4 vũ khí chiến lược nào sẽ định hình chính sách quốc phòng của Biden?
Tàu ngầm hạt nhân lớp Columbia, máy bay ném bom B-21 Raider, các tàu chiến không người lái có thể là vũ khí chiến lược trong ưu tiên quốc phòng của Joe Biden.
Theo giới nghiên cứu, đánh giá về các ưu tiên quốc phòng của chính quyền mới ở Mỹ là một công việc đầy khó khăn. Mặc dù Joe Biden có thành tích lâu dài và khá nhất quán về an ninh quốc gia, nhưng hậu quả từ đại dịch toàn cầu và nền kinh tế bị gián đoạn có thể dẫn đến những thay đổi trong chính sách quân sự mà ít nhà quan sát mong đợi.
Các loại vũ khí mới thường chịu ảnh hưởng của những thay đổi lãnh đạo, bởi vì việc trì hoãn chương trình chưa hoạt động này sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, theo chuyên gia quân sự Mỹ Loren Thompson, 4 loại vũ khí mới dưới đây sẽ không ngừng lại và có khả năng xác định chính sách quốc phòng dưới thời Biden.
Joe Biden phát biểu tại buổi lễ của Lực lượng Mỹ-Iraq tại Khu liên hợp căn cứ ở Iraq năm 2011. (Ảnh: US Air Force)
Tàu ngầm hạt nhân lớp Columbia
Joe Biden là người tin tưởng vào khả năng răn đe hạt nhân từ những ngày đầu tiên ở Thượng viện. Đặc điểm chính trong chiến lược răn đe của Mỹ là thay vì cố gắng bảo vệ quốc gia trước cuộc tấn công hạt nhân của Nga hoặc Trung Quốc, Washington sẽ duy trì khả năng tung ra đòn đáp trả khủng khiếp, áp đảo nhằm vào bất kỳ kẻ thù nào.
Chiến lược này yêu cầu một lực lượng đánh trả có khả năng sống sót sau bất kỳ cuộc tấn công nào và sau đó phản ứng tương xứng với các hành động khiêu khích.
Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo là trọng tâm của chiến lược này. Không giống như máy bay ném bom và tên lửa đất đối không, khi các tàu ngầm này đang tuần tra, chúng khó thể bị nhắm bắn trong một cuộc tấn công bất ngờ. Do đó, hiện Mỹ có khoảng 2/3 số đầu đạn trong kho vũ khí chiến lược được mang trên 14 tàu ngầm lớp Ohio.
Tuy nhiên, những tàu ngầm lớp Ohio sẽ phải ngừng hoạt động vào cuối thập kỷ này và sẽ được thay thế bằng lớp tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Columbia, được phát triển trong những năm cầm quyền của Barack Obama.
Theo đó, con tàu đầu tiên lớp Colombia được chế tạo bởi nhà thầu chính General Dynamics và sẽ bàn giao cho Hải quân Mỹ vào năm 2027, đồng thời sẽ thực hiện chuyến tuần tra đầu tiên vào năm 2031.
Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớp Columbia của Hải quân Mỹ.
Columbia sẽ là tàu ngầm lớn nhất từng được đóng ở Mỹ. Song nó không phải là loại mang nhiều đầu đạn nhất. Để tuân thủ các thỏa thuận kiểm soát vũ khí, tàu ngầm lớp Columbia sẽ có 16 ống phóng tên lửa đạn đạo tầm xa (không phải là 24). Mỗi tên lửa D5 do Lockheed Martin LMT sản xuất sẽ mang nhiều đầu đạn, có thể ngắm mục tiêu độc lập và tiêu diệt bất cứ vũ khí nào của đối thủ. Theo đó, một tàu ngầm lớp Columbia có khả năng phá hủy hầu hết các thành phố lớn ở đối phương.
