4 lý do, ông Donald Trump nên đến thăm Việt Nam
Khi chính sách châu Á của chính quyền Mỹ đang định hình, hội nghị APEC ở Việt Nam và Thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại Philippines trong năm nay được coi như phép thử đối với sự tham gia của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Bài viết “Vì sao ông Trump cần đến APEC và EAS ở Việt Nam và Philippines” vừa được đăng trên tạp chí Nhật Bản The Diplomat cho rằng, tần suất đến châu Á của người tiền nhiệm Barack Obama khiến Tổng thống Donald Trump khó theo kịp. Và việc Tổng thống Trump không làm như vậy có thể khiến người ta càng nghĩ rằng, ông đang theo đuổi chính sách đối ngoại có tính chất giao dịch. Nhưng thực tế là 3 tổng thống gần đây của Mỹ đều bỏ lỡ tất cả hoặc gần như tất cả các các hội nghị thượng đỉnh ở châu Á vì nhiều lý do, từ vấn đề chính trị nội bộ đến khủng hoảng ở các khu vực khác của thế giới.
Nhìn chung, việc tổng thống Mỹ tham dự các hội nghị ở châu Á không phải thước đo duy nhất cho mức độ can dự cũng như không phải hành động ý nghĩa nhất. Trong những hoàn cảnh thông thường, các quan chức cấp dưới có thể đại diện cho tổng thống Mỹ. Nhưng theo bài viết, năm nay không phải năm bình thường. Đây là năm đầu tiên ông Trump lên nắm quyền, và năm nay cũng là năm đầu tiên ông Trump có cơ hội tham dự hai hội nghị thượng đỉnh ở châu Á. Vì thế, đây sẽ là cơ hội cho ông giải tỏa lo lắng về việc Mỹ có thể bớt tham gia các hoạt động trong khu vực, cũng như vạch ra cách tiếp cận của chính quyền Mỹ mới đối với châu Á nói chung, Đông Nam Á nói riêng.
4 lý do
Video đang HOT
Trước tiên, nếu ông Trump tham dự sẽ làm giảm sự bất định đối với mức độ tham gia của Mỹ ở châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Sự tham gia của Mỹ đã bắt đầu với các quan chức trong nội các Mỹ, nhưng tính chất phi truyền thống của chính quyền hiện nay khiến châu Á vẫn chưa thể chắc chắn về ý nghĩa các chuyến thăm của từng quan chức Mỹ và vẫn tin rằng, chính sách tập trung trong tay Nhà Trắng nhiều hơn bao giờ hết. Điều đó khiến một chuyến đi của ông Trump đến Hội nghị cấp cao APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương) hay EAS càng có ý nghĩa hơn.
Dù các nước châu Á quen với nhiều mức độ tham gia của Mỹ vào khu vực, nhưng thật khó để so sánh khi còn quá nhiều câu hỏi về chính sách của Mỹ, từ kinh tế đến nhân quyền, từ Trung Quốc đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Một số nước băn khoăn rằng, chủ nghĩa giao dịch có phải là việc họ phải bỏ chi phí để đạt được thỏa thuận nào đó. Một số nước, đặc biệt ở Đông Nam Á, sợ rằng chủ trương nước Mỹ là trên hết, tập trung vào các mối đe dọa, sẽ khiến Mỹ chỉ chú trọng đến Trung Quốc và chủ nghĩa khủng bố mà bỏ lỡ những cơ hội về kinh tế, hạn chế trong quan hệ đồng minh, đối tác.
Thứ hai, Tổng thống Trump có thể sớm gửi tín hiệu rõ ràng về cách chính quyền của ông sẽ coi các cơ chế đa phương ở châu Á Thái Bình Dương như thế nào. Dù các chính quyền Mỹ thường bị châm biếm với những khái niệm “song phương” (George W. Bush) hay “đa phương” (Barack Obama), trên thực tế, các tổng thống Mỹ thường có cách tự cân bằng.
Dù một số người sớm gạt bỏ khả năng ông Trump sẽ “ôm hôn” chủ nghĩa đa phương sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương ( TPP) và không nhắc đến ASEAN, nhưng bản thân ông đã thể hiện một số dấu hiệu tiết chế quan điểm này trong một số trường hợp. Đáng chú ý là, sau khi chê trách NATO trong quá trình tranh cử, Tổng thống Trump thông báo vào cuối tháng Ba rằng, ông sẽ dự cuộc gặp thượng đỉnh của khối này vào tháng Năm. ASEAN không phải NATO. Nhưng nếu chính quyền Mỹ khôn ngoan, họ sẽ sử dụng việc tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN và EAS trùng với dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và 40 năm quan hệ Mỹ ASEAN để thúc đẩy một ASEAN tham vọng hơn và EAS hành động hơn. Cách tốt nhất là ông Trump tham dự vào tháng 11 và trực tiếp thúc đẩy những điều đó.
