45 năm Ngày Giải phóng miền Nam: TP.HCM không duyệt binh, kỷ niệm trực tuyến
UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2020) và 134 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 – 1/5/2020).
Ảnh minh họa.
Theo kế hoạch, nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực với mục đích tuyên truyền giáo dục, ôn lại truyền thống yêu nước, nâng cao nhận thức trong cán bộ và tầng lớp nhân dân về ý nghĩa lịch sử của chiến thắng 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5 sẽ được tổ chức vào dịp này. Đặc biệt, để đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, năm nay thành phố không có các hoạt động duyệt binh, biểu diễn nghệ thuật mà chú trọng công tác đền ơn đáp nghĩa, tổ chức kỷ niệm, triển lãm trực tuyến chào mừng ngày thống nhất đất nước.
Vào sáng 30/4, Thành ủy – HĐND – UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Lễ kỷ niệm bắt đầu từ 8h, được tổ chức tại điểm cầu truyền hình trực tiếp và trực tuyến ở Hội trường Thống Nhất (Phòng khánh tiết và khu vực trưng bày xe tăng 390). Các địa điểm theo dõi truyền hình trực tiếp và trực tuyến tại UBND TP; Ủy ban MTTQ Việt Nam TP và các sở, ngành; quận, huyện; Thành đoàn. Trước khi bắt đầu vào chương trình trực tiếp lễ kỷ niệm, Đài Truyền hình TP sẽ chiếu phim tư liệu về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Số lượng đại biểu mỗi điểm cầu tối đa 30 người, trong đó tại điểm cầu Hội trường Thống nhất, ngoài các lãnh đạo TP còn có các nhân chứng lịch sử của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trước đó, ngày 29/4, Thành ủy – HĐND – UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP sẽ tổ chức hai đoàn đại biểu (số lượng không quá 20 người mỗi đoàn) đi viếng các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn và dự lễ dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Chi nhánh TP); Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhân dịp này, Ban Tổ chức các ngày lễ lớn TP cũng tổ chức triển lãm kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 134 năm Ngày Quốc tế Lao động tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường Đồng Khởi (quận 1) từ ngày 27/4 đến hết ngày 10/5.
Triển lãm hình ảnh cũng được tổ chức trên các Trang tin điện tử Đảng bộ TP.HCM, website TP.HCM, Cổng thông tin điện tử Văn phòng UBND TP, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP và trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành, đoàn thể. Nhân kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP cũng tổ chức các đoàn lãnh đạo đi thăm các đơn vị và cá nhân có thành tích tiêu biểu trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Năm nay, TP sẽ tập trung thực hiện tốt chương trình đền ơn đáp nghĩa, thể hiện sự trân trọng trong việc chăm lo phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, sửa chữa nhà tình nghĩa, bia tưởng niệm, đài liệt sĩ, khu di tích cách mạng.
Bên cạnh đó, TP đã tổ chức công tác tuyên truyền, cổ động bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như chuyên mục, chuyên đề, chuyên trang phóng sự trên các phương tiện báo, đài; trang trí đường phố, treo pano, băng rôn tại khu vực trung tâm, các tuyến đường chính, các cửa ngõ, khu công nghiệp, cao ốc văn phòng, khu vực đông dân cư, học sinh, sinh viên, công nhân…
TP đã phát động cuộc thi tìm hiểu về ý nghĩa lịch sử, truyền thống của chiến dịch Hồ Chí Minh và đại thắng Mùa Xuân năm 1975; In ấn, xuất bản phát hành rộng rãi các sách, bài viết về thành tựu của TP trên tất cả các lĩnh vực trong 45 năm qua; tổ chức cuộc vận động sáng tác tác phẩm âm nhạc và sân khấu hướng đến kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước.
Ngoài ra, từ ngày 25/4 đến 25/6, TP tổ chức chương trình trang trí ánh sáng nghệ thuật đường phố tại tuyến đường Lê Duẩn và vòng xoay Lê Duẩn – Phạm Ngọc Thạch bằng kinh phí xã hội hóa.
