4 tàu chiến Mỹ tại Singapore sẽ mở rộng phạm vi tác chiến vào năm 2018
Một quan chức Hải quân cấp cao của Mỹ ngày 28/5 cho biết đến năm 2018, bốn tàu chiến của nước này sẽ mở rộng phạm vi hoạt động bên ngoài Singapore. Hiện đang chỉ có một chiến hạm Mỹ được cử tới quốc đảo Đông Nam Á.
USS Freedom – Con tàu tác chiến cận bờ Mỹ đầu tiên cập cảng Singapore. (Ảnh: Press TV)
Chuẩn Đô đốc Charles Williams, Tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm 73 thuộc Hạm đội 7 Hải quân Mỹ, nói với hãng tin AFP rằng Washington sẽ sớm triển khai 4 tàu tác chiến cận bờ tới Singapore. Các tàu này được thiết kế để tuần tra, canh phòng tại các vùng ven biển như trên Biển Đông.
“Dự kiến, 4 tàu Hải quân Mỹ sẽ có mặt tại Singapore trong khoảng thời gian từ tháng 5/2017 đến năm 2018…”, ông cho Williams cho hay.
Theo Straitstimes, Chuẩn Đô đốc Williams hôm qua đã có cuộc trả lời phỏng vấn trên chính con tàu USS Fort Worth, tàu tác chiến cận bờ từng bị tàu khu trục của Trung Quốc rượt đuổi cách đây không lâu.
Video đang HOT
Báo trên cho hay USS Fort Worth là tàu tác chiến cận bờ thứ hai được triển khai tới Singapore trong chiến lược xoay trục về châu Á của chính quyền Obama, theo một sáng kiến được phía Mỹ nêu ra tại Đối thoại Shangri-La vào năm 2011. Tàu tác chiến cận bờ đầu tiên cập cảng Singapore trong chuỗi 4 tàu là USS Freedom, đã hoàn thành nhiệm vụ kéo dài 8 tháng vào năm ngoái.
Con tàu USS Fort Worth đã đến căn cứ quân sự Changi vào tháng 12 năm ngoái, sau hành trình kéo dài hơn 1 tháng kể từ khi xuất phát từ cảng San Diego.
Tàu Fort Worth mang theo một máy bay trực thăng MH-60R Seahawk và một máy bay không người lái MQ-8B Fire Scout, đang trong nhiệm vụ kéo dài 16 tháng. Tàu này thuộc biên chế Hạm đội 7 Hải quân Mỹ, đơn vị phụ trách các hoạt động triển khai trên biển tại khu vực.
USS Fort Worth đang huấn luyện, cùng tuần tra và tham gia các cuộc tập trận chung với hải quân các nước Đông Nam Á, Nam Á. Tàu có 3 đội thủy thủ luân phiên hoạt động sau mỗi 4 tháng để giảm tình trạng mệt mỏi, đồng thời cho phép con tàu hoạt động trong khu vực trong thời gian dài tới 2 lần so với các tàu hải quân khác của Mỹ.
Vào ngày 11/5 vừa qua, tàu Forth Worth đã tiến hành nhiệm vụ tuần tra tại vùng Biển Đông, gần khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, và bị tàu khu trục Yancheng (Type 054A) của Trung Quốc bám đuổi.
Dù cuộc chạm trán đã kết thúc trong hòa bình nhưng báo chí Trung Quốc dự đoán nhiều vụ chạm trán tương tự sẽ có thể xảy ra trong tương lai. Khi hoàn thành kế hoạch triển khai toàn bộ 4 chiếc tàu tác chiến cận bờ tới Singapore, Hải quân Mỹ có thể sẽ tiếp tục các chuyến tuần tra quanh các đảo mà Bắc Kinh đang xây dựng trái phép.
Thoa Phạm
Theo Dantri/ Straitstimes
Biển Đông dậy sóng, Philippines cân nhắc mua tàu ngầm "răn đe"
Hải quân Philippines ngày 27/5 cho biết đang cân nhắc mua các tàu ngầm như một phương tiện để "răn đe" trong khuôn khổ chương trình hiện đại hóa quân đội nước này, nhưng thừa nhận kế hoạch này sẽ không dễ dàng và khó có thể thực hiện trong "một sớm, một chiều".
Các tàu chiến Mỹ và Philippines trong một cuộc tập trận chung. (Ảnh: AST)
ABS-CBN News dẫn lời Tư lệnh Hải quân Philippines, Phó Đô đốc Jesus Millan, cho biết thông tin trên. Khi được hỏi liệu mua tàu ngầm có phải là 1 phần trong chương trình hiện đại hóa quân đội Philippines, ông Millan trả lời: "Điều đó nằm trong kế hoạch của chúng tôi, nhưng nó không thể xảy ra trong một sớm một chiều... mà sẽ cần cả một quá trình".
Phó đô đốc Millan cũng cho hay Hải quân Philippines đã thành lập 1 văn phòng phụ trách việc phát triển năng lực tàu ngầm. Theo ông, văn phòng này sẽ giúp hải quân nước này học thêm các kiến thức về các vũ khí quốc phòng thế hệ mới.
"Bởi kế hoạch này sẽ không dễ dàng, nên chúng tôi bước đầu đã thành lập một văn phòng ... Một điều hết sức quan trọng đó là quân đội cần học hỏi thêm và chuẩn bị cho các binh lính sẽ điều khiển các trang thiết bị, cùng vũ khí, phương tiện mới", Phó đô đốc Millan phát biểu.
Hồi tháng 12/2014, Phó Tư lệnh Hải quân Philippines, Chuẩn Đô đốc Caesar Taccad nói rằng lực lượng này đang cân nhắc mua ít nhất 3 tàu ngầm để tăng cường "khả năng răn đe".
Hiện Biển Đông đang dậy sóng với những hành động hung hăng, ráo riết xây đảo nhân tạo của Trung Quốc tại các vùng tranh chấp với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam và Philippines. Phó Tư lệnh Hải quân Philippines Taccad nhận định các tàu ngầm mới có thể trở thành một phương tiện răn đe "khiến các nước khác không can thiệp vào các hành động thi hành chủ quyền trên biển của Manila".
Ngoài ra, ông Taccad nói thêm rằng: "Các tàu ngầm mới có thể giúp Philippines rất nhiều. Các tàu này có thể đóng những vai trò mới, thậm chí giúp cho công tác tìm kiếm cứu nạn, hoặc thi hành các nhiệm vụ mà các chiến hạm khác không thể".
Thoa Phạm
Theo Dantri/ABS-CBN News
Phi công Việt Nam trên trực thăng, tàu chiến Mỹ Đại diện hải quân Việt Nam và hải quân Mỹ trên khu trục hạm US Fitzgerald và tàu tác chiến gần bờ USS Fort Worth đã có buổi làm việc lý thú. Trên tàu khu trục hạm USS Fitzgerald, hải quân hai bên đã trao đổi trên sơ đồ một số thông tin liên quan đến bộ quy tắc ứng xử cho những...