4 nhà mạng Nhật Bản tuyên bố không dùng công nghệ và thiết bị 5G của Huawei và ZTE
Các nhà mạng này bao gồm: Docomo, KDDI, SoftBank, và Rakuten.
Ba nhà mạng di động lớn của Nhật Bản gồm SoftBank Group, NTT Docomo và KDDI đã quyết định không sử dụng các trang thiết bị của Trung Quốc trong hạ tầng mạng 5G của họ bởi những mối quan ngại về an ninh ngày càng tăng cao, buộc chính phủ Nhật Bản phải cấm các mặt hàng đến từ Huawei Technologies và các công ty Trung Quốc khác khỏi danh mục mua sắm công.
Công ty thương mại điện tử Rakuten, sắ trở thành nhà mạng thứ tư vào năm sau, cũng “nghỉ chơi” với Trung Quốc, tuyên bố rằng “ không có dự định sử dụng trang thiết bị viễn thông của Trung Quốc“. Công ty sẽ sử dụng các sản phẩm của Nokia cho hạ tầng mạng 4G của mình.
Những động thái nói trên là một cú tát rất mạnh vào mặt Huawei, vốn đang nhăm nhe đánh chiếm thị trường smartphone và viễn thông Nhật Bản.
Hôm thứ Hai vừa qua, Nhật Bản về cơ bản đã cấm hoàn toàn mọi cơ quan chính phủ trung ương và các lực lượng quốc phòng thực hiện các hoạt động mua sắm trang thiết bị viễn thông của Trung Quốc. “ Việc tránh mua trang thiết bị có các chức năng mờ ám như đánh cắp hay phá huỷ thông tin, hay làm gián đoạn hệ thống thông tin, là cực kỳ quan trọng” – Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nói.
Mỹ trước đó đã cấm Huawei và ZTE thâm nhập thị trường 5G nước này, và đã ban hành lệnh cấm vận lên các công ty Trung Quốc vì các hoạt động thương mại với Iran. Mỹ cũng sẽ cấm các công ty sử dụng các sản phẩm từ một số công ty Trung Quốc nhất định tham gia giao dịch với các cơ quan chính phủ kể từ năm 2020 – điều khiến SoftBank và NTT hết sức quan ngại trong bối cảnh họ chuẩn bị mở rộng hoạt động ra nước ngoài.
Chính phủ Nhật hiện không hạn chế việc mua sắm nói trên đối với các công ty tư nhân. Nhưng với áp lực từ phía Mỹ đang tăng lên, các nhà mạng sẽ phải thay đổi.
Các công ty viễn thông Nhật Bản có dự định bắt đầu thử nghiệm 5G từ năm sau, với mục tiêu phủ sóng thương mai vào năm 2020. Các nhà mạng, vốn cần phải chọn các nhà cung ứng để kịp giao các đơn hàng vào mua xuân sang năm, đã quyết định không mạo hiểm mua sắm từ các công ty có thể sớm bị cấm trên thị trường.
Video đang HOT
Đại gia công nghệ SoftBank, hãng viễn thông lớn duy nhất ở Nhật sử dụng trang thiết bị Huawei và ZTE cho các hệ thống 4G, sẽ quyết định liệu có tìm kiếm các thị trường khác hay không. SoftBank hiện đang hợp tác với Huawei để thử nghiệm 5G, và hãng đã chủ yếu làm việc với các trạm cơ sở của công ty Trung Quốc này trong quá trình hoàn thiện 5G. Chọn lựa một nhà cung ứng khác có thể khiến kế hoạch của SoftBank bị trì hoãn.
Trong khi đó, Docomo và KDDI không sử dụng trang thiết bị Trung Quốc cho mạng 4G. Dù Docomo đang chạy thử 5G với Huawei, công ty đã quyết định không sử dụng các trang thiết bị do Trung Quốc sản xuất trong mạng 5G của mình, chủ yếu bởi các rào cản kỹ thuật. KDDI cũng dự định tiếp tục tránh né các trang thiết bị của Trung Quốc.
