4 nhà khoa học xuất sắc nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu
Sáng 16/5, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2015 cho 4 nhà khoa học xuất sắc. Đặc biệt, trong 4 người nhận giải thưởng năm nay có 1 nhà khoa học trẻ – đó là PGS.TSKH Phạm Hoàng Hiệp, người được công nhận chức danh PGS trẻ nhất VN năm 29 tuổi.
Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân và đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, các nhà khoa học có uy tín thuộc các Viện, trường ĐH, cơ quan nghiên cứu trong cả nước.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng với GS Hoàng Tụy, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu tặng hoa chúc mừng các nhà khoa học nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu
Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng của Bộ KH&CN được tổ chức hàng năm nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản nói riêng và KH&CN Việt Nam nói chung tiếp cận trình độ quốc tế, tạo tiền đề để cho KH&CN của đất nước hội nhập và phát triển. Năm 2014 là năm đầu tiên Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã được trao tặng cho GS.TSKH Nguyễn Việt Hưng và PGS.TS Nguyễn Bá Ân với những công trình nghiên cứu cơ bản xuất sắc trong lĩnh vực Toán học và Vật lý.
Đại diện Ban tổ chức Giải thưởng cho biết: Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2015 có nhiều nét mới. Cụ thể, giải thưởng xét tặng cho các công trình nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên (Toán học, khoa học máy tính và thông tin, vật lý, hóa học, các khoa học trái đất và môi trường liên quan, sinh học), Khoa học kỹ thuật và công nghệ; khoa học y dược; khoa học nông nghiệp…Mỗi giải thưởng giành cho nhà khoa học trẻ dưới 35 tuổi thay vì dưới 30 tuổi như năm 2014.
Năm 2015, có 43 hồ sơ đăng ký tham dự thuộc tất cả các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật quy định trong quy chế, có 09 hồ sơ được các Hội đồng khoa học chuyên ngành đề xuất xem xét tại Hội đồng Giải thưởng. Kết quả Hội đồng đã chọn được 03 tác giả các công trình khoa học xuất sắc và 01 nhà khoa học trẻ là tác giả của công trình khoa học xuất sắc.
Cụ thể, 03 tác giả của công trình khoa học xuất sắc gồm: GS.TSKH Đinh Dũng, Viện Công nghệ thông tin -ĐHQGHN với công trình “Xấp xỉ và khôi phục tín hiệu có số chiều rất lớn trên lưới thưa”. Công trình là một trong những đóng góp quan trọng nhất đối với bài toán tổng quá về xấp xỉ nhiều chiều, kết nối giữa lý thuyết xấp xỉ hàm nhiều biến kinh điển và các vấn đề hiện đại của toán học tính toán. Lý thuyết xấp xỉ hàm số nhiều biến – cơ sở của toán học tính toán và khoa học máy tính, có nhiều ứng dụng trong giải số phương trình đạo hàm riêng, xử lý ảnh, khôi phục tín hiệu. Kết quả của công trình đã được đăng trong tạp chí Nền móng của Toán học Tính toán, là tạp chí đứng thứ 5 trong lĩnh vực Toán học Tính toán do SICmago xếp hạng.
GS.TS KH Nguyễn Đông Yên, Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với cụm công trình khoa học: “Nghiên cứu tính ổn định và tính ổn định vi phân của một lớp bài toán quy hoạch toàn phương không lồi”. Đây là hai công trình nghiên cứu mở đường cho một lớp bài toán có nhiều ứng dụng trong Lý thuyết tối ưu. Các công trình này đã đưa ra một khái niệm hoàn toàn mới để giải quyết lớp bài toán này một cách hiệu quả nhất.
Công trình được đăng trong Tạp chí SIAM Journal on Optimization và đứng thứ 6 về chỉ số ảnh hưởng, thứ 7 về chỉ số trích dẫn.
