4 nhiệm vụ của TP.HCM trong 2 tuần kéo dài giãn cách xã hội
Bí thư Nguyễn Văn Nên đặt ra 4 nhiệm vụ trọng tâm cho TP.HCM trong 14 ngày tiếp tục giãn cách. Trong đó, tiêm vaccine là chìa khóa quan trọng để bảo vệ sức khỏe người dân.
Công tác phòng chống dịch đã đi đúng hướng, có kết quả bước đầu là thông điệp được Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh trong phát biểu kết luận hội nghị triển khai Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 diễn ra tối 31/7.
Nhiệm vụ lịch sử
Mở đầu bài phát biểu, Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị các cấp, ngành và toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở cần nhìn nhận những vấn đề đang đối mặt mang tính lịch sử, cực kỳ quan trọng với thành phố nói riêng và Việt Nam, thế giới nói chung.
Công tác phòng, chống dịch Covid-19 với sự lây lan của chủng Delta rất đặc thù nên cần hiểu giá trị của từng việc làm, trách nhiệm, tình người trong công tác phòng, chống đại dịch, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ lịch sử này.
Đánh giá việc thực hiện Chỉ thị 12 thời gian qua, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhận định các biện pháp đã vào nền nếp, bài bản và hiệu quả hơn. Sự ứng phó, triển khai các vấn đề khẩn cấp nhanh hơn, từng địa phương chủ động tốt hơn, từng cấp, từng bộ phận phối hợp chặt chẽ hơn, nhân dân đồng tình ủng hộ mạnh mẽ hơn.
“Chúng ta đã huy động được lực lượng toàn xã hội quyết tâm phòng chống dịch. Đây là sự ủng rất cao, rất có giá trị. Chúng ta có đủ niềm tin thực hiện triệt để Chỉ thị 16″, ông Nên nói.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. Ảnh: N. T.H.
Đến nay, thành phố cơ bản kiểm soát các ca lây lan mới, hầu hết F0 trong khu phong tỏa. Việc thực hiện giãn cách trong khu dân cư, xóm làng hiệu quả, không có nhiều ca mới. Thành phố cần tập trung hỗ trợ điều trị F0; thu dung, điều trị phải triển khai khẩn trương hơn để cứu người.
An sinh xã hội là vấn đề khó khăn, phức tạp, khó có thể lo chu đáo. Bí thư Nguyễn Văn Nên ghi nhận sự nỗ lực toàn hệ thống, quy tụ được sức mạnh để chăm lo người dân.
Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM đánh giá hoạt động cung ứng hàng hóa hiện rất cần thiết nhưng cực kỳ khó khăn, phức tạp trong điều kiện áp dụng Chỉ thị 16. Các giải pháp thực hiện cần đồng bộ để không phát sinh mâu thuẫn trong hoạt động cung ứng.
Rải đều điểm tiêm, thậm chí đến từng nhà dân
Về nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết thành phố sẽ tiếp tục giãn cách trong 2 tuần tới với 4 nhiệm vụ trọng tâm.
Đầu tiên là tập trung triệt để giãn cách xã hội, phát huy vai trò nhân dân tự quản tại các khu phố, tổ dân phố, khu dân cư. Đây là nhân tố quyết định để đạt thắng lợi.
“Nhân dân ủng hộ ít thành công ít, ủng hộ nhiều thành công nhiều. Người dân cùng chính quyền thực hiện công tác phòng chống dịch”, ông Nên nói và đề nghị người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị phát huy tinh thần trách nhiệm trong phòng, chống dịch.
Nhiệm vụ thứ hai là tập trung quản lý, theo dõi, tư vấn hướng dẫn, vận chuyển điều trị F0 theo những quy trình, quy định đã đề ra. Nơi nào để xảy ra tình trạng F0 chậm chăm sóc, người đứng đầu nơi đó chịu trách nhiệm. Khi người dân cần tư vấn hoặc nhập viện phải đảm bảo người trực, luân phiên chia ca 24/7 để giải quyết.
Mỗi lực lượng có chỉ huy, có cơ chế phối hợp, cấp thành phố có lực lượng sẵn sàng, không bị động, lúng túng và bỏ sót. Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu huy động mọi nguồn lực tham gia công tác phòng, chống dịch đúng theo lệnh của tình hình khẩn cấp.
