi cãi nhau với... thành ngữ, chứ cái câu "đắt như tôm tươi" là thiên vị anh tôm rồi. Nên nhớ, ghẹ càng xanh cũng "hút" người mua bu lớp trong lớp ngoài, bị giành búa xua khi vừa được đưa lên bến.
Giành là giành bằng miệng thôi, ai cũng tranh nhau nói "cân cho tui đi" chứ chẳng dám bốc bởi rất ngán cặp càng lúc nào cũng huơ lên trong tư thế sẵn sàng... kẹp.
Có mấy lý do để giành. Một: ghẹ tươi rói, thịt rất thơm và ngọt, là người bạn thân thiện của những đứa trẻ còi xương chậm lớn. Hai: mua tại bến bao giờ cũng rẻ hơn, trong khi giá ở chợ đắt gấp rưỡi. Còn ở nhà hàng, quán xá thì khỏi nói, mắc... đế đô luôn.
Thấy một anh chàng vẻ thư sinh đứng ngoài vòng chen lấn với vẻ mặt lớ ngớ, một chị mới mua được hai ký ghẹ vừa quệt mồ hôi vừa nói anh xông vô đi chớ, ở bến cá mà anh mua kiểu văn hóa thì cái càng cũng không có mà mút.
Nghĩ sao, chị lách người qua đám đông, lát sau quay ra với ba ký ghẹ gọn gàng trong túi ni lông. Chị nói anh văn hóa à, tui mua giùm anh, đưa đây trăm rưỡi thôi. Anh "văn hóa" rối rít cảm ơn. Chị mua giùm cười híp mắt, nói tui chỉ lấy "cám" vì nhà nuôi heo, còn ơn thì trả lại cho anh đó.
Với bốn món: hấp sả, nướng, rang me và nấu canh chua lá giang, ghẹ càng xanh được cho là có nhiều "biến tấu" nhất trong họ hàng nhà cua.
Món ghẹ rang me cho hương vị chua thanh, ngòn ngọt, mằn mặn, ăn với cơm ngon ơi là ngon. Món ghẹ hấp sả mê hoặc người ăn bởi vương vương hương vị vườn nhà. Riêng cái anh ghẹ nấu canh lá giang, thả trái ớt xanh giã giập vào thì chưa thấy đã thèm, cứ phải nói là kẻ chan người húp rất "chăm chỉ". Lá giang cho vị chua nhè nhẹ khiến miếng thịt ghẹ khá đậm đà.
Nhớ hồi nhỏ ăn ghẹ, gặp chùm trứng vàng ươm, mình mừng hết lớn. Chăm chú "nghe" trứng ghẹ bùi bùi beo béo nên thằng cu Em ngắt véo, nói cho em chút, mình cũng lờ đi. Bây giờ, lâu lâu nó nhắc, mình nói về quê tao đền cho. Nó nói chùm trứng hồi nhỏ bằng trăm giỏ bây giờ, đền sao được mà đền?
Còn món ghẹ nướng thơm lựng thì cứ thong thả gửi hương cho cả xóm. Ăn món này, bạn tách mai ghẹ ra, bẻ cái que của nó làm muỗng cời từng thớ thịt, chấm với muối ớt. Chầm chậm nhai sau khi nhấm tí "cay", bạn sẽ thấy mênh mang chiều buông hồi nào hổng biết.
Theo Tapchiamthuc
[Chế biến] - Thạch dâu tây Cắn một miếng thạch dâu, bạn cảm nhận vị hoa quả tươi và vị thạch thanh mát. Nguyên liệu: 24 - 30 quả dâu tây to1 gói bột agar; 1 cốc rượu tequila cốc rượu mùi cointreau (loại rượu để pha cocktail)Đường; 1-2 quả chanh Cách làm: Bước 1. Đặt quả dâu lên thớt, cắt ngang để bỏ đi phần núm. Bước 2....