4 sai lầm kinh điển của cha mẹ khi cho trẻ ăn
Một khảo sát mới nhất của Hội Dinh dưỡng Việt Nam đã đưa ra con số có tới 65% các bậc cha mẹ cho con ăn không đúng cách. Một con số khiến những ông bố, bà mẹ phải giật mình.
Thực tế có rất nhiều ông bố bà mẹ đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi cho trẻ ăn. Họ luôn áp đặt bữa ăn cho trẻ một cách thái quá. Việc cho con ăn sai cách, phản khoa học của các bậc cha mẹ đã khiến những đứa trẻ sợ ăn, biếng ăn.
Điển hình nhất là 4 lỗi thường gặp của cha mẹ khi con ăn sau đây:
1. Phó thác bữa ăn của trẻ cho ông bà, giúp việc
Một là các bậc cha mẹ do quỹ thời gian quá hạn hẹp nên phải nhờ ông bà chăm nuôi trẻ. Mỗi người một cách cho ăn, mỗi thế hệ lại có cách chăm trẻ khác nhau. Ông bà và bố mẹ thường mâu thuẫn với nhau trong cách cho trẻ ăn. Khi các bậc cha mẹ nuôi con theo phương pháp hiện đại, khoa học thì ông bà vẫn muốn nuôi cháu theo kinh nghiệm xưa cũ. Chỉ tội cho con trẻ ở giữa và không biết phải nghe theo lời ai. Điều đó sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý khi ăn của con trẻ.
Chị Lan Anh (Đống Đa, Hà Nội) làm cho công ty nước ngoài nên rất bận rộn và mọi việc chăm sóc con đều phải phó thác cho ông bà nội. Sinh con gái mới được 2 tháng tuổi chị Lan Anh đã phải đi làm lại và đây cũng là lúc mà mẹ chồng – nàng dâu khẩu chiến, mâu thuẫn trong cách chăm cháu nhỏ.
Ảnh minh họa
Vì không có đủ sữa cho con bú nên chị thay thế bằng sữa ngoài. Thế nhưng, mẹ chồng chị lại kịch liệt phản đối vì theo bà sữa ngoài chả bổ béo gì và có chất bảo quản nên không tốt cho tiêu hóa của trẻ. 2 tháng tuổi bà đã ninh nước cháo, xương để cho cháu ăn dặm. Khi gặp sự phản đối của con dâu thì bả giận dỗi, bảo rằng ngày xưa nuôi 5 người con bà toàn cho ăn như thế mà đứa nào cũng khỏe mạnh, thành tài.
Vì cho ăn dặm quá sớm khiến cho con gái chị Lan Anh phải nhập viện điều trị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa đến cả tháng trời. Và hậu quả kéo theo là bé bị suy dinh dưỡng cấp độ nặng.
Chị Liên (Nam Đồng, Hà Nội) lại mâu thuẫn với mẹ chồng về thời gian cho con ăn. Chị luôn muốn tạo cho cu Tí thói quen ăn nhanh và đúng giờ nhất định. Trái ngược với chị, bà nội cháu lại cho ăn chả theo giờ giấc cố định và kéo dài bữa ăn cả tiếng đồng hồ.
Nhìn bát cháo của con nguội ngắt, loãng thếch khiến chị cũng thấy rùng mình chứ đừng nói là ăn hết phần cháo đó. Thế mà bà vẫn cứ ép cu Tí dù nó giãy dụa, đút thìa nào nhè thìa đấy. Dần dà hễ mỗi lần thấy bà bê cháo ra chuẩn bị cho ăn là cu Tí chạy vào phòng để trốn, nhất định không chịu ăn.
Chính những mâu thuẫn trong cách cho trẻ ăn, cách nuôi của hai thế hệ như trên sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý, thói quen ăn của trẻ và dần dần tạo thành tâm lý chán ăn, sợ ăn ở trẻ.
Không nhờ được ông bà chăm cháu, chị Minh (Thanh Xuân, Hà Nội) giao quyền chăm sóc con cho người giúp việc. Dù người giúp việc đã tuân theo “quy tắc cho trẻ ăn” mà chị đề ra nhưng người giúp việc không thể có tình thương như cha mẹ, ông bà đối với trẻ, điều này cũng làm cho trẻ không thích thú đối với bữa ăn.