TP.HCM quyết tâm hết tháng 8 sẽ tiêm vaccine cho trên 70% người dân. Ảnh: Duy Hiệu.
Thứ ba, tiêm vaccine là chìa khóa quan trọng để bảo vệ sức khỏe nhân dân, thành phố phải quyết tâm đến tháng 8 đạt tỷ lệ tiêm trên 70%. Các giải pháp phải thích hợp, khẩn trương, chặt chẽ, càng sớm càng tốt. Ông Nguyễn Văn Nên yêu cầu tổ chức các điểm tiêm rải đều, thậm chí đến từng nhà dân, tiêm ngoài giờ, xử lý ngay nếu có rủi ro. Mục tiêu là giảm số ca bệnh nặng.
Thứ tư, lãnh đạo Thành ủy yêu cầu việc hỗ trợ người nghèo tránh để sót, không được kéo dài và cố gắng tiếp sức kịp thời bằng kinh nghiệm, cách làm của mỗi địa phương, không chủ quan. Thành phố sẵn sàng đón nhận hỗ trợ của các địa phương để chăm lo cho người nghèo.
Ông khẳng định thành phố sẽ lo cho người dân các tỉnh về quê. Các địa phương rà soát, thống kê để có biện pháp hỗ trợ, chia sẻ tạo điều kiện giúp người dân bám trụ. Nếu người dân muốn về quê thì có kế hoạch, lập danh sách cụ thể và giao về địa phương. Thành phố sẵn sàng lo nhưng người dân cần hợp tác, không đi lại tự do gây nguy cơ lây nhiễm cho các tỉnh.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh phải bảo vệ nguồn lực y tế bằng nhiều cách. Ông yêu cầu có chính sách dưỡng quân, giữ gìn, bảo vệ, hạn chế lây nhiễm để ngành y tế chiến đấu lâu dài, không chỉ riêng với dịch bệnh Covid-19 mà còn nhiều bệnh khác.
Chế độ chính sách với cán bộ, nhân viên y tế, mua sắm các trang thiết bị, phương tiện cần khẩn trương triển khai càng nhanh càng tốt. Công tác truyền thông phải đảm bảo kịp thời, chính xác đầy đủ, công khai…
Cuối cùng, Bí thư khẳng định công tác phòng, chống dịch có kết quả bước đầu và cần tiếp tục phát huy, tạo sự chuyển biến. “Nhân dân đã ủng hộ, chúng ta phải quyết tâm không để phụ lòng nhân dân”, ông nói và bày tỏ tin tưởng thành phố sẽ chiến thắng cuộc chiến này.
Đội xe lưu động tiêm vaccince ngừa Covid-19 ở TP Thủ Đức .Hai xe lưu động chở các bác sĩ, điều dưỡng sẽ đến từng khu phố ở TP Thủ Đức (TP.HCM) để tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân.
Bí thư Hà Nội: Thực hiện giãn cách phải quyết liệt như mệnh lệnh thời chiến
Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh, việc thực hiện giãn cách xã hội phải quyết liệt như mệnh lệnh thời chiến, trên sôi sục thì dưới cũng phải sục sôi.
Ngày 29/7, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra và làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Hoài Đức về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19.
Tại buổi kiểm tra, Bí thư Đinh Tiến Dũng khẳng định, việc thực hiện giãn cách xã hội trong 15 ngày chỉ đem lại hiệu quả thực sự nếu được thực hiện đồng bộ, quyết liệt trên toàn Thủ đô. Thành phố muốn có kết quả tốt thì từng quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn đến thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư phải thực hiện thật tốt; vì chỉ cần 1-2 nơi lơ là, chểnh mảng, cả thành phố có thể phải vất vả làm lại từ đầu.
"Do đó, thực hiện giãn cách xã hội phải quyết liệt như mệnh lệnh thời chiến, trên sôi sục thì dưới cũng phải sục sôi", ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy yêu cầu không chỉ riêng huyện Hoài Đức mà lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn đều phải hiểu rõ từng nội dung, yêu cầu của Chỉ thị 17 và các chỉ đạo khác của Thành ủy, UBND Thành phố để tổ chức thực hiện.
