44 tuổi sinh nở 17 lần
16 tuổi lấy chồng, 34 tuổi lên chức bà ngoại và nay ở tuổi 44, bà đã trải qua 17 lần sinh nở, đứa con út mới lên 3 tuổi.
Đó là những kỷ lục mà vợ chồng bà Lý Thị Sú và ông Cư Seo Chớ (dân tộc H’Mông) ở bản Ngài Là Thầu, xã Lao Chải (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) đã xác lập. Hiện cô con gái đầu lòng 25 tuổi.
Tại nhà Cư Seo Chớ, một người đàn bà đang xay ngô, sau lưng địu một đứa bé chừng hơn một tuổi. Ngồi cạnh bếp là một người đàn ông, nước da ngăm đen, hàm răng xỉn màu, đang ôm cái điếu cày to bằng bắp chân. Hai người có vẻ bề ngoài già hơn nhiều so với tuổi.
Ông Chớ chỉ về phía người đàn bà đang xay ngô: “Vợ nó đang xay ngô kia kìa. Mấy hôm nay trời lạnh, đứa con út ho suốt mà chẳng có tiền mua thuốc, mẹ nó cứ phải vừa địu vừa làm việc, nghĩ thương con nhưng chẳng biết làm thế nào. Vợ nó không nói được tiếng Kinh đâu, cả nhà mỗi mình và mấy đứa nhỏ là nói được thôi à, phụ nữ không biết nói đâu. Có gì cứ hỏi tôi, bà ấy biết đẻ, nhưng không có mình làm sao đẻ được”, Chớ thật thà nói.
Trong gia đình bà Sú có những lúc một tháng tới 5 đứa trẻ ra đời.
Quanh nhà, thấy chẳng có thứ đồ gì đáng giá ngoài cái chảo sao chè, vài bắp ngô treo trên gác bếp và chiếc vòng đồng khá to, được xâu vài đồng tiền xu, là “bảo bối” của ông Chớ hành nghề thầy cúng.
Khi được hỏi về chuyện đẻ nhiều, ông Chớ cười xòa vê điếu thuốc lào gân cổ rít, rồi ngửa mặt nhả khói: “Nếu tính hết thì vợ mình nó đẻ 17 lần rồi, nhưng có mấy lần đẻ non, không sống được, giờ còn 11 đứa thôi, 5 trai, 6 gái. Mình có 3 con dâu, 3 con rể và 13 đứa cháu nội, ngoại rồi đấy.
Nhà nghèo, đẻ nhiều vậy nhưng chính quyền không biết đâu. Vợ mình nó toàn ở trong nhà thôi à. Mình chỉ nuôi tụi trẻ ngày nhỏ thôi, lớn lên biết cầm cái cuốc, con dao thì phải lên rừng chặt măng, đào củ hay phát rẫy trồng ngô, sắn mà ăn lấy chứ. Nếu ông trời cho đẻ nữa thì mình cứ đẻ thôi!”. Còn khi được câu hỏi tương tự, vợ ông, bà Sú cũng chia sẻ: “Còn trứng thì mình còn đẻ, mình vẫn đẻ được mà!”.
Chớ lại ôm điếu rít thuốc lào. Trầm ngâm một lúc, ông biện minh về sự đẻ nhiều của mình: “Bố mẹ mình hiếm hoi, sinh được mỗi mình, không có anh em buồn lắm, khổ nhất là ốm đau không có ai khiêng xuống viện. Mình phải đẻ thật nhiều cho có anh, có em”. Nghe chồng nói vậy, bà Sú tỏ vẻ tự hào vì con cái đứa nào cũng chịu khó làm nương, nên bà ít phải động tay đến việc.
Các con của vợ chồng ông Chớ hầu hết đã được dựng vợ, gả chồng và đặc biệt ai cũng có “gen” đẻ nhiều. Nổi bật nhất là cô con gái đầu Cư Thị Mài, tuy mới 25 tuổi nhưng cũng đã trải qua 7 lần sinh con (3 đứa trẻ đã chết khi mới lọt lòng hoặc được vài tháng tuổi).
“Trời sinh voi, trời sinh cỏ. Trẻ con nơi đây lớn lên tự nhiên như cỏ cây vậy. Đói, khát thì tự tìm cái để ăn, để uống, rét thì đốt lửa sưởi… Dân trí ở đây thấp lắm. Đói nghèo dẫn đến đẻ nhiều. Vả lại tập tục ở đây là vậy. Chúng tôi đã nhiều lần phân tích, nhắc nhở nhưng cũng chẳng ăn thua gì”, ông Ma Văn Hầu (Phó chủ tịch UBND xã Lao Chải) thở dài.
Bà Lý Thị Sú và cô con gái út Cư Thị Luyến.
Sùng Thị Trở (sinh năm 1990), con dâu thứ hai của ông Chớ, hiện đã có 4 con, khoe: “Con Luyến (đứa con thứ 16 của bà Sú) mới hơn một tuổi đã lên chức cô, dì rồi đấy”. Rồi Trở đưa mắt nhìn lướt qua cái bụng của mẹ cười tủm. Không rõ bà Sú đang mang bầu đứa con thứ 18 hay vì cơ bụng phải trải qua quá nhiều lần sinh đẻ nên không kịp… phục hồi nguyên trạng.
