45 ngày cận kề cái chết của y tá bị lây virus Corona SARS
Dịch SARS năm 2003 đã trở thành ký ức buồn với các y bác sĩ của Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội – nơi được coi là “chiến trường” giữa tâm dịch SARS.
Căn bệnh chưa được đặt tên
Nữ y tá Nguyễn Thị Mến, người đã bị “thần chết gọi tên” trong dịch SARS, nhưng kiên cường vượt qua khỏi kể lại ký ức kinh hoàng những ngày căn bệnh lạ tấn công, cướp đi sinh mạng của nhiều y bác sĩ bệnh viện Việt Pháp Hà Nội năm 2003.
Ngày 26/2/2003, một ngày định mệnh với nhiều bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội khi có một bệnh nhân là doanh nhân người Mỹ gốc Hoa tên Johnny Chong Chen nhập viện với với triệu chứng của bệnh cúm.
Kết quả xét nghiệm máu không có gì khác thường nên bác sĩ khi đó đã nghĩ bệnh nhân chỉ sốt virus thông thường. Nhưng chỉ ít giờ sau, bệnh nhân diễn biến rất nhanh, sốt cao, ho nhiều, khó thở nhanh…
Đêm nặng nhất của ông Chong Chen vào 1/3/2003. Người chăm sóc ông Chong là y tá Nguyễn Thị Lượng và Phạm Thị Uyên.
Ai cũng nghĩ chỉ là cúm và cấp cứu không có phòng hộ. Đêm hôm đó chỉ 45 phút ông Chen vừa ho, vừa nôn ra cả bô đờm lẫn máu. Bệnh nhân nhanh chóng bị nặng và các bác sĩ hôm đó đã tiến hành đặt nội khí quản cho ông Chong Chen. Sau đó tình hình nặng hơn nên người thân đã thuê chuyên cơ đưa ông Chong Chen về nước.
Bệnh viện lúc đó có 5 y tá khởi phát triệu chứng tương tự bệnh nhân.
Bà Nguyễn Thị Mến nhớ lại những ngày tháng kinh hoàng.
Y tá Mến nhớ lại những ngày đầu tháng 3/2003, khi đó bà Mến mới 45 tuổi, bắt đầu thấy người có triệu chứng giống cúm – đau người, sốt, tiêu chảy.
Linh tính chẳng lành, chị đã bảo chồng chở vào nhập viện. Lúc này, có y tá Lượng, y tá Sinh nằm viện cũng với triệu chứng sốt cao, đau đầu, đau nhức người.
Còn y tá Uyên, lúc ấy đang trong ca trực chính và cũng ủ rũ, mệt mỏi. Sau đó, y tá Uyên sốt khoảng 39,5 độ rồi nhanh chóng sốt cao lên 40 độ.
Bà Mến nhớ lại “hồi đó chưa có nhiều thông tin, chúng tôi vào viện với triệu chứng sợ hãi vô cùng, đầu đau như búa bổ, người đau ê ẩm, hết sốt rét rồi lại sốt nóng. Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau còn bảo có khi mình mắc cúm gà Hong Kong. Trước đó khoảng năm 1997 có dịch cúm gà Hong Kong nên ai cũng nghĩ thế.
Thậm chí, Uyên còn gọi cho khoa dược liên tục xin viện trợ thuốc từ bên Pháp để tiêm phòng cúm cho nhân viên bệnh viện và người nhà của nhân viên. Kịch bản lúc đó ai cũng nghĩ là cúm gà vì căn bệnh SARS chưa được đặt tên”.
Một, hai ngày đầu nằm viện, những người ốm còn có người nhà vào thăm nhưng rồi sau đó chẳng còn ai vì bệnh nhân đã phải cách ly hoàn toàn. Bệnh cứ ngày càng nặng.
Y tá Lượng lúc đó còn gọi điện cho hết các nhân viên hỏi có triệu chứng thì nhập viện ngay.
45 ngày ở cửa tử
Đến 7/3, bà Mến bị cơn sốt hành hạ, khó thở không chịu được. Cặp nhiệt độ thủy ngân lên tới 42 độ, cơ thể như quả bom chờ nổ.
Sáng hôm đó, bà Mến còn gặp bác sĩ Carlo Urbani là chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới.
Ông là người đầu tiên cảnh báo với WHO về dịch SARS (bác sĩ này đã tử vong ở Thái Lan do bệnh SARS khi ông tham gia khám cho bệnh nhân Chong Chen lúc đến Bệnh viện Việt Pháp).
