4 phương án giá dịch vụ nhà chung cư
Ngày 17-2, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, Sở Xây dựng đã đưa ra 4 phương án giá dịch vụ nhà chung cư để các quận huyện, sở ngành liên quan cho ý kiến trước khi chính thức trình UBND TP xem xét, phê duyệt.
Chưa tìm ra phương án giá dịch vụ chung cư khả thi để giảm bớt tranh chấp (Ảnh minh họa)
Video đang HOT
Nên tôn trọng quy luật thị trường
Ở phương án 1, TP sẽ công bố khung giá đồng thời kèm theo phụ lục về các mức giá khác nhau gắn với tần suất, chất lượng, của một số loại nhà chung cư đã khảo sát. Ông Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng, phương án Nhà nước quy định khung giá là chưa phù hợp với quy luật thị trường, không khuyến khích sự thoả thuận. Thêm vào đó, khoảng cách giá sẽ rất lớn, vì vậy, khi áp dụng hoặc có tranh chấp xảy ra thì mức giá áp để tính cho từng toà nhà cụ thể sẽ rất khó khăn để thực hiện. Ngoài ra, giá sàn và giá trần trong khung giá cũng chưa thể phản ánh hết được các mức giá trên thực tế. Đặc biệt, giá trần vẫn là mức giá mang tính áp đặt, do tính chất của dịch vụ luôn phải tuân theo quy luật của thị trường, trong đó, yếu tố nhu cầu của người sử dụng và năng lực của đơn vị cung cấp là định tính.
Tại phương án 2, TP chỉ công bố các mức giá dịch vụ nhà chung cư phổ biến để các tổ chức, cá nhân liên quan biết tham khảo. Trường hợp có tranh chấp xảy ra, UBND quận, huyện sẽ quyết định áp dụng mức giá tương ứng hoặc gần sát với tòa nhà có dịch vụ được mô tả. Sở Xây dựng cho rằng, phương án này khắc phục được tối đa những vướng mắc về giá dịch vụ nhà chung cư, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân thương thảo, thỏa thuận theo đúng quy luật thị trường và quy định tại Bộ luật Dân sự. Trong khi đó, Nhà nước vẫn thể hiện vai trò hướng dẫn, cung cấp thông tin minh bạch, công khai để các tổ chức, cá nhân có liên quan tham khảo vận dụng. Trường hợp có tranh chấp xảy ra, vẫn có mức giá để giải quyết tranh chấp. Điều đáng nói là phương án này lại nằm ngoài… hướng dẫn của Thông tư số 37/TT-BXD của Bộ Xây dựng!
Ở phương án 3, TP sẽ không ban hành giá dịch vụ nhà chung cư. Lập luận ở đây, như Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã nêu, là “việc ban hành giá dịch vụ nhà chung cư để khống chế mức trần là không cần thiết, không phù hợp quy luật thị trường. Đây là giao dịch dân sự về sử dụng dịch vụ nhà chung cư, do đó giá dịch vụ là giá thỏa thuận”. Tuy cơ quan quản lý sẽ “nhàn rỗi” hơn ở phương án này, song người dân thiếu thông tin để tham khảo, sẽ dễ bị ép giá. Cuối cùng, ở phương án 4, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất, giữ nguyên những nội dung cơ bản phương án giá dịch vụ hiện hành, chỉ điều chỉnh các mức giá cho phù hợp với thời điểm hiện tại.
Còn nhiều bất hợp lý
Trên cơ sở thực tiễn giải quyết các tranh chấp tại hàng loạt dự án (Keangnam, Golden West Lake, 57 Láng Hạ, 88 Láng Hạ, Bitexco Mỹ Đình – Mễ Trì, 96 Định Công…) và ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan, ông Nguyễn Quốc Tuấn nói: “Sở Xây dựng nhận thấy phương án 2 là khả thi nhất”.