Bạch Dương
Video đang HOT
Độc đáo bộ tranh ký họa tái hiện nghĩa tình người Sài Gòn
'Thành phố của tôi cái gì cũng có, đặc biệt nhất là tình người', từ những cảm nhận đó các bạn trẻ đã cho ra đời bộ tranh ký họa về thành phố xưa và nay, đặc biệt là bật lên nghĩa tình người Sài Gòn.
Bộ tranh ký họa độc đáo - ĐOÀN TRƯỜNG ĐH SÀI GÒN
Trong cái nhìn của các bạn trẻ, TP.HCM lúc nào cũng đầy ắp tình người. "Thành phố của tôi cái gì cũng có, đặc biệt nhất là tình người. Có lẽ không quá khó để bắt gặp những hình ảnh người thành phố giàu lòng nhân ái, sẵn sàng chia sẻ với nhau, với người khó khăn hơn mình từ những việc làm bình dị trong cuộc sống hằng ngày. Người thành phố của tôi luôn ấm tình, nhiều nghĩa bởi họ hiểu cho đi là còn mãi. Từ những bình trà đá miễn phí, đến những ổ bánh mì cho không, tiệm vá xe 0 đồng cho người khuyết tật, những cây ATM gạo, hay các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho những người lao động yếu thế trong thời gian vừa qua,... tất cả đều cố gắng để không một ai bị bỏ lại phía sau", những dòng giới thiệu về bộ tranh ký họa bật lên nghĩa tình người Sài Gòn của nhóm sinh viên, cựu sinh viên Trường ĐH Sài Gòn.
Bức tranh khắc họa nét đẹp bình dị, đầy nghĩa tình của người Sài Gòn
Bộ tranh là hoạt động do Đoàn Trường ĐH Sài Gòn phát động nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Với mong muốn khắc họa lại những hình ảnh của TP.HCM xưa và nay, cũng như là những nghĩa cử cao đẹp của con người nơi đây thông qua cảm nhận và khả năng hội họa của sinh viên trường.
Những thùng nước miễn phí
Là một sinh viên chuyên ngành toán ứng dụng nhưng với đam mê hội họa, Nguyễn Thị Minh Nhi cũng góp vào bộ tranh ký họa một bức tranh tái hiện một nghĩa cử đẹp của người TP.HCM vào mùa dịch Covid-19 vừa qua. Đấy là hình ảnh của các bạn trẻ với hoạt động 15 ngày chia sẻ yêu thương, cùng phát quà hỗ trợ cho những người lao động thất nghiệp và khó khăn vì dịch bệnh. Hình ảnh đó đã gây ấn tượng mạnh cho Thi và thế là cô nàng đã tái hiện vào bức tranh của mình.
Bức tranh ký họa của Minh Nhi
"Mình thấy đợt dịch này có rất nhiều người gặp khó khăn do công việc bị ảnh hưởng, nhưng vẫn phải lo toan cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Thì ngay lập tức, rất nhiều những hoạt động, việc làm rất ý nghĩa của người Sài Gòn để cùng cứu giúp nhau vượt qua khó khăn. Cùng lúc Đoàn trường phát động vẽ tranh, nên mình chọn vẽ về nghĩa tình người Sài Gòn. Vì mình muốn lan tỏa điều tốt đẹp này và mong sẽ có nhiều hơn những việc làm ý nghĩa giúp đỡ mọi người cùng nhau chiến thắng dịch bệnh", Nhi chia sẻ.
Cũng giống Nhi, Phạm Thúy Hạnh (sinh viên ngành Quản trị kinh doanh của Trường) đã mượn nét vẽ của mình để tái hiện nghĩa tình người Sài Gòn trong mùa dịch vừa qua.