PGS.TS Trần Thanh Hải, Trường ĐH Mỏ Địa chất với công trình khoa học : “Bản chất đới trượt Tam Kỳ – Phước Sơn ở Miền trung Việt Nam: Ý nghĩa kiến tạo và sinh khoáng của nó”. Công trình đã có phát hiện mới, quan trọng về lịch sử tiến hóa kiến tạo của địa khối Đông Dương. Đây là vấn đề đã và đang nhận được sự quan tâm lớn của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Việc xác định được hoạt động magma- kiến tạo và tạo khoáng vàng xảy ra vào khoảng 400 triệu năm trước đã mở ra một cách tiếp cận mới trong việc nghiên cứu tiếp theo thề quá trình kiến tạo và sinh khoáng vàng khu vực Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng.
Video đang HOT
Bộ trưởng Nguyễn Quân trao thưởng cho 03 tác giả của công trình khoa học xuất sắc
Bài báo được đăng trên Tạp chí Gondwana Research, là tạp chí quốc tế có thứ hạng cao, có uy tín cao trong lĩnh vực Địa chất, công bố các kết quả nghiên cứu trong các lĩnh vực địa chất và các lĩnh vực khác thuộc khoa học trái đấy không phân biệt phạm vi không gian địa lý và thời gian địa chất.
Nhà khoa học trẻ là tác giả của công trình khoa học xuất sắc thuộc về PGS.TSKH Phạm Hoàng Hiệp, Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với công trình khoa học: “Một đánh giá tốt nhất có thể của ngưỡng chính tắc”. Công trình nghiên cứu một vấn đề quan trọng trong Lý thuyết kì dị có ứng dụng trong nhiều ngành toán học khác nhau. Kết quả của công trình tốt hơn hẳn các công trình trước đây và có khả năng giải quyết một giả thuyết được nhiều nhà toán học nổi tiếng trên thế giới quan tâm nghiên cứu. Công trình được đăng tải trên Tạp chí Toán học Acta Mathematica, là một trong năm Tạp chí Toán học đỉnh cao và kinh điển nhất của các Tạp chí Toán học thế giới.
Nhà Khoa học Phạm Hoàng Hiệp cũng được coi là phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam hiện nay khi mà tháng 11/2011 ông được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận chức danh Phó giáo sư ở độ tuổi 29.
PGS.TSKH Phạm Hoàng Hiệp nhận giải Nhà khoa học trẻ là tác giả của
công trình khoa học xuất sắc
Phát biểu tại buổi lễ, GS Ngô Việt Trung – Đại diện cho Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu chia sẻ: Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng quốc gia đầu tiên vinh danh các công bố khoa học xuất sắc ngang tâm thế giới, đây không phải là giải thưởng dành cho sự nghiệp hay quá trình nghiên cứu khoa học. Đây là một phần của những nỗ lực của Bộ KH&CN nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu của khoa học Việt Nam trong bối cảnh số lượng nghiên cứu công bố quốc tế của Việt Nam đã có những bước tiến nhảy vọt trong những năm qua với sự hỗ trợ của Quỹ phát triển Khoa học công nghệ Quốc gia. Đây là Giải thưởng duy nhất có đội ngũ xét chọn chỉ gồm những nhà khoa học tiêu biểu, không có sự tham gia của các nhà quản lý thuần túy.
“Có thể nói, các công trình được giải thưởng năm nay đều nằm trong top 3% trong danh mục hàng trăm tạp chí của từng chuyên ngành một. Mỗi công trình đều có thành tích đỉnh cao trong hướng nghiên cứu của mình” – GS Ngô Việt Trung nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cũng thẳng thắn đánh giá: Khoa học Công nghệ của chúng ta trong những năm qua có những bước tiến rất quan trọng. Đặc biệt là khi chúng ta có Luật khoa học Công nghệ vào năm 2013; có chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020; được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ…
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân
Trong năm 2014, lần đầu tiên Việt Nam vượt qua ngưỡng 2.000 bài báo trên các tạp chí ISI, một điều mà cách đây 10 năm chúng ta chưa tính đến. Về công bố quốc tế thì Việt Nam đang đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN. Điều này cho thấy, cơ chế chính sách đối với KH&CN đặc biệt quan trọng vì nó tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học một môi trường sáng tạo tốt nhất.
