4 năm vợ chồng tôi chuyển nhà 3 lần vì con
Mong muốn tạo thuận lợi cho việc học của con, anh Tâm không ngại chuyển nhà.
Dưới đây là chia sẻ của anh Thành Tâm, 40 tuổi, hiện sống tại TP HCM.
Thời còn độc thân và làm kỹ sư trong một công ty ở khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TPHCM, tôi mua được ngôi nhà một trệt hai lầu trong một con hẻm cụt, ôtô vào được, cách nơi làm việc khoảng 3km. Khu nhà tôi giống như một ốc đảo, ra đường lớn, xe tải chạy rầm rầm, xe máy chen chúc, nhưng vào trong hẻm, không khí rất yên bình, dễ chịu. Vì thế, dù sau đó đã chuyển sang một công ty khác cách nhà 10km, ngán ngẩm cảnh tắc đường bên ngoài nhưng tôi vẫn thích ngôi nhà này. Rồi tôi cưới vợ, sinh con. Chúng tôi sắp xếp cuộc sống khá ổn thỏa cho đến khi con gái đầu lòng đi học mầm non vào năm 2014 thì tôi thấy chỗ ở thực sự bất tiện vì khó tìm trường phù hợp cho con. Đắn đo mãi, chúng tôi xin cho con vào học một trường công khá tốt ở quận 7, khuôn viên rộng, sạch sẽ, cách nhà hơn 2km.
Có điều lớp học đông, cô quản không xuể. Chỉ một tháng, con tôi hai lần bị bạn cào xước mặt, nó cũng không hào hứng đi học ở đây. Hơn nữa, trường chỉ giữ trẻ đến 4h30 chiều, vợ chồng tôi đều làm ở xa, 5h30 mới tan sở nên không thể nào đón con được. Tôi thuê xe ôm đưa mẹ tôi đi đón con nhưng tôi cũng không yên tâm khi đoạn đường từ nhà đến trường có nhiều lần sang đường, container, xe tải chạy. Con học được 3 tháng, chúng tôi đành chuyển trường cho con và chuyển nhà.
Bố mẹ vợ tôi đang định cư ở Mỹ khuyên chúng tôi nên cho cháu học trường quốc tế, nếu tài chính của chúng tôi quá khó khăn, ông bà sẽ hỗ trợ thêm. Để cân bằng với thông gia, bố mẹ tôi cũng hứa hỗ trợ thêm. Vậy là hai vợ chồng quyết định thắt lưng buộc bụng, cho con học trường quốc tế ở Phú Mỹ Hưng, quận 7. Thu nhập của hai vợ chồng khoảng 45-50 triệu/tháng, chi phí học mầm non của con khoảng 20 triệu. Để việc học của con được thuận tiện, tôi phải cho thuê nhà mình 12 triệu để đi thuê một căn hộ ở gần trường con 15 triệu. Chuyển chỗ ở buộc chúng tôi phải gồng gánh thêm ít tiền nhà.
Đổi lại, con tôi ở trường quốc tế năng động, tự lập và ngoan hơn, cháu mất hẳn trò mè nheo ăn vạ. Tôi không hy vọng tiếng Anh của con sẽ khá vì tiếng Việt của cháu vẫn ngọng nhưng mỗi ngày thấy con về nhà đều vui vẻ, hay kể chuyện trường lớp, tôi vui lây. Chúng tôi đăng ký dịch vụ đưa đón của trường, xe đón cháu ở cổng chung cư, bà chỉ việc dắt cháu lên.
Đầu năm 2017, vợ tôi sinh thêm thằng cu, chi tiêu gia đình tăng thêm. Hai vợ chồng đành thống nhất chuyển con lớn về học trường tư. Đang học quốc tế 20 triệu/tháng mà xin về trường tư 3-4 triệu thì quá hụt hẫng nên tôi cho con vào hệ thống giáo dục liên cấp nổi tiếng cả ở Hà Nội và TP HCM với mức học phí bằng nửa trường quốc tế. Cách dạy ở trường mới pha trộn giữa phong cách Việt và phương Tây, trẻ không phát huy hết khả năng độc lập của mình, con tôi cũng không thích trường mới bằng trường cũ vì phải học nhiều hơn chơi.