Theo ý kiến chuyên gia, sự có của cha mẹ trong bữa ăn có ảnh hưởng lớn đến tâm lý của trẻ. Trẻ sẽ thấy vui thích, hào hứng và ăn ngon miệng hơn.
2. Ép bé ăn hết khẩu phần
Video đang HOT
Sai lầm thứ hai là, việc cha mẹ ép trẻ ăn hết phần ăn khi trẻ không muốn ăn nữa sẽ làm cho trẻ ngày càng chán, sợ những bữa ăn.
Bé Nam (2 tuổi) con chị Nhung (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nôn thốc nôn tháo toàn bộ bát bột vừa ăn xong chưa đầy vài phút. Nguyên nhân là vì mẹ cháu cố ép ăn nốt 2 thìa cuối cùng trong khi cháu đã no và không muốn ăn. Một khi con trẻ đã không muốn ăn hoặc đã ăn đủ lượng thì cha mẹ không nên ép trẻ phải ăn hết phần ăn của mình. Khi ép quá sẽ khiến đứa trẻ chán ăn và thậm chí nôn hết phần thức ăn đã ăn được như trường hợp trên.
Phần lớn cha mẹ kiểm soát việc ăn uống của trẻ, từ loại thức ăn cho đến số lượng thức ăn. Họ giới hạn những loại thức ăn trẻ được ăn và ép bé ăn hết khẩu phần mà mình quy định; không quan tâm đến dấu hiệu chứng tỏ sự no/đói ở trẻ. Thậm chí, người lớn sẵn sàng dụ dỗ trẻ ăn bằng những phần thưởng, hứa hẹn mua thứ này thứ kia cho trẻ, sẵn sàng mở tivi, bày đồ chơi cho trẻ miễn sao chúng ăn hết phần.
Hậu quả của những đứa trẻ được cho ăn theo kiểu này sẽ điều chỉnh năng lượng kém, chúng không biết phân biệt cảm giác no đói của mình. Chúng có thể bị ép ăn ngay cả khi đã no. Bữa ăn của chúng cũng thường được kéo dài hơn quy định. Việc đó sẽ ảnh hưởng đến bữa sau của trẻ.
Kiểu cho ăn áp đặt còn gây ảnh hưởng xấu đến cảm xúc, trí tuệ của trẻ. Bị ép ăn, giữa trẻ và cha mẹ đã có mâu thuẫn nhất định trong chuyện ăn uống. Trẻ bị cha mẹ phạt, quát mắng, dọa nạt nếu không chịu ăn. Trẻ sẽ thấy mỗi bữa ăn là một cực hình, sẽ cảm thấy khốn khổ, thậm chí sợ ăn và sợ người cho ăn, tình cảm mẹ con sứt mẻ. Cảm xúc này không tốt chút nào khi nó lại được kéo dài trong suốt năm tháng đầu đời của trẻ.
Chưa kể đến việc khi trẻ bắt thóp được cha mẹ, chúng biết rằng việc ăn uống của mình ảnh hưởng tới cảm xúc của cha mẹ, cha mẹ vui khi chúng ăn hết và ngược lại. Trẻ có thể lợi dụng bữa ăn để đòi hỏi cái này cái kia.
3. Nuông chiều và không tạo tính tự lập cho trẻ khi ăn
Sai lầm điển hình thứ ba mà nhiều bậc phụ huynh thường mặc phải đó là thói quen đút cho trẻ ăn khi trẻ đã hơn 2 tuổi. Thói quen này sẽ làm cho trẻ thiếu tính độc lập. Đút ăn cho trẻ khiến trẻ luôn cảm thấy mình bị ép ăn theo ý muốn của người khác. Trong khi trẻ cần một khay thức ăn với nhiều loại thức ăn đa dạng để trẻ biết mình muốn và cần ăn gì, kích thích cảm giác ngon miệng và hào hứng của trẻ với bữa ăn.
