4 lỗi chẩn đoán của bác sĩ đối với bệnh nhân: Lỗi thứ tư hiếm gặp nhưng lại là ‘có chủ ý’!
Việc chẩn đoán – điều trị sai gây tổn hại kinh tế rất lớn. Báo cáo từ Viện Y học Hoa Kỳ năm 2013 cho thấy chẩn đoán sai làm phung phí tới 30% kinh phí cho sức khỏe hằng năm.
Một ca bệnh thực tế
Một bác sĩ đang trong ca trực thì nhận được điện thoại từ bệnh nhân nam khoảng sáu mươi tuổi. Bệnh nhân phàn nàn về tình trạng dễ té và cho biết thêm là ông vừa bắt đầu dùng thuốc hạ huyết áp mới (hydrochlorothiazide) từ 3 hôm nay. Ông đang dùng lisinopril (một thuốc hạ huyết áp khác) hàng ngày trong hơn một năm qua và vừa được kê thêm thuốc nói trên.
Bác sĩ nhanh chóng cho rằng bệnh nhân dễ té ngã vì dùng thuốc mới; đề nghị bệnh nhân ngừng thuốc và kiểm tra huyết áp bằng máy đo huyết áp tại nhà.
Qua điện thoại, bác sĩ khuyên bệnh nhân đi khám ngay lập tức nếu chỉ số trên của huyết áp (huyết áp tâm thu) vượt quá 180 mmHg, hoặc hẹn gặp với bác sĩ phụ trách để được đổi loại thuốc huyết áp khác.
Chiều hôm sau, bệnh nhân nói trên nhập viện trong tình trạng liệt tay, chân phải và nói khó. Ông được chẩn đoán mắc tai biến mạch máu não với hình ảnh rõ ràng trên MRI não. Dựa trên các triệu chứng và tiền sử chi tiết của bệnh nhân, các bác sĩ xác nhận tình trạng yếu cơ dễ té của bệnh nhân là do tắc mạch máu não, chứ không phải do tác dụng phụ của hydrochlorothiazide.
Vì nhập viện quá thời gian vàng để được can thiệp nội mạch, bệnh nhân được điều trị bằng các thuốc kháng tiểu cầu và tiếp tục tập phục hồi chức năng trong và sau khi ra viện. Tuy nhiên, ông vẫn còn yếu tay – chân và nói khó 3 tháng sau đó.
Do cái điện thoại?
Câu chuyện này cho thấy một số vấn đề giao tiếp giữa bác sĩ và bệnh nhân.
Vì bác sĩ chỉ nói chuyện với bệnh nhân qua điện thoại nên đã không thể thăm khám hoàn chỉnh, bao gồm hỏi bệnh sử kỹ lưỡng và xem cử động chân-tay (đánh giá thần kinh) trực quan của bệnh nhân.
Khi bệnh nhân báo rằng dễ bị té sau khi dùng thuốc huyết áp mới, bác sĩ đã tập trung ngay vào thông tin đó và gán ghép rằng thuốc có thể đã làm hạ huyết áp khi đứng. Mặc dù tụt huyết áp do tư thế là một tác dụng phụ có thể xảy ra với hydrochlorothiazide, nhất là ở người già, nhưng bác sĩ đã chấm dứt quá trình thu thập dữ liệu và suy nghĩ quá nhanh chóng.
Hơn nữa, khi nói chuyện với bệnh nhân, bác sĩ đã không hỏi những câu hỏi mở về các triệu chứng của bệnh nhân, như “Ông bị té như thế nào?”, “Ông còn gặp vấn đề nào nữa không?” Những câu hỏi này dù rất ngắn nhưng có thể tiết lộ thông tin quan trọng về tình trạng của người bệnh, chỉ ra mức độ nghiêm trọng của bệnh tình để can thiệp ngay.
Mỗi sai sót trong giao tiếp của bác sĩ với bệnh nhân có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Nguồn: Onthewards
Cuối cùng, ngoài việc lưu ý bệnh nhân nên đi khám ngay nếu huyết áp tăng trên 180 mmHg, bác sĩ đã không nói cho bệnh nhân bất kỳ hướng dẫn nào khác, chẳng hạn như phải làm gì nếu tiếp tục bị té hoặc cách ứng phó khi có các triệu chứng mới.
Video đang HOT
Tình hình chẩn đoán sai: Nghiêm trọng và… không hiếm
Câu chuyện nói trên chỉ là một trong hàng trăm ngàn tình huống chẩn đoán – điều trị sai đang xảy ra trong quá trình khám chữa bệnh trên phạm vi toàn cầu. Trong một khảo sát trên gần 6.500 bác sĩ và trợ lý bác sĩ thực hiện online bởi tổ chức QuantiaMD tại Hoa Kỳ năm 2011, 64% trả lời rằng 10% trường hợp mà họ chẩn đoán sai đã thật sự gây hại cho người bệnh.
