42 năm nuôi nhầm con: Có manh mối thân nhân
Chia sẻ với PV, chị Trang cho biết cơ quan công an đang gặp gỡ một số người có thể là bố mẹ, anh chị em của mình để động viên họ hợp tác thử ADN.
Chiều 14/3, trong tâm trạng vui mừng, chị Tạ Thị Thu Trang cho biết, Công an quận Ba Đình (Hà Nội) mới thông báo với chị việc tìm được một số người chào đời ngày 10/10/1974 – có thể là thân nhân chị Trang.
“Công an đã gặp những người này và cố gắng tiếp xúc thêm những trường hợp khác. Theo các anh công an trao đổi, họ cần thời gian động viên những người có thể là bố mẹ, anh chị em tôi đi thử ADN mới đưa ra kết quả cuối cùng”, chị Trang nói.
Chị Trang (thứ 2 từ trái sang) cùng gia đình cập nhật tin tức về sự việc. Ảnh: Mỹ Hằng
Người phụ nữ 42 tuổi tâm sự, khi nghe công an báo tin rất phấn khởi, nhưng đan xen là cảm xúc rối bời, lo lắng vì chưa đoán được kết quả cuối cùng ra sao.
Chị cho biết, bản thân đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho các tình huống xảy ra. “Nếu ông trời thương, cho tìm được người thân thất lạc mà họ chưa muốn nhận, tôi cũng không trách gì. Hơn ai hết tôi hiểu cảm xúc họ trải qua nên thông cảm”, chị Trang chia sẻ và cho rằng điều quan trọng là gia đình tìm được nhau.
Theo chị Trang, sau khi báo chí đưa tin về hoàn cảnh của mình, có một trường hợp gọi điện tới chia sẻ thông tin về mối nghi ngờ nhầm lẫn. “Họ đồng ý làm xét nghiệm ADN. Hiện gia đình đang chờ đợi họ liên lạc lại. Chúng tôi không giục vì có thể khiến họ rối bời”, chị Trang nói.
Người phụ nữ đang ngóng thông tin về gia đình bị thất lạc hơn 40 năm chia sẻ, khi được Công an quận Ba Đình giúp đỡ, việc tìm kiếm tiến triển rất tốt. “Các anh công an nhiệt tình, làm việc cả chủ nhật và liên tục báo tin cho tôi”, chị Trang tâm sự.
Chị Thu Trang (phải) và chị Thu Vân. Ảnh: Trí thức trẻ
Chia sẻ niềm vui trên, chị Vân (chị cả trong gia đình) cũng bày tỏ mong muốn tìm lại người em gái bị thất lạc.
“Gia đình muốn tìm lại con ruột cho mẹ Hạnh, muốn biết em sống thế nào, có thoải mái không. Nếu em ở nhà khá giả thì tốt quá, nhưng nếu cuộc sống khốn khó, gia đình sẽ hỗ trợ hết sức”, người chị cả chia sẻ.
Ngày 10/10/1974, bà Nguyễn Mai Hạnh, (ở phố Quán Thánh, Hà Nội) sinh con gái thứ ba tại nhà hộ sinh Ba Đình, nay là nhà hộ sinh số 12 Lê Trực.
Khi đón con từ tay chồng, bà Hạnh thấy thẻ đeo chân đứa trẻ là số 32, không trùng với số 33 ở tay mình. Hỏi bác sĩ thì được giải thích do cháu bé đi tắm nên bị mờ.
Người con khác số được bà Hạnh đặt tên là Tạ Thị Thu Trang. Những năm tháng nuôi con, bà Hạnh linh cảm Trang không phải đứa con ruột.
Video đang HOT
Năm Trang 20 tuổi, bà Hạnh làm xét nghiệm ADN lần đầu và biết chị không cùng dòng máu với mình. Năm 2015, bà làm xét nghiệm ADN và kết quả lần này cho thấy họ không có quan hệ huyết thống.
Sau bao lần đắn đo, day dứt, người mẹ 64 tuổi quyết định nói ra sự thật cho con gái nuôi vào ngày 10/10/2015, cũng là ngày sinh nhật lần thứ 41 của chị Trang.
Gia đình chị Trang nhiều lần đến UBND quận Ba Đình, xem lại giấy khai sinh và lên Sở Y tế nhưng cũng bị từ chối. Gần đây, người cháu trong gia đình đăng nội dung lên mạng xã hội và nhanh chóng được báo chí vào cuộc.
Theo Zing News
Chuyện chưa tiết lộ về vụ trao nhầm con 42 năm tại Nhà Hộ sinh Ba Đình
"Khi bà mẹ nhận kết quả từ Trung tâm, bà khóc rất nhiều. Người phụ nữ này nói, không biết đứa con kia của tôi ở đâu, tôi thương nó quá"...
