4 năm TP HCM cải tạo, xây mới được hai chung cư cũ
Từ khi chương trình hành động của Thành ủy năm 2016 đến nay, mới có 2 chung cư cũ được cải tạo, xây mới trong số 237 chung cư kế hoạch đề ra.
Thông tin được ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP HCM nói tại cuộc họp Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, chiều 16/11.
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP HCM báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Trung Sơn.
Hai chung cư cũ được xây mới ở số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3) và lô B chung cư Nguyễn Kim ( quận 10), với 876 căn hộ, tổng diện tích sàn khoảng 90.000 m2. Ngoài ra, 3 chung cư đang thi công dang dở có quy mô khoảng 260.000 m2 sàn với hơn 2.000 căn hộ, gồm: 231 Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình); 289 Trần Hưng Đạo và Cô Giang đều ở quận 1.
Việc cải tạo và xây mới chung cư nằm trong chương trình hành động của Thành uỷ TP HCM đề ra từ năm 2016. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 thành phố sẽ cải tạo, sửa chữa hoặc xây mới 237 chung cư (chiếm 50%) trong số 474 chung cư có trước năm 1975 bị xuống cấp, hư hỏng. Trong đó, 15 chung cư cấp D (cấp nguy hiểm) phải di dời, tháo dỡ, đầu tư xây dựng mới.
Theo ông Khiết, 5 năm qua TP HCM đã hoàn tất phân loại và kiểm định chất lượng đối với 474 chung cư cũ. Trong số này 199 chung cư được sửa chữa, nâng cấp với tổng chi phí hơn 275 tỷ đồng. Thành phố đã di dời 19 chung cư với 885 hộ, trong đó đối với 15 chung cư cấp D di dời được 6 khu với 335 hộ…
Về công tác tháo dỡ, thành phố đã tháo toàn bộ 10 chung cư với 14 lô diện tích hơn 120.000 m2 sàn. Trong đó, với 15 chung cư cấp D đã tháo dỡ được 4, còn chung cư không phải cấp D tháo dỡ được 6 với khoảng 110.000 m2 sàn. “Thời gian qua thành phố chủ yếu sửa chữa, nâng cấp các chung cư cũ còn số lượng xây dựng mới rất ít”, ông Khiết nói.
Video đang HOT
Ông Khiết cho hay việc chung cư cũ chậm được xây mới do vướng một số khó khăn về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng như: đối với chung cư không phải cấp D phải có sự đồng thuận 100% hộ dân; còn ít cơ chế ưu đãi nhà đầu tư; chưa phân cấp phân, quyền nhiều cho quận, huyện trong việc đầu tư, xây mới chung cư cũ…
Chung cư Ngô Gia Tự ở quận 10 bị hư hỏng xuống cấp, hư hỏng vào tháng 3/2017 nhưng chưa thể tháo dỡ di dời. Ảnh: Thành Nguyễn.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết Nghị định 101/2015 đã có hướng dẫn quy định cụ thể nhưng quá trình thực hiện gặp nhiều vấn đề phát sinh dẫn đến cải tạo chung cư cũ đạt kết quả rất thấp. Vì thế vừa qua Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Xây dựng nghiên cứu sửa đổi.
“Cả nước hiện có khoảng 2.500 chung cư cũ, xuống cấp tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM. Ước tính đến cuối năm nay, số lượng chung cư được cải tạo, xây dựng mới chỉ đạt hơn 1% do vướng mắc về chính sách”, ông Sinh nói.
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, dự thảo sửa đổi Nghị định sẽ được xây dựng theo hướng đồng bộ, phù hợp với thực tế, đơn giản các thủ tục hành chính. Bộ Xây dựng sẽ ghi nhận tất cả ý kiến, nhất là từ các địa phương, doanh nghiệp đóng góp dự thảo trước khi trình Chính phủ.
Bộ Xây dựng đề nghị nhân rộng nhà chống lũ cho miền Trung
Bộ Xây dựng vừa có đề nghị nhân rộng mô hình nhà chống lũ tại các tỉnh miền Trung nhằm giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản cho người dân khi bão lũ.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng vừa dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Xây dựng khảo sát, đánh giá và khắc phục hậu quả sạt lở đất tại một số tỉnh miền Trung nhằm khuyến nghị nhân rộng mô hình nhà chống lũ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra do người dân.
Bộ Xây dựng cho biết, từ năm 2014 Chính phủ, Bộ Xây dựng đã triển khai Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt cho 14 tỉnh miền Trung.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cùng đoàn công tác của Bộ Xây dựng khảo sát, đánh giá hiệu quả mô hình nhà chống lũ tại Quảng Bình. Ảnh: TP
Theo đó chương trình đưa ra các gói hỗ trợ từ 12-16 triệu đồng/ hộ và các gói vay lãi xuất ưu đãi để người dân xây nhà chống lũ. Bộ Xây dựng cũng đưa ra giải pháp kỹ thuật, bản vẽ các mô hình nhà chống lũ có khả năng đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho người dân khi bão lũ.