Lúc ấy, ở trong phòng cách ly nhìn qua cửa sổ mọi người trong phòng chỉ lờ mờ hiểu dịch bệnh mình đang mắc là gì. Chỉ 3 ngày đã có 39 người mắc, toàn bộ là y tá, bác sĩ của Bệnh viện Việt Pháp.
Ngay lập tức bệnh viện bị phong tỏa, di tản hết bệnh nhân ra khỏi viện.
Y tá Mến đã rơi vào hôn mê. Mọi ý thức như rơi vào hư vô. Căng thẳng cực độ bao trùm bệnh viện, khi lần lượt các bác sĩ, y tá phải thở máy, cái chết cận kề.
Không nhớ nổi bao lâu sau thì nữ y tá dần dần nhận biết lờ mờ xung quanh. Không nhớ được điều gì. Cơ thể như đi mượn, mũi chằng chịt ống xông, ống thở.
Thế rồi, dần dần bà cảm nhận được có những người đồng nghiệp đang chăm sóc mình. Tiếng của y tá Thủy vẳng bên tai: “Mến ơi, cố lên nhé bọn tớ cũng đang cố gắng lắm đây”.
Video đang HOT
Chỉ nghe thế, bản thân người bệnh thầm hiểu những người chăm sóc mình cũng đang cố gắng giành giật sự sống cho mình, không được buông xuôi, được phụ công họ.
Khi ở bờ vực sự sống, cái chết, khả năng sinh tồn như trỗi dậy.
Là điều dưỡng, khi đó bà Mến ý thức được nếu mình không phối hợp cùng máy thở rất có thể sẽ bị phù phổi cấp. Phù phổi cấp thì vỡ hết phế nang và cái chết đến trong gang tấc.
Nghĩa thế, ý trí sinh tồn dâng cao cực độ.
Trong lúc tính mạng nguy cấp, đồng nghiệp bệnh viện vào thăm liên tục ôm đầu bà nói bằng tiếng Pháp, bà hiểu được người đồng nghiệp động viên “phải nghĩ tới con mình”.
Bức ảnh chụp lại làm kỷ niệm khi y tá Nguyễn Thị Mến tỉnh lại.
Khi tỉnh lại, bà Mến hỏi thăm về y tá Lượng, y tá Uyên. Ai cũng bảo là khỏe rồi, nhưng linh tính bà Mến biết họ bị nặng hơn bà, họ hôn mê trước bà.
“Không thể nào nói hết được cảm giác của tôi lúc đó kinh khủng như thế nào. Điều tồi tệ nhất là khi biết tin nhiều bác sĩ, y tá đã không qua khỏi”, người y tá đã từng cận kề cái chết kể lại.
Hồi tỉnh nhưng chân bà bị liệt, chân không cử động được.
Bà ra viện vào ngày 2/4. Lúc đó vẫn phải sử dụng bình oxy để thở, ngồi xe lăn.
Bà rơi vào trầm cảm cực độ, luôn mệt mỏi, cáu kỉnh với mọi người trong gia đình.
Nhưng người chồng ân cần, và 4 đứa con luôn nhớ mẹ, rồi đồng nghiệp động viên, nữ y tá trở về từ cõi chết đã nhủ lòng quyết tâm “mình phải đi được”, phải tập luyện để đi lại trên chính đôi chân của mình.
Điều kỳ diệu đã đến sau nhiều tháng tập luyện kiên trì, bà đã chiến thắng căn bệnh thần chết, chiến thắng cả những di chứng còn lại, chân phải dần có cảm giác và rồi bà đi được, và đi làm trở lại.
Bà Mến nhớ đồng nghiệp cuối cùng của họ ra đi đó là bác sĩ Việt kiều Nguyễn Hữu Bội. Ông bước chân vào Bệnh viện Việt Pháp được vài tuần thì dịch SARS xảy ra.
Bác sĩ Bội qua đời, đồng nghiệp của họ âm thầm gói gém, tẩy trùng rồi đưa ông đi hỏa táng. Để lại bệnh viện Việt Pháp trên đóng cửa để xử lý dịch bệnh. Những người còn sống sót qua cơn dịch SARS lúc đó dường như đã kiệt sức.
6 tháng sau, Bệnh viện Việt Pháp mới trở lại đón bệnh nhân, sau khi đã tẩy trừng, khử khuẩn đảm bảo an toàn sau cơn bão dịch SARS. Với mỗi người gắn bó với Bệnh viện thì đó là ký ức buồn không thể nào quên.