Cùng với việc đưa ra các phương án giá dịch vụ, Sở Xây dựng Hà Nội cũng phát hiện nhiều điểm bất hợp lý trong chính sách quản lý, vận hành nhà chung cư hiện nay. Cụ thể, Điều 50, Nghị định 71 quy định, các chi phí dịch vụ khi sử dụng nhà chung cư, kể cả phí dịch vụ trông giữ xe ô tô không được cao hơn mức giá dịch vụ do UBND cấp tỉnh quy định, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Sở Xây dựng cho rằng, quy định này chưa phù họp với thực tiễn bởi “không thể quy định hết các chi phí dịch vụ do tính chất của dịch vụ rất đa dạng, đồng thời định giá của sản phẩm định tính là rất khó khăn. Nếu quy định không cao hơn mức giá do UBND cấp tỉnh quy định (hiểu là giá trần) thì việc xác định giá trần để khống chế quan hệ dân sự trong cung cấp dịch vụ là không khả thi”. Theo Sở Xây dựng, do UBND cấp tỉnh quy định mức phí trông giữ xe ô tô, không quy định mức phí dịch vụ, nên nếu hiểu theo phí dịch vụ như hiện nay thì sẽ phát sinh nhiều tranh chấp, do chi phí đầu tư chỗ trông giữ xe là rất lớn dẫn đến giá trông giữ cao.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn nêu ví dụ: “Chi phí đầu tư xây dựng chỗ đỗ xe tại tầng hầm của các nhà chung cư quy mô lớn phụ thuộc vào mức độ đầu tư, chất lượng dịch vụ cung cấp (camera an ninh, rửa xe, bảo hiểm…). Do đó, nếu chỉ tính theo quy định về phí và lệ phí sẽ không khuyến khích được việc đầu tư xây dựng chỗ đỗ xe, đặc biệt là tại khu vực nội thành. Vì thế, Sở Xây dựng kiến nghị cho phép thu chi phí cho phần đầu tư xây dựng chỗ đỗ xe theo mức độ tiện nghi và chất lượng dịch vụ cung cấp theo thỏa thuận hợp đồng giữa các bên”.
Theo ANTD
Trần phí dịch vụ chung cư: Cứng nhắc vẫn phải theo
Sau 1 năm áp dụng trần phí dịch vụ nhà chung cư, UBND TP thừa nhận quy định là "chưa phù hợp thực tế quản lý" và đề nghị Bộ Xây dựng cho điều chỉnh. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng, việc áp trần phí dịch vụ là chưa thể thay đổi và TP sẽ tiếp tục chờ đợi.
Mô hình quản lý chung cư chưa hoàn thiện nên còn nhiều tranh chấp (Ảnh minh họa)
Giá phải sát thị trường
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, một trong những yêu cầu của việc nghiên cứu và ban hành giá trần dịch vụ nhà chung cư (từ 2.400 đồng/m2 tới 4.000 đồng/m2) là phải giảm được các tranh chấp về phí dịch vụ giữa chủ đầu tư và người dân đang sống tại các tòa chung cư. Tuy vậy, thực tế, sau khi Hà Nội ban hành giá trần dịch vụ nhà chung cư, tranh chấp vẫn diễn ra và thường không có hồi kết nếu các bên liên quan viện dẫn quy định về giá trần dịch vụ theo cách hiểu của riêng mình. Chính vì thế, UBND TP Hà Nội đánh giá, quy định cứng khung giá là chưa phù hợp với thực tế quản lý. Mỗi loại nhà khác nhau, với mỗi vị trí địa lý khác nhau, sẽ áp dụng rất nhiều loại dịch vụ nhà chung cư.
Nói về mặt bằng phí dịch vụ chung cư trên địa bàn thành phố, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng, chung cư hiện đại vận hành khác hẳn với kiểu chung cư cũ trước đây. Nhiều khu căn hộ đã được quản lý theo tiêu chuẩn khách sạn 5 sao với rất nhiều dịch vụ mới, khá hiện đại và tiện ích, đảm bảo an ninh, an toàn rất cao cho người sử dụng. Các tòa nhà này được quản lý, vận hành bởi những đơn vị chuyên nghiệp, thậm chí, có thể mang đẳng cấp quốc tế, do vậy, hoàn toàn không có chuyện hưởng chất lượng dịch vụ cao mà lại chỉ trả tiền thấp.
