4 việc Trump cần làm để chấm dứt ‘cơn đau đầu’ Triều Tiên
Cắt nguồn tài chính, tăng cường hiện diện quân sự nằm trong những biện pháp có thể giúp Trump giải quyết hồ sơ Triều Tiên.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tươi cười bên cạnh một thiết bị được cho là bom nhiệt hạch. Ảnh: KCNA.
Mặc dù chưa thể xác thực được Triều Tiên đã phát triển thành công bom nhiệt hạch, vụ thử hạt nhân lần thứ sáu của Bình Nhưỡng với sức công phá lên đến 140 kiloton thực sự là nhân tố làm thay đổi cuộc chơi.
Nếu cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ không có những hành động cụ thể thì chắc chắn nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sớm muộn cũng sở hữu loại bom nguy hiểm nhất thế giới và gắn chúng lên các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng tấn công lục địa Mỹ, theo National Interest.
Chuyên gia quốc phòng Harry J.Kazianis đưa ra 4 biện pháp mà Tổng thống Mỹ Donald Trump cần thực hiện nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Trước hết, Mỹ phải nhanh chóng tìm cách cắt đứt mọi nguồn cung cấp tài chính cho Triều Tiên. Mục tiêu của hành động này, cũng giống các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc (LHQ), là hạn chế dòng tiền từ nước ngoài tài trợ cho các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cần hành động nhanh chóng và đơn phương bằng cách liệt kê và trừng phạt tất cả đối tượng giúp Triều Tiên rửa tiền hay hỗ trợ Bình Nhưỡng “né” các lệnh trừng phạt trong cả quá khứ và hiện tại.
Video đang HOT
Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới Trung Quốc và các ngân hàng của nước này đang hoạt động tại Mỹ, nhưng là bước đi cần thiết để đảm bảo Bắc Kinh và Bình Nhưỡng hiểu được rằng những hành động như vậy không thể tiếp tục được dung thứ.
Thứ hai, ông Trump cần phải mở rộng sự hiện diện quân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương bằng cách tiếp tục theo đuổi và hiện thực hóa chính sách “xoay trục” tại châu Á của cựu tổng thống Barack Obama, đặt khu vực này vào danh sách ưu tiên hàng đầu về an ninh quốc gia.
Để làm được điều này, Tổng thống Mỹ cần phải tăng cường lượng khí tài hải quân đang được triển khai tại châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm việc bổ sung tàu ngầm tấn công, tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường cùng nhiều khu trục hạm trang bị hệ thống phòng thủ AEGIS, có khả năng đối phó với các cuộc tấn công từ Triều Tiên.
Một bệ phóng thuộc hệ thống THAAD ở Seongju, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.
Thứ ba, Mỹ phải tăng cường năng lực của hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất trong khu vực lên ngang bằng với những hệ thống được triển khai trong lãnh thổ Mỹ. Washington cần nhanh chóng phối hợp với Tokyo để lắp đặt thêm các tổ hợp đánh chặn Patriot PAC-3, cũng như hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Cuối cùng, ông Trump cần thể hiện rõ lập trường của Mỹ là sẽ không bao giờ chấp nhận một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, và mọi giải pháp bao gồm cả quân sự luôn được chuẩn bị kỹ càng.
Dù Washington nhiều khả năng sẽ không phát động một cuộc chiến chống lại Bình Nhưỡng nhưng ông Kim Jong-un cần hiểu rõ rằng Mỹ sẽ đáp trả mạnh mẽ bất cứ cuộc tấn công quân sự nào của Triều Tiên. Tổng thống Mỹ phải khiến ông Kim hiểu rằng Triều Tiên sẽ tự tay ký vào bản án tử hình nếu tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ.
“Mỹ đang phải trả giá cho việc không quan tâm đúng mức đến mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh quốc gia mà đáng lẽ phải được đặt vào trung tâm trong chính sách của những chính phủ tiền nhiệm. Mặc dù Mỹ có thể sẽ không tìm được kế hoạch hoàn hảo để giảm thiểu nguy cơ, nhưng Washington vẫn còn nhiều giải pháp mạnh mẽ có thể đảm bảo an ninh cho chính mình và các đồng minh”, Kazianis nhấn mạnh.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Nga nói Triều Tiên 'đe dọa hòa bình và ổn định khu vực'
Nga cho rằng Triều Tiên tạo ra mối đe dọa tại khu vực, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế, tránh có hành động khiến căng thẳng gia tăng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: RIA Novosti.
"Hành động gần đây nhất thể hiện Bình Nhưỡng bất chấp những yêu cầu trong các nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, xứng đáng nhận sự lên án mạnh mẽ nhất", AFP dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Nga hôm nay cho biết.
Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Nga còn cho rằng Triều Tiên "tạo ra mối đe dọa tới hòa bình và ổn định khu vực". Nga cũng cảnh báo Triều Tiên sẽ đối mặt với "hậu quả nghiêm trọng" nếu còn tiếp tục con đường này.
Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi khi tình hình còn chưa rõ ràng, "điều quan trọng là phải giữ bình tĩnh, kiềm chế, không có hành động có thể khiến căng thẳng leo thang".
Triều Tiên hôm nay tuyên bố thử thành công một quả bom nhiệt hạch có thể gắn lên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), uy lực hơn mọi lần thử trước đó. Đây là lần thứ hạt nhân thứ 6 của Triều Tiên kể từ năm 2006.
Sau khi Triều Tiên thử bom, các nhà giám sát của Nga đã đo phóng xạ tại khu vực Viễn Đông gần Triều Tiên và kết luận các điều kiện vẫn ổn định, "trong ngưỡng bình thường".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi cộng đồng quốc tế phản ứng cứng rắn trước hành động "khiêu khích mới" từ Triều Tiên, đưa Bình Nhưỡng về con đường đối thoại và từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân.
Yukiya Amano, giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Liên Hợp Quốc, nói vụ thử của Triều Tiên là "hành động cực kỳ đáng tiếc", "hoàn toàn bất chấp những yêu cầu từ cộng đồng quốc tế". Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trước đó cũng lên án vụ thử bom nhiệt hạch, kêu gọi Triều Tiên dừng "con đường sai trái".
Như Tâm
Theo VNE
Uy lực loại bom nhiệt hạch Triều Tiên vừa thử nghiệm Bom nhiệt hạch là vũ khí rất phức tạp, cho phép tạo vụ nổ lớn gấp hàng triệu lần quả bom Mỹ từng ném xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un kiểm tra một thiết bị nhiệt hạch. Ảnh: KCNA. Triều Tiên hôm nay đã thử một quả bom nhiệt hạch có thể gắn lên tên lửa đạn đạo...