Sở Chỉ huy công tác phòng, chống COVID-19 cấp huyện, cấp xã phải trực 24/24h và 7 ngày/tuần. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm toàn diện và toàn quyền chỉ huy lực lượng phòng, chống dịch. Ban Thường vụ, Thường trực quận, huyện, thị ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để tạo điều kiện cho Chủ tịch UBND cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ.
Các địa phương phải tăng cường trao đổi, học hỏi lẫn nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó, nên tham khảo mô hình huyện Đông Anh cách ly "3 lớp" với sự tham gia tự quản, tự giám sát của người dân rất hiệu quả.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đã phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phải sát sao với địa bàn phụ trách. Nếu quận, huyện, thị xã còn chưa thực hiện tốt nhiệm vụ giãn cách xã hội thì đồng chí đó phải trực tiếp "3 cùng" với địa phương để thực hiện.
Tương tự, Ban Thường vụ huyện Hoài Đức nói riêng và các quận, huyện, thị xã cũng phải phân công, gắn trách nhiệm cá nhân với địa bàn phụ trách. Nơi nào làm tốt, có sáng kiến, sáng tạo thì phải biểu dương, tuyên truyền động viên ngay; nơi nào thiếu trách nhiệm, làm chưa tốt phải phê bình, kỷ luật nghiêm; lấy hiệu quả thực hiện làm "thước đo" năng lực, uy tín, trách nhiệm cán bộ.
Nhấn mạnh nội dung chính của Chỉ thị số 17 là bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc: "Khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh", Bí thư Thành ủy yêu cầu huyện Hoài Đức phải làm chặt chẽ từ gốc, bố trí các chốt kiểm soát từ thôn, xóm; huy động thêm các lực lượng và có phương án chuẩn bị phục vụ dài ngày. Các tổ trực kiểm soát tại các chốt phải được hướng dẫn, tập huấn bảo đảm thống nhất, chặt chẽ...
Các địa phương huy động các tổ COVID-19 cộng đồng đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để phát hiện F0; có biện pháp nắm bắt, xét nghiệm những trường hợp đi mua thuốc ho, sốt...
UBND cấp huyện và UBND cấp xã phải kiểm tra chặt chẽ việc chấp hành Chỉ thị 17 của 100% cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp trên địa bàn; bảo đảm không đơn vị nào hoạt động mà chưa có phương án an toàn phòng dịch được cấp huyện phê duyệt. Phương án phê duyệt phải thực chất và là căn cứ để kiểm tra, truy cứu trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.
Nhấn mạnh tinh thần chủ động, phải luôn đi trước một bước, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu song song với thực hiện Chỉ thị 17, toàn thành phố phải thực hiện ngay công tác chuẩn bị theo phương châm "4 tại chỗ" để chủ động trong mọi tình huống, nhất là phải bảo đảm đủ cơ sở cách ly, điều trị F0.
Trong đó, huyện Hoài Đức phải vào cuộc ngay, nhanh chóng triển khai các khu cách ly trên địa bàn, bảo đảm đáp ứng đủ yêu cầu cách ly 5.000 người khi cần.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đồng thời đề nghị Bộ Tư lệnh Thủ đô rà soát, lập danh sách và tham mưu với Sở Chỉ huy công tác phòng, chống COVID-19 thành phố về các địa điểm thiết lập khu cách ly tập trung ở 18 huyện, đề xuất phân công cho mỗi huyện chuẩn bị khoảng 3.000-5.000 chỗ cách ly.
Việc chuẩn bị do UBND các huyện phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô thực hiện; bảo đảm khi có yêu cầu là triển khai được ngay, không lúng túng.
Bí thư Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện khẩn trương, hiệu quả việc chi trả hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ mới ban hành.
Đà Nẵng tiêm vắc xin COVID-19 cho người cung cấp dịch vụ thiết yếu trong trật tự, giãn cách Sáng 29-7, ngành y tế Đà Nẵng đã bắt đầu đợt tiêm 33.600 liều vắc xin Moderna phòng COVID-19 vừa được Bộ Y tế phân bổ. Theo kế hoạch, 33.600 liều này sẽ được cấp thành 2 đợt để tiêm đủ 2 mũi cho 16.800 người. Đà Nẵng bắt đầu vào đợt tiêm chủng quy mô nhất từ trước đến nay - Ảnh:...