4 ngày khám phá Cát Tiên – Bảo Lộc
Chuyến du ngoạn Nam Cát Tiên và Bảo Lộc sẽ cho bạn trải nghiệm những ngày sống chậm thật thoải mái tĩnh lặng giữa thiên nhiên trong lành.
Phương tiện di chuyển
Vườn quốc gia Cát Tiên nằm trên địa bàn 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước, cách TP HCM 160 km. Bạn có thể đến bến xe miền Đông mua vé đi Cát Tiên (80.000 đồng một người) tại quầy số 5, để đến cổng khu du lịch vườn quốc gia, hoặc mua vé xe khách đến bến xe Tân Phú (Đồng Nai) với giá khoảng 140.000 đồng. Sau đó, bạn đến điểm thông tin du lịch của vườn quốc gia Cát Tiên gần bến xe Tân Phú để mua vé xe.
Nếu đi xe máy, từ TP HCM, bạn theo quốc lộ 1A đi theo hướng lên Đà Lạt, đến ngã ba Tà Lài thuộc huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai thì rẽ trái và đi tiếp 24 km nữa là đến vườn quốc gia Cát Tiên.
Từ vườn quốc gia đến Bảo Lộc còn chừng 30 km với các cung đường đèo tuyệt đẹp. Ở Bảo Lộc bạn có thể tự túc xe máy đi lại hoặc thuê tại các khách sạn với giá khoảng 150.000-200.000 đồng một ngày. Vé xe khách từ Bảo Lộc về lại Sài Gòn có giá khoảng 210.000 đồng.
Lưu trú
Hiện tại, xung quanh khu vực vườn quốc gia Cát Tiên có 7 khách sạn. Giá phòng, tùy theo chất lượng, dao động từ 150.000-225.000 đồng một người.
Bạn cũng có thể mang theo lều hoặc thuê lều với giá 80.000 đồng lều 2 người, 120.000 đồng lều 3 người và 300.000 đồng lều 10 người.
Tại Bảo Lộc, các khách sạn tập trung dọc đường Trần Phú vì đây là khu trung tâm. Giá thuê phòng dao động trong khoảng 125.000-469.000 đồng một ngày.
Gợi ý lịch trình
Ngày 1: TP HCM – Vườn quốc gia Cát Tiên
Vườn quốc gia Cát Tiên có tổng diện tích 71.350 ha, sở hữu hệ thực vật và hệ động vật phong phú đa dạng, đồng thời là một trong những vườn quốc gia lớn nhất ở Việt Nam. Ở đây có rất nhiều chuyến tham quan thú vị để bạn lựa chọn. Khi vừa đến, bạn có thể thẳng tiến đến ngắm cây tung đại thụ 400 tuổi. Đây là một tuyến đi thuận tiện và dễ dàng. Với thời gian 45 phút đến 1,5 tiếng và khoảng cách 3 km, bạn sẽ thấy được vô số loài cây xanh tươi quanh trụ sở vườn và lắng nghe âm thanh của núi rừng. Ngoài ra, điểm tham quan thác Bến Cự gần đó cũng không nên bỏ qua.
Sau khi nghỉ ngơi ăn trưa, bạn có thể từ trụ sở vườn ngồi canô xuôi về xã Tà Lài, phía hạ lưu sông Đồng Nai. Ngắm nhìn cảnh quan vườn quốc gia Cát Tiên cùng các loài chim từ giữa sông nước mênh mông sẽ là một điều thú vị. Khi đến Tà Lài, nơi sinh sống của các cộng đồng dân tộc thiểu số Mạ, Tày và S’tiêng, bạn sẽ được tham quan nhà bảo tàng, nghỉ ngơi tại nhà sàn bằng gỗ, tre và dạo chơi quanh bản làng, khám phá cuộc sống thường nhật của người dân nơi đây.
Đặc biệt bạn đừng bỏ qua tuyến xem thú ban đêm. Vào mùa khô, từ 19-21h những đêm không mưa và trời không trăng, bạn sẽ được ngồi xe đi từ trụ sở vườn, xuyên qua bóng đêm tĩnh mịch để khám phá thế giới hoang dã, nhìn thấy nai, lợn rừng, nhím, thỏ rừng, chồn hương kiếm ăn trong đêm.