Tính đến tháng 9-2020, các địa phương đã thực hiện hỗ trợ được khoảng 19.244/21.600 hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở phòng tránh bão, lụt (đạt 89,1%), với tổng số vốn đã giải ngân là 661,6 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách nhà nước là 249,6 tỷ đồng, vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội là 192 tỷ đồng và các nguồn vốn khác ước tính khoảng 220 tỷ đồng.
Hiện nay, có 6/13 địa phương đã hoàn thành việc hỗ trợ theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg, gồm Hà Tĩnh, Nghệ An, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận và thành phố Đà Nẵng; 07 tỉnh còn lại gồm: Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định đều có tỷ lệ hoàn thành đạt trên 70%.
Theo số liệu thống kê thiệt hại về nhà ở do bão, lũ gây ra tại các tỉnh miền Trung trong giai đoạn trước khi có các Chương trình hỗ trợ nhà ở được ban hành (Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg; Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg và Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg), năm 2009 có hơn 263.000 ngôi nhà bị ngập, hư hại, tốc mái, có 179 người chết; năm 2010, con số này là 182.000 ngôi nhà và 68 người chết; năm 2011 là 126.000 ngôi nhà và 57 người chết.
Kể từ khi các chương trình hỗ trợ nhà ở được ban hành, đã có hơn 170.000 hộ gia đình tại khu vực miền Trung được hỗ trợ xây dựng nhà ở (bao gồm 122.450 ngôi nhà được xây dựng theo Chương trình hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo QĐ 22/2013/QĐ-TTg; 28.000 ngôi nhà được xây dựng theo Chương trình hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo QĐ 33/2015/QĐ-TTg; gần 20.000 ngôi nhà phòng, tránh bão, lụt theo QĐ 48/2014/QĐ-TTg).
Các Chương trình hỗ trợ nhà ở đã giúp cho hàng trăm nghìn người dân có nơi tránh trú khi mùa mưa bão đến, bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản, giảm thiểu được thiệt hại do thiên tai gây ra.
Số liệu thống kê cho thấy kể từ năm 2016, số nhà ở bị thiệt hại nặng (từ 30% trở lên) giảm mạnh: năm 2016 khoảng 2.000 căn; cơn bão số 10 năm 2017 (là cơn bão mạnh nhất trong giai đoạn 10 năm trước đó) làm thiệt hại khoảng 117.000 căn; năm 2018, 2019 mỗi năm khoảng 3.500 căn.
Mô hình nhà chống lũ theo thiết kế của Bộ Xây dựng được triển khai tại tỉnh Quảng Bình. Ảnh: TP
Riêng năm 2020, trong tháng 10 có 03 cơn bão (số 5, 6, 7) và hai cơn áp thấp nhiệt đới gây 02 đợt mưa lớn kéo dài cộng với lũ lớn, lũ đặc biệt lớn, đã khiến đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt (bão chồng bão, mưa chồng mưa, lũ chồng lũ), mức ngập lụt vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999, thậm chí có nơi vượt mốc lịch sử 40 năm qua.
Theo thống kê chưa đầy đủ hiện đã có 37.524 ngôi nhà bị hư hỏng, tuy cao hơn những năm vừa qua nhưng thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước khi có các Chương trình hỗ trợ nhà ở nêu trên. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, hiện chưa có căn nhà nào thuộc Chương trình hỗ trợ nhà ở phòng, tránh bão, lụt theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg bị sập đổ, hư hỏng nặng trong đợt mưa lũ vừa qua tại miền Trung.
Các Chương trình hỗ trợ nhà ở nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là hộ nghèo cũng như các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương. Việc thực hiện các Chương trình hỗ trợ nhà ở ngoài việc đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản, đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân còn có ý nghĩa lớn về đảm bảo chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế tại các địa bàn, khu vực khó khăn theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Chia sẻ về hiệu quả của chương trình nhà chống lũ, Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản Bộ Xây dựng cho biết:
"Qua kiểm tra ở địa phương, chúng tôi thấy rằng nhà chống lũ đã phát huy hiệu quả tốt, đảm bảo sinh mạng và tài sản cho người dân không chỉ trong mùa bão lụt năm nay mà cả 10 năm vừa qua. Hiện nay, chương trình đã thực hiện hơn 19,2 nghìn căn hộ/21,5 nghìn hộ dân có nhu cầu. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các địa phương đánh giá hiệu quả mô hình nhà chống lũ, bão lụt theo QĐ 48/2014/QĐ-TTg, từ đó, đề xuất nhân rộng mô hình theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng, tăng mức hỗ trợ Nhà nước để xây những ngôi nhà đảm bảo an toàn, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định".
Thủy điện sử dụng 1 m2 đất rừng tự nhiên cũng sẽ bị loại trừ Nhìn nhận về việc lập Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện 8), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh một lần nữa khẳng định, Bộ Công Thương sẽ cập nhật và quy định rất rõ, cho dù bất kỳ một dự án thủy điện ở quy mô nào nếu...