“Khi tham gia làm quản lý tôi thấu hiểu sự khốn khổ, sự vất vả của những người làm khoa học từ môi trường không thuận lợi, thu nhập thấp, rất nhiều rào cản, cơ chế không phù hợp. Chính vì thế tôi tự xác định phải đấu tranh không khoan nhượng, không ngừng nghĩ để tháo gỡ tất cả những rào cản, vướng mắc trong hoạt động KH&CN, để hỗ trợ tốt nhất cho các nhà khoa học. Tôi rất mong muốn cộng đồng khoa học trong cả nước cùng tiếng nói với Bộ KH&CN để trên các diễn đàn của Quốc hội, để trên các diễn đàn khác của chúng ta, những người làm quản lý chia sẻ được những khó khăn của những người làm khoa học, thay đổi tư duy cũ, tạo ra những cơ chế mới thuận lợi, tiệm cận với thông lệ quốc tế để các nhà khoa học của chúng ta sáng tạo, đóng góp được nhiều nhất xây dựng kinh tế xã hội, phát triển đất nước” – Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân bày tỏ.
Nguyễn Hùng
Theo Dantri
Hướng tới một đại học nghiên cứu tiên tiến trong khu vực
Nhiều năm qua, trong hệ thống giáo dục đại học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam được coi là một trong những cơ sở đào tạo lớn, có uy tín, có bề dày lịch sử, có truyền thống hào hùng, luôn đi đầu trong đổi mới và sáng tạo, dẫn đầu cả nước về chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học nông nghiệp, hội nhập quốc tế. Có được kết quả đó chính là nhờ sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống với hiện tại và luôn hướng tới tương lai bằng những nỗ lực bền bỉ, không ngừng, dám nghĩ dám làm qua các thời kỳ của các thế hệ thầy và trò, đưa Học viện đi đầu trong hội nhập, từng bước xứng tầm khu vực và quốc tế.
Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Ảnh: PHƯƠNG HOÀN
Truyền thống hào hùng
Ngược dòng thời gian, trở về những năm đầu kháng chiến chống đế quốc Mỹ, ngay sau khi hòa bình lập lại, miền bắc bước vào thời kỳ mới trong điều kiện vô cùng khó khăn. Trong giai đoạn này, Đảng và Chính phủ rất quan tâm và đã xác định nhiệm vụ phát triển giáo dục, đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đất nước nói chung và sự phát triển của ngành nông nghiệp, nông thôn nói riêng là yêu cầu cấp bách. Trước tình hình đó, ngày 12-10-1956 Trường đại học Nông - Lâm (tiền thân của Học viện Nông nghiệp Việt Nam ngày nay) được thành lập, với nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật cao cấp cho các ngành nông, lâm, ngư nghiệp của Việt Nam. Thời gian đầu mới thành lập, cơ sở vật chất gần như không có gì, khóa đầu tiên, nhà trường đã tuyển sinh được 467 sinh viên. Tuy vậy chỉ sau năm năm đầu tiên Học viện đã từng bước trưởng thành. Ngày 24-5-1959, Học viện đã được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Tiếp bước những thành công, trong những năm 1959-1960, Học viện chính thức chuyển về làm việc tại cơ sở mới ở Trại Bông nằm trên địa phận xã Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm. Số lượng sinh viên và quy mô đào tạo ngày một tăng, tuyển sinh trong năm học này là 546 người cho 11 chuyên ngành của năm khoa. Ngoài đào tạo, Học viện còn đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ngoài củng cố, xây dựng các khoa, bộ môn ngày càng vững mạnh.
Truyền thống những trang vàng của Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục được khắc ghi khi bước vào giai đoạn những năm 1960-1975. Thực hiện mục tiêu của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (năm 1960) đề ra cho cách mạng Việt Nam, Học viện đã xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học, xây dựng đội ngũ, xây dựng chương trình, giáo trình, bài giảng, tổ chức "dạy tốt, học tốt" nhằm đào tạo đội ngũ "cán bộ kỹ thuật cao cấp" cho các ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Ngoài ra, Học viện còn tổ chức cho cán bộ, sinh viên tham gia các phong trào hợp tác hóa, thủy lợi hóa và cải tiến kỹ thuật; tham gia nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp để phục vụ cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn miền bắc, sẵn sàng chi viện cho miền nam trong tình hình mới của đất nước. Khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền bắc, Học viện đã thực hiện việc chuyển hướng hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học từ thời bình sang thời chiến, từ tập trung sang phân tán hiệu quả.
Vượt qua rất nhiều khó khăn, Học viện đã đào tạo được nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp có trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi thú y, lâm nghiệp, ngư nghiệp, cơ khí, kinh tế đáp ứng cho nhu cầu cấp bách và cần thiết là phát triển sản xuất, khôi phục đất nước sau chiến tranh chống thực dân Pháp ở miền bắc và phục vụ đắc lực cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ ở miền nam. Thầy và trò Học viện duy trì và đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất nhằm tạo ra năng suất cây trồng vật nuôi cao, đẩy mạnh phát triển kinh tế của hậu phương lớn miền bắc để cung cấp kịp thời lương thực thực phẩm cho chiến trường miền nam. Nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp, nhiều giống lúa cấp quốc gia, nhiều hệ thống máy nông nghiệp được nghiên cứu thành công đưa vào sản xuất là bước tiến rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp...
Đáng chú ý, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và hưởng ứng phong trào "Ba sẵn sàng", được giáo dục tốt về tư tưởng và kỹ năng chiến đấu nên cán bộ, giáo viên, công nhân viên và sinh viên của Học viện luôn xác định cho mình tinh thần vững vàng, đoàn kết chặt chẽ, ra sức khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Hưởng ứng phong trào "tiền tuyến gọi chúng tôi sẵn sàng" hơn 1.140 cán bộ, viên chức và sinh viên trong trường đã viết đơn tình nguyện và ký tên vào lá cờ truyền thống, xung phong tham gia phong trào "xếp bút nghiên lên đường cứu nước". Với tinh thần "quân không thiếu một người", "tất cả vì miền nam ruột thịt", phong trào tình nguyện nhập ngũ diễn ra rất sôi nổi, đợt tuyển quân năm nào Học viện cũng vượt chỉ tiêu. Cùng với việc trực tiếp tham gia nhập ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam chiến đấu trên các chiến trường ác liệt ở miền nam, thầy và trò nhà trường còn có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tham gia bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân ở miền bắc.
Đi đầu trong hội nhập
Đất nước thống nhất, hòa bình được lập lại, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Học viện Nông nghiệp Việt Nam không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong điều kiện mới, công cuộc xây dựng và phát triển Học viện cũng bước sang một giai đoạn mới, tuy nhiên nhiệm vụ chính trị quan trọng không thể thiếu là đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ xã hội, nhằm cung cấp nguồn nhân lực, cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp có trình độ cao cho đất nước. Học viện đã tích cực đổi mới chương trình, giáo trình và phương pháp giảng dạy cho tất cả các môn học: đào tạo theo tín chỉ, thực hiện đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra cho đào tạo đại học và đào tạo sau đại học, đổi mới về đánh giá kết quả học tập bảo đảm sự công bằng, công khai. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học các năm gần đây, trong khi nhiều trường đại học gặp khó khăn trong tuyển sinh thì Học viện Nông nghiệp Việt Nam vẫn đứng vững trong tốp các trường hàng đầu về số thí sinh đăng ký dự thi, điều đó đã phản ánh uy tín, thương hiệu của Học viện đối với xã hội, đối với người học ngày càng cao.
Trải qua gần 60 năm hình thành và phát triển, với vị thế là một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu của cả nước, Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn cập nhật trình độ đào tạo hiện đại và hội nhập quốc tế đã được triển khai trong nhà trường có kết quả. Phát triển đào tạo theo hướng đa ngành, mở thêm nhiều ngành học mới. Học viện đã có đóng góp bằng cả lý luận và thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế cao và thiết thực vào quá trình phát triển vượt bậc của sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Bằng sự nỗ lực không ngừng của thầy, trò nhà trường, trải qua gần 60 năm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đào tạo cho đất nước hơn 80 nghìn kỹ sư và cử nhân, hơn 5.000 thạc sĩ và gần 500 tiến sĩ. Đội ngũ cán bộ do Học viện đào tạo chiếm 65% số cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của cả nước. Họ đang là lực lượng nòng cốt, chủ đạo trên mặt trận khoa học kỹ thuật và quản lý kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở khắp mọi miền Tổ quốc. Công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, Học viện luôn đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Trong những "năm gần đây, các nhà khoa học của Học viện đã thực hiện hơn 70 đề tài, chương trình cấp Nhà nước, gần 300 đề tài, chương trình cấp Bộ và tương đương, hàng trăm đề tài, dự án hợp tác quốc tế. Đến nay đã có hơn 80 nhà giáo được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, gần 200 nhà giáo được nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư. Hiện nay, Học viện có hơn 1.350 cán bộ giảng viên đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ tại 15 khoa, 9 phòng ban, 17 viện, trung tâm nghiên cứu, công ty; trong đó hơn 700 cán bộ giảng dạy, gần 120 nghiên cứu viên, 85 giáo sư, phó giáo sư, gần 40% số cán bộ giảng dạy có học vị tiến sĩ, hơn 40% số cán bộ giảng dạy có học vị thạc sĩ, hầu hết số tiến sĩ và thạc sĩ này đều được đào tạo từ các nước có nền giáo dục và khoa học tiên tiến trên thế giới.
Phát huy truyền thống Anh hùng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã xây dựng "Chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050". Mục tiêu phát triển Học viện theo mô hình đại học nghiên cứu, đa ngành, đa phân hiệu tiên tiến của thế giới và vận hành theo quy chế tự chủ hoàn toàn nhằm khẳng định vị trí đứng đầu trong cả nước về đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tư vấn chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Học viện có mười phòng thí nghiệm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn quản lý ISO, bốn phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, một trung tâm ươm tạo công nghệ nông nghiệp, một trung tâm xuất sắc về công nghệ sinh học nông nghiệp và môi trường. Học viện thu hút được các nhà nghiên cứu hàng đầu về nông nghiệp, nông thôn trong nước, tăng cường số lượng các nhà nghiên cứu giỏi quốc tế đến làm việc, có chiến lược phát triển đào tạo nghiên cứu sinh và sau tiến sĩ. Tất cả hướng đến khẳng định vị thế của cơ sở đào tạo hàng đầu cả nước hướng tới phát triển thành một đại học nghiên cứu tiên tiến trong khu vực và hội nhập với quốc tế.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam vinh dự được tặng thưởng:
- Nhiều lần được tặng thưởng Huân chương Lao động và Huân chương Độc lập hạng nhất, nhì, ba.
- Nhiều huân chương, huy chương của các nước bạn Lào, Cam-pu-chia...
- Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2001).
- Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2005).
- Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2014).
NGỌC HUYÊN
Theo_Báo Nhân Dân
Thủ tướng: Sáng tạo trong nhân dân là nguồn sáng tạo vô tận Sáng tạo trong nhân dân là nguồn sáng tạo vô tận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định như vậy tại buổi gặp mặt 63 nhà sáng chế không chuyên nghiệp tiêu biểu năm 2015 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sáng 12/5. Buôi gặp mặt là dịp để tôn vinh trí tuệ và năng lực sáng...