5-10% số người dân bị nhiễm “amip ăn não người”
Ở Việt Nam, loại ký sinh trùng “ amip ăn não người” đã xuất hiện từ lâu, thâm nhập vào cơ thể người đơn giản là qua phân và nước bẩn.
Xét nghiệm PCR để tìm ra “amip ăn não người” tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM
Ngày 30-8, tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM vừa ghi nhận bệnh nhân đầu tiên tử vong do não đã bị ký sinh trùng amip tấn công và “ăn thịt” các tổ chức tế bào não. Tuy nhiên, theo PGS – TS Nguyễn Văn Đề, Trưởng khoa Ký sinh trùng (ĐH Y Hà Nội), loại ký sinh trùng này đã xuất hiện từ lâu, thâm nhập vào cơ thể người đơn giản là qua phân và nước bẩn.
TS Đề cho biết: Đề tài nghiên cứu được ông công bố gần đây cho thấy: Amip phân bổ trên khắp các tỉnh/thành. Loại ký sinh trùng đường ruột này lây lan và phát tán chính qua phân, nếu phân có chứa mầm bệnh được mang đi tưới rau hoặc được đổ thải xuống sông, hồ thì theo đó mà lây lan. Chính vì thế, người dân ở nông thôn, nữ giới có tỉ lệ mắc cao hơn tương ứng với người dân thành thị, nam giới. Tuy nhiên, trẻ em không phải là đối tượng mắc nhiều. Tỉ lệ nhiễm ký sinh trùng này trong cộng đồng, tức là số người có bào nang trong người khoảng 5 – 10%. Tuy nhiên, nó chỉ thể hiện thành bệnh khi có điều kiện thuận lợi trong ruột, hoặc khi cơ thể yếu, sức miễn dịch kém. Từ ruột, amip sẽ theo đường máu đi lên gan gây áp xe gan, lên não gây áp xe não… Việc xuất hiện amip ở não, tại Viện Sốt rét ký sinh trùng và côn trùng TƯ, ĐH Y Hà Nội đã ghi nhận có nhiều trường hợp. Tuy nhiên, hiếm gặp ca tử vong. Bởi nếu được chẩn đoán đúng bệnh, kịp thời thì có thể khỏi hoàn toàn.
Ca tử vong ghi nhận tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM có thể là do bệnh nhân đã đến muộn, hoặc tổ chức não bị áp xe là vùng nguy hiểm – nơi có chức năng quan trọng, vì thế sự tổn thương ở não là nặng nề gây ra cái chết. Amip làm hủy hoại tổ chức não nên bệnh được gọi là áp xe não do amip gây tử vong.
Ký sinh trùng amip có thể tồn tại trong mọi loại rau nếu được tưới bằng phân hoặc nước bẩn
Video đang HOT
Theo đề tài công bố của TS Đề, ký sinh trùng amip có thể xuất hiện trong tất cả mọi loại rau nếu được tưới bằng phân hoặc nước bẩn chứa mầm bệnh. Khi rau, thức ăn được nấu chín qua nhiệt độ 70 độ C thì mầm bệnh sẽ bị diệt. Vì thế, chỉ bằng thực hành ăn chín uống sôi, không tắm ao hồ nước bẩn, rửa tay xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, đã có thể phòng nhiễm amip được.
Tuy nhiên, TS Đề cũng lưu ý ông đã gặp nhiều bệnh nhân từ nặng đến nhẹ, nhiều trường hợp tử vong oan do cơ sở y tế không chẩn đoán đúng bệnh nhân đã bị nhiễm ký sinh trùng nên chữa theo hướng bị u chẳng hạn. Bệnh nhân bị hội chứng lị ở ruột, siêu âm thấy trong gan có ổ áp xe, chụp CT thấy ổ áp xe não thì cần xét nghiệm elisa xét nghiệm máu và phân, nếu đúng nhiễm amip, hoặc các loại giun sán chỉ cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tái khám đúng hẹn, bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Theo bệnh viện Mắt TƯ, mỗi năm tại đây cũng ghi nhận từ 4 – 5 trường hợp viêm loét giác mạc do amip. Khi mắt bị va đập, dẫn đến tổn thương loét, ký sinh trùngamip sẽ từ ngoại cảnh môi trường (như bùn đất, vật bẩn) thâm nhập vào tổ chức mắt qua chỗ tổn thương, gây nên loét giác mạc. Nếu phát hiện sớm một vài ngày sau đó và đến bệnh viên điều trị, thị lực có thể phục hồi. Nếu muộn, điều trị sẽ khó khăn do vết loét đã sâu, lượng ký sinh trùng đã sinh sôi nảy nở nhiều, khó diệt, khiến mắt bị đau nhức, lâu ngày sẽ dẫn đến hỏng và phải bỏ mắt.