Một nghiên cứu khác dựa trên 538 ca báo cáo tại Hoa Kỳ năm 2009 về chẩn đoán sai cho thấy 28% trong số đó đã dẫn tới kết cục tử vong, biến chứng nặng hoặc thương tật vĩnh viễn cho người bệnh.
Việc chẩn đoán – điều trị sai cũng gây tổn hại kinh tế rất lớn. Báo cáo từ Viện Y học Hoa Kỳ năm 2013 cho thấy chẩn đoán sai làm phung phí tới 30% kinh phí cho sức khỏe hằng năm.
Vai trò quan trọng của giao tiếp
Nhiều nghiên cứu đã xác định các yếu tố có thể góp phần gây ra chẩn đoán sai, mà việc thiếu giao tiếp giữa bệnh nhân và bác sĩ là phổ biến và nghiêm trọng nhất.
Khi xem xét các bản tường thuật về lỗi chẩn đoán từ 2010, các nhà nghiên cứu ở Baylor College of Medicine (Hoa Kỳ, 2018) nhận thấy khoảng 75% trường hợp là có liên quan tới hành vi của bác sĩ. Các trường hợp này được bệnh nhân hoặc người thân cho là nguyên nhân.
Những hành vi kể trên có thể được phân làm 4 nhóm không phù hợp với chăm sóc – điều trị lấy bệnh nhân làm trung tâm, gồm:
Lỗi 1 – Bỏ qua thông tin từ bệnh nhân: Nhiều bệnh nhân cảm thấy các bác sĩ đã phớt lờ hoặc bác bỏ lời khai của họ về các manh mối giúp chẩn đoán như các triệu chứng mới, triệu chứng đáng lo ngại, sự thay đổi hoặc không cải thiện bệnh trạng, dẫn đến sai sót trong chẩn đoán.
Lỗi 2 – Không tôn trọng bệnh nhân: Nhiều bệnh nhân nói rằng bác sĩ đã giao tiếp thiếu tôn trọng, rập khuôn hoặc thô lỗ với họ và gia đình họ. Việc này có thể góp phần gây ra sai sót trong chẩn đoán vì bệnh nhân sẽ sợ hãi hoặc chán ngán, dẫn tới không cung cấp đủ thông tin cần thiết.
Nguồn: https://www.improvediagnosis.org
Lỗi 3 – Không giao tiếp hiệu quả: Nhóm lỗi này bao gồm nhiều tình huống đa dạng, từ việc không giao tiếp hiệu quả đến đỉnh điểm là cắt đứt giao tiếp. Một số bệnh nhân nói rằng bác sĩ đã chỉ im lặng trước câu hỏi của họ, dù trực tiếp hoặc qua điện thoại, hoặc từ chối nói chuyện thẳng thắn với mình.
Lỗi 4 – Thao túng cảm giác hoặc lừa dối người bệnh: Dù hiếm gặp hơn, một số bệnh nhân nói rằng bác sĩ của họ đang dùng nỗi sợ hãi để dẫn dắt họ theo một hướng nhất định, hoặc cố tình cung cấp thông tin một chiều làm họ chọn sai.
Vài bệnh nhân kể lại rằng bác sĩ nói họ sẽ chết nếu không mổ, trong khi họ chỉ muốn xin thêm ý kiến thứ hai ở một bệnh viện khác. Kết cục là người bệnh đó đã không cần phải mổ gì hết.
Như vậy, có thể thấy rằng nhiều tình huống gây nên chẩn đoán và điều trị sai là có thể phòng ngừa nhờ cải thiện giao tiếp giữa bác sĩ và người bệnh. Trước xu hướng sử dụng TeleMedicine để chẩn đoán và tư vấn từ xa, những lỗi lầm do giao tiếp như ví dụ trên có thể được cải thiện nhưng cũng có thể… khuếch đại nghiêm trọng hơn vì hiệu quả của tiếp cận nhanh-rộng.
Mong rằng bài viết ngắn này giúp nêu bật vai trò của giao tiếp trong y tế, qua đó hạn chế tối đa vấn đề sai sót trong quá trình chẩn đoán và điều trị khi ứng dụng công nghệ số.
Tác giả: Bác sĩ Phạm Nguyên Quý
BS.TS. Phạm Nguyên Quý, Khoa Nội khoa ung thư, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren, Đại học Kyoto (Nhật Bản); Trưởng dự án Y học cộng đồng.