Dịch SARS năm 2003, có 63 bệnh nhân thì quá nửa là nhân viên y tế, bác sĩ của Bệnh viện Việt Pháp.
Những bác sĩ, nhân viên y tế đã tử vong vì bệnh SARS:
Bác sĩ Nguyễn Thế Phương sinh năm 1967
Bác sĩ Pháp Jean Paul Derosier sinh năm 1937
Bác sĩ người Pháp gốc Việt Nguyễn Hữu Bội sinh năm 1934.
Bác sĩ Carlo Urbani từng đến BV sau đó qua đời tại Thái Lan do SARS.
Y tá Nguyễn Thị Lượng
Y tá Phạm Thị Uyên
Theo infonet
Nguyên Bộ trưởng Y tế: 'Việt Nam nhất định vượt qua Covid-19'
"SARS giờ đây chỉ còn là ký ức và Covid-19 cũng sẽ như thế, Việt Nam nhất định vượt qua dịch bệnh này", nguyên Bộ trưởng Y tế Trần Thị Trung Chiến khẳng định.
"Hiện tại, các chỉ đạo của Chính phủ với ngành y tế đều rất đúng hướng", PGS.TS Trần Thị Trung Chiến, nguyên Bộ trưởng Y tế, nói với Zing.vn về công tác phòng chống dịch Covid-19.
Bà Chiến từng lãnh đạo ngành y tế vượt qua đại dịch SARS năm 2003, đã chia sẻ kinh nghiệm mà mình và đồng nghiệp từng trải qua. Sau 17 năm, những ký ức của nguyên Bộ trưởng Y tế về 45 ngày chống lại đại dịch SARS ở Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn.
Nguyên Bộ trưởng Y tế Trần Thị Trung Chiến. Ảnh: Duy Anh
Trận chiến chống SARS: Khó khăn, đau thương nhưng tự hào
"Khó khăn, đau thương nhưng tự hào", nguyên Bộ trưởng Y tế Trần Thị Trung Chiến mở đầu câu chuyện về "đánh bại" dịch SARS, tại văn phòng làm việc của bà.
Bà nhớ lại cuối tháng 2/2003, Johnny Cheng - thương nhân người Mỹ gốc Hong Kong (Trung Quốc) - nhập Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội) với triệu chứng giống cúm, sốt, ho nhiều và khó thở.
Khi bệnh tình của bệnh nhân nặng, gia đình đưa ông về nước. Buổi sáng đầu tiên của tháng 3, một số y, bác sĩ của Bệnh viện Việt Pháp xuất hiện triệu chứng giống Johnny Cheng. SARS - vị khách không mời đã đến.
Đang công tác tại miền Nam, Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến bất ngờ nhận được cuộc gọi từ bác sĩ Carlo Urbani - đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam.
"Đề nghị bà bộ trưởng mời ngay chuyên gia của WHO vào để hỗ trợ chúng ta", bác sĩ người Italy nói với bà Chiến sau khi báo cáo về loại virus mà ông chưa phân lập được, chỉ biết nó có độc tính cao, lây lan nhanh qua đường hô hấp.
Ngay lúc đó, bà Chiến đồng ý mời chuyên gia từ WHO, CDC Mỹ cùng các bác sĩ uy tín nước ngoài vào Việt Nam. Cúp máy, bà ngay lập tức cho soạn thảo quyết định thành lập Ban đặc nhiệm phòng chống dịch khẩn cấp.
Bà kể lúc đó, không ít người nghi ngờ quyết định của tân bộ trưởng (bà Chiến giữ chức từ tháng 7/2002).
"Tình hình sắp nguy cấp rồi, tôi không sợ và sẵn sàng chịu trách nhiệm", bà trả lời.
Các nhân viên y tế nhanh chóng lập bản đồ chấm dịch, khoanh vùng những điểm doanh nhân Johnny Cheng đi qua; theo dõi nhiệt độ, cách ly người có giao tiếp với ông ở khách sạn.
Bộ Y tế báo cáo Chính phủ, khẩn cấp thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch.
Bộ Y tế cũng làm việc với Bộ Quốc phòng, đề nghị Cục Quân y hỗ trợ xây bệnh viện dã chiến, điều trực thăng để vận chuyển thầy thuốc, trang thiết bị y tế, thuốc men trong trường hợp dịch bùng phát diện rộng.