BS Nguyễn Hoan Phu – Phó khoa Nhiễm Việt – Anh bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM – người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân đầu tiên nhiễm loại amip trên cho biết: Khi amip naegleria fowleri thâm nhập vào mũi sẽ theo cơ quan xúc giác tấn công lên não. Các triệu chứng thường bắt đầu trong vòng hai tuần bị nhiễm trùng và bao gồm nhức đầu, sốt, buồn nôn, nôn mửa và cổ cứng. Sau đó, bệnh nhân trở nên bối rối, không thể tập trung và có thể bị co giật, ảo giác. Nhiễm trùng bệnh tiến triển nhanh và thường gây ra tử vong trong sau 3-7 ngày.
Theo TS BS Mạnh Siêu – GĐ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM: “Đây là loại bệnh có tỉ lệ tử vong cao – chiếm từ 95-98%. Trong tự nhiên, do nước ngọt bề mặt rộng lớn, amip nếu có tồn tại cũng không thể gây bệnh cho tất cả mọi người, vì thế cho nên tần suất nhiễm bệnh rất thấp, không gây thành dịch.
Ở nước ngoài, người ta chỉ sợ môi trường hồ bơi, khi có quá nhiều người tập trung vào một chỗ, khả năng amip từ xoang mũi của người này đi vào nước và lan sang người khác cao, do đó cần đề phòng bệnh lây lan trong hồ bơi. Nhưng ở nước ta, các hồ bơi được cho thuốc sát trùng rất nhiều, khó có khả năng amip tồn tại.
Để phòng tránh, tốt nhất khi bơi ở ao hồ, sông suối, không nên nuốt nước hoặc để bị sặc nước vào mũi, ngoài ra nên uống nước chín để loại trừ amip. Biện pháp khử trùng nước tự nhiên không khả thi. Đây là bệnh hiếm gặp nên người dân không nên hoang mang lo lắng…”.
Theo ANTD
Kinh sợ: xuất hiện tại VN
Nạn nhân P.V.T (25 tuổi, quê Phú Yên) nhanh chóng tử vong vì bị một loại sinh vật đơn bào xâm nhập vào cơ thể và ăn não bộ.
Ảnh chụp amip ăn não qua kính hiển vi.
Tại BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, lần đầu tiên phát hiện một bệnh nhân bị loại amip này tấn công và tử vong sau 2 ngày nhập viện.
Tử vong trong vòng 7-14 ngày
Bệnh nhân vừa được phát hiện tử vong tên P.V.T, 25 tuổi, quê ở xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa, Phú Yên và hiện đang tạm trú tại Bình Thạnh, TPHCM làm nghề buôn bán đậu phộng.
Trước đó, nạn nhân này có về quê và cùng bạn bè xuống ao lặn để mò ốc, trai. Sau khi quay trở lại TPHCM, đến ngày 29.7, bệnh nhân có biểu hiện lơ mơ, nhức đầu, sốt và được đưa đến BV Nhân dân Gia Định kiểm tra. Kết quả chọc não tủy và dưới lớp kính hiển vi, các BS đã phát hiện một loại amip tồn tại trong não bệnh nhân nhưng chưa định danh được cụ thể.
Đến ngày 30.7, sau khi hội chẩn và thấy diễn tiến bệnh nặng, bệnh nhân T đã được chuyển trực tiếp đến BV Bệnh nhiệt đới để điều trị.