Những cha mẹ này cũng không đưa ra một giới hạn nào cho con, họ cho trẻ ăn tùy thích cả về món ăn, thời gian và địa điểm. Hậu quả sẽ khiến trẻ vô tổ chức khi ăn và dễ bị thiếu chất, suy dinh dưỡng vì chỉ ăn theo sở thích cá nhân.
Bé Lan con anh Trung (Hòe Nhai, Hà Nội) dù đã đi học lớp 2 nhưng đến bữa bố, mẹ vẫn đút từng thìa. Đem thắc mắc này ra hỏi thì bố mẹ cháu lý giải vì sợ con xúc ăn vương vãi bẩn nhà và để thúc ép con ăn nhanh, ăn nhiều. Hậu quả của sự nuông chiều đó khiến cho trẻ mất tính tự lập và mỗi bữa ăn như là sự thúc ép chứ không phải tự nguyện, Việc đó khiến cháu ăn mất ngon và như thể cháu ăn cho bố mẹ chứ không phải ăn cho cháu vậy.
4. Dụ trẻ ăn bằng mọi giá
Ăn là một phản xạ không có điều kiện nhưng tới bữa ăn các bậc phụ huynh đã bật ti vi hoặc cho trẻ chơi đồ chơi khiến trẻ chú ý đến những thứ khác để các bậc cha mẹ tranh thủ đút ăn cho trẻ. Cách cho ăn này làm trẻ ngày càng có “đòi hỏi” phải có những tác nhân bên ngoài khác trẻ mới ăn. Chưa kể, cho trẻ ăn trong khi xem phim hoặc chơi trò chơi lâu dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa của trẻ. Đây là sai lầm thứ 4 mà đa phần các bậc cha mẹ, ông bà hay người trông trẻ đều mắc phải.
Nhà anh Minh (đường Láng, Hà Nội) có 2 đứa con. Đứa lớn học lớp 4, đứa nhỏ học mẫu giáo bé. Anh chị phải sắm 2 cái Ipad để phục vụ chuyện ăn uống cho 2 đứa nhỏ. Đem thắc mắc ra hỏi thì mới vỡ lẽ ra đó là thói quen từ bé, hai đứa con nhà anh chị ăn khi nào cũng phải xem hoạt hình… Nếu không bật ti vi thì nhất định chúng bỏ cơm không chịu ăn. Bố cháu còn chỉ một đống đồ chơi vứt xó ở góc nhà: “Tháng nào cũng phải mua thêm vài món đồ mới để dụ bọn trẻ. Có đồ chơi mới nó ăn nhanh và nhiều hơn”.
Một vấn đề nữa mà các bậc cha mẹ cần lưu tâm. Dù có bận rộn đến mấy cũng phải cố gắng duy trì bữa ăn gia đình. Đừng vì quá ít thời gian mà cha mẹ vắng mặt thường xuyên trong bữa cơm nhà. Tâm lý của con trẻ rất muốn được mẹ chế biến món ăn cho trẻ vì không ai gần gũi và hiểu đứa trẻ bằng mẹ. Ngoài ra, được nhìn thấy mẹ trong bữa ăn cũng là một niềm vui chính đáng của trẻ.
Chỉ ra những sai lầm kinh điển trong cách cho trẻ ăn ở trên hy vọng sẽ giúp cho các bậc cha mẹ tìm được những phương pháp tốt nhất để mỗi bữa ăn của gia đình không còn là một trận chiến căng thẳng với bé, hay thậm chí là cuộc chiến cãi vã giữa cha mẹ với nhau khi con biếng ăn.
Các bậc cha mẹ cần tuân thủ những nguyên tắc trong ăn uống để trẻ hình thành nếp ăn tốt cho trẻ. Cần cho trẻ ăn đúng bữa, đúng giờ. Tuyệt đối không ép khi trẻ không muốn ăn. Hãy tạo cho trẻ tính độc lập trong bữa ăn. Cần cho trẻ ngồi ăn cùng gia đình, điều này vừa giúp cho trẻ có thêm hào hứng khi ăn và đó cũng là cách để trẻ quan sát người lớn ăn, học cách ăn.