Video đang HOT
Dự kiến Hải quân Mỹ sẽ biên chế 12 tàu ngầm lớp Colombia. Và ít có khả năng Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ trì hoãn hoặc giảm quy mô chương trình tàu ngầm hạt nhân chiến lược này.
Máy bay ném bom tầm xa B-21 Raider
Máy bay B-21, được thai nghén dưới thời Tổng thống Obama, nhằm mục đích thay thế các máy bay ném bom B-1 và B-2. Đây là dòng máy bay tấn công tầm xa, có khả năng tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên thế giới.
B-21 không chỉ là máy bay răn đe hạt nhân chiến lược mà còn là máy bay ném bom thông thường có khả năng mang nhiều loại vũ khí thông minh. Sự kết hợp giữa công nghệ tàng hình và các hệ thống tác chiến điện tử nhanh khiến B-21 Raider gần như không thể theo dõi hoặc bị đánh chặn.
Theo các nhà quan sát, B-21 Raider là một phần của hệ thống vũ khí chính mà Không quân Mỹ phát triển cho các nhiệm vụ tấn công toàn cầu trong tương lai. Nhưng B-21 nằm ở vị trí trung tâm và đóng vai trò then chốt đối với hoạt động tác chiến chung trong tương lai. Theo đó, có ít khả năng ông Biden sẽ mở rộng quy mô chương trình, nhưng theo kế hoạch có thể sẽ tăng lượng mua B-21 Raider.
Máy bay ném bom tầm xa B-21 Raider của Mỹ.
B-21 đang được lắp ráp bởi nhà thầu chính Northrop Grumman NOC ở Palmdale (California). Máy bay ném bom chiến lược này sử dụng động cơ Pratt & Whitney có nguồn gốc từ máy bay chiến đấu F-35. Chúng có nền tảng kỹ thuật số, phát triển nhiều phần mềm linh hoạt và tạo mẫu nhanh.
Do đó, máy bay ném bom này sẽ phù hợp với nỗ lực của chính quyền mới nhằm thay đổi trong chiến lược đầu tư quân sự. Đồng thời, các kỹ thuật mới này sẽ giảm đáng kể chi phí chế tạo và bảo trì.
Trực thăng CH-53K King Stallion
Thủy quân Lục chiến Mỹ trước đây đã chuyển đổi lực lượng không quân của mình bằng các trực thăng lưỡng cư MV-22 Osprey và máy bay chiến đấu cất cánh thẳng đứng F-35B. Những chiếc máy bay này mang lại khả năng cơ động chưa từng có cho lực lượng mặt đất. Kết hợp với các căn cứ trên biển, các máy bay này cho phép Thủy quân Lục chiến Mỹ phản ứng nhanh chóng với các cuộc khủng hoảng trên toàn cầu.
Tuy nhiên, quân đội Mỹ cần các trực thăng chở hàng, có khả năng di chuyển những chiếc xe chiến đấu mới nhất từ tàu đổ bộ ngoài khơi vào vùng chiến sự. Và CH-53K King Stallion, được sản xuất dưới thời chính quyền Obama, đáp ứng yêu cầu này.
Trực thăng vận tải đa năng CH-53K King Stallion.
CH-53K King Stallion được xem là máy bay trực thăng vận tải hàng hóa hiệu quả nhất trên thế giới. Nó có thể nâng trọng lượng hàng hóa lớn hơn bất kỳ loại máy bay cánh quạt nào khác trong lịch sử. Ngoài ra, CH-53K có chi phí bảo dưỡng thấp và có khả năng sống sót tốt hơn trước hỏa lực địch.
Theo chuyên gia Mỹ, giá trị sử dụng của trực thăng sẽ tăng lên khi lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn đà tiến công của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương.