Nước mắt người mẹ tại Trung tâm xét nghiệm ADN
Những ngày qua, truyền thông nhắc nhiều tới câu chuyện trao nhầm con tại Nhà Hộ sinh Ba Đình (Hà Nội) cách đây 42 năm và sự chú ý của dư luận cũng được đổ dồn về đây. Sự việc đó xảy tới với bà Nguyễn Mai Hạnh (SN 1952, Quán Thánh, Ba Đình) và con gái Tạ Thị Thu Trang (SN 10/10/1974). Sau khi bà Mai Hạnh đi xét nghiệm ADN và có kết luận chính xác, bà không phải mẹ ruột của chị Trang như hơn 40 năm qua mọi người vẫn nghĩ.
Tuy nhiên, cũng có những người ngày đêm nghiên cứu về ADN, về công nghệ di truyền lại cho rằng chuyện "trao nhầm con" ở các bệnh viện không phải hi hữu. Ở Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền (Thụy Khuê, Hà Nội) cũng đã xét nghiệm nhiều trường hợp cho ra kết quả không phải mẹ con hay bố con.
"Trường hợp bà Mai Hạnh xét nghiệm ADN tại Trung tâm của tôi từ năm 2015. Mấy hôm nay thấy báo chí đăng tải nhiều nhưng tôi không chú ý vì tôi xét nghiệm nhiều trường hợp nhầm như thế này rồi. Chỉ khi có nhiều phóng viên cùng gọi điện hỏi, tôi mới tra sổ và thấy đúng trường hợp mình đã từng làm", bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền cho hay.
Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền
Bà Nga nhớ lại, nửa năm trước, có 1 người phụ nữ ngoài 60 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, đi cùng 1 cô con gái giống mẹ, nhìn rất dễ thương tới Trung tâm của bà để được xét nghiệm ADN giữa người mẹ với cô con gái không đi cùng hôm ấy.
"Khi bà mẹ nhận kết quả từ Trung tâm, bà khóc rất nhiều. Tôi thắc mắc và có hỏi tại sao bác lại khóc như thế? Người phụ nữ này nói, không biết đứa con kia của tôi ở đâu, tôi thương nó quá.
Tôi lưu lại kết quả xét nghiệm cho bà để bà đi tìm con và khi nào tìm thấy con tôi sẽ làm xét nghiệm cho 1 mình đứa con đó thôi, bà không tốn tiền làm lại xét nghiệm ADN nữa. Còn tất cả các khách khác tôi xóa đi sau 1 thời gian để giữ bí mật cho khách", bà Nga chia sẻ.
Liên quan tới người phụ nữ này còn được bà Nga tiết lộ. Đó là câu chuyện bà Mai Hạnh đi vào 1 cửa hàng và thấy 1 cô gái trạc tuổi con gái mình, có gương mặt rất giống những đứa con của bà, trong khi đó chị Trang đang sống ngay bên cạnh lại không giống mẹ. Bà Mai Hạnh tìm tới tận nhà nhưng bà mẹ của người con gái kia lại nói, tôi sinh con không ở cùng bệnh viện với bà, đây không phải con bà đâu.
Sau đó, chính người con gái trong gia đình đó tìm tới nhà bà Mai Hạnh để gặp bà và cũng nói, "chắc bác nhầm, mẹ cháu sinh ở bệnh viện khác còn bác sinh ở bệnh viện khác". Nói rồi cô gái ấy lại lủi thủi ra về.
"Bà Mai Hạnh khóc ở Trung tâm của tôi, có lẽ vì nghĩ mình đã để tuột đứa con của mình lần nữa. Vì tại sao cô gái ấy lại quay lại tìm bà? Vấn đề là ở chỗ đó", bà Nga nói thêm.
Mỗi lần kể lại câu chuyện nhầm con, bà Mai Hạnh đều khóc
Bà Nga cũng kể cho chúng tôi nghe trường hợp của chàng trai Pháp gốc Việt, đã tìm được cha mẹ mình qua Facebook và nhờ trung tâm xác định ADN để chứng thực gene. Thất lạc con trai từ ngày cậu bé còn rất nhỏ và điều bất ngờ cậu được một cặp vợ chồng người Pháp nhận làm con nuôi và đưa ra nước ngoài sống. Qua nhiều đầu mối, người cha vẫn nuôi hy vọng gặp lại được con trai mình.
Cơ hội tưởng vuột khỏi tầm tay khi tìm được gia đình người Pháp nhận con nuôi nhưng họ lại từ chối xác nhận và cố tình chuyển nhà. Nỗi đau cứ gặm nhấm họ đến một ngày khi cậu con trai trưởng thành và quyết định tìm lại nguồn gốc của mình.
Bà Nga cho hay: "Khi họ đưa nhau đến đây xét nghiệm ADN và chờ kết quả nhanh. 4 giờ đồng hồ chờ đợi, kết quả như vỡ òa. Ngay cả những người của trung tâm cũng lặng đi trước giây phút trùng phùng của gia đình".
