48 giờ ở Hà Giang
Hà Giang là điểm đến vào mỗi dịp mùa xuân khi đủ mọi loại hoa khoe sắc, thiên nhiên trong lành, thích hợp cho những người yêu mùa lạnh.
Ngày 1
Buổi sáng và trưa
Khởi hành từ Hà Nội khoảng 6h, ăn sáng trên xe với đồ ăn uống được chuẩn bị sẵn. Đoạn đường từ Hà Nội tới TP Hà Giang 300 km, thời gian di chuyển khoảng 5 tiếng 30 phút.
Đến thành phố Hà Giang, du khách dừng ăn cơm trưa tại một trong những nhà hàng nổi tiếng tại đây được nhiều người gợi ý – Nhà hàng Km0. Du khách cũng có thể chọn một số nhà hàng khác tại thành phố như Ngói Đỏ, Đức Giang.
Sau khi ăn trưa du khách có thể chụp ảnh check in tại cột mốc Km0 của TP Hà Giang. Đây là điểm giao nhau của QL2, QL34 và QL4C hay còn gọi là điểm bắt đầu của Con đường hạnh phúc đi qua 4 huyện gồm Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn và Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang.
Buổi chiều và tối
Buổi chiều di chuyển qua các điểm check in khác là Cổng trời Quản Bạ, chụp hình với Núi đôi Cô Tiên, ngắm toàn cảnh thị trấn Tam Sơn từ trên cao. Đây là một loạt các điểm tham quan nằm trên đường đi giữa TP Hà Giang và thị trấn Yên Minh.
Núi đôi Quản Bạ nằm trên đường đến thị trấn Yên Minh.Tối đến thị trấn Yên Minh, nhận phòng nghỉ đêm tại khách sạn Bằng Thảo. Khách sạn sạch sẽ, đầy đủ tiện ích thiết yếu. Tại đây có nhà hàng phục vụ cơm và lẩu khá ngon.
Yên Minh nhỏ, buổi tối vắng vẻ và ít quán xá, không có nhiều hoạt động nên du khách chủ yếu sinh hoạt theo nhóm hoặc uống cà phê và trà tại vài quán nhỏ ở trung tâm thị trấn.
Ngày 2
Video đang HOT
Buổi sáng và trưa
Du khách khởi hành từ thị trấn Yên Minh, nghỉ chân ở xã Phố Cáo (huyện Đồng Văn) ăn sáng.
Đoạn đường gần 20 km, thời gian di chuyển khoảng 45 phút. Ở vùng này có khá nhiều món ngon đặc trưng như xôi ngũ sắc, bánh bò, thắng cố, cơm lam. Nếu đến đây vào đúng dịp chợ phiên, du khách nên ăn trong chợ, còn nếu không có thể tìm được các món ăn này rải rác trong thị trấn.
Trước khi đến Phố Cáo, có một địa danh mà du khách không thể bỏ qua đó là dốc Thẩm Mã. Đây là địa điểm mà chụp ảnh từ trên cao xuống thấy rõ cung đường đèo uốn lượn rất đặc biệt, nhất là khi chính du khách vừa trải nghiệm đoạn dốc đó.
Chặng tiếp theo, di chuyển từ Phố Cáo đến Sủng Là, thăm Làng Văn hóa Lũng Cẩm, nơi có ngôi nhà cổ của người H’Mông đã được sử dụng làm bối cảnh để quay bộ phim “Chuyện của Pao” năm 2006. Tại đây cũng có với vườn hoa cải và tam giác mạch rất đẹp.
Du khách có thể chuẩn bị ít quà bánh tặng các em bé dân tộc mặc những bộ quần áo nhiều màu sắc đón khách. Đây cũng là nơi có nhiều cảnh đẹp, hoa cải trắng, cải vàng và cả hoa đào đang nở rực rỡ nên du khách có thể chụp được rất nhiều ảnh.
Di chuyển tiếp theo QL4C hướng về phố cổ Đồng Văn. Đoạn đường khoảng 25 km với thời gian di chuyển chừng một tiếng. Nghỉ ăn trưa tại trung tâm thị trấn.
Thị trấn Đồng Văn tấp nập, nhiều món ăn ngon, nhà hàng lớn, quán cà phê đẹp. Du khách có thể chọn các món như lẩu bò, lẩu gà đen, thắng cố. Các món nhẹ nhàng hơn có bánh cuốn chấm nước dùng từ xương lợn, cháo ấu tẩu. Cà phê Phố Cổ là địa chỉ không nên bỏ qua sau bữa ăn trưa.
Buổi chiều
Chinh phục đèo Mã Pì Lèng, cách trung tâm thị trấn Đồng Văn khoảng 45 phút di chuyển. Đây cũng là đoạn đẹp nhất trên Con đường hạnh phúc.