Việc chuyển đổi này thực sự là một bước lùi của cha mẹ, khiến tôi cũng có phần mất tự tin khi nói chuyện học hành của con với bạn bè. Tôi thấy trong giáo dục cũng tiền nào của nấy, có điều tình hình tài chính của vợ chồng tôi chỉ được đến vậy. Chúng tôi không thể cứ xin tiền của ông bà cho con học, tôi cũng tự thấy ngại khi mình đã đi làm bao lâu mà vẫn không lo được cho gia đình riêng.
Video đang HOT
Để con học trường này, giữa năm 2017, gia đình tôi đã chuyển về sống ở một khu chung cư tại quận Bình Thạnh, nơi có trường học của con ở tầng trệt. Chúng tôi mua một căn hộ giá 4,5 tỷ vì cảm thấy cuộc sống thuê nhà khá tạm bợ còn việc mang nhà của mình cho thuê vừa không có nhiều lợi nhuận vừa mệt mỏi vì người thuê đã tự ý chia nhà cho người khác thuê lại. Lấy nhà về, tôi mất cả trăm triệu sửa chữa lại mới bán được.
Vào năm học tới, bé đầu nhà tôi sẽ lên lớp hai. Bé thứ hai cũng bắt đầu đi học mầm non. Tổng chi phí cho việc học của hai con ở cùng trường con cả đang học sẽ là khoảng 25-30 triệu/tháng và tôi biết mình sẽ lại căng thẳng.
Vợ chồng tôi mới cho con đi học được 4 năm mà đã quay như chong chóng. Tôi thấy việc học của trẻ sao giờ gây mệt mỏi cho cha mẹ quá, không như thời mình ngày trước. Tuy nhiên, tôi quan niệm, cố gắng đầu tư thật tốt cho con trong giai đoạn đầu đời, để sau này cháu có sức tự bơi. Kịch bản xấu nhất là khi con vào cấp hai, tôi sẽ cho con về trường công nếu tài chính eo hẹp quá. Có lẽ lúc đó, cháu đã tự biết bảo vệ mình, không còn bị bắt nạt như những ngày đầu đến trường mầm non trước đây.
Theo VnExpress
Chuyện nhà - chàng dọn bếp, em thổi cơm
Đến ngày nào chàng hạnh phúc vì vợ con hạnh phúc là chả cần Facebook giúp biến ảo thành thực nữa.
1. Cứ phân công thế mà dựng nhà, xây tổ nhé chàng. Chàng lơ. Chàng không phải gà trống để bị gà mái quàng quạc cục tác la lối, giục giã. Là gà trống chăng nữa chàng cũng còn bận chuyện đại sự tầm vũ trụ như gáy gọi Mặt Trời dậy, theo dõi phóng vệ tinh nhân tạo ở châu Phi, dù hôm nào chàng ngủ nướng thì Mặt Trời vẫn tự lên ngon lành và vệ tinh không vì chàng quên đọc báo mạng hay chém gió với bạn ở quán bia một ngày mà phải hoãn đến hôm sau mới phóng. Chàng biết thừa vợ vẫn leo lên Facebook rên rỉ về chuyện gã chồng nhà nào kia quanh năm tự giác hết đưa con đi học đến tặng hoa cám ơn mẹ vợ nhân dịp sinh nhật... vợ.
Chàng dọn bếp, em thổi cơm
Biết thừa nàng đã chán cảnh một thân yếu ớt lụi cụi đón đưa con, chợ búa, cơm nước, dọn nhà rồi chầu mâm cơm nguội ngắt chờ chàng về. Hơi ngại, dạo này nàng chán luôn trò chàng về khuya lắc nhào vào ôm cứng nàng đòi xin lỗi bằng chuyện nồng nàn. Kinh nữa, con trai chuyện gì cũng ôm mẹ, bố rủ đi đu quay nó trố mắt ngạc nhiên hơn cả thấy siêu nhân xa lạ hiện hình vì tối bố về nó đã ngủ tít, sáng ra đi thì nó chưa mở mắt. Đành là kiếm tiền tốt như máy in ngân hàng nhưng có vẻ vợ thích kiếm máy khác hiệu quả kém hơn mà kèm các chức năng phụ bếp, tặng hoa, đón con.