Quay trở lại câu chuyện bà Mai Hạnh 42 năm lạc con chỉ vì bị trao nhầm tại Nhà Hộ sinh Ba Đình, bà Nga đưa ra lời khuyên:
"Trường hợp này tốt nhất gia đình nên nhờ chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly". Họ có 1 đội ngũ tìm kiếm và liên hệ với các cơ quan chức năng cùng vào cuộc".
Tuy nhiên theo bà Nga, bệnh viện phải có quy trình, quy chế để tránh nhầm lẫn như thế.
"Tôi làm xét nghiệm ADN cho hàng vạn người cũng phải 5 - 7 ca nhầm con tại bệnh viện. Con số này không phải là nhiều nhưng cũng không phải hi hữu", bà Nga nhấn mạnh.
ADN không phá vỡ hạnh phúc gia đình
Cùng nêu quan điểm về trường hợp này, GS.TS Lê Đình Lương - Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam đưa ra quan điểm:
"Trao nhầm con 42 năm, chắc chắn Nhà Hộ sinh Ba Đình, về mặt logic phải chịu trách nhiệm vì họ làm việc không chu đáo, không chuyên nghiệp để xảy ra nhầm lẫn.
Tôi nghĩ điều cần thiết phải giám định ADN để xem có đúng là gia đình mình không. Cũng có trường hợp không cần giám định mà vẫn có thể trở về với nhau hoàn hảo, không có vương vấn hay băn khoăn nào".
GS.TS Lê Đình Lương - Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam (Ảnh: Người lao động)
Theo GS. TS Lê Đình Lương, để hạn chế việc "trao nhầm con" tại bệnh viện, mỗi 1 bệnh viện, mỗi 1 nhà hộ sinh đều có quy chế hoạt động và đó là quy chế tốt để không nhầm lẫn. Vì vậy, các nhân viên cần tuân thủ chặt chẽ các quy chế đó.
Bàn về hình dáng bên ngoài khác nhau có thể kết luận họ không cùng huyết thống, GS. TS Lương nói:
"Chúng tôi gặp nhiều trường hợp nghe thì lạ nhưng lại đúng cha và con hoàn toàn không giống nhau, xét nghiệm ADN lại cho kết quả đúng cha con. Ngược lại, nhiều người, cha con giống nhau, tôi quan sát camera cũng rất giống nhưng kết quả xét nghiệm lại không phải cha con. Tôi ngạc nhiên và phải làm xét nghiệm lại 2 - 3 lần nữa rồi mới dám trả kết quả cho khách.
Nhìn chung, hình dáng bên ngoài có thể phản ánh quan hệ có phải cha con hay không nhưng cũng có khá nhiều trường hợp cha con không giống nhau, có khi con giống người ngoài nhưng xét nghiệm ADN vẫn là cha con.
Hình dáng bên ngoài không thể kết luận mối quan hệ huyết thống mà nó chỉ là đặc điểm tham khảo.
Chính vì thế, trường hợp xa nhau 42 năm thì rất nên xét nghiệm ADN vì khó có thể nhận ra nhau bằng ngoại hình bên ngoài", GS Lương chia sẻ.
Chị Thu Trang - người con trong câu chuyện trao nhầm 42 năm, không có nét nào giống bố mẹ hay anh chị em trong gia đình.
Trước câu hỏi, nhiều người có suy nghĩ, xét nghiệm ADN dẫn tới hạnh phúc của nhiều gia đình bị phá vỡ, GS. TS Lê Đình Lương bác bỏ:
"Nói xét nghiệm ADN là phá vỡ hạnh phúc, đây là 1 tư duy rất lạ lùng, là ngộ nhận đáng tiếc cho những người có tư duy kiểu như thế.
Những người tới xét nghiệm AND, bản thân họ bức xúc trong quan hệ của mình, đã nghi ngờ nhau, bản thân họ đã bất hạnh rồi. Còn những gia đình bình thường có bao giờ xuất hiện ở Trung tâm để xét nghiệm ADN đâu? Họ đưa nhau tới Trung tâm để xét nghiệm ADN nhưng trong số đó, trên 1 nửa lại trở lại hạnh phúc bình thường vì ADN đã thanh minh cho họ.
Những trường hợp ADN không thanh minh cho họ là do chính họ đã gây ra sự cố với nhau chứ ADN không phá hoại hạnh phúc của họ".
Và ở Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền còn rất nhiều những câu chuyện "dở khóc dở cười" liên quan tới việc nhầm con.
Nguyễn Huệ
Theo_Người Đưa Tin
Trao nhầm con 42 năm trước: Sở Y tế Hà Nội trần tình gì? Theo chia sẻ của lãnh đạo Trung tâm y tế quận Ba Đình, đến nay chưa thể tìm được manh mối nào để gỡ những vướng mắc của vụ trao nhầm con 42 năm trước. Liên quan tới vụ trao nhầm con tại nhà hộ sinh quận Ba Đình 42 năm trước, ông Nguyễn Việt Cường, Trung tâm y tế quận Ba Đình...