Theo Megafun
Những nguyên nhân không ngờ khiến cơ thể bị mất nước
Khoảng 60% cơ thể chúng ta là nước. Chỉ cần mất 1,5% nước cơ thể - ngưỡng giới hạn của mất nước nhẹ thì tinh thần, thể chất và chức năng nhận thức của bạn cũng suy giảm. Dưới đây là 13 nguyên nhân không ngờ gây mất nước và cách phòng tránh:
Bệnh tiểu đường
Những người bị bệnh tiểu đường, đặc biệt là những người không biết mình bị bệnh sẽ tăng nguy cơ bị mất nước. Khi hàm lượng đường trong máu quá cao, cơ thể phải cố gắng để loại bỏ lượng đường dư thừa thông qua tăng cường tiểu tiện. Do đó cơ thể có thể bị mất nước. Nếu bạn bị tiểu đường và thường xuyên thấy khát và đi tiểu, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về cách cải thiện kiểm soát đường huyết. Và nếu tình trạng này trầm trọng, bạn nên đến khám bác sĩ.
Thời kỳ kinh nguyệt
Vào thời kỳ kinh nguyệt, bạn hãy cố gắng uống nhiều nước. Estrogen và progesterone ảnh hưởng đến mức độ hydrat hóa của cơ thể và khi cả hai hoóc-môn này giảm, biểu hiện là bạn bị đau bụng do hội chứng tiền kinh nguyệt, bạn có thể cần tăng cường uống nước.
Hơn nữa, đối với những phụ nữ có thời gian kinh nguyệt kéo dài, lượng máu mất đi nhiều có thể làm cơ thể mất nước nghiêm trọng. Nếu bạn nghĩ bạn ở trường hợp này, hãy bắt đầu đếm số lượng băng vệ sinh bạn sử dụng. Nếu cứ 2 tiếng phải thay băng một lần, bạn hãy đi khám phụ khoa.
Các thuốc kê đơn
Kiểm tra các tác dụng phụ của thuốc. Nhiều loại thuốc đóng vai trò như thuốc lợi tiểu, khiến bạn đi tiểu nhiều hơn và tăng nguy cơ mất nước. Các thuốc huyết áp là một ví dụ phổ biến. Thêm vào đó, bất kỳ thuốc nào có những tác dụng phụ tiềm ẩn như tiêu chảy hoặc nôn cũng có thể gây mất nước nếu bạn bị những tác dụng phụ này. Nếu thuốc của bạn nằm trong danh sách trên, hãy tăng cường uống nước.
Chế độ ăn ít carb
Carbonhydrat được lưu trữ trong cơ thể bạn cùng với dịch cơ thể. Đó là lý do tại sao bạn giảm gấp đôi lượng nước khi bạn giảm tinh bột. Điều đó có thể tốt cho trọng lượng của bạn nhưng lại không tốt cho lượng nước của cơ thể. Thêm vào đó, vì carb toàn phần như bột yến mạch, mì ống nguyên hạt, gạo nâu, tất cả đều được ngâm trong nước khi chế biến, ăn những loại này có thể làm tăng lượng nước cho cơ thể. Việc cắt giảm chúng trong thực đơn khiến bạn có thể cũng vô tình làm giảm lượng nước hấp thu.
Căng thẳng
Khi bạn bị căng thẳng, tuyến thượng thận sản sinh các hoóc-môn stress. Và nếu bạn liên tục bị căng thẳng, tuyến thượng thận của bạn sẽ phải làm việc quá tải, gây suy thượng thận. Vấn đề là, thượng thận cũng sản xuất hoóc-môn aldosterone, giúp điều tiết hàm lượng chất lỏng và chất điện giải của cơ thể, khi cơ thể giảm sản sinh aldosterone sẽ gây mất nước và mức độ điện giải thấp. Trong khi việc bù dịch có thể có lợi trong thời gian ngắn, hạn chế các biến cố căng thẳng vẫn là giải pháp lâu dài.