Hình ảnh amip ăn não qua mô tả đồ họa
BS Nguyễn Hoan Phú, Phó khoa Nhiễm Việt - Anh, BV Bệnh nhiệt đới cho biết: "Khi thấy bệnh nhân có các biểu hiện cứng cổ, thở nhanh, sốt 39 và sau tăng lên 40 độ có dấu hiệu của viêm não, màng não là gây bệnh nhiễm trùng lên hệ thần kinh, chúng tôi đã làm xét nghiệm PCR sau đó phát hiện ra một loại amip không phải loại thông thường. Theo y văn thế giới, đây là một loại amip được gọi với tên "amip ăn não người".
Sau khi nhập viện được một ngày, bệnh nhân đã bắt đầu sốt cao, bị hôn mê sâu và ngừng tim, sau đó tử vong trên đường về quê. Một tuần sau chúng tôi mới định danh được loại amip nói trên".
Các BS đã tiến hành điều tra dịch tễ và nhận thấy trong não của bệnh nhân T có loại amip thường sống trong những vùng nước ngọt như ao, hồ, sông... đi vào cơ thể người thông qua đường mũi và theo thần kinh khứu giác tới sàn sọ và tiến vào não. Trong vòng 7-14 ngày sau khi thâm nhập, loại amip này đã ăn dần não của bệnh nhân để tồn tại, khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng.
Có thể điều trị khỏi nếu phát hiện sớm
Trước sự nguy hiểm của loại amip lần đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Hoan Phú giải thích thêm: Theo y văn thế giới, chỉ riêng tại Mỹ, từ năm 1937 đến nay đã có 121 ca bệnh liên quan đến amip ăn não được phát hiện, trong đó chỉ một ca được cứu sống.
Tên gọi khác của amip ăn não là Naegleria fowleri, đây là một loại sinh vật đơn bào excavata sinh sống tự do, thường được tìm thấy trong các khu vực nước ngọt ấm như ao, hồ, sông, suối nước nóng, thậm chí tìm thấy trong đất gần khu nước thải có độ ấm của các nhà máy công nghiệp và bể bơi không được xử lý bằng hóa chất chlor.
Khi xâm nhập vào cơ thể người, loại amip này phát triển nhanh, sau đó di chuyển lên não và ăn các tế bào thần kinh, gây nên sốt nặng, có ảo giác, đau đầu khủng khiếp và thậm chí mất khả năng kiểm soát hành vi. Các nhà khoa học mô tả loại amíp này gây tử vong nhanh đến nỗi rất khó nghiên cứu chúng tại phòng thí nghiệm.
Mặc dù số lượng mắc bệnh rất hiếm gặp nhưng nếu bị nhiễm ký sinh trùng thì gần như đa số người bệnh đều bị tử vong với tỉ lệ 98%.
Bác sĩ Phú cho biết: Khi một người có biểu hiện nhức đầu, buồn nôn, sốt, cứng cổ, xuất hiện ảo giác... thì nhanh chóng đến các cơ sở y tế để kiểm tra. Do đây là bệnh mới nên các triệu chứng ban đầu này dễ nhầm với viêm não, màng não do vi khuẩn hoặc do virus nên việc chẩn đoán rất khó khăn. Vì thế, các bác sĩ phải hỏi rõ bệnh nhân có tiếp xúc với nguồn nước ao hồ như tắm, bơi lội, lặn.
Nếu có yếu tố dịch tễ trên thì phải tiến hành chọc dò khảo sát dịch não tủy. Loại amip này rất dễ phát hiện qua kính hiển vi. Tuy nhiên, cũng theo bác sĩ Phú, nếu phát hiện bệnh sớm thì vẫn có thể điều trị được.
Theo ANTD
Cảnh báo 'amip ăn não người' từ nước muối nhỏ mũi tự pha Có ít nhất 2 bệnh nhân ở Mỹ đã tử vong sau khi dùng dung dịch nước muối tự pha để súc rửa mũi, theo báo cáo mới nhất từ một cuộc điều tra các ca tử vong của Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh Mỹ. Nạn nhân đã qua đời là một người đàn ông 28 tuổi và một phụ nữ...