Nhưng bắt đầu từ đâu? Con thì vợ không cho đón vì sợ bố đi nhầm trường. Chợ nàng không dám giao cho đi bởi vệ sinh thực phẩm như ma trận khó lường. Nhà cửa dọn lần nào cũng được nàng dọn lại. Muốn sửa đường nước rò rỉ, nồi cơm điện cháy thì nàng đã sẵn thói quen rút phắt iphone gọi thợ đến sửa tận nhà. Lập nick dỏm add Facebook để xin nàng tư vấn cho đỡ mất mặt nam nhi là hơn.
2. Lê la ít bữa Facebook, nick "Hoàng tử có vợ" hiểu mình không phải là đàn ông duy nhất tìm cách chinh phục lại vợ bằng kungfu chia sẻ việc nhà. Vô số ông bố mỗi lần giả vờ hay thật thà rên lên một câu khoe con, khoe thành tựu luộc rau thay vợ hoặc hỏi xin chị em tư vấn dỗ vợ đang hờn không cho làm việc nhà là lập tức tạo nên cơn sốt bình luận vẽ đường chỉ lối, thậm chí mở sẵn vòng tay đón nếu vợ gã vẫn cấm vận việc nhà.
Chết thật, trong số mở rộng vòng tay đó có cả vợ chàng. Đàn ông giúp vợ cũng có giá ghê. Mà không giúp, giờ nàng bỏ vãi nhà cửa đấy đi phượt đôi tuần làm cách mạng chém gió xả xì-chét như những cô bạn hiện đại trên Facebook của nàng thì chàng nguy to. Đến sinh nhật nàng, lọ nước hoa cạn đáy bỗng như được hóa phép hồi sinh mới coong và đầy tràn.
Chàng đã đặt hàng trên mạng từ hơn tháng trước. Chàng đi tập thể dục sớm về với bó hồng Hoàng hậu trên tay khiến nàng choáng ngã dúi dụi vào vòng tay chồng mà vẫn cứ muốn đẩy ra vì chưa kịp tin chàng bỗng dưng lãng mạn đến thế. Nhưng vẫn chưa chóng mặt bằng buổi chiều chàng có mặt ở nhà ngay sau giờ làm, rủ nàng đưa con đi gửi bà nội một đêm cho đôi vé ca nhạc khỏi ế.
Nhân đà, chiều chiều chàng về sớm chiêm ngưỡng nàng bếp núc. Chàng bê luôn tivi vào bếp để vừa tiện học cách tra nước vào cơm, nhặt rau, ôm trộm vợ, vừa không bỏ lỡ thông tin những ngôi sao thế giới đang gạ vợ tha thứ cho những tháng ngày mải chiến đấu cơm áo gạo tiền trên sân bóng mà nhạt quan tâm gia đình. Oài, nàng phát hiện chàng có tài nhặt bất kỳ loại rau nào và phân biệt rất chuẩn các chai lọ gia vị mắm muối, thậm chí pha nước chấm nem ngon chả khác... mẹ chồng nàng.
Thì ra hồi trai tân chàng là đầu bếp xuất sắc ở nhà nhưng núp vai ẩn sĩ chỉ vì có vợ đảm quá. Chàng rất tiện lòng bỏ cữ café sáng chầu rìa quán bụi để đưa con gái lớn đến trường cho nàng tập trung điều trị cậu út mẫu giáo ngủ nướng. Chàng đoạt luôn quyền trưởng ban phụ huynh lớp con gái, tối lại còn hiên ngang dạy con trai nhận mặt chữ, mặt số rồi gầm vợ "con trai phải để đàn ông trị".
Tốt quá, chàng tề gia, trị con, bình đẳng với vợ thì chàng chỉ có tăng giá vùn vụt trong mắt vợ con. Chàng không đồng ý cho vợ gọi thợ đến sửa bất kỳ thứ đồ điện lạnh, vòi nước tuột, chân tường mẻ nào trong nhà nữa bởi không chịu nổi mất sỹ diện mỗi khi đụng việc gì quá sức vợ nghĩ ngay tới... đàn ông khác.