1. Y Học Cộng Đồng là dự án thiện nguyện do nhiều bác sĩ trong và ngoài nước chung tay xây dựng với sự hỗ trợ của nhóm CNTT và hơn 200 cộng tác viên.
2. Website https://yhoccongdong.com/ là nơi tổng hợp và chuyển tải thông tin cơ bản, quan trọng về nhiều loại bệnh, cách điều trị và phòng tránh giúp cộng đồng giữ gìn sức khỏe. Những thông tin này luôn tham khảo tài liệu dành cho bệnh nhân uy tín ở Anh, Nhật, Mỹ để đảm bảo tính xác thực và tính hệ thống.
Tài liệu tham khảo:
1. Physician Perspectives on Preventing Diagnostic Errors, Owen W. MacDonald.
ttps://www.quantiamd.com/q-qcp/QuantiaMD_PreventingDiagnosticErrors_Whitepaper_1.pdf
2. Diagnostic error in medicine: analysis of 583 physician-reported errors. G.D. Schiff, et al. Arch Intern Med. 2009 Nov 9;169(20):1881-7.
http://archinte.jamanetwork.com/article.aspx?articleid=1108559
3. https://www.bcm.edu/news/patient-experience-with-misdiagnosis
4. Best Care at Lower Cost: The Path to Continuously Learning Health Care in America. Mark Smith, Robert Saunders, Leigh Stuckhardt, and J. Michael McGinnis.
Người lớn tuổi có nên uống thuốc hạ huyết áp?
Tôi 82 tuổi, huyết áp lúc cao, lúc thấp; huyết áp tối thiểu là 85/50. Tôi có nên uống thuốc hạ huyết áp không? Trường hợp huyết áp không ổn định và lớn tuổi như tôi, trong mùa dịch Covid-19 hạn chế ra ngoài, thì cần phải làm gì?
(hello...@gmail.com)
Cần theo dõi huyết áp tại nhà ít nhất 2 lần/ngày - ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Bé Hai, Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM):
Trong thời gian còn dịch Covid-19, người lớn tuổi, người có bệnh nền mạn tính là những người có nguy cơ cao nên được khuyến cáo hạn chế đi lại, ra ngoài để phòng chống bị lây nhiễm bệnh. Vì vậy, cũng làm hạn chế việc đến bệnh viện tái khám của người lớn tuổi.
Do đó, người lớn tuổi, có bệnh mạn tính cần được quan tâm chăm sóc, chú ý hơn về sức khỏe tại nhà.
Huyết áp của bác mức 85/50 mmHg là thấp. Ở tuổi 82, huyết áp tốt nhất là dưới 140/90 mmHg, nhưng phải trên 120/70 mmHg.
Nếu người lớn tuổi bị huyết áp thấp kéo dài sẽ dẫn đến suy thận, chóng mặt, té ngã.
Vì vậy, bác nên xem lại đang uống thuốc huyết áp gì, có thể gọi điện thoại đến cơ sở y tế để được bác sĩ tham vấn, có chỉ định điều chỉnh lại thuốc huyết áp.
Tốt nhất là đo huyết áp 24 giờ để dễ theo dõi và điều chỉnh.
Nếu bệnh nhân lớn tuổi có huyết áp dao động nhiều thì tốt nhất nên dùng thuốc huyết áp có tác dụng kéo dài.
Lưu ý, việc sử dụng thuốc phải theo chỉ định của bác sĩ.
Trong mùa dịch Covid-19, người lớn tuổi hạn chế đi khám bệnh nên để huyết áp ổn định, bác nên uống thuốc đều, đúng giờ theo toa của bác sĩ. Mặt khác, cần có chế độ ăn giảm mặn, giảm béo, tập thể dục tại nhà.
Cần theo dõi huyết áp lúc nghỉ tại nhà ít nhất 2 lần/ngày (nghỉ ngơi 15 - 20 phút trước khi đo huyết áp).
Chúc bác nhiều sức khỏe và ổn định huyết áp.
Chuyên gia cảnh báo những 'thực phẩm - thuốc' kỵ nhau Mọi người thường quan tâm đến vấn đề nên uống thuốc trước hoặc sau khi ăn, nhưng bạn có biết rằng một số loại thuốc "kỵ" một số loại thực phẩm? Ảnh minh họa: Shutterstock Từ bưởi và cam thảo, đến chuối và sữa, tiến sĩ Chris Steele, bác sĩ phụ trách chương trình y tế của đài truyền hình ITV của Anh,...