Trong ký ức của bà Chiến, 17 năm trước, Việt Nam đã phản ứng nhanh từ ngày đầu, trở thành nước đầu tiên khống chế được đại dịch SARS - cơn ác mộng của toàn thế giới lúc bấy giờ. Ảnh: Duy Anh.
Để thuyết phục lưu học sinh, công dân Việt Nam từ vùng tâm dịch trở về, nữ bộ trưởng đến sân bay Nội Bài, tháo chiếc khẩu trang và nói: "Tôi chỉ mong muốn bà con đồng lòng với Chính phủ. Chỉ có Nhà nước và nhân dân đồng lòng mới có thể cùng nhau đẩy lùi được dịch bệnh. Hãy tin tôi!".
Sau lời thuyết phục của bà, hơn 300 người đồng ý vào khu cách ly sau nhiều giờ phản đối.
Ngày 12/3, WHO ban bố tình trạng khẩn cấp của dịch SARS trên toàn cầu. Chưa bao giờ con đường xung quanh Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội) vắng vẻ đến thế. Hàng quán đóng cửa, các con đường xung quanh vắng lặng. Người ta tránh xa Bệnh viện Việt Pháp vì toàn bộ nhân viên bệnh viện phải tự cách ly, không ai được về nhà.
"Phải tận mắt chứng kiến đồng đội, đồng nghiệp của mình nằm xuống, nó như vết dao cứa vào tận tâm can của chúng tôi"
Bà Trần Thị Trung Chiến, Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế.
Hơn một nửa bệnh nhân SARS thời điểm đó là nhân viên y tế. Số người nhập viện ngày càng tăng, nhiều người phải thở máy liên tục. Ngày 15/3, y tá Lượng - bệnh nhân đầu tiên ở nước ta tử vong vì SARS. Con số không dừng lại ở đó. Bốn bác sĩ, hai điều dưỡng đã ra đi.
Ngày bệnh nhân cuối cùng tử vong, tất cả bác sĩ điều trị bàng hoàng. "Chứng kiến đồng đội, đồng nghiệp của mình nằm xuống, nó như vết dao cứa vào tận tâm can của chúng tôi. Chúng ta biết rõ căn bệnh nguy hiểm như thế nào. Chúng ta dùng mọi biện pháp ngăn chặn, cách ly kịp thời và đẩy lùi SARS. Nhưng sau tất cả, chúng tôi không bảo vệ được đồng nghiệp của mình. Đó là điều tôi không bao giờ quên được suốt mười mấy năm qua", nguyên bộ trưởng nghẹn ngào.
Bà nhớ lại sau mỗi cuộc họp, từng lặng lẽ đứng ở hành lang Bộ Y tế, nhìn các y bác sĩ mà không cầm nổi nước mắt. Bà biết ơn, kính trọng những đồng nghiệp chấp nhận dấn thân vào nguy hiểm để chống lại đại dịch.
Việt Nam đã chống dịch từ khi chưa xác định virus gây bệnh
Trong những ngày chống dịch, Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến không chỉ tham gia họp, chỉ đạo, nắm bắt tình hình, mà còn đến tận các bệnh viện, thăm hỏi bệnh nhân, bác sĩ.
Khi bệnh nhân SARS đầu tiên tại Bệnh viện Bạch Mai được xuất viện, bà Chiến nhận được tin báo, nhanh chóng rời cuộc họp, đến chia vui cùng gia đình.
Biết bộ trưởng có ý định xuống tận nơi tiễn bệnh nhân xuất viện, một số người can ngăn.
"Tôi phải đi chúc mừng bệnh nhân và bà con yên tâm người khỏi bệnh có thể sinh hoạt bình thường, người xung quanh không ái ngại họ. Tôi đến đó cũng để tuyên bố với cả thế giới rằng Việt Nam đã điều trị thành công cho người nhiễm SARS", nguyên Bộ trưởng Y tế nhớ lại.
Tại bệnh viện, bà Chiến tháo chiếc khẩu trang đang đeo để bắt tay, trò chuyện và chụp ảnh cùng người bệnh.
Người phụ nữ 74 tuổi tâm sự sau thời gian làm việc liên tục, bà bị cảm sốt nhiều ngày.
"Tôi không cảm thấy sợ gì đâu, thậm chí có những lúc sốt, ho liên tục. Tôi từng nếm trải nhiều sự nguy hiểm, thậm chí là thời điểm cận kề sinh tử. Chắc nhờ vậy mà sức đề kháng của tôi rất mạnh, không dễ dàng nhiễm bệnh như vậy được", bà Chiến cười khi nhắc về câu chuyện cũ.