Nàng cầu cứu bằng cách nhăn mũi cậy nhờ chàng mang tuốc nơ vít ra ngoáy giùm, nếu hỏng hẳn cũng chả kêu la chồng hậu đậu câu nào. Không được nữa thì chàng sẽ tự đưa ra hàng sửa. Chả cần gã nào dịu giọng cảm thương "em có chồng không mà cứ tự đi sửa xe thế này", nàng chỉ cần điện thoại cho chàng báo xe hỏng, anh không mang đi sửa giùm thì em chả biết làm sao giờ.
Thêm vài lần chàng nhiệt tình đưa mẹ vợ đi chùa, hầu bố vợ buổi trà, đại tu mái ngói, thau dọn bể nước ăn thì nhà vợ cũng trúng luôn thói quen lấy chàng làm gương cho cậu em vợ đang mắc cơn bệnh nan y "vợ dặn chồng lơ" mà chàng đã khỏi ngoạn mục.
Chàng thấy mình cần cho vợ con
3. Bữa nào chồng bận đại sự đi bàn chuyện chống chiến tranh hạt nhân ở quán bia, hội lớp chỉ cần báo sơ qua điện thoại là nàng vui vẻ dạ ngay. Chả hiểu sao mấy gã khác cứ phải giả vờ anh họp cơ quan, sếp triệu có việc gấp nhỉ. Thật là mất danh giá đàn ông. Giờ vợ có đi đâu xa đôi ba ngày cấm có được xúc phạm chồng kiểu "em đã mua sẵn đủ thức ăn trong tủ lạnh".
Chàng đây thừa sức chợ búa cơm nước, con nó còn khen hơn mẹ nấu ấy chứ. Và rõ là vì con hợp cơm bố hơn nên lâu nay chàng rất bực nếu vợ không để chàng thỉnh thoảng solo đạo diễn bữa tươi mà cứ nhúng tay vào chỉ trỏ như đàn bà xấu thiên hạ.
Nàng chừa hết những tật xấu gây thiệt hại cho sự nghiệp "dụ chồng gánh việc nhà" như sợ chồng làm lợn lành thành lợn què, không tin chồng mình giỏi việc nhà, siêu chăm con như mọi đàn ông chân chính khác, thay dằn dỗi, chiến tranh lạnh bằng tươi cười yếu đuối "nhờ", nũng nịu buồn khi bắt bệnh chàng lười chứ không phải kém. Khó nhất là kiềm chế xót lòng khi chàng lỡ tay tắm con lâu quá khiến nhóc sụt sịt, chàng cáu mù mịt vì con nhớ nhầm mặt chữ chứ chàng chê vợ đoảng khiến chàng phải làm mẫu vài món tủ thì nàng còn khấp khởi mừng thầm trong bụng ấy chứ.
Nàng biết thừa vì sao nick "Hoàng tử có vợ" trên Facebook lại chăm chỉ ủng hộ, bình luận những bài nàng khoe chồng xịn và lớn tiếng bênh vực nàng mỗi khi các bà bạn tỏ ra ghen tị. Nick ấy lại còn hết lời cám ơn nàng chỉ cách giúp bí quyết chinh phục vợ... gã mỗi khi gã cầu cứu vẽ đường. Thì ra để chồng ghé đỡ việc nhà chỉ cần đừng quên kỹ năng gieo vào chàng nhu cầu muốn bày tỏ thương yêu, trách nhiệm với gia đình bằng hành động thiết thực.
Miễn vợ đừng sốt ruột khi chồng chưa phải siêu nhân, đừng so sánh với thiên hạ, biết nâng niu từng bước tiến của chàng để chàng thấy mình cần cho vợ con. Đến ngày nào chàng hạnh phúc vì vợ con hạnh phúc là chả cần Facebook giúp biến ảo thành thực nữa.
Theo GĐVN
Kỳ diệu, chuyện kể như phim Đã có lúc tôi nghĩ cách duy nhất để tôi thoát khỏi gia đình này chính là ly hôn, từ bỏ người chồng yếu sinh lý, ghen tuông lại còn vũ phu này. Nhưng sức mạnh của tình yêu đã thay đổi tất cả khi tôi gặp được điều kì diệu. Trước đây, cuộc sống hiện tại với tôi giống như địa ngục....