Hội chứng ruột kích thích
Các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích (như nôn và tiêu chảy kéo dài) có thể gây mất nước. Hơn nữa, nhiều người bị hội chứng này đã tự đặt ra chế độ ăn loại trừ những loại thực phẩm họ tin là tác nhân gây bệnh. Nếu những thực phẩm này có chứa chất lỏng hoặc nhiều nước, thì việc loại bỏ chúng sẽ góp phần gây mất nước.
Tập luyện
Chúng ta thường nghĩ mất nước sau khi tập luyện là vấn đề của các vận động viên, nhưng bất cứ khi nào bạn đổ mồ hôi, có thể sau cuộc đi bộ kéo dài hàng giờ hoặc chạy bộ quanh nhà, bạn cũng đang bị mất nước. Và ngày này qua ngày khác, nếu bạn ra mồ hôi nhiều hơn nước bạn uống vào, bạn có thể bị mất nước nghiêm trọng. Do vậy hãy bổ sung nước sau khi tập luyện.
Mang thai
Trong khi mang thai, thể tích máu và cung lượng tim tăng, làm gia tăng nhu cầu về dịch. Hơn nữa buồn nôn và nôn do ốm nghén cũng có thể gây mất nước. Nếu bạn đang mang thai, đừng chấp nhận ốm nghén như một chuyện đương nhiên mà hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để giảm bớt các triệu chứng.
Lão hóa
Khi bạn có tuổi, khả năng duy trì nước của cơ thể cũng như khả năng cảm nhận khát nước giảm đi, có nghĩa là rất dễ bị mất nước và khó nhận biết được cơ thể đang mất nước. Nếu bạn thường quên uống nước trong ngày, hãy thử đặt một chai nước ở gần bạn mọi lúc và mỗi ngày cố gắng uống nước đầy đủ.
Độ cao
Khi bạn đi lên cao, cơ thể bạn thích nghi bằng cách tăng nhịp thở cũng như tăng cường tiểu tiện. Trong khi cả hai điều này là cần thiết để thích nghi với độ cao và lượng oxy thì việc tiểu tiện liên tục và thở dốc khiến có thể khiến bạn bị mất nước.
Uống rượu
Uống rượu khiến bạn phải đi vệ sinh thường xuyên và do vậy bạn có thể bị mất nước. Rượu ức chế hoóc-môn chống bài niệu. Thông thường loại hoóc-môn này sẽ chuyển một lượng dịch cơ thể bạn đang tiêu thụ ngược trở lại cơ thể và nhưng khi bạn uống rượu nó lại chuyển xuống bàng quang. Trong khi đó, do nhờ tác dụng lợi tiểu của rượu, các tế bào co lại, đẩy nhiều nước vào bàng quang hơn. Tất cả những điều này làm mất đi lượng nước của cơ thể. Hơn nữa, vì rượu làm suy giảm khả năng nhận biết các dấu hiệu sớm của mất nước - như khát nước và mệt mỏi - nên các dấu hiệu mất nước dễ bị bỏ qua.
Ăn quá ít trái cây và rau xanh
Ăn quá ít trái cây và rau xanh cũng là nguyên nhân khiến cơ thể bị thiếu nước. Do vậy, hãy bổ sung các loại trái cây và rau xanh chứa nhiều nước trong thực đơn hàng ngày để tránh cho cơ thể bị mất nước.
Cho con bú
Cho con bú nghĩa là bên cạnh việc chuyển chất điện giải, protein, khoáng chất và các chất khác mẹ còn chuyển cả nước từ cơ thể mẹ sang con. Vì vậy, tất nhiên nó sẽ làm giảm lượng nước của cơ thể. Nếu bạn bắt đầu cảm thấy khó chịu hãy tăng cường bù dịch và hỏi ý kiến bác sĩ. Đó có thể là dấu hiệu mất nước nghiêm trọng.
Hà Hiền
Theo Medicmagic
Mẹ tránh ăn gì, khi con còn "ti" Điểm danh những thực phẩm cấm kị không nên ăn khi đang cho con bú. Không hăn la không tôt cho me, nhưng nhưng đô ăn dươi đây co thê khiên em be cua ban găp vai vân đê vê sưc khoe. Vi thê me hay thât lưu y khi ăn nhe! Hải sản vỏ cứng Du me không hê co vân đê...