Ngoài việc tăng quy mô lực lượng đổ bộ, Thủy quân lục chiến Mỹ có kế hoạch di chuyển lực lượng giữa các đảo ngoài khơi bờ biển Trung Quốc, theo cách mà Bắc Kinh không dễ lường trước hoặc đối phó. Điều đó sẽ đòi hỏi có phương tiện vận tải di chuyển vũ khí chống hạm, vũ khí chiến thuật và các vật tư khác trong thời gian ngắn. Và các loại máy bay hiện có khó có thể đáp ứng yêu cầu vận chuyển này.
Với một bán kính chiến đấu hơn 208km và làm việc với hiệu suất cao, Thủy quân Lục chiến Mỹ lên kế hoạch mua 200 CH-53K King Stallion để thay đổi cuộc chơi ở Thái Bình Dương. Nhà thầu Sikorsky Lockheed Martin dự kiến sẽ giao dòng máy bay này cho quân đội Mỹ trong năm đầu tiên Joe Biden nắm quyền.
Tàu chiến mặt nước và tàu lặn không người lái
Đầu tháng 11, một tàu chiến mặt nước được phát triển cho Hải quân Mỹ đã hoàn thành quá trình chạy thử nghiệm dài 8.600 km từ Vùng Vịnh đến California, quá cảnh ở Kênh đào Panama. Điều bất thường ở đây là gần như toàn bộ nhiệm vụ được tiến hành một cách tự động.
Tàu thử nghiệm không có người lái là một phần trong việc đầu tư mở rộng của Hải quân Mỹ dành cho các tàu mặt nước và tàu ngầm. Lãnh đạo Hải quân Mỹ cho rằng việc tăng cường sử dụng các hệ thống không người lái là cách duy nhất để thực hiện tất cả các nhiệm vụ được giao trên toàn cầu. Mặc dù các tàu chiến có người lái vẫn là nền tảng chiến đấu cốt lõi của Hải quân Mỹ, nhưng việc thực hiện tất cả các nhiệm vụ bằng tàu khu trục hoặc tàu ngầm tấn công là không thực tế.
“Quái vật” Sea Hunter của Mỹ có tầm hoạt động xuyên đại dương.
Hải quân Mỹ cần những phương tiện ít tốn kém hơn để hoàn thành những nhiệm vụ nguy hiểm hoặc đơn giản nhất, như đặt mìn hoặc tìm kiếm tàu ngầm địch. Do đó họ đang phát triển một nhóm tàu không người lái có thể hoàn thành các nhiệm vụ này.
Các khái niệm quân sự đổi mới này chắc chắn sẽ thu hút nhóm cố vấn an ninh của Joe Biden, giống như cách mà máy bay không người lái đã thu hút nhóm cố vấn an ninh của Tổng tống Obama.
Hiện Boeing BA đang ký hợp đồng chế tạo 5 tàu ngầm robot dựa trên nguyên mẫu Echo Voyager, có độ bền cao, khả năng lặn rất sâu và trọng tải đa dạng. Ngoài ra, Leidos LDOS đã phát triển một tàu mặt nước có tên Sea Hunter, với tầm hoạt động xuyên đại dương và thực hiện đa nhiệm vụ, từ phá thủy lôi đến chống tàu ngầm tấn công.
Các tàu chiến không người lái có mức chi phí nhỏ hơn so với vận hành tàu có người lái. Theo Viện Hudson, Hải quân Mỹ chi hơn 100 triệu USD mỗi tháng để vận hành lực lượng chống tàu ngầm ở Bắc Đại Tây Dương. Tuy nhiên, các tàu chiến không người lái có khả năng nhân rộng phạm vi kiểm soát, với một khoản tiền khiêm tốn hơn.
Với khoản nợ liên bang đang ở mức kỷ lục, chính quyền Biden có động lực mạnh mẽ để lựa chọn các tàu chiến không người lái thay cho các phương tiện chiến đấu truyền thống.
Mỹ sẽ tăng hiện diện quân sự đối phó Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương?
Mỹ đang xem xét các hoạt động triển khai quân sự ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để đảm bảo chống lại mọi mối đe dọa từ Trung Quốc, theo các nhà phân tích.
Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ James McConville gần đây cho biết ông đang đặt "hỏa lực chính xác tầm xa" là ưu tiên hàng đầu và đang xem xét các lựa chọn để đặt các hệ thống vũ khí này ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, như một phần trong chiến lược răn đe của Mỹ.
Mỹ đã tiến hành các cuộc tập trận liên quan đến máy bay chiến đấu F-35B Lightning II trên tàu USS America.
Ông nói, những thay đổi "sẽ cho phép chúng tôi vượt qua" các đối thủ tiềm năng như Trung Quốc và Nga, đồng thời cho biết thêm động thái này cũng sẽ bao gồm "thành lập các lực lượng đặc nhiệm chung".
Bình luận của ông McConville được đưa ra sau khi Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ, tướng David Berger cho biết hồi tháng 3 rằng ông muốn giảm bớt vai trò của lính thủy đánh bộ trong chiến tranh mặt đất và giao phần lớn trách nhiệm đó cho quân đội chính quy.
Trong khi đó, Lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ thông tin họ sẽ di chuyển hầu hết các lữ đoàn để tăng cường sức mạnh chiến đấu cho bộ binh trong khu vực.
Song Zhongping, một chuyên gia quân sự tại Hong Kong, cho biết cuộc đại tu là một phần trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ James McConville gần đây cho biết ông đang đặt "hỏa lực chính xác tầm xa" là ưu tiên hàng đầu.
Trong chuyến công du tới Tokyo vào tháng trước, ông Berger đã thảo luận với người đồng cấp Nhật Bản về khả năng triển khai các đơn vị thủy quân lục chiến cơ động của Mỹ ở Okinawa. Họ sẽ được trang bị tên lửa chống hạm và phòng không, đồng thời sẽ hợp tác chặt chẽ với các lực lượng Nhật Bản để ngăn chặn việc quân đội Trung Quốc dễ dàng tiếp cận Thái Bình Dương.
Theo báo cáo của Stars and Stripes, quân đội Mỹ cũng đã tiến hành các cuộc tập trận liên quan đến việc triển khai khoảng một chục chiến đấu cơ F-35B Lightning II trên tàu tấn công đổ bộ USS America.
Chuyên gia hải quân Li Jie tại Bắc Kinh cho biết cuộc tập trận là phản ứng đối với việc quân đội Trung Quốc mở rộng năng lực tác chiến không và hải quân. Ông nói: "Mỹ lo ngại các hạm đội của họ sẽ bị gạt khỏi Tây Thái Bình Dương."
Theo ông Li, Trung Quốc có đủ hỏa lực để đối phó với các hạm đội Mỹ trong trường hợp xảy ra trận chiến ngoài khơi. "Hệ thống pháo phóng loạt Loại PCL191 của Trung Quốc, trong đó có phạm vi lên đến 400km, và các bệ phóng tên lửa khác là lựa chọn chi phí thấp hiệu quả nhất để đối phó với các cuộc xung đột. Quân đội Trung Quốc cũng đang phát triển một hệ thống radar sóng bề mặt tần số cao mới để phát hiện các máy bay chiến đấu tàng hình như F-35 và các loại vũ khí tác chiến điện tử tiên tiến khác".
Chuyên gia Song Zhongping còn cho biết khó khăn lớn nhất Mỹ có thể phải đối mặt khi thực hiện chiến lược ngăn chặn của mình là duy trì hợp tác với các đồng minh. Và "biện pháp đối phó tốt nhất của Bắc Kinh là phá vỡ liên minh đó."
Đại sứ Nga: Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược có triển vọng dưới thời Biden Nhà ngoại giao Nga cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Joe Biden, Nga-Mỹ có thể đạt được thỏa thuận gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới. Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya cho rằng, sự thay đổi lãnh đạo chính quyền Nhà Trắng có thể mang lại triển vọng cho hai...