Thị phần của Huawei trong thị trường trạm cơ sở ở Nhật tăng 13% trong năm tài khoá 2017, từ 4% vào năm 2016 – chủ yếu nhờ SoftBank. Huawei chiếm khoảng 60% số trạm cơ sở mà nhà mạng này lắp đặt, xét về giá trị, trong năm tài khoá 2017.
Takuya Kamei, nhà nghiên cứu cấp cao tại Nomura Research Institute, cho biết các hãng viễn thông Nhật Bản sẽ đạt được mục tiêu phủ sóng 5G bằng cách mua sắm trang thiết bị từ các hãng khác. Cả 3 nhà mạng lớn đều dự kiến thương mại hoá các dịch vụ 5G trước Olympics 2020 ở Tokyo.
“ Các công ty sẽ có thể sắm được các trang thiết bị cần thiết“, bởi không ai trong số họ phụ thuộc độc nhất vào Huawei, Kamei nói.
Nhưng xét việc chuyển đổi sang 5G thường yêu cầu phải nâng cấp một số cơ sở hạ tầng 4G hiện tại, quyết định ngừng chơi hoàn toàn với các nhà cung ứng Trung Quốc “ sẽ là một quyết định lớn với SoftBank, hãng đang sử dụng trang thiết bị 4G Trung Quốc” – Hironori Amano của MCA nói.
Dù không có công ty nào nói ra kế hoạch ngừng bán các thiết bị di động của Huawei, nhưng uy tín của hãng smartphone Trung Quốc đã không còn tốt đẹp như xưa nữa. Huawei vượt mặt Apple trong năm nay để trở thành hãng sản xuất smartphone lớn thứ 2 thế giới, và đã đẩy mạnh xâm nhập Nhật Bản, tung ra các mẫu flagship như P20 Pro.
Jim Xu, Phó chủ tịch của bộ phận tiêu dùng của Huawei, cho biết công ty có dự định khai phá thị trường Nhật Bản bằng cách mờ các quầy trưng bày của công ty trong các cửa hàng bán lẻ.
Mỹ đã thông báo với Nhật và các đồng minh khác về những nguy cơ bắt nguồn từ các trang thiết bị công nghệ thông tin của Trung Quốc và thúc giục họ cấm Huawei và ZTE khỏi thị trường – theo một nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản. Úc và New Zealand đã cấm các hãng sản xuất Trung Quốc xây dựng mạng 5G của nước mình, và BT Group của Anh cho biết hãng sẽ không sử dụng trang thiết bị Huawei trong các bộ phận chủ đạo của cơ sở hạ tầng 5G của hãng.
Không như lệnh cấm của Mỹ, chỉ đạo mua sắm mới của Nhật Bản không nêu ra bất kỳ tên quốc gia hay công ty cụ thể nào. Tổ chức Thương mại thế giới WTO cấm hành vi phân biệt như vậy trong danh mục mua sắm công, và dù những ngoại lệ có thể được đặt ra nếu có quan ngại về an ninh, việc Huawei có dính vào những quan ngại đó không vẫn chưa rõ.
Nhật Bản cũng khá tinh ranh không để quan hệ giữa nước mình với Trung Quốc bị thiệt hại. “ Việc hai nước phát triển mối quan hệ bạn bè và hợp tác là rất quan trọng” – Chánh văn phòng Chính phủ Yoshihide Suga nói.
Các cơ quan chính phủ sẽ cần phải khảo sát các trang thiết bị IT để đảm bảo chúng đáp ứng được các tiêu chí mới, và sẽ đi vào hiệu lực trong khoảng 3 tháng. Bất kỳ trang thiết bị nào có nguy cơ về an ninh sẽ bị loại bỏ hoặc thay thế.
Các công ty IT và viễn thông đang bắt đầu quy trình đánh giá của riêng họ để xem liệu có bất kỳ linh kiện hay sản phẩm Trung Quốc nào xuất hiện trong các trang thiết bị bán cho chính phủ trung ương hay không.
“ Về kỹ thuật, hoàn toàn có thể can thiệp thông tin thông qua các trang thiết bị viễn thông” – Goh Tokia, một nhà tư vấn an ninh tại NRI SecureTechonogoeis nói. Bằng cách cấy chip hay phần mềm đã chỉnh sửa, các đối tượng xấu có thể thu thập thông tin chuyển qua lại giữa các kênh viễn thông nhất định.