Từ những bức xúc trong thực tế quản lý, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Xây dựng cho phép công bố đơn giá dịch vụ nhà chung cư thay cho việc ban hành giá trần hoặc khung giá dịch vụ như hiện nay. Đơn giá này được công bố để doanh nghiệp, các hộ dân tham khảo, thương thảo và quyết định áp dụng hoặc xây dựng giá dịch vụ theo các quy định hiện hành. Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, nếu kiến nghị này được Bộ Xây dựng chấp thuận, UBND TP sẽ công bố giá các loại dịch vụ hàng năm sát với thực tế hơn. Giá từng loại dịch vụ sẽ thay đổi khi chi phí đầu vào như giá điện, nước, xăng... thay đổi. "Nói nôm na là TP sẽ điều chỉnh giá dịch vụ chung cư về sát với thị trường hơn" - ông Nguyễn Quốc Tuấn cho biết.
Chưa thể bỏ giá trần
Dù đề nghị bỏ giá trần phí dịch vụ nhà chung cư của TP Hà Nội rất thuyết phục song đáng tiếc Bộ Xây dựng lại chưa đồng tình. Trả lời đề nghị của UBND TP, Bộ Xây dựng khẳng định, UBND TP Hà Nội có trách nhiệm ban hành giá trần hoặc khung giá dịch vụ nhà chung cư, theo từng cấp nhà, hạng nhà chung cư, chất lượng dịch vụ và tình hình thực tế của địa phương để áp dụng trên địa bàn. Trên cơ sở giá trần hoặc khung giá dịch vụ nhà chung cư được ban hành, Ban quản trị nhà chung cư, các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện theo các quy định.
Không đưa ra một "tư vấn" cụ thể nào, Bộ Xây dựng chỉ trả lời chung chung "sẽ nghiên cứu phản ánh của UBND TP về những khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý giá dịch vụ nhà chung cư theo giá trần. Đồng thời, sẽ khảo sát và tập hợp thêm thông tin ở các địa phương khác trên cả nước để báo cáo Chính phủ khi sửa đổi Nghị định 71/ NĐ-CP...". Trong khi chờ đợi, Bộ Xây dựng khuyến cáo TP Hà Nội "chỉ đạo các tổ chức, cá nhân xác định giá dịch vụ nhà chung cư theo hướng công khai, minh bạch".
Viện dẫn Khoản 5 Điều 50 Nghị định 71/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng nhấn mạnh "Các chi phí dịch vụ khi sử dụng nhà chung cư, kể cả phí dịch vụ trông giữ xe ô tô không được cao hơn mức giá dịch vụ do UBND cấp tỉnh quy định, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác." Do đó, trường hợp, giá dịch vụ nhà chung cư được xác định cao hơn mức giá hoặc khung giá dịch vụ nhà chung cư do UBND TP Hà Nội ban hành, thì Ban quản trị nhà chung cư, các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Thông tư số 37/TT- BXD để thực hiện.
"Lượng hóa" tình hình tranh chấp về phí dịch vụ chung cư chưa thể "hạ nhiệt", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Văn Sơn cũng đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị có liên quan chủ động, phối hợp với Ban quản trị, tổ dân phố, chủ đầu tư, đơn vị quản lý và các hộ dân đang sống tại tòa nhà để giải quyết, xử lý các tranh chấp phát sinh...
Theo ANTD
400 hộ dân còn nợ tiền mua nhà Ngày 25-1, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, năm 2012, TP đã tiếp nhận nhà cơ quan tự quản được 1.174 căn hộ với diện tích 23.830 m2. Tổng số hồ sơ đã nộp tiền mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định 61/CP là 3.095 căn, doanh thu ước đạt 185 tỷ đồng, trong đó thực nộp ngân sách...