Hình ảnh lò bánh mì giải cứu thanh long qua góc nhìn của Hạnh
"Ý tưởng của mình xuất phát từ lò bánh mì thanh long của ông chủ tiệm bánh. Vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà nông dân không xuất bán được dẫn đến tình trạng hàng bị ùn ứ và có nguy cơ mất trắng, gây nhiều thiệt hại. Thấy và hiểu được phần nào những khó khăn ấy, chính việc làm của ông chủ tiệm bánh đã truyền cảm hứng cho mình vẽ nên bức tranh này", Hạnh bày tỏ.
Qua bức tranh này, Hạnh muốn gửi gắm: "Mình muốn các bạn phần nào hiểu hơn rằng, chính những việc làm hằng ngày tưởng như đơn giản của mình cũng có thể giúp đỡ cho đời sống của những cá nhân khác, hay thậm chí là chính bản thân mình được tốt đẹp hơn và vui vẻ hơn phần nào. Vẽ nên bức tranh này, mình mong rằng thông điệp của nó sẽ lan tỏa hơn đến mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ hiện nay".
Là một cựu sinh viên, nhưng khi thấy chương trình vẽ tranh được phát động, với một tình yêu dành cho thành phố đầy nghĩa tình này, Trình Thị Huệ (họa sĩ tự do) cũng đã tham gia và góp vào một bức ký họa tái hiện nghĩa tình người Sài Gòn.
Những hành động nghĩa tình của người Sài Gòn qua nét cọ của Huệ
Huệ nói: "Tuy không sinh ra ở thành phố này, nhưng những năm tháng sinh viên được gắn bó, và với ngôi Trường ĐH mang tên Sài Gòn cũng đủ để cho mình nhiều kỷ niệm rất đẹp, nhưng có lẽ đẹp nhất vẫn là tình người ở nơi đây. Và đặc biệt trong mùa dịch Covid-19 này, điều đó còn được khắc họa sâu đậm hơn bao giờ hết. Những hộp cơm, ổ bánh mì, những túi gạo, thùng mì... tất cả đều miễn phí. Không ai bảo ai, tất cả cùng chung tay vì tinh thần "không một ai bị bỏ lại phía sau"... Những hành động đó đẹp biết nhường nào và yêu làm sao nghĩa tình của người Sài Gòn".
Những nghĩa tình của người Sài Gòn làm mùa mưa cũng không còn lạnh
Huệ mong muốn qua nét cọ của mình sẽ khắc họa nên hình ảnh một thành phố cái gì cũng có, đặc biệt nhất là tình người.
Thành phố cái gì cũng có, đặc biệt nhất vẫn là tình người
Huỳnh Ái Thy, Phó bí thư Đoàn Trường ĐH Sài Gòn, cũng đầy cảm xúc với thành phố nghĩa tình này, bày tỏ: "Mình nghĩ ở đâu cũng có những hình ảnh người tốt, việc tốt, những người sẵn sàng bỏ công sức, tiền bạc, thời gian để làm những điều bình dị, nhỏ bé mà không phải ai cũng có thể làm được. Tuy nhiên riêng với TP.HCM, một nơi mà với nhiều người vốn mặc định là xa hoa, tráng lệ, nhiều điều tích cực, tiêu cực đan xen thì những hình ảnh tình người Sài Gòn giúp đỡ, chia sẻ với nhau, với người khó khăn hơn mình đã làm cho thành phố trở nên ấm áp hơn bao giờ hết. Và nghĩa tình người Sài Gòn nhờ thế mà càng được bật lên rõ nét hơn".
Bộ tranh tái hiện hình ảnh thành phố xưa và nay, cũng như khắc họa nghĩa tình người Sài Gòn của sinh viên, cựu sinh viên Trường ĐH Sài Gòn
Hoa Thanh
Đàm Vĩnh Hưng, Noo Phước Thịnh cùng nhiều nghệ sĩ thực hiện MV tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 Vì hoàn cảnh 'giãn cách xã hội', các nghệ sĩ, vận động viên cùng các lực lượng tham gia sẽ thực hiện việc ghi âm, ghi hình sao cho hiệu quả nhưng đúng các quy định hiện hành. Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM đã phối hợp với các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở Văn hoá Thể thao cùng các văn...