NTT Data, công ty phát triển các hệ thống liên quan đến chương trình nhận diện quốc gia “My Number”, là một trong số các công ty tìm cách đi đầu trong quy trình này. Công ty nói rằng họ “ không thể loại bỏ hoàn toàn mọi khả năng” đã sử dụng các sản phẩm đến từ Trung Quốc.
NEC, hãng tự phát triển các trang thiết bị viễn thông của chính mình, cho biết họ không dùng trang thiết bị từ Trung Quốc. Nhưng các công ty khác trong chuỗi cung ứng của hãng có lẽ đã từng thuê ngoài dây chuyền sản xuất của các công ty Trung Quốc, và NEC đang xem xét kiểm tra lại mọi thứ.
Theo GenK
Hàng triệu điện thoại toàn cầu sập mạng (có Việt Nam?): chứng chỉ phần mềm Ericsson hết hạn
Có thể đây là nguyên nhân hàng triệu thuê bao Mobifone đã bị lỗi mạng trong ngày hôm qua. Ericsson vừa chính thức xác nhận rằng đã có một lỗi trong phần mềm của họ khiến cho mạng bị tê liệt hoàn toàn trong nhiều tiếng.
Lỗi này đã khiến hàng triệu chiếc smartphone ở Anh, Nhật cùng nhiều quốc gia khác không thể liên lạc được. Ericsson cho biết nguyên nhân gốc rễ chính là do chứng chỉ bị hết hạn và lỗi phần mềm đã khiến mạng ngừng hoạt động.
Một cách nôm na, các chứng chỉ này có nhiệm vụ đảm bảo tính hợp lệ của phần mềm và giữ mọi thứ được an toàn, bảo mật. Một khi chứng chỉ bị hết hạn, các phần mềm ngay lập tức sẽ báo là có sự cố và ngừng hoạt động. Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc có lỗi trong khâu bảo trì phần mềm,...
Trong thông báo, nhà mạng Softbank cho biết đã có 11 quốc gia khác có nhà mạng chịu ảnh hưởng của sự cố lần này. Chi tiết tên các quốc gia vẫn chưa được công bố, tuy nhiên Ericsson cho biết rằng tổng số quốc gia có dùng thiết bi của hãng và bị ảnh hưởng vẫn chưa thể được xác định chính xác.
Về việc khắc phục sự cố, Softbank của Nhật mất khoảng 4 tiếng để đưa mọi thứ trở lại bình thường. Riêng sự cố tại Việt Nam chúng ta thì có vẻ như từ 2 tới 4 tiếng sau đã được khắc phục. Trong thời gian đó thì có người bạn của mình không thực hiện hay nhận cuộc gọi được, có người mất cả sóng 3G và cũng có người thì gọi đi không được nhưng nhận cuộc gọi thì được.
Về khả năng sự cố lặp lại. Ericsson cho biết mọi thứ đã được ngăn chặn hoàn toàn. Và kỳ thực đây cũng không phải là lần đầu tiên dạng lỗi này xuất hiện. Hồi năm 2013, Xbox Live và Azure đã đồng loạt bị ngừng hoạt động do một chứng chỉ hết hạn. Sau đó, năm 2015, người dùng App Store cũng bị bắt phải xóa và cài lại ứng dụng sau khi chứng chỉ xác nhận app bị hết hạn. Tương tự, hồi đầu năm, việc chứng chỉ phần mềm hết hạn đã khiến các thiết bị Oculus Rift không hoạt động được dù người dùng có chỉnh ngày tháng của máy tính như thế nào.
Theo Tinh Te
Amazon Web Services đưa ra bộ xử lý ARM cho đám mây của mình, hứa hẹn giá cả có thể thấp đến 45% so với trước Đây cũng là lần đầu tiên các bộ xử lý máy chủ kiến trúc ARM được sử dụng trên đám mây, bên cạnh tùy chọn truyền thống dùng chip Intel. Sau nhiều năm chờ đợi ai đó có thể thiết kế nên bộ xử lý máy chủ ARM có thể hoạt động trên quy mô đám mây, cuối cùng Amazon Web Services AWS...