Nhiều người nói chưa ghé Mã Pì Lèng coi như chưa đến Hà Giang. Cảnh ở đây rất đẹp và hùng vĩ. Khi đặt chân đến Hà Giang, tận mắt ngắm nhìn, tôi đã hiểu tại sao mọi người nói rằng phải đến nơi này ít nhất một lần trong đời.
Tại khu vực đèo Mã Pì Lèng, du khách có thể chụp ảnh phía trên đỉnh đèo và sau đó đi thuyền trên sông Nho Quế, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của hẻm vực Tu Sản – nơi địa hình bị chia cắt sâu nhất của Việt Nam. Chi phí đi thuyền sông Nho Quế cùng xe điện ra bến thuyền hết 120.000 đồng mỗi người.
'Hà Giang ơi! Sao mà nhớ thế'
Từ TP Hà Giang, vượt 200 cây số bằng xe máy, qua Quản Bạ đi Yên Minh, Đồng Văn, đến thị trấn Mèo Vạc, chinh phục cả Mã Pí Lèng, tôi chợt nghĩ những cung đường chân mây này chỉ có thể là cái vẫy bút của họa sĩ thần tiên trong men say rượu ngô.
Dốc Thẩm Mã trên con đường Hạnh Phúc. Ảnh: VIỆT AN
Núi đá và phận người
Một cánh đồng núi mãn nhãn thị giác, một bữa tiệc đá thỏa mãn tâm hồn. Núi tai mèo nhọn hoắt. Núi miền biên viễn không thể chỉ hiền hòa như miền Trung quê tôi. Núi là ngọn giáo, tấm khiên, che chắn Tổ quốc. Khi đứng dưới chân cột cờ Lũng Cú, bỗng thấy trong sự hùng vĩ có một tình cảm bình dị mà thiêng liêng. Núi cũng như trò chơi cắt dán, xếp hình của trẻ con, nhọn hoắt, trắc trở mà vẫn ngây thơ. Là những tấm bìa in lên giữa nền trời. Tầng tầng lớp lớp như một gia đình núi bao thế hệ. Bên dưới vực sâu, dòng sông Nho Quế, không thể nào xanh hơn thế.
Cao nguyên đá Hà Giang là nơi cư trú của 17 dân tộc anh em, trong đó chủ yếu là người Mông. Cây cối phải mãnh liệt mới bật ra được từ đá. Người cũng túa ra từ đá. Không thấy nhà đâu. Chỉ thấy những đôi chân đi bộ trên sườn núi nghiêng. Họ đã đi bộ rất xa từ những ngôi nhà cách nhau mấy quả núi của mình. Đôi chân ấy dường như có chất kết dính với đá. Đôi chân chắc như gỗ nghiến. Họ lặng lẽ gùi đất đổ vào hốc đá để gieo trồng từng hạt ngô, hạt bí... Tôi mới hiểu tại sao "không có đỉnh núi nào cao hơn đầu gối người Mông".
Tôi đã lên Khau Vai, nơi nổi tiếng với chợ tình, đến điểm trường xa nhất Trù Lũng Trên A. Các em nơi đây quanh năm ăn mèn mén (bột ngô) vì chỉ có cây ngô mới trụ được với nơi khắc nghiệt này. Cô giáo Lò Thị Viễn cho chúng tôi biết: "Nước ở đây rất hiếm, bà con phải hứng nước mưa để sinh hoạt. Không có nhiều củi để làm chất đốt giữa cái giá lạnh vùng cao". Bữa cơm nếu có là một hạnh phúc. Tôi chợt nhớ, Xuân Diệu từng viết "Cũng như xa quá nên ta chỉ/ Thấy núi yên như một tấm bìa". Nhưng đằng sau núi là những thân phận con người. Ngay cả các thầy cô giáo, có lẽ không từ nào chính xác hơn từ "cắm bản" mới "gắn chặt" được vào cao nguyên đá này trong hành trình gieo chữ vùng cao.
Núi đôi tại thung lũng huyện Quản Bạ. Ảnh: VĂN THIỆU
Con đường Hạnh Phúc
Cả cái cung đường chân mây ngỡ của thần tiên cũng là con đường "hoa và máu" của đời thực. Hàng ngàn dân công địa phương và thanh niên xung phong đã ra sức trên 2 triệu ngày công, đào đắp di chuyển trên 3 triệu m3 đất đá, gánh từng gàu nước. Trên bia đá còn khắc ghi, tưởng niệm 14 liệt sĩ:
"Hôm nay tôi nằm lại mảnh đất
Đồng Văn - Mèo Vạc này
Các đồng chí nếu có về
xứ Lạng. Hãy nhớ tới tôi"
(Lương Quốc Chanh)
Con đường mà Bác Hồ đã đặt tên Hạnh Phúc. Qua rất nhiều khúc cua tay áo, người bạn chở tôi hài hước bảo rằng: "Hôm nay "ăn cua" nhiều hơn ăn cơm". Chúng tôi nhiều lần phải ồ, à lên vì vẻ đẹp hùng vĩ mà trữ tình của tự nhiên.