Bà thừa nhận lúc đó nhiều y bác sĩ quá bận để lo nghĩ cho an nguy của bản thân. Việt Nam chống dịch từ khi còn chưa xác định virus gây bệnh viêm phổi là SARS; từ khi WHO chưa có hướng dẫn cụ thể. Bà cùng đội ngũ y bác sĩ vừa điều trị vừa theo dõi tình hình bệnh nhân để lên phác đồ, nắm virus lây qua đường nào thì chặn đường đó.
"Trong những trận dịch nguy hiểm, người ta thấy bệnh thì phải cố chạy thật xa. Chỉ có nhân viên y tế là người gánh trọng trách xông vào mặt trận"
Bà Trần Thị Trung Chiến, Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế.
"Nhiều anh em hỏi tôi, nếu từ đây đến ngày công bố hết dịch, chúng ta phát hiện thêm ca mới, thì phải làm thế nào? Tôi chỉ đạo cứ thực hiện theo kế hoạch họp báo. Nếu có ca bệnh mới, mọi việc tiếp tục và chúng ta cùng chung tay chống dịch", bà kể.
Rất may, cuộc họp báo diễn ra đúng kế hoạch ngày 28/4/2003 với sự tham dự của Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm, chuyên gia từ WHO và rất đông phóng viên nước ngoài.
Bà Trung Chiến tâm sự rằng mỗi khi nghe đến dịch bệnh, dù xảy ra ở trong hay ngoài đất nước, dù không phải SARS mà hiện tại là Covid-19, bà lại nhớ về những y, bác sĩ đã ra đi. Ảnh: Duy Anh.
Với bà Chiến, 45 ngày chống SARS là trận chiến không tiếng súng, không biết mặt kẻ thù. Chỉ có những "chiến sĩ" khoác áo Blouse trắng âm thầm chiến đấu, lặng lẽ hy sinh mà không phải ai cũng dũng cảm làm được điều đó.
"Tôi thương nhân viên y tế vô cùng. Trong những trận dịch nguy hiểm, người ta thấy bệnh thì cố chạy thật xa. Chỉ có nhân viên y tế là người gánh trọng trách xông vào mặt trận, dù biết mình có thể gặp nguy hiểm. Cứu người là điều mà thầy thuốc luôn đặt lên hàng đầu".
Bà Trung Chiến tâm sự mỗi khi nghe đến dịch bệnh, dù xảy ra ở trong hay ngoài nước, dù không phải SARS mà hiện tại là Covid-19, bà lại nhớ về những y, bác sĩ dũng cảm.
Theo nguyên Bộ trưởng, so với thời gian ủ bệnh của SARS (khoảng 5-6 ngày), Covid-19 có thời gian ủ bệnh lâu hơn (14 ngày) nhưng lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong thấp hơn SARS.
Hiện tại, nước ta có kinh nghiệm chống dịch SARS, cũng như điều kiện cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn của ngành y tế, hệ thống thông tin truyền thông tốt hơn. Đặc biệt, sự chỉ đạo, sáng tạo của ngành y tế, sự hợp tác của nhân dân và cộng đồng quốc tế, bà tin tưởng rằng dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, Việt Nam sẽ kiểm soát tốt tình hình.
Khi được hỏi về dịch Covid-19 tại Việt Nam liệu bao giờ sẽ kết thúc, nguyên Bộ trưởng Y tế khẳng định: "Chúng ta chỉ có thể đẩy lùi được dịch bệnh khi có sự chung tay, góp sức của toàn dân và Chính phủ. SARS giờ đây chỉ còn là ký ức và Covid-19 cũng sẽ như thế. Việt Nam nhất định vượt qua dịch bệnh này".
Theo Zing
Bằng cách nào Việt Nam trở thành "niềm hy vọng" của thế giới trong đại dịch SARS 2003? "Đó là tốc độ, năng lực lãnh đạo, tính minh bạch, linh hoạt, sự quyết liệt trong giáo dục cộng đồng về cách thức phòng tránh. Nghe thì dễ đấy, nhưng thực tế không phải vậy". Trong đại dịch SARS, kiểm tra thân nhiệt là hoạt động bắt buộc đối với tất cả hành khách xuất nhập cảnh tại tất cả các quốc...