Ở Vị Xuyên không có chợ tình, nhưng trai gái người H’Mông nơi đây yêu nhau đầy lãng mạn. Họ gọi bạn tình bằng tiếng sáo, tiếng khèn lá, bằng ánh mắt… và khi “ưng cái bụng” là túm tay bảo: “Tao thích mày, mày về làm vợ tao nhé”. Nếu cô gái gật đầu hoặc không nói gì thì coi như “lời cầu hôn” đã thành công. Những đứa trẻ nơi đây, khi mới 12-13 tuổi đã biết tập tành thổi sáo, thổi khèn gọi bạn tình và nhiều em đã buộc phải làm bố, làm mẹ ở cái tuổi 14-15, thậm chí là 13…
Trưởng bản Cư Seo Sàng cho biết bản có 49 hộ với 280 nhân khẩu nhưng có đến 90% hộ nghèo đói. Ruộng bậc thang chỉ có gần 10 ha, nên chè được cho là cây “mũi nhọn” của bản. Nhưng thời gian gần đây, chè liên tục mất giá, lúa mất mùa, nên cái nghèo, cái đói vẫn bám riết lấy người dân.
Tỷ lệ nghèo là vậy nhưng vẫn chưa sánh bằng tỷ lệ 95% số người không nói được tiếng Kinh và 96% mù chữ. Chỉ có vài em đang học cấp 1 là còn bập bẹ được vài câu tiếng Kinh nhưng đa số chúng cũng chỉ học hết lớp 3-4 là bỏ. Xa trường, xa thầy cô thì chỉ vài mùa lên rẫy, con chữ lại trả lại cho thầy. Theo ông Sàng, cả bản có duy nhất một em học hết lớp 12 và được coi là… “trạng nguyên” của bản. Đó là con của ông Ma Văn Hầu, Phó chủ tịch UBND xã Lao Chải
Theo Nongthonngaynay
"Ngủ mèo" nên duyên chồng vợ
Ở đại ngàn này, con trai, con gái Chơ Ro hễ đủ tuổi 15 là được phép "ngủ mèo" để tìm hiểu nhau trước khi nên vợ nên chồng.
Luật tục từ xa xưa đã quy định tục "ngủ mèo" rất nghiêm ngặt để đảm bảo chế độ một vợ, một chồng và nếu ai vi phạm sẽ bị phạt rất nặng.
"Ngủ mèo" chính là một nét đẹp văn hóa trong phong tục hôn nhân của buôn ấp để dạy cho đôi trẻ khi đã đến với nhau phải gắn bó đến trọn đời..." - già Mười Biên ở ấp Lý Lịch (xã Phủ Lý, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) cho biết.
Dạy con trai, con gái phải tuân thủ theo những định chế tập tục của buôn ấp ngay từ thuở thiếu thời là điều mà đồng bào Chơ Ro rất quan tâm. Theo quy định, thanh niên Chơ Ro khác dòng họ đến tuổi cập kê được tự do tìm hiểu, hẹn hò với nhau. Để chọn bạn đời, người con gái Chơ Ro ngày trước thường nhắm tới những chàng trai khỏe mạnh, giỏi săn bắn, biết làm nương rẫy, còn các chàng trai cũng tìm những cô xinh xắn, khéo tay, thêu thùa hay, bếp núc giỏi.
Khi tình cảm hai phía đã đến độ đắm say, dây duyên đã rõ ràng và có ý muốn kết thành vợ chồng thì chàng trai mới chủ động hẹn, cô gái nhận lời cùng "ngủ mèo" để tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về nhau. Khi màn đêm buông, chàng trai đi "ngủ mèo" tại nhà người yêu sẽ mang theo một cây đòn và một roi mây. Với người Chơ Ro, chiếc roi mây vừa có tác dụng làm tín hiệu cho cô gái, vừa là vũ khí tự vệ của các chàng trai khi đi trong đêm tối để xua các loài thú dữ...
Những cô gái và chàng trai Chơ Ro
Đứng ở dưới sàn, chàng trai dùng cây đòn gõ nhẹ lên vị trí buồng nằm, đồng thời đưa roi mây qua khe báo hiệu cho cô gái. Nếu thời điểm thích hợp, cô gái sẽ nắm roi mây rung để báo cho người yêu trèo lên... Lên nhà rồi, chàng trai sẽ dùng chiếc đòn mang theo, đặt xuống sàn và đi trên chiếc đòn này. Đây là nghi thức để tránh làm các thành viên khác trong nhà thức giấc dù cha mẹ cô gái có thể biết, nhưng họ làm ngơ vì tin vào sự lựa chọn của con mình và cho đó là theo ý Giàng.
Trong thời gian "ngủ mèo", chàng trai không được phép ngủ đến sáng mà phải ra về trước khi mọi người trong nhà cô gái thức giấc và theo luật tục thì họ chỉ chấp nhận cho anh ta "ngủ mèo" nhiều nhất là 3 lần. Sau đêm thứ ba, chàng trai phải chủ động đến trình diện bố mẹ cô gái và xin phép được cưới.
Nếu khi ấy chàng trai không xin phép để gia đình nhà mình sang bàn chuyện cưới hỏi thì nhà cô gái có quyền giữ lại rồi cử người đến nhà chàng trai đánh tiếng tế nhị rằng: "Chuồng nhà tôi hiện đang giữ một con trâu nhà ai bị lạc. Gia đình bên này thử sang xem có phải của nhà mình không?". Chỉ cần nghe vậy, nhà chàng trai đã phải hiểu vấn đề rồi nhanh chóng cắt đặt người đại diện mang rượu qua nhà cô gái để đáp lời "nhận trâu" và bàn các thủ tục cho đôi trẻ cưới nhau...
Theo 24h
Sơn nữ và bi kịch sau đêm "ngủ thăm" "Một khi hai người đã nằm bên nhau trong màn đêm như vậy thì khó lòng tránh khỏi. Ban đầu cô nào cũng ngại ngùng, nhưng nhiều trường hợp các cô gái tự chủ động "bật đèn xanh" cho đối phương, vì vậy không tránh khỏi được việc mang bầu", ông Đại cho biết. Từ ngủ thăm... Xã Mường Lý là nơi tận...