Vào mùa này, ngô đã héo nhưng bù lại những cánh đồng tam giác mạch đang nở rộ. Cây cải, một thời từng được trồng chung với thuốc phiện, nay đứng một mình vẫn mạnh mẽ khoe sắc vàng. Ngoài sắc màu thiên nhiên, còn có sắc màu váy áo rực rỡ của người Lô Lô, người Mông, người Dao...
Có lẽ đây là sự cân bằng hợp lý. Trong sắc màu đơn điệu của đá, con người đã dồn hết vẻ sặc sỡ lên váy áo, làm dịu đi cuộc sống nhọc nhằn.
Trên đường đi, chúng tôi gặp các chị gùi cỏ thông đất xanh rì lút quá đầu người. Sức nặng của cuộc sống không dồn lên đôi vai như người miền xuôi, mà dồn lên cả tấm lưng. Tấm lưng gùi cỏ, gùi củi, gùi ngô và cả gùi con... Cũng như núi đã là một tấm lưng khổng lồ gùi lên mình biết bao biến thiên của lịch sử.
Chúng tôi gặp những cái vẫy tay chào của các em bé đồng bào. Các em đứng cheo leo trên những vệ đường, bên dưới là vực sâu thăm thẳm. Nó khiến tay lái của chúng tôi rợn ngợp nhưng các em rất bình thản. Như cách vũ trụ đã tự cân bằng mọi thứ. Hạnh phúc cũng là sự cân bằng.
Du khách chụp ảnh với các em bé người Mông trên cánh đồng tam giác mạch. Ảnh: VIỆT AN
Giữ bản sắc văn hóa đá
Khi ngồi nghỉ ở cổng trời Quản Bạ, chúng tôi ăn cơm lam, ngô khoai nướng, bánh sắn chấm muối chẩm chéo, là những món đặc sản của đồng bào nơi đây. Chàng trai người Nùng mặc trang phục dân tộc mình, bán hàng cho chúng tôi có vẻ đẹp của một tài tử điện ảnh. Giữa một khung cảnh núi đá, con người địa phương và ẩm thực địa phương thật hợp tình. Chỉ có điều anh lại mở một bản nhạc "hot trend".
Một thành viên trong đoàn chúng tôi bảo rằng: "Anh ơi! Anh hãy mở một bài hát của dân tộc mình sẽ hay hơn nhiều". Chàng trai người Nùng cười rất hiền và anh chuyển sang bài "Hà Giang ơi" của Quách Beem. Và tôi đã lấy một câu để đặt tên cho bài viết này. "Hà Giang ơi! Sao mà nhớ thế! Khau Vai về ai nhớ tương tư"!
Bà con đã có điện thoại thông minh, kết nối nhiều hơn với thế giới bên ngoài. Trên dốc Thẩm Mã, người ta mở loa bán hàng át cả tiếng sáo trong trẻo của 2 em trai ngồi vắt vẻo trên mỏm đá. Dừng chân nghỉ ở Yên Minh, chị chủ nhà nghỉ người Hoa nói với chúng tôi: "Người ta đã đập nhà trình tường để xây nhà gạch. Có tiền thì họ xây thôi, chứ ở nhà trình tường bị chuột phá lắm". Việc giữ gìn bản sắc văn hóa chưa bao giờ là dễ.
Trên đường lên Lũng Cú, khi đi qua cây nghiến 250 tuổi, còn gọi là cây cô đơn, vì nằm một mình, tôi chợt nghĩ nhờ du lịch, cây nghiến đã trở nên nổi tiếng và không còn cô đơn. Nhưng cây nghiến có nhớ rừng nghiến Cán Tỷ không? Cũng như "Con cá sống dưới nước. Con chim bay trên trời. Người Mông sống ở núi"; núi đá, dù lạnh lẽo, khắc nghiệt nhưng đồng bào vẫn bám trụ và không ngừng thích nghi. Bởi đá là linh hồn, là cuộc sống, nếu mà xa sẽ trở thành cây nghiến cô đơn. Tôi đã xa Hà Giang cả tháng, mà trong suy tưởng còn chập chờn núi đá trùng điệp.
Về Hà Giang - Mảnh đất 'cỏ chen đá, đá chen hoa' Mục tiêu chính của đoàn xe chúng tôi nối dài trên nẻo đường ngoằn ngoèo là đến một điểm trường thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang để bàn giao những căn phòng nội trú, những món quà thiết yếu cho các em học sinh. Dọc theo cả quãng đường dài hàng trăm cây số đường đèo uốn...