Thứ ba, ông Trump có thể tính toán chiến lược đầu tư và thương mại cho nước Mỹ ở châu Á. Việc ông Trump quay lưng với TPP được coi là cú đánh mạnh với nước Mỹ về kinh tế và chiến lược, tạo cơ hội cho Trung Quốc và khiến khu vực lo lắng hơn. Việc lấp vào chỗ trống đó có thể bắt đầu bằng cách theo đuổi những thỏa thuận thương mại song phương tiêu chuẩn cao với một số thành viên TPP như Nhật Bản, vì đó có thể trở thành hình mẫu cho các thỏa thuận khác và đặt ra tiêu chuẩn cho thương mại trong thế kỷ 21. Bài viết trên The Diplomat cho rằng, Việt Nam là nơi hợp lý để làm những việc đó vì Việt Nam cũng là thành viên TPP. Việt Nam tổ chức APEC năm 2006 mà tại đó ông Bush đã đưa ra tầm nhìn dài hạn về việc thiết lập một khu vực thương mại tự do châu Á Thái Bình Dương (FTAAP) để thúc đẩy mở cửa và tự do thương mại.
Thứ tư, ông Trump có thể nhân cơ hội này để thúc đẩy quan hệ với hai quốc gia đóng vai trò quan trọng trong chính sách can dự an ninh của Mỹ vào tiểu khu vực. Dù ông có thể không thấy thuyết phục về giá trị của việc tham dự hai cuộc gặp thượng đỉnh năm nay trên những phương diện rộng hơn như cam kết hay can dự đa phương, Việt Nam và Philippines đều đáng để Mỹ chú ý trên quan điểm Mỹ là trên hết. Philippines, một trong năm đồng minh có hiệp ước với Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương, đang là một trong những nơi chủ chốt cho sự hiện diện quân sự của Mỹ. Và việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương cho Việt Nam có thể mở ra những cơ hội mới cho hai nước phát triển quan hệ trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, bài viết nhận định.
Theo Danviet
Thứ trưởng Ngoại giao: 'Thành viên APEC đều quyết tâm thúc đẩy TPP'
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn cho biết đại diện các nền kinh tế APEC tham dự hội nghị đầu tiên của năm APEC 2017 đều thể hiện quyết tâm thông qua Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Thứ trưởng ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: Giang Huy
"Hiện Nhật Bản đã thông qua TPP, các nền kinh tế thành viên khác cũng tỏ quyết tâm tiếp tục thúc đẩy tiến trình phê chuẩn hiệp định này. Điều đó thể hiện quyết tâm thúc đẩy quá trình tự do hoá thương mại, đầu tư, liên kết giữa các nền kinh tế thành viên", ông Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch quan chức cao cấp APEC (SOM) Việt Nam, trả lời câu hỏi của VnExpress trong họp báo chiều nay.
Theo ông Sơn, qua các trao đổi tại Hội nghị cấp cao APEC tại Peru tháng trước và Hội nghị quan chức cấp cao APEC không chính thức (ISOM) lần này, có thể thấy rõ một điều là mặc dù hiện nay nơi này nơi kia có xu thế gia tăng chủ nghĩa bảo hộ nhưng các đại diện của APEC đều khẳng định quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh quá trình tự do hoá thương mại, đầu tư ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nguyên nhân là từ khi hình thành các hoạt động của APEC trong thúc đẩy liên kết tự do hoá thương mại và đầu tư đã tạo ra lợi ích rất lớn cho các nền kinh tế thành viên, cho các doanh nghiệp và người dân.
Theo thứ trưởng Sơn, tiến trình này có hai vấn đề đặt ra, một là hướng tới khu vực mậu dịch tự do trên toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, điều mà tại Lima đã có tuyên bố của các nhà lãnh đạo về khu vực tự do chung. Để tiến tới mục tiêu đó cũng có các con đường khác nhau, trong đó có TPP, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) cũng đang được tiến hành.
Góp thêm ý kiến về vấn đề này, ông Alan Bollard, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, cho biết New Zealand đã thông qua TPP trước Nhật Bản và nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo các nước ở hội nghị tại Lima. Việc TPP có hoạt động mà không có sự tham gia của Mỹ hay không sẽ phụ thuộc vào chính các nền kinh tế APEC.
Trước đó, ông Bùi Thanh Sơn cho biết trong năm APEC 2017, khi Việt Nam chủ trì, dự kiến có khoảng 200 hoạt động lớn nhỏ, trong đó quan trọng nhất là Tuần lễ cấp cao diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 11 năm sau. Khoảng 1.000 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới cũng sẽ đến Việt Nam dự các hoạt động liên quan.
Ông Alan Bollard, ngoài cùng bên trái, cùng chủ trì họp báo chiều nay. Ảnh: Giang Huy
Việt Anh
Theo VNE
Nhật Bản nỗ lực thuyết phục APEC duy trì TPP Đại diện Nhật Bản khẳng định nước này đang tích cực trao đổi để các nước thành viên APEC cùng xúc tiến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đại diện của các nền kinh tế APEC dự cuộc họp không chính thức Quan chức cao cấp (ISOM) sáng nay. Ảnh: Giang Huy "Chúng tôi sẽ sẵn sàng đưa TPP trở...