Video đang HOT
Ngày 2: Chợ Nam Cát Tiên – Bàu Sấu
Bạn nên thức dậy sớm để tận hưởng không khí thiên nhiên trong lành vào buổi bình minh. Khoảng 6-7h, đi qua sông rồi đi bộ 1 km tới con đường chính, bạn sẽ thấy chợ Nam Cát Tiên nằm bên tay phải. Hòa mình vào không khí mua bán nhộn nhịp với vô số gia cầm, hoa quả, cá và nhiều sản vật khác, bạn sẽ có được nhiều cảm nhận thú vị.
Thiên nhiên Bàu Sấu đẹp đến mức khó diễn tả bằng lời.
Tiếp tục hành trình khám phá, bạn có thể lên đường đến Bàu Sấu. Thời gian đi về trong ngày khoảng 8 tiếng. Từ trụ sở vườn, đi ôtô hoặc xe đạp khoảng 9 km, sau đó đi bộ vượt 5 km đường rừng, bạn sẽ thấy khu hồ tĩnh lặng trải rộng bạt ngàn. Không gian thơ mộng thoang thoảng mùi hương của những loài hoa, dược thảo là nơi sinh sống của các loài chim và cá sấu. Bạn có thể nghe thấy tiếng chim hót trong kẽ lá, xem vũ điệu chim công, thấy những cặp mắt cá sấu dữ dằn. Bạn còn có thể ngồi xuồng dạo quanh hồ để tận hưởng vẻ đẹp yên bình của cảnh vật nơi đây.
Với chuyến đi khám phá vườn quốc gia Cát Tiên, bạn nên chuẩn bị trang phục dài tay, màu tối, mũ mềm, giày đi rừng, vớ chống vắt, đèn pin, áo mưa, ống nhòm…
Ngày 3: Thành phố hương trà Bảo Lộc
Bảo Lộc có khí hậu mát mẻ, cảnh vật chìm trong sương mờ lãng đãng. Nơi đây được mệnh danh là “vương quốc trà”, nên nhấp nhô trên mọi nẻo đường là những đồi trà xanh mơn mởn dưới ánh nắng dịu nhẹ. Cách trung tâm thành phố Bảo Lộc 5 km theo hướng Đà Lạt, bạn sẽ đến Vọng Nguyệt Trà cổ kính. Không chỉ thưởng thức những ly trà thơm nồng giữa cảnh phố núi yên ả, bạn còn được xem các nghệ nhân biểu diễn trà đạo.
Bảo Lộc mờ ảo trong sương sớm. Ảnh: Gia Thịnh.
Bạn có thể đến thác Dambri nằm cách trung tâm thành phố khoảng 18 km theo hướng tây. Đây là một quần thể du lịch gồm khu vui chơi giải trí, hồ, thác, rừng nguyên sinh rộng hơn 1.000 ha. Bạn sẽ chiêm ngưỡng được cảnh tượng hùng vĩ với thác nước cao 60 m không ngừng tuôn chảy dữ dội tung bọt trắng xóa, băng qua cây cầu bắc giữa bốn bề xanh ngắt cỏ cây. Sau đó bạn có thể ghé chùa Di Đà gần đó. Là một quần thể kiến trúc rộng hơn 5 ha, có lối kiến trúc thanh thoát với những phù điêu, hoa văn, họa tiết theo kiểu văn hóa Lạc Việt, chùa Di Đà cho bạn cảm nhận một không khí thật yên bình.
Chiều tối, bạn về thành phố nghỉ ngơi, đi dạo khám phá cuộc sống thành phố về đêm, thưởng thức các món ăn hấp dẫn như cơm niêu, bún bò, bánh bèo.
Ngày thứ tư: Bảo Lộc -TP HCM
Thành phố Bảo Lộc có một số nhà thờ, đền chùa đặc sắc để bạn dừng chân tham quan. Có thể kể đến như nhà thờ Bảo Lộc nằm ở số 715 Trần Phú, phường Blao với phong cách kiến trúc đầy mỹ thuật và rất độc đáo. Ngoài ra còn có chùa Phước Huệ ở số 695 đường Trần Phú mang quy mô bề thế cùng nhiều tiểu tiết trang trí rất cầu kỳ công phu.
Trên đường về lại TP HCM, bạn hãy ghé khu du lịch sinh thái Madagui. Ở đây ngoài việc tham quan, khám phá thiên nhiên hoang dã, bạn còn có thể thử sức với những trò chơi mạo hiểm để có các trải nghiệm ấn tượng. Nổi bật nhất là trò đu dây zipline với độ dài hơn 1 km, độ cao từ 20-40 m, băng qua các rặng cây, sông suối, hồ nước. Ngoài ra có trò bắn súng, đu đây vượt ghềnh thác, chèo thuyền kayak, lướt ván buồm… đầy thách thức và thú vị.
Bún bò ở Bảo Lộc ngon không kém bất kỳ địa phương nào.
Ăn uống
Vườn quốc gia Cát Tiên có đặc sản cơm lam, rượu cần, đọt mây, lá bép với thực đơn dân dã đặc sắc. Bảo Lộc có quán bánh bèo nổi tiếng nằm bên hông nhà thờ Bảo Lộc trên đường Bế Văn Đàn, quán bún bò ở đường Hà Giang. Ngoài ra, nơi này còn món cơm niêu, xắp xắp để bạn nếm thử.
Quà mua về
Vườn quốc gia Cát Tiên sẽ cho bạn lưu giữ những kỷ niệm và bức ảnh đáng nhớ. Đến Bảo Lộc, bạn đừng quên mua trà và cà phê để dành tặng gia đình và bạn bè.
Theo Zing News
Ngôi chùa trong chuyện tình ngang trái của công chúa và quốc sư
Trong những ngày theo học quốc sư, công chúa Long Thành đã đem lòng yêu thầy giáo của mình, khiến hai người có kết cục bi thảm.
Ở Cù Lao Phố Biên Hòa có một ngôi chùa hơn 350 tuổi tên Đại Giác cổ tự. Du khách phương xa đến viếng chùa, sẽ được nghe kể nhiều giai thoại kỳ lạ và hấp dẫn, trong đó có mối tình trái ngang của một công chúa triều Nguyễn với một vị quốc sư.
Theo tài liệu của chùa Đại Giác, buổi ban đầu chùa cất bằng cột gỗ, vách ván và lợp ngói âm dương do nhà sư Thành Đẳng (1686 - 1769) khẩn hoang và dựng lên. Những năm quân Tây Sơn và quân nhà Nguyễn giao tranh, con gái thứ 3 của Nguyễn Ánh là Nguyễn Phúc Ngọc Anh (tức công chúa Bảo Lộc) từng tạm đến lánh nạn tại ngôi chùa này.
Chùa Đại Giác hiện tọa lạc trên đường Đỗ Văn Thi, ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa (TP Biên Hòa, Đồng Nai). Năm 1990, chùa được xếp hạng là Di tích Lịch sử - Kiến trúc - Nghệ thuật cấp quốc gia
Năm 1802, Nguyễn Ánh đánh thắng Tây Sơn. Nhớ ơn đức năm xưa nhà chùa có công cưu mang người của hoàng tộc nên vua Gia Long lệnh trùng tu chùa. Quan quân cho binh thợ xây cất, đem đàn voi chiến chở đất đá, cây gỗ đến và cho chân đàn voi ngày đêm giặm nền chùa cho bằng phẳng và chắc chắn nên sau này người dân gọi là chùa Tượng (Voi).
Ngoài ra, vua Gia Long còn dâng cúng một pho tượng Phật A-Di-Đà bằng gỗ mít cao gần 2,5 m thờ trong chánh điện nên dân gian lại gọi chùa bằng cái tên là chùa Phật Lớn. Do chùa Đại Giác nằm phía trước ngôi chùa cổ khác tên chùa Chúc Thọ (do ông Thủ Huồng xây) nên người xưa còn gọi tên chùa là chùa Trước, còn chùa Chúc Thọ là chùa Sau.
Cây bồ đề to lớn che mát cả không gian sân chùa, tương tuyền được trồng từ những năm 1930.
Tháng 10 năm 1820, vua Minh Mạng lại tiếp tục cho tu sửa chùa Đại Giác. Năm 1952, Biên Hòa xảy ra trận lụt "Nhâm Thìn" lớn, chùa Đại Giác bị ngập nặng hư hại nghiêm trọng. Mãi đến năm 1959, được sự đóng góp của nhân dân trong vùng, trụ trì chùa là Hòa thượng Thích Thiện Hỷ (1921 - 1979), đã cho xây cất lại toàn bộ ngôi chùa bằng tường gạch, cột bê tông cốt thép, xây lầu chuông, lầu trống.
Chùa Đại Giác sau khi trùng tu lớn, mặt tiền hướng nhìn ra sông Đồng Nai, có diện tích rộng khoảng 1.000 m2, cất theo lối chữ tam với ba dãy nhà ngang nối liền nhau. Tuy nhìn bên ngoài, chùa xây lối kiến trúc hiện đại nhưng bên trong vẫn còn theo kiểu mẫu của chùa xưa. Các câu đối, bức hoành phi chữ Hán vẫn còn được gìn giữ cẩn thận suốt trăm năm.
Truyền thuyết mối tình công chúa nhà Nguyễn với một thiền sư
Theo sách Thiền sư Việt Nam (Hòa thượng Thích Thanh Từ, Thành hội Phật giáo TP HCM xuất bản, 1991) viết: Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt (không rõ năm sinh) có kiến thức Phật học uyên bác, ông được vua Gia Long triệu từ chùa Từ Ân (Gia Định) ra Huế phong quốc sư để giảng kinh cho hoàng tộc. Sau này, vua Minh Mạng mến phục tài đức nên đặt danh hiệu Hòa thượng Liên Hoa.
Trong những ngày theo học đạo, Thái trưởng công chúa Long Thành (tức Nguyễn Phúc Ngọc Tú, là chị vua Gia Long và là cô của vua Minh Mạng) đã công khai tình cảm với quốc sư Liên Hoa.
Năm 1821, nhân cơ hội Hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc viên tịch, quốc sư Liên Hoa trở về chùa Từ Ân (Gia Định) chịu tang sư phụ rồi tìm cách ở lại chùa luôn nhằm tránh mặt công chúa Long Thành. Tưởng thoát khỏi nghiệp duyên, nào ngờ vị công chúa cũng tìm đến tận nơi. Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt lại tìm cách "trốn chạy" nên quyết định âm thầm bí mật đến nhập thất hai năm tại chùa Đại Giác xứ Cù Lao Phố Biên Hòa.
Mộ tháp của các đời chư vị sư tổ trụ trì Đại Giác cổ tự nằm bình yên ở khuôn viên chùa.
Ở chùa Từ Ân mà vắng mặt thiền sư nên công chúa rất buồn bã, không muốn ăn uống. Thấy sức khỏe của bà ngày một sa sút, nếu có mệnh hệ nào sẽ có bất lợi cho nhà chùa, nên một người trong chùa đành phải tiết lộ nơi ở của quốc sư Liên Hoa. Ngay hôm sau, công chúa Long Thành lập tức lên chùa Đại Giác tìm gặp người mình thầm yêu trộm nhớ.
Theo tư liệu trong cuốn Lịch sử Phật giáo Đàng Trong (Nguyễn Hiền Đức, NXB TP HCM, 1995) ghi lại, Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt đã đóng kín cửa thất không chịu gặp mặt công chúa, mà chỉ đưa ra một bàn tay cho công chúa nhìn lần cuối vì nghe bà nài nỉ quá. Trong đêm đó, thiền sư tự thiêu để biểu thị tấm thân mình trong sạch, một lòng với Phật pháp không màng dính dáng chuyện luyến ái trần gian, thể hiện qua 4 câu kệ bằng mực đen mà thiền sư viết trên vách tường trước khi viên tịch: "Thiệt đức rèn kinh vẹn kiếp trần/ Thành không vẩn đục vẫn trong ngần/ Liễu tri mộng huyễn chân như huyễn/ Đạt đạo mình vui đạo mấy lần".
Vài ngày sau, công chúa Long Thành cũng quyên sinh bằng liều độc dược để mong hóa giải và gột rửa duyên nghiệp mà bà đeo mang...
Ngày nay, bài vị quốc sư Liên Hoa và công chúa Long Thành được đặt gần nhau, hương khói quanh năm tại hậu chùa Đại Giác và ở chùa Từ Ân (hiện quận 6, TP HCM) như là để cho người đời sau đúc kết, chiêm nghiệm và phân xử đúng sai về một mối tình ngang trái nơi cửa Phật.
Theo VNExpress
Lên Nam Cát Tiên ngắm thác và nghe kể truyền thuyết Ngắm dòng thác tung bọt trắng xóa, đổ ầm ầm về phía hạ nguồn cùng với đó là những câu chuyện truyền thuyết về tiên giáng trần đã tạo cho du khách những lôi cuốn và cảm nhận thú vị. Cách TP HCM chừng 150 km về hướng đông bắc, VQG Nam Cát Tiên là khu bảo tồn